(DĐDN) Riêng trong năm 2011, có bốn thương vụ M&A lớn tại
Việt Nam có tổng giá trị đạt 749 triệu USD của các doanh nghiệp Trung
Quốc.
Làn sóng lạ đang dâng lên
Bằng công cụ tìm kiếm Google, gõ cụm từ "hoạt động M&A của doanh
nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam", sẽ xuất hiện 260.000 kết quả. Nhưng nếu
bấm vào các đường link kết quả này, hầu như không có thông tin chi tiết
nào về hoạt động trên của các công ty Trung Quốc tại Việt Nam. Chưa rõ
nguyên nhân tại sao, trong khi có rất nhiều bài viết về hoạt động mua
bán, sáp nhập của doanh nghiệp Nhật Bản. Điều này có vẻ lạ, xét trong
bối cảnh năm 2010 các công ty Trung Quốc (đại lục Hồng Kông, Ma Cao và
Đài Loan) đã đầu tư ra nước ngoài hơn 30 tỷ USD qua hình thức M&A.
Năm 2011, Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers LLP (PwC) công bố một
bản báo cáo cho thấy, giá trị các giao dịch M&A ra nước ngoài của
Trung Quốc đạt mức kỷ lục 42,9 tỷ USD. Tổng cộng có 207 thương vụ
M&A ra nước ngoài được các công ty Trung Quốc thực hiện vào năm
ngoái, tăng 10% so với năm 2010. Sự bùng nổ các thương vụ ở nước ngoài
đã thúc đẩy tổng số giao dịch M&A chung của Trung Quốc trong năm
2011 tăng 5% so với năm trước đó, với 5.364 giao dịch - một mức rất cao
so với nhiều năm trước.
Một
yếu tố thuận lợi thúc đẩy xu hướng này là sự phát triển ổn định của nền
kinh tế Trung Quốc. Trong điều kiện ấy, M&A nổi lên như một xu
hướng đầu tư quan trọng giúp chiếm lĩnh và mở rộng thị trường, thúc đẩy
tăng trưởng. Lý do cơ bản nhất của việc các công ty Trung Quốc đầu tư ra
nước ngoài là nhằm mục đích kiểm soát tốt hơn nguồn nguyên liệu đầu
vào, đặc biệt là khoáng sản và năng lượng. Hơn nữa, cũng giống như Việt
Nam, do lãi suất cho vay trong nước cao nên các tập đoàn Trung Quốc muốn
tận dụng nguồn vốn rẻ hơn tại các quốc gia khác như Mỹ và châu Âu. Đối
với Việt Nam, các tập đoàn Trung Quốc đã tham gia rất mạnh mẽ. Số vốn
FDI đăng ký của Trung Quốc tại Việt Nam năm 2011 đã lên đến hơn 4,4 tỷ
USD, chiếm 30% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam của năm. Mức này, theo
thống kê của StoxPlus, còn cao hơn cả Nhật Bản (2,4 tỷ USD) và Singapore
(2,2 tỷ USD). Vốn của Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu là trong những
ngành sản xuất và chế biến, xây dựng và cơ sở hạ tầng. Riêng đối với
kênh đầu tư gián tiếp, trong đó bao gồm hình thức mua lại, sáp nhập, mặc
dù số lượng các thương vụ do công ty Trung Quốc thực hiện được ghi nhận
không lớn như các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, nhưng StoxPlus nhận
thấy một đặc điểm chung quan trọng: nhiều thương vụ từ Trung Quốc có
tính chi phối rất cao. Ở đây, mua cổ phần chi phối được hiểu là mua số
lượng cổ phần lớn hơn 49% trong doanh nghiệp bị mua lại.
Chẳng hạn, chỉ tính riêng trong năm 2011, StoxPlus đã ghi nhận được bốn
thương vụ M&A quy mô lớn của Trung Quốc với tổng giá trị 749 triệu
USD tại Việt Nam. Xét trên số thương vụ, chỉ 25% số thương vụ là đầu tư
M&A có tính chi phối nhưng chiếm tới 81% tổng giá trị của các thương
vụ. Trong khi đó, số các thương vụ M&A thiểu số chiếm tới 75% nhưng
chỉ chiếm 19% về mặt giá trị.
Âm thầm, khó kiểm soát
Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, ông Vũ Bá Phú cho
rằng, nhiều cuộc thâu tóm doanh nghiệp thông qua sàn chứng khoán hay
mua lại các khoản đầu tư từ một số tổ chức đầu tư cũng đã xuất hiện.
Trong đó không loại trừ các cuộc thâu tóm có tính thù địch (hostile
takeover) hoặc vì các mục đích khác.
Một trong các thương vụ M&A có giá trị lớn do công ty Trung Quốc
tiến hành, dưới dạng mua cổ phần chi phối, là việc Tập đoàn C.P Pokphand
mua lại 70,82% cổ phần của C.P Việt Namvới giá 609 triệu USD. Theo dữ
liệu của StoxPlus, qua giao dịch này C.P sẽ chi phối tới 20% thị phần
thức ăn chăn nuôi của Việt Nam, đồng thời chiếm 77% thị trường thức ăn
chăn nuôi cho lợn công nghiệp và 30% thị trường thức ăn chăn nuôi cho gà
vịt. Đồng thời, công ty này cũng tạo nên sức ép cạnh tranh cực lớn đối
với các tập đoàn đến từ Mỹ và châu Âu trong ngành thức ăn chăn nuôi Việt
Nam. Liệu đây có phải là cái bắt tay đầy toan tính nhằm thống lĩnh thị
trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam? Ông Phú của Cục Quản lý cạnh tranh
nhấn mạnh: mua bán sáp nhập là một trong những hình thức tập trung kinh
tế thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh. Các hoạt động M&A
phải tham vấn ý kiến của Cục Quản lý cạnh tranh, nếu thị phần của doanh
nghiệp thực hiện M&A có dấu hiệu gia tăng nhanh sau sáp nhập.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo ngại vụ M&A giữa C.P Trung Quốc -
C.P Việt Nam có thể làm gia tăng tính phụ thuộc của thị trường thức ăn
chăn nuôi nội địa vào nguồn cung từ doanh nghiệp Trung Quốc. Đáng lo
ngại hơn, khi Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho
biết, hàng năm Việt Nam phải nhập 50% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn
nuôi từ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc. Bên cạnh đó, dữ liệu của
StoxPlus còn ghi nhận một số thương vụ gần đây có sự tham gia của các
công ty Trung Quốc nhằm mua lại cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam,
bao gồm Tập đoàn SW Kingsway Capital của tỷ phú người Hồng Kông
Jonathan Choi (chủ sở hữu tòa nhà Sunwah, Quận 1, TP.HCM) mua lại 10%
vốn cổ phần của VinaCapital - công ty quản lý quỹ lớn nhất Việt Nam, với
mức giá khoảng 19 triệu USD. Tập đoàn China Investment nhận chuyển
nhượng 19% cổ phần (tương đương 96,9 triệu USD) từ một tập đoàn Việt Nam
để đồng sở hữu Liên doanh Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2 tại Quảng
Ninh.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Công ty Dữ liệu Truyền thông
Tài chính StoxPlus, tác giả Báo cáo Phân tích M&A Việt Nam 2012, rõ
ràng các công ty Trung Quốc đã thâm nhập sâu vào một số ngành của Việt
Nam. Hình thức phổ biến hiện tại vẫn là đầu tư qua kênh đầu tư trực tiếp
FDI. Tuy nhiên, đầu tư qua kênh gián tiếp (FII) dưới hình thức M&A
đang có dấu hiệu gia tăng và sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới.
Thực tế này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện và can thiệp
vào một số giao dịch có tính chi phối hoặc kiểm soát, nhằm đảm bảo các
quy định của Luật Cạnh tranh và các quy định có liên quan được giám sát
triển khai. Quan trọng hơn là nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
Dữ liệu của StoxPlus cũng ghi nhận nhiều trường hợp phía Trung Quốc đã
đầu tư lớn, thậm chí mua cổ phần chi phối để nắm quyền kiểm soát tại một
số công ty lớn trong các ngành như chứng khoán, hàng hóa, nông nghiệp
v.v… Tuy nhiên, rất khó nhận diện các thương vụ này bởi chúng được cấu
trúc dưới hình thức ủy thác đầu tư hoặc đứng tên Hoa kiều. Do đó, chúng
vẫn được xem là giao dịch "trong nước".
Mặc dù số thương vụ M&A mà các công ty Trung Quốc tiến hành tại Việt
Nam ít hơn nhiều, nhưng so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như
Nhật Bản, Mỹ và Nga thì khi thực hiện giao dịch các tập đoàn Trung Quốc
có xu hướng sở hữu cổ phần chi phối nhiều hơn (biểu đồ 2). Cụ thể, nếu
Nhật Bản đầu tư hơn 1 tỷ USD qua hoạt động M&A vào Việt Nam với 26
thương vụ trong năm 2011, thì chỉ có 26% giá trị các thương vụ có tính
chi phối. Các tập đoàn từ Mỹ đầu tư vào Việt Nam 548 triệu USD trong năm
2011 thông qua 7 thương vụ thì 100% là các khoản đầu tư thiểu số, dưới
hình thức đầu tư cổ phần (private equity).
Các thương vụ mang tính chi phối/kiểm soát tăng rất mạnh
và đã chiếm tới 65% tổng số thương vụ tính theo giá trị. Hầu hết các
thương vụ có yếu tố nước ngoài đều có nguồn thu ngoại tệ vào Việt Nam.
Trong khi các giao dịch của các công ty trong nước phần lớn vẫn là hợp
nhất và không dùng tiền mặt. Riêng quý 1/2012, StoxPlus đã ghi nhận 68
thương vụ M&A với tổng giá trị 2,4 tỷ USD.
Theo Báo cáo M&A Việt Nam 2012 của StoxPlus,
tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2011 đạt 6,6 tỷ
USD, gấp gần 4 lần so với mức 1,75 tỷ USD của cả năm 2010. Khoảng 53%
quy mô thị trường theo giá trị thương vụ đến từ các tập đoàn nước ngoài
mua lại công ty Việt Nam. Mạnh nhất là từ Nhật Bản (26 thương vụ trị giá
945 triệu USD) và ngành được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều
nhất vẫn là thực phẩm và đồ uống (10 thương vụ, trị giá 1,1 tỷ USD).
Minh họa: H.P
No comments:
Post a Comment