Để mãi mãi nhớ ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Trần Văn Giang
Ngày 30 tháng 4, ngày có “hàng triệu người vui, hàng triệu người buồn” như lời nhận xét của “cựu thủ tướng” cs Võ Văn Kiệt, “người” này cũng giống như một số “người” lãnh đạo csvn khác phải chờ đến mãi buổi xế chiều của cuộc đời thì bỗng dưng phải gió rồi trở giọng “phản động.” Phải chi mấy “người” này tỉnh táo một chút vào lúc đang còn quyền cao chức rộng thì đám dân đen cũng được nhờ (!) và đã nhiều sinh mạng không phải oan thác.
CS vẫn tiếp tục hân hoan vui mừng “nhiệt liệt” hợp ca cái điệp khúc “ngày chiến thắng huy hoàng”, “là một (ngày) thắng lợi vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.” (sic) (Lời của Đại tướng gốc thợ may Văn Tiến Dũng).
Kỷ niệm chiến thắng, bắn pháo hoa “diễu binh” ăn mừng ngày 30/4, mà ngay bên lề đường còn nhiều đám dân đen xếp hàng kêu oan bị cướp mất đất, bà già run rẩy ăn xin, em bé bỏ học bán vé số… Ăn mừng ngày đánh “Mỹ cút ngụy nhào.” Oái oăm, ngày này cũng là ngày ăn mừng “đổi mới,” trải thảm đỏ mời đón Mỹ trở lại đầu tư vì “đảng ta” vừa mới định hướng kinh tế thị trường XHCN và cảm thấy “bị tư bản bóc lột” là chuyện “tiên tiến, tốt” phải làm trong giai đoạn phát triển kinh tế quốc gia. Ngày này cũng là ngày các lãnh tụ csvn vĩ đại kêu gọi “khúc ruột ngàn dặm” về xây dựng quê hương vì sau mấy chục năm chiến thắng vinh qunag “đảng ta” vẫn chỉ giỏi ở cái mảng phá hoại và tham ô.
Đám chăn trâu, thợ thiến heo, ở đợ, cướp cạn, thất học… đi bộ từ trong rừng ra với áo không lành giầy không vớ “ăn mừng” vì bỗng nhiên một sớm một chiều trở thành tiến sĩ, đại gia, cán bộ cao cấp lèo lái “con thuyền không bến” Việt Nam đến vinh quang vô địch (?)
Ăn mừng vì “thép đã tôi thế đấy” đội ngũ cán bộ lãnh đạo (từ chính quyền trung ương đến cơ sở chính quyền địa phương) thành một lũ vô cảm, dửng dưng trước những đau khổ quằn quại của đồng loại, coi thường dân, không dám nhận chịu trách nhiệm về những sai trái; Ăn mừng vui vì “tụi nó” cướp của người khác chứ không (chưa) cướp đến của nhà mình?!
Ngược lại, cũng có nhiều người ở cùng chiến tuyến với cs rất buồn vì đã tự “giác ngộ.” Họ nhìn ra là họ đã bỏ phí cả thời xuân xanh, tài sản để chạy theo cs rồi bây giờ sau mấy chục năm ròng mới nhận ra cái ngu xuẩn của mình và ngu xuẩn của chính sách cs; Mặc dù họ mới chợt “phản tỉnh” và tuyên bố “phản động” này nọ nhưng cũng chỉ làm cho có chuyện, làm để lấy tiếng ngu vì cô thế (người quốc gia còn bán tín bán nghi, không buồn để ý đến họ), sức đã mòn, chợ đã chiều… không thay đổi cái quái gì được nữa!
Có những “cựu” cảm tình viên cs, “hùa” viên cs (loại này rất đông đảo – Họ hầu như mù tịt về cs nhưng lại thích làm dáng cs; loại “Nếu là chim tôi sẽ là bồ câu trắng / Nếu là hoa tôi sẽ là hoa hướng dương / Nếu là người tôi sẽ là người cộng sản… Người quốc gia cỡ phó thường dân thôi cũng hiểu là cs không phải là bồ câu trắng; và cs cũng chẳng có ưa gì hoa hướng dương, hoa hướng âm gì ráo trọi!) thích và mơ tưởng thiên đường bánh vẽ cs; ăn cơm quốc gia thờ ma cs. Đám đông này trước đây rất ồn ào, đã từng nhẩy múa điên cuồng theo nhịp đập trống bịp bợm của cs rồi bây giờ rất buồn; đành phải im lặng vì cái thực tế cs quá bẽ bàng làm họ không thể nói và làm gì hơn để biện minh cho cái sự kiện “bé cái lầm” của mình.
Có những gia đình gồm nhiều thế hệ dù không bao giờ chấp nhận cs nhưng không tìm được lối thoát thân. Họ rất buồn vì phải đón chịu tất cả những trận đòn thù hận, tù đày, bao vây kinh tế… từ mafia cs.
Có trên 3 triệu người tị nạn ở hải ngoại rất buồn, nhìn về ngày 30/4 như một ngày quốc hận, một tháng Tư đen; một ngày đau đớn cay đắng nhiều nước mắt nhất trong suốt 4000 ngàn năm lịch sử dân tộc Việt.
Ai thắng? Ai thua?
Sau một cuộc chiến tranh thì phải có kẻ chiến thắng, người bại trận. Cứ theo như luận điệu như csvn đang “ăn mừng” thì mọi người phải hiểu là “Mỹ và Ngụy đã thua?!” Mà có thiệt vậy không hà?
Hãy nhìn nước (“đế quốc”) Mỹ từ ngày 30/4/1975 cho đến hôm nay. Họ không có tỏ cái vẻ gì là một nước bại trận. Họ vẫn là một cường quốc mà các lãnh đạo csvn lần lượt thay phiên nhau xin đến thăm viếng (sau cấm vận!) Các chuyến thăm viếng của lãnh tụ csvn vẫn được báo lề phải cs tường trình như một niềm hãnh diện “Chủ tịch, Thủ tướng nước ta được Tổng thống Mỹ tiếp đón tại Nhà trắng, tại phòng Bầu dục, tại vườn Hồng…” Rõ ràng là các Tổng thống Clinton, Bush đã đến Việt Nam mà vẫn được dân chúng Việt Nam niềm nở háo hức tiếp đón… Họ không hề đến Việt Nam để ký giấy đầu hàng hay xin xỏ csvn bất cứ chuyện gì?!
“Ngụy” (một danh từ có nghĩa xấu mà cs đã gán cho tất cả người dân, chính quyền hay bất cứ sự kiện gì có dính dáng đến “đế quốc Mỹ!”) có thua thiệt không? Chiến tranh đã chấm dứt nhưng sự tranh đấu của “Ngụy” đâu đã thấy chấm dứt! Thực ra, sự tranh đấu của “Ngụy” mỗi ngày mỗi mạnh hơn; nhất là từ hải ngoại. Cờ vàng vẫn tung bay hiên ngang oai hùng trước công đường thế giới trong khi cờ đỏ cs phải lén lút đi vào cửa sau. Cơ hội “Ngụy quân, Ngụy quyền” trở lại Việt Nam (khi csvn bị giải thể) không còn là chuyện “không tưởng.” Người dân Việt Nam (nhất là dân miền Nam) đâu còn dấu diếm e dè gì khi họ cần tỏ thái độ là “thà sống với Mỹ làm “Ngụy” như người Nhật, Đức, Nam Hàn, Đài Loan… vẫn còn hơn là “vinh quang” cúi đầu dưới “4 cái tốt” và “16 chữ vàng” của kẻ tử thù truyền kiếp TQ. Chẳng thà sống lưu vong làm “Ngụy” hơn là sống dưới cái nhà tù lớn CSVN lập ra.”
Cs một mặt kêu gọi “hòa giải và hòa hợp dân tộc” mà tại sao mặt khác, bao nhiêu năm trôi qua, vẫn gọi những người “phía bên kia chiến tuyến” là “ngụy quân, ngụy quyền?” Vẫn gọi Mỹ là “đế quốc tư bản” mà thích gởi con cháu họ sang Mỹ du học để được học… cách bóc lột của đế quốc tư bản?
Ôi cộng sản Việt Nam!!! Một sự nghịch lý lố bịch cuối cùng còn xót lại trên hành tinh này!
Ai giải phóng ai? Giải phóng cái gì?
Theo tự điển tiếng Việt, chữ “Giải phóng” có nghĩa là “Làm cho thoát khỏi tình trạng bị nô dịch, bị chiếm đóng. Làm cho được tự do; thoát khỏi sự ràng buộc bất hợp lý.”
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, hàng trăm ngàn người dân miền Nam lại bị cưỡng chế nô dịch (đi tù, đi kinh tế mới, bị quản chế, bị cô lập, hoàn toàn mất tự do, mất quyền công dân…) Người dân miền Nam có cần được cs bắc Việt giải phóng họ hay không? Nếu gọi là “đã được giải phóng” thì đời sống của họ phải khá hơn, tốt đẹp hơn lúc chưa “được giải phóng.” Hãy nhìn, đọc những con số không biết nói dối. Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn – rời Việt Nam năm 1981 sang định cư tại Úc năm 1982 là Giáo sư Đại học New South Wales (Úc) – đã trình bày một cách cụ thể kết quả (bằng số) trước và sau ngày “giải phóng” 30 tháng 4 năm 1975 như sau:
(Trích nguyên văn – tuy hơi dài nhưng đáng đọc; đáng đồng tiền bát gạo)
Tính từ ngày 30/4/1975. Nhân dịp đọc một cuốn sách cũ, tôi thấy có vài thông tin về kinh tế của miền nam Việt Nam trước 1975 cũng có ý nghĩa so sánh nào đó…
Về thu nhập bình quân, theo “số liệu kinh tế – GDP” bình quân, ở miền Nam vào thời trước 1975 là 150 USD. Thu nhập này tuy chưa cao mấy thời đó, nhưng cao hơn ở các nước Thái Lan, Bangladesh, Ấn Độ, và Pakistan. Ba mươi sáu năm sau, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là khoảng 1100 USD, thua xa Thái Lan (khoảng 4000 USD).
Về giáo dục đại chúng, theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, năm 1973, tỉ lệ dân số biết đọc, biết viết là 70%, rất cao so với các nước Á châu láng giềng hồi đó. Hiện nay, tỉ lệ dân số biết đọc và viết là 90%. Ba mươi sáu năm, chỉ tăng 20%?
Hôm nọ, khi tôi viết rằng thời trước 1975, du học sinh Thái Lan sang đại học miền Nam học, còn bây giờ thì mình sang đó… du học. Chẳng có gì xấu hổ. Người ta giỏi hơn mình thì mình học người ta. Nhưng nói ra sự thật ấy làm tôi nao lòng và buồn về sự đổi đời. Có người từ miền Bắc hỏi tôi có bằng chứng gì giáo dục miền Nam tốt hơn bây giờ? Tôi nói chính tôi là sản phẩm của nền giáo dục thời trước 1975 đây. Còn hàng vạn “sản phẩm” của nền giáo dục trước 1975 đang ở nước ngoài và họ cũng thành danh, thành tài. Đó là một bằng chứng của nền giáo dục trước kia.
Về trình độ của giới cầm quyền, 36 năm sau nước (CHXHCN) ta đã có 50% bộ trưởng có văn bằng tiến sĩ. Thời trước 1975, tôi không có con số chính xác, nhưng chỉ nhớ số bộ trưởng có bằng tiến sĩ chỉ đếm đầu ngón tay. Ngay cả ông Hoàng Đức Nhã với bằng thạc sĩ (MS degree) nhưng được giới báo chí và công chúng nể lắm rồi. Nhưng theo Giáo sư Đặng Phong thì tuy họ học không cao, nhưng trình độ thật thì cao và đáng nể: “Cần phải phân biệt rõ: nền chính trị thối nát (không phải tôi nói, mà người Mỹ và người trong giới chính trị Sài Gòn nói) với bộ máy kinh tế chuyên nghiệp. Những cấp cao nhất, tổng thống, phó tổng thống, thủ tướng… phần lớn là dân võ biền, là lính sang làm chính trị như Thiệu, Kỳ, Khiêm… Nói chung, họ không có mấy kinh nghiệm để điều hành một xã hội dân sự văn minh. Nhưng điều đặc biệt là cấp dưới của họ (bộ trưởng, tổng trưởng…) và các chuyên gia hàng đầu đều là những người có học vấn, kiến thức kinh tế – xã hội rất giỏi để vận hành khối lượng tiền, hàng cực lớn. Bằng chứng là Nam VN khi đó đã có hệ thống ngân hàng, hệ thống thuế, bảo hiểm… trình độ quốc tế, hoạt động toàn cầu. Dân đã xài séc (checks), các công cụ tín dụng, công sở xài máy tính IBM, tổ chức nền kinh tế đã sử dụng các phương tiện hiện đại, mà bây giờ chúng ta mới chập chững tiến vào.”
Ngày xưa (thời VNCH) cũng có tham nhũng, nhưng hình như bản chất hơi khác với thời nay. Ngày xưa, giới quan chức VNCH tham nhũng chủ yếu là ăn chận tiền tài trợ của Mỹ. Thật ra, tham nhũng của VNCH là có lợi cho “cách mạng,” vì lợi dụng đó mà du kích mới có tiếp viện! Tham nhũng thời VNCH theo Gs Đặng Phong là “một nguồn hậu cần quan trọng giúp chúng ta thành người chiến thắng.” Còn ngày nay, cứ như báo chí phản ảnh thì quan chức ăn chận tiền của… dân. Họ cũng ăn chận (hay ăn cắp?) tài nguyên đất nước. Hình thức tham nhũng nào cũng nguy hiểm, nhưng ăn chận tiền dân và tài nguyên quốc gia thì đúng là nguy hiểm và [...]. Giáo sư Đặng Phong nói: “Tham nhũng cũng là một cách ra đời tầng lớp hữu sản cho nên đạo lý kém hơn, chụp giật hơn, lưu manh hơn.”
Ngày 30/4 thường được nhắc đến như là một “ngày chiến thắng,” “ngày giải phóng miền Nam.” Đứng trên quan điểm kẻ thắng người thua, thì chắc cũng có lý do để gọi đó là ngày chiến thắng. Nhưng thử hỏi với cả 4 triệu (?) người phải bỏ mạng trong cuộc chiến đó, cộng thêm hàng trăm ngàn bỏ mạng trên biển, và 3 triệu người lưu vong, thì chiến thắng đó có vẻ vang không? Chẳng lẽ ăn mừng chiến thắng trên xác người? Còn giải phóng thì có nghĩa là giải phóng từ nô lệ, gông cùm của bọn đế quốc, nhưng trong thực tế ngày xưa đâu có nô lệ, và bọn đế quốc Mỹ cũng đâu có gông cùm gì; chúng vẫn phát triển giáo dục tốt, hệ thống y tế tốt, kinh tế gia đình khá no ấm, học trò lễ phép, báo chí nói khá thoải mái (diễu cợt ông Thiệu, ông Kỳ liên miên). Do đó, hai chữ “giải phóng” e rằng không thích hợp với thực tế của những con số vừa trình bày.
(nguồn Nguyễn Văn Tuấn Blog)
(hết trích)
Như đã trình bày hơi dài giòng, “giải phóng” là thay đổi cái (chế độ chính trị) cũ bằng một cái khác tốt đẹp hơn. Ai cũng biết nhạc sĩ thân cộng Trịnh Công Sơn, sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã lên đài phát thanh Sàigòn kêu gọi “anh em văn nghệ sĩ và học sinh sinh viên miền Nam Việt Nam” như sau:
(Tôi xin ghi lại nguyên văn từ tài liệu audio của “youTube”)
Tôi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất vui mừng và cảm động được gặp và nói chuyện với tất cả anh em văn nghệ sĩ ở miền Nam Việt Nam này (!). Hôm nay (ngày 30 tháng 4 năm 1975) là cái ngày mơ ước của tất cả chúng ta. Đó là ngày mà chúng ta đã “giải phóng” hoàn toàn đất nước Việt Nam; cũng như những mơ ước của các bạn (?) bấy lâu về sự độc lập, tự do và thống nhất… Hôm nay chúng ta đã đạt được tất cả… Chúng tôi đang ở đài phát thanh Sàigòn… Tôi xin hát lại cái bài “Nối vòng tay lớn…” Hôm nay thật sự” cái vòng tay lớn” đã được nối kết… Rừng núi dang tay nối lại biển xa… ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà..”(sic)
Cũng “cái ngày hôm nay,” ai đã từng nghe bài “Em còn nhớ hay em đã quên” của con vẹt TCS thì chắc phải nhớ câu hát “Em ra đi nơi này vẫn thế.” Trịnh Công Sơn viết:
“Em ra đi nơi này vẫn thế
Lá vẫn xanh trên con đường nhỏ”
Hay nhỉ? “Nơi này vẫn thế” là thế nào? Tại sao lại có sự mù lòa lạ lùng như vậy? Chuyện “Lá vẫn xanh” là chuyện dễ hiểu, tất nhiên. Bạo quyền và chủ nghĩa cs đâu có tài thánh nào đổi mầu lá cây từ xanh sang đỏ được? “Nơi này vẫn thế” là thế nào? Chỉ một thời gian ngắn sau khi lên đài phát thanh Sàigòn “kêu gọi và hót” “rừng núi dang tay nối lại biển xa…” để “mừng ngày chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước” thì Trịnh Công Sơn đã phải trở ra sống ở Huế và “tham gia” vào những chuyến lao động trồng khoai sắn trên những cánh đồng còn đầy rẫy mìn ở Cồn Thiên, gần vĩ tuyến 17 chứ đâu có còn được các tướng tá của chính phủ Sàigòn che chở cho sống ung dung và tự do đi hát nhạc phản chiến ở Sàigòn…
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, nếu toàn dân miền Nam được sống một cuộc sống “vẫn thế” thì đâu có hàng triệu người dân Việt phải liều mạng vượt biên vượt biển đi tị nạn ở nước ngoài (Ậy! Đến ngay cả cô “Em” nào đó của TCS cũng phải “ra đi” một cách “phản động.”) Người ở lại đã và đang sống một cuộc sống thê thảm nhất trong lịch sử dân tộc chứ đâu có cái chuyện “Nơi này vẫn thế?” Thật là chuyện trơ trẽn! Ốt dột!
Anh là ai? Ai là anh?
Trong chiến tranh, anh (cs) tự cho anh là anh hùng vì anh có can đảm ném lựu đạn, gài bom plastic, pháo kích vào chỗ đông dân lành tự nhiên như “người Hà lội.” Anh tự hào là anh rất giỏi về môn phá hoại cầu cống, đắp mô đường xá. Anh tự hào có can đảm cầm súng bắn, ám sát, thủ tiêu, thảm sát hàng trăm hàng nghìn người không có cái gì để tự vệ. Anh vẫn cho anh là anh hùng là vô địch vì anh đã đứng lên, đã thành công trong việc giải phóng dân tộc trong khi các nước láng giềng của anh không cần có lãnh tụ kiệt xuất như HCM và cũng chẳng cần một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc vinh quang như của anh mà dân họ vẫn độc lập ấm no tự do hơn dân tộc anh!…
Sau chiến tranh anh (cs) chứng tỏ anh là một thằng hèn nhất lịch sử. Anh đem đất liền và đảo của tiền nhân dâng nhượng cho TQ rồi anh bảo đó là chuyện nhỏ. Anh không dám phản kháng và anh cũng cấm dân của anh biểu tình lên tiếng bày tỏ phản kháng khi TQ chiếm đất lấn biển. Anh làm ngơ khi dân anh bị TQ tàn sát ở ngoài biển, ở biên giới. Anh làm ngơ đế các đối tác TQ đánh đập dân anh ngay ở quanh các vùng nội địa mà anh cho phép họ khai thác tài nguyên quốc gia. Anh rất hèn khi anh cưỡng bức tài sản, đất đai của dân nghèo. Anh rất hèn hạ bịt mồm, đánh xập các tiếng nói oan ức chính đáng của dân.
Chẳng sớm thì muộn, anh sẽ đền tội với dân… Chân lý đó chỉ là vấn đề thời gian. Anh cũng biết thừa là cái bánh xe thời cuộc sẽ phải lăn theo chiều hướng không còn thuận lợi cho chính sách cướp bóc sát nhân của anh… Cho nên trong lúc này, khi còn nắm chút quyền hành, anh cố vơ vét tham nhũng càng nhiều càng tốt và anh dự định xây sẵn một cái ống cống để anh có cơ hội chui, vượt thoát…
Tương lai của các anh có lẽ cũng chẳng sáng sủa gì hơn kết cuộc của con chuột Gaddafi.
Chờ xem…
Trần Văn Giang
Tháng 4/2012
_______
Phụ chú:
Xin mời quý vị đọc thêm hai bài thơ được tôi ghi lại từ một “phản hồi” (reply) trên trang mạng “Đàn Chim Việt:”
Ngoài Bắc có một anh điên điên khùng khùng đi đến đền Kiếp Bạc (đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) xướng bài thơ ngạo mạn như sau:
Bác anh hùng tôi cũng anh hùng
Tôi, Bác cùng chung nghiệp kiếm cung
Bác thắng quân Nguyên thanh kiếm bạc
Tôi trừ giặc Pháp ngọn cờ hồng
Bác đưa một nước qua nô lệ
Tôi dắt năm châu đến đại đồng
Bác có linh thiêng “đù” một tiếng
Rằng tôi cách mạng đã thành công.
Bài thơ trên được lưu truyền đến tai một cô gái giang hồ. Cô ta ôm mặt khóc ròng ròng; than thở là đã bất hạnh không được sinh cùng thời với tác giả bài thơ trên. Lời than của cô nàng được thi sĩ dân gian ghi lại như sau:
Bác tôi, tôi bác cũng là người
Mà đã là người “cũng thế thôi!”
Tôi, GÁI GIANG HỒ, vang khắp nước
Bác, TRAI TỨ CHIẾNG, cộm muôn nơi
Bác đưa cầy cáo lên bàn độc
Tôi dắt nai tơ đến… chợ trời
Ví thử chúng mình cùng thế hệ
Đẹp duyên Rồng Phượng Bác và Tôi.
TVG
No comments:
Post a Comment