Trở Về Trang chính

Friday, March 16, 2012

Vụ một quân nhân Hoa Kỳ bắn giết thường dân Afghanistan hôm 11/3/2012

Quang cảnh sau vụ tàn sát. Ảnh IBN Live

3 giờ sáng Chủ Nhật 11/3/2012, một Trung sĩ thuộc Lữ đoàn 3 Stryker, Sư đòan 2 Bộ binh đóng quân tại một căn cứ trong vùng Panjwayi cách Kandahar 40 km, tự ý rời căn cứ đến một làng nhỏ cách căn cứ chừng 2km, tống cửa vào ba ngôi nhà và lạnh lùng bắn gục mọi người trong nhà. Trong vòng 10 phút anh Trung sĩ bắn chết 16 thường dân Afghanistan trong đó có 9 trẻ em, nổi lửa đốt nhà rồi bình tỉnh trở về căn cứ nạp súng nhận tội. Anh Trung sĩ (còn giấu tên) đã được bắt giữ và đưa ra khỏi Afghanistan vì lý do an ninh.

Tin dữ loan đi làm bàng hoàng thế giới, và là một chấn động tại Afghanistan, nhất là chưa đầy một tháng trước lính Mỹ tại một căn cứ quân sự ở Bagram, nằm ở ngoại thành thủ đô Kabul vô tình đốt kinh Koran, làm dân chúng Afghanistan cuồng giận chưa nguội.

Hậu quả trước mắt là an ninh của binh sĩ Hoa Kỳ và NATO còn đóng ở Afghanistan bị đe dọa, không những bởi Taliban, mà bởi bất cứ một người dân Afganistan nào, nhất là những binh sĩ Afghanistan đồng minh. Để bảo vệ an ninh cá nhân binh sĩ Hoa Kỳ tại Afghanistan có thể làm những hành động tự vệ vội vàng và làm cho quan hệ giữa binh sĩ Hoa kỳ và dân chúng Afghanistan trở nên căng thẳng hơn.

Hôm Thứ Ba 13/3 một phái đoàn cao cấp của chính phủ Afghanistan gồm ông Tham mưu trưởng quân đội Afghanistan, một số bộ trưởng và hai người em của tổng thống Karzai đã đến Panjwayi ủy lạo và trấn an dân chúng đã bị Taliban tấn công làm tử thương một số binh sĩ bảo vệ phái đoàn (1). Ngày hôm sau, máy bay của ông Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta trong một chuyến đi Afghanistan không báo trước đáp xuống phi trường Bastion của NATO ở phía Nam Afghanistan đã bị một nhân viên dân chính người Afghanistan làm việc tại phi trường, cướp xe chạy vào phi đạo với ý định mưu sát. Sau đó ông Panetta bay đến một căn cứ Hoa Kỳ Leatherneck gần đó nói chuyện với binh sĩ Hoa Kỳ và Afghanistan. Lính tham dự buổi nói chuyện không được mang vũ khí (2).

Tại Washington, tổng thống Obama và bà ngoại trưởng Hillary Clinton bày tỏ sự phẫn nộ tột cùng trước hành động tàn ác của một quân nhân Hoa Kỳ và hứa làm mọi điều cần thiết để hàn gắn vết thương của các gia đình nạn nhân và hạn chế tổn thất trong mối quan hệ giữa Hoa kỳ và Afghanistan.

Nhưng giải quyết vấn đề bằng an ủi và bồi thường cho các gia đình nạn nhân, và bằng luật pháp, nghĩa là đưa phạm nhân ra tòa rồi bỏ tù hay xử bắn có phải là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề không?

Sau vụ tàn sát ngày 11/3, tin tức cho biết ông Trung sĩ Hoa Kỳ phạm tội ác là một quân nhân 38 tuổi có hai con nhỏ đồn trú tại căn cứ quân sự Lewis-McChord, một căn cứ quân sự lớn nhất ở miền Tây Hoa Kỳ gồm 60.000 binh sĩ và là nơi cung cấp bộ binh cho hai chiến trường Afghanistan và Iraq trong 10 năm qua. Lính của căn cứ đi đánh trận sống sót trở về, thường là 2 hay 3 đợt tâm thần bất ổn nên tại khu gia binh hay ngay trong căn cứ thường xẩy ra những vụ tự sát, ẩu đả, bắn giết hay bạo lọan trong gia đình.

Trong năm 2010 một binh sĩ nổi khùng nói với bạn bè “hãy nói cho thế giới biết đừng giỡn mặt binh sĩ đánh trận trở về” (nguyên văn: About to show the world thay shouldn’t mess with soldiers back from a deployment). Sau đó anh bắn cảnh sát và bị cảnh sát bắn chết. Cũng chừng thời gian đó tại khu gia binh Lewis-McChord đã xẩy ra vụ một người cha trấn nước con cho đến chết, và một binh sĩ khác dùng xăng đốt vợ. Năm 2011 tại căn cứ có 12 vụ tự sát. Đầu năm 2012 một binh sĩ 24 tuổi từng đánh trận ở Iraq về dùng súng bắn chết một nhân viên bảo vệ rừng tại công viên Mt. Rainier National Park (3).

Quân đội Hoa Kỳ nắm vững tình trạng tâm thần của binh sĩ tại trại Lewis-McChord và điều động về bệnh viện Madigan của căn cứ rất nhiều bác sĩ tâm thần. Nhưng nhu cầu nhiều hơn phương tiện. Trong năm 2010 có 101.000 lần binh sĩ xin gặp bác sĩ tâm thần. Các bác sĩ tiếp không xuể, và đa số chỉ được cho thuốc ngủ, thuốc an thần và dặn dò bớt uống cà phê rồi cho về, và tình trạng tâm thần chỉ tăng chứ không giảm. Lính bày tỏ sự bất mãn và cấp trên tạm thời cách chức giám đốc bệnh viện Madigan. Một vòng tròn lẩn quẩn không giải quyết được gì.

Vấn đề tâm thần của binh sĩ do báo chí đăng tãi sau vụ tàn sát ngày 11/3 trong vùng Kandahar cho thấy cuộc tàn sát có cội nguồn sâu xa và việc đem anh Trung sĩ phạm tội ra tòa rồi có thể bị xử bắn như lời ông bộ trưởng quốc phòng Leon Panetta không phải là cách giải quyết tốt nhất. Anh Trung sĩ bệnh hoạn bắn người đã đành là chánh phạm, nhưng có một tập thể tòng phạm là Chiến tranh, Hành pháp và Quốc hội Hoa Kỳ.
Chiến tranh gây tang tóc và căng thẳng tâm thần người chiến binh, căng thẳng xã hội. Nhưng vì an ninh của thế giới, vì quyền lợi của mỗi quốc gia, chiến tranh là điều không thể tránh khỏi. Điều hành sự căng thẳng để nó không làm rối loạn xã hội là một phần trong chương trình lãnh đạo chiến tranh. Về mặt này Hành Pháp và Quốc Hội Hoa Kỳ hầu như đã không quan tâm đúng mức. Sau cuộc chiến Việt Nam, Quốc hội Hoa Kỳ bãi bỏ chế độ quân dịch, quân đội Hoa kỳ trở thành một quân đội chuyên nghiệp chỉ gồm người tình nguyện. Đội quân tình nguyện này gồm các sĩ quan chọn binh nghiệp để tạo sự nghiệp hoặc do truyền thống gia đình hoặc các sĩ quan của đội quân trừ bị thì không nói. Thành phần binh sĩ và hạ sĩ quan còn lại tuyệt đại đa số tình nguyện gia nhập quân đội như một công việc làm ăn sinh sống và nuôi gia đình. Thành phần gia nhập quân đội với tâm nguyện phục vụ quốc gia rất ít. Thanh niên thuộc thành phần khá giả trong xã hội ít khi chọn quân đội. Quân đội tình nguyện do đó – tuy luôn luôn được dân chúng và giới cầm quyền quý trọng và tâng bốc – tự nó đã là một tập thể riêng biệt.

Sự riêng biệt này không tạo nên căng thẳng xã hội trong thời bình. Nhưng khi có chiến tranh (dù có tuyên chiến hay không), như hai cuộc chiến dai dẵng ở Iraq và Afghanistan, một người lính ra tiền tuyến (thời hạn quy định 12 hay 13 tháng) sống trở về là một may mắn. Nhưng vì số quân giới hạn người lính đó lại được gởi đi phục vụ chiến trường trong nhiều đợt. Họ ở trong một trạng thái tinh thần bất an. Ông Trung sĩ nổ súng bắn chết 16 thường dân Afghanistan trong đêm 11/3 đã ở trong quân đội 10 năm và đã được gởi sang chiến đấu tại Iraq 3 đợt. Hôm xẩy ra vụ bắn giết ông đang ở trong đợt phục vụ chiến trường Trung Đông lần thứ tư, và là vòng đầu tại Afghanistan.

Con bệnh tâm thần của binh sĩ Hoa kỳ phục vụ chiến tranh không thể chữa trị hiện tượng (như đưa ông Trung sĩ kia ra tòa với một bản án thật nặng), mà phải chữa trị từ gốc rễ.

Quân đội Hoa Kỳ cần đủ nhân lực để không một binh sĩ nào phải phục vụ tại chiến trường và đối diện với cái chết hơn một vòng. Và mọi công dân Hoa Kỳ trong tuổi thanh niên đều phải phục vụ quân đội, phục vụ chiến tranh. Chế độ quân dịch cần được tái lập. Điều này chẳng những giải quyết sự lạm dụng binh sĩ tình nguyện, mà còn tạo ra một xã hội công bình hơn. Hơn nữa dù chiến tranh Iraq đã chấm dứt, và quân đội Hoa kỳ sẽ rút hết ra khỏi Afghanistan trong vòng 2 năm, Hoa kỳ cũng đang đứng trước những đương đầu có thể nhìn thấy được. Iraq và Afghanistan có thể sẽ sụp đổ và rơi vào tay những chính quyền thù địch với Hoa Kỳ. Tình hình Pakistan với một kho bom nguyên tử không thể tiên đoán. Bạn hôm nay có thể là kẻ thù ngày mai. Chưa nói đến Trung quốc. Nếu Hoa kỳ không sẵn một chế độ cung cấp nhân lực cho quân đội cho những tình huống trước mắt (bảo vệ uy thế tại Biển Đông là một) các chính sách đáp ứng của Hoa kỳ sẽ bị giới hạn và an ninh của Hoa Kỳ sẽ bị tổn thương.

Đứng trước vụ việc, tổng thống Obama tuyên bố rằng: “Tôi bảo đảm với dân chúng Hoa Kỳ và nhân dân Afghanistan rằng chúng ta sẽ điều tra để tìm cho ra nguyên ủy của sự việc, và những ai liên hệ đều sẽ được luật pháp xử lý” (nguyên văn: I can assure the American people and the Afghan people that we will follow the facts wherever they lead us, and we will make sure that anybody who was involved is held fully accountable with the full force of the law).

Nếu tổng thống Obama thật tình đi tìm nguyên ủy, ông sẽ thấy nguyên ủy của sự việc là Hoa Kỳ do thiếu nhân lực đã lạm dụng sinh mạng của lính tình nguyện, tạo nên tình trạng tâm thần thê thảm trong đội quân tác chiến. Và Hoa Kỳ cần ban hành quy chế quân dịch.

Vấn đề là các ông bà dân biểu và Thượng nghị sĩ có chịu ban hành luật quân dịch không, biết rằng con cái mình sẽ phải phục vụ quân đội như mọi công dân khác.

March 15, 2012

© Trần Bình Nam

© Đàn Chim Việt

———————————————-

(1 &3) Los Angeles Times 13/3/2012 “Soldier held in killings is from a troubled base” .
(2) Los Angeles Times 15/3/2012 “U.S., Britain show unified front”

No comments:

Post a Comment