“Đoàn Văn Vươn” quả là một hiện tượng lạ, lạ nhất của thời Cộng sản độc trị trên đất nước Việt Nam. Một hành động thoạt đầu có người cho là điên rồ. Rồi lại có người gọi Vươn là gã nông dân liều mạng. Bên cạnh đó không ít người kết tội anh “phản động”. Nhưng ai cũng nhìn nhận Đoàn Văn Vươn từ Tiến Lãng đã tạo nên cơn địa chấn rung chuyển đất trời Việt Nam và làm lung lay tận gốc nền cai trị độc tài của tập đoàn CSVN khiến họ hầu như mất hẳn thói tự cao tự đại như trước đây.
Anh Vươn biết trước cái thế lực sừng sỏ hung bạo vào bậc nhất thế giới kia chuẩn bị một cuộc bố ráp lớn nhắm vào anh để cướp đoạt tài sản từ mồ hôi nước mắt của cả gia đình anh, khiến anh buộc mình sẵn sàng đối phó trong thế tự vệ chính đáng. Đầu óc anh Vươn hẳn đã căng thẳng tột độ để đón chờ một cuộc đối đầu không cân sức “trứng chọi đá”. AnhVươn chấp nhận “gục ngã cho nông thôn vùng lên và cho xã hội được hồi sinh”.
Cuộc thách thức mạo hiểm của chàng nông dân
Từ nhiều năm trước đã từng xảy ra những cuộc dằn co trống mái về đất đai và pháp lý giữa nông dân và bạo quyền CSVN mà phần thua luôn luôn thuộc về người lao động hiền hòa chất phác. Anh Vươn cũng đã từng cam chịu cái áp lực tương tự đè nặng trên cuộc sống anh và gia đình dưới thế lực bạo quyền CS mà huyện Tiên Lãng là cơ quan được đảng ủy nhiệm.
Anh Đoàn Văn Vươn biết mình phải chết, hoặc có thể bị hạ sát ngay truớc “trận tiền” hoặc sẽ bị xử tử hình nếu anh sống sót sau cuộc chạm trán nảy lửa này.
Cái chết sẽ hủy diệt thân xác anh Vươn. Nhưng dường như bản lãnh của anh Vươn nhắc nhủ anh rằng, không ai có thể giết chết tinh thần quật khởi của anh!
Có lẽ anh Vươn đã có một viễn kiến về cái chết và cách chết cũng như nhìn thấy trước kết quả thảm khốc cho hết thảy nông dân VN nếu thực sự máu anh tuôn đổ trong thất bại.
Anh Vươn không tự thiêu, không tự vẫn. Những kiểu chết như vậy có thể hữu ích ở một đất nước nào đó, nhưng chắc chắn sẽ phản tác dụng dưới chế độ thống trị của Cộng sản VN. Rồi có khi người ta lái dư luận đi vào một hướng khác có lợi cho chế độ, bấy giờ thiệt hại và thảm họa sẽ tăng gấp trăm ngàn lần cho những người dân thấp cổ bé mệng khác khắp cả nước!
Biết đâu người ta sẽ cười chê anh là quẫn trí, là hèn nhát, trong khi đó đám dân đen sau anh và cái xã hội VN khốn cùng chẳng những không nhận được gì tốt hơn từ cái chết của anh mà còn bị đày đọa bầm dập hơn! Anh Vươn không ươn như có người tưởng. Anh “vươn mình” tìm tới cùng đích của công bằng xã hội và buộc người ta phải tôn trọng nó!
Anh Vươn “vươn” tới cái chết và dùng cái chết của anh để đòi công lý cho mọi người! Rõ ràng cái chết của anh Vươn được chính anh chuẩn bị trước, lo toan trước! Nếu chúng ta nghe được tiếng nói của anh Vươn lúc anh dương súng hoa cải nhắm vào đầu quân thảo khấu và cho nổ mìn để diệt ác, thì có lẽ tiếng nói của anh Vươn lúc bấy giờ là tiếng thét của căm hờn: “Các người hãy giết tôi đi trước khi tước đoạt công lao mồ hôi, nước mắt và cả máu của tôi! Hãy giết tôi đi và cái chết của tôi sẽ là mẫu mực cho những cuộc sát nhân hàng loạt khác từ bàn tay đẫm máu của các người! Dùng sức mạnh của vũ lực, các người giành giật đất đai từ bàn tay lam lũ của con người bần cùng thế này, các người chỉ là quân cướp đáng nguyền rủa muôn đời mà thôi! Trong khi đó đất đai của Tổ quốc, từ biên giới phía bắc đến vùng lãnh hải Hoàng Sa, Trường Sa, các người lại dâng nộp cho quan thầy Trung Quốc của các người! Hỡi quân tội đồ mãi quốc cầu vinh! Cái chết của tôi sẽ không đủ trọng lượng để hoán cải các người. Cũng như hàng vạn cái chết của dân lành mà các người đã gây ra chỉ làm cho tim óc các người thêm xơ cứng mà thôi! Còn tôi, tôi phải chết và các người sẽ phải đền tội. Tôi phải chết để xã hội được sống an lành hơn.”
Tiên Lãng với người hùng Đoàn Văn Vươn mạo hiểm “liều chết cho xã hội được hồi sinh” bỗng chốc trở thành đề tài thời sự hấp dẫn đối với truyền thông cả trong lẫn ngoài nước.
Xin miễn kể tới phát biểu của những quan chức hay tướng lãnh hà hơi tiếp sức cho một cuộc tháo chạy có tính toán của đảng CSVN khỏi búa rìu công luận! Cũng không kể tới những bài báo cò mồi từ truyền thông trong luồng cộng đảng.
Rõ ràng chưa có một cuộc đối đầu nào giữa một vài dân đen tứ cố vô thân yếu ớt với bộ máy đàn áp khổng lồ lại thu hút truyền thông mạnh mẽ đến như vậy. Hàng ngàn bài báo trên báo in lẫn báo điện tử, trong đó có truyền hình, truyền thanh người Việt hải ngoại, đồng loạt đứng về phía anh Vươn.
Anh Vươn đang chiến thắng oanh liệt! CSVN lên cơn sốt, đổ tội cho nhau và đám thừa hành ở Tiên Lãng trở thành vật tế thần. Động thái ấy của CSVN ngầm ý cho người dân thấy hành động gọi là cưỡng chế đúng là hành động của kẻ cướp.
Kẻ cướp vào nhà tôi, xâm phạm tài sản riêng tư của tôi (trespass private propriety), tôi có quyền kháng cự. Vũ khí tự chế thô sơ chống lại vũ khí hiện đại nào nhằm nhò gì, ndù sao nó có thể được biện minh như là một hành động tự vệ chính đáng. Xử phạt nhóm người “thực thi chính sách cưỡng chế” có nghĩa là nhìn nhận anh Vươn vô tội, phải không? Vậy mà cho đến nay, anh em Vươn vẫn còn tiếp tục bị dí bẹp trong chốn ngục tù, trong khi vợ con của hai anh lay lắt bên ngoài, sống dở, chết dở.
Nhưng chắc chắn anh em Đoàn Văn Vươn-Đoàn Văn Quý không đơn độc! Hết thảy người dân Việt có lương tri đang sống trong nước hay lưu vong ở hải ngoại đều một lòng đứng về phía các anh, coi các anh là đại ân nhân của nông dân, là cứu tinh của dân tộc chống lại cái ác mà tác nhân là đảng cầm quyền độc tài, độc trị. Mọi người dân chân chính và có lương tri sẽ hỗ trợ các anh, sẽ cứu các anh thoát khỏi nanh vuốt gông cùm Cộng nô.
“Vùng lên hỡi các nô lệ ở nước ta!”
CS quốc tế trong đó có CSVN đã từng hô hào bịp bợm: “Hãy vùng lên, hỡi các nô lệ ở thế gian” để gây hận thù chia rẽ giữa các tầng lớp dân chúng khắp thế giới với mưu đồ thu tóm cả nhân loại vào bàn tay sắt của họ hầu thực hiện cái giấc mơ đầy hoang tưởng: “thế giới đại đồng”!
Còn anh Đoàn Văn Vươn, anh không ồn ào! Anh không gào thét! Anh vất xa mọi thứ khẩu hiệu! Anh hành động! Và anh đã thật sự “vươn lên” tới đỉnh cao chót vót của hành động! Quyết liệt và cụ thể! Đánh trúng người! Trúng đích! Hành động của anh chỉ diễn ra trong chớp nhoáng nhưng thể hiện toàn vẹn yếu tố bất ngờ của một trận cận chiến ác liệt, vang dội sứ điệp hào hùng kiêu hãnh: “Vùng lên hỡi các nô lệ ở nước ta!”
Núp dưới chiêu bài “sở hữu toàn dân”, những người trong cái đảng CS ác ôn côn đồ đã nhiều lần tụ tập nhau đẻ ra tới 4 cái “Hiến pháp” nối đuôi nhau 1946, 1959, 1980, 1992, chẳng nạc, chẳng mỡ, chẳng cái Hiến pháp nào là “của dân, cho dân, vì dân” mà toàn là “của dảng, cho quyền lợi đảng và vì sự sống còn của nền đảng trị” đầy dẫy những điều khoản vừa mơ hồ vừa thâm độc.
Chính dựa vào những cái gọi là Hiến pháp khập khiểng ấy mà nhà cầm quyền Hà Nội mở ra hàng loạt chiến dịch “trưng thu”, “tịch thu”, “cưỡng chế” đi kèm với những cuộc khủng bố man rợ… gây nên chết chóc kinh hoàng không dứt trong quần chúng từ chốn thị thành tới các vùng nông thôn hẻo lánh… khiến vô số người dân nếu không sống sót để rơi vào cảnh lầm than, thì cũng giãy chết tất tưởi dưới họng súng hay trong ngục tù Cộng sản!
Cải Cách Ruộng Đất năm 1956 ở Miền Bắc và những chiến dịch cải tạo Công-Thương nghiệp và Nông nghiệp ồn ào, náo loạn trong khung cảnh ly tán chết chóc ở Miền Nam VN sau 30/4/1975 là những điển hình của tội ác diệt chủng mà sử sách VN sau này không thể bỏ qua.
Dưới chế độ cộng sản, chẳng một Hiến Pháp nào có giá trị là Hiến pháp của toàn dân. Những thứ “Quốc hội” mà “đại biểu” là những đảng viên do “đảng cử” “dân bầu” thì quốc hội ấy có tư cách đại diện toàn dân không? “Đảng cử, dân bầu” cũng chỉ là thứ khẩu hiệu thùng rỗng kêu to kiểu “dân làm chủ” để cho “đảng lãnh đạo” vậy thôi!
Có lẽ vì vì cái danh không chính này, các ông bà “đại biểu quốc hội” chẳng một bóng hình nào xuất hiện ở Tiến Lãng lúc này để bày tỏ mối cảm thông với cử tri hay ít ra để “thăm dân cho biết sự tình”! Cho nên từ Hiến pháp tới Quốc hội, từ Đảng tới Nhà nước xhcn chẳng thứ nào là “của dân, vì dân và cho dân” cả… Toàn bộ là một tập đoàn ăn cướp! Lâu đài nguy nga, xa mã thượng lưu, vàng đô đầy két! Ăn chơi trác táng, tiền bạc vung vãi như thác đổ trôi sông! Vét sạch túi dân, hút sạch máu dân mới “sang trọng hùng dũng” thế đó, chẳng quái gở sao???
CSVN ngạo mạn tự cho mình có công dẫn dắt đất nước và dân tộc ở một giai đoạn rồi từ đó tiếp tục tự tâng công, tụ xưng hùng xưng bá, cho mình là “chủ nhân ông” độc quyền độc tôn của cả đất nước lẫn con người trên đất nước ấy: Đứng trên và thống trị ngang ngược suốt hơn nửa thế kỷ cả một dân tộc hơn tám chục triệu người, tạo nên cái loạn “kiêu đảng”, triền miên đè đầu cưỡi cổ dân…hãnh diện lắm phải không?
Không sớm thì muộn chế độ CS tại VN sẽ phải hứng chịu quy luật của sự đào thải giống như các chế độ Cộng sản ở Liên Xô và tại các nước Đông Âu cách đây hơn một thập niên. Và rồi những Hiến pháp, Quốc hội hữu danh vô thực và quái ác kia cũng sẽ bị loại trừ, vùi chôn thôi.
Đâu là Công bằng xã hội
“Vùng lên hỡi các nô lệ ở nước ta!” Nô lệ ở nước nước ta biết đến bao giờ mới hết là nô lệ khi mà hành động nô lệ hóa được thao túng bởi sự im lặng của các nhà đạo đức, của các đấng bậc có trách nhiệm rao giảng về công bằng xã hội?
Im lặng trước những đối xử bất công như vậy chẳng phải là đồng lõa hay thậm chí là tòng phạm/đồng phạm với tội ác chống lại lẽ công bằng sao?
Không thực hiện công bằng xã hội cũng như không cổ võ thực thi công lý mà lại hô hào yêu thương một cách chung chung rỗng không, vô hình vô tượng thì chẳng qua chỉ là lấy vải thưa che mắt thánh hòng cổ võ khích lệ bất công hơn là mang tình thương chân thật đến cho người bị áp bức bóc lột! Ôi! Thật là mai mỉa!
Trong trường hợp và hoàn cảnh của anh em Đoàn Văn Vươn cùng gia đình, có hai vấn đề được đặt ra đối với trách nhiệm của người Công giáo Việt Nam. Chúng ta không vì anh Vươn là người đồng tín ngưỡng với mình mà thương cảm anh. Nhưng ít ra, chúng ta không thờ ơ, vô cảm, hay nói đúng hơn, chúng ta không thể vô tâm trước vô vàn bất công đang đè nặng xã hội Việt Nam mà gia đình anh Vươn là nạn nhân điển hình.
Có lẽ chúng ta nên cùng nhau sám hối về thái độ dửng dưng, vô tâm này!
Học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo đòi buộc người Công giáo thể hiện hai thái độ cư xử cùng một lúc với nhau: Chúng ta hãy tỏ lòng yêu thương đối với anh em Đoàn Văn Vươn về cơn hoạn nạn mà hai anh và gia đình đã và đang gánh chịu. Đồng thời chúng ta cũng có trách nhiệm lên tiếng đấu tranh cho Công bằng xã hội được tôn trọng.
Có Công Lý mới có Hòa bình. Không thể có Hòa bình trong một xã hội mà Công lý bị chà đạp!
Học gì từ vụ đất Tiến Lãng và hiện tượng Đoàn Văn Vươn?
Cách đây hơn nửa năm, người viết có dịp trần tình về nỗi ưu tư của người tín hữu CGVN trước hiện tình Giáo Hội Công giáo VN lúc bấy giờ (Tháng 6/2011). Trong bài viết, chúng tôi có nêu ra câu nói của một đấng bậc CGVN trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Công giáo Eglises d’Asie ngày 08/7/2010, rằng “cứ mãi xung đột với nhau thì chỉ làm cho cuộc sống khó khăn hơn mà thôi….”
Trả lời lập luận trên, chúng tôi đã quả quyết: “Không nói tới xung đột cá nhân, sự xung đột xã hội có mầm mống từ phía người cai trị chứ không do người bị trị. Người dân bị trị chịu áp bức tới mức độ nào đó, sẽ vùng lên. Kẻ cai trị độc tài càng đàn áp để ôm giữ quyền lực thống trị thì mối xung đột càng lớn, càng trầm trọng! Không thể đổ lỗi cho kẻ bị trị! Lịch sử phong trào quần chúng nổi dậy đấu tranh chống độc tài, bảo vệ Công lý chứng minh điều ấy.”
Câu trả lời của chúng tôi nay được chứng minh cụ thể qua biến cố Tiến Lãng và hiện tượng Đoàn Văn Vươn như mọi người đều thấy.
Chúng tôi cũng đã trưng dẫn lời dạy của Đức Tổng Giám mục người Mỹ Daniel E. Pilarczyk: “Xem ra chúng ta đều học biết điều này là một chính quyền hiệu quả nhất chỉ khi nào giới bị trị dưới chính quyền ấy có quyền lên tiếng về người cai trị họ và về cách thức mà người cai trị phải thực thi. Điều ấy hàm ý rằng khi chính bản thân người dân bị trị hiểu được thế nào là Công lý, Quyền lợi và Trách nhiệm thì họ sẽ sẵn lòng chấp nhận rắc rối xảy đến cho họ để mà phát huy Công lý một cách có hiệu quả nhất cho các nhu cầu bức thiết của xã hội.” (Bringing Forth Justice – Basics For Just Christians. Saint AnthonyMessenger Press. Cincinnati, Ohio, USA. 1999).
Chúng tôi không ngần ngại nêu ra việc Chúa Giêsu mở đầu sứ mạng cứu rỗi và rao giảng Tin Mừng của mình bằng lặp lại lời Ngôn sứ Isaia giữa Hội đường Do Thái: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,16-19; Mt 13, 53-58; Mc 6, 1-6).
Ngoài ra, chúng tôi lại cũng trích dẫn tiếp lời dạy danh thép của Đức TGM Daniel rằng “Không phải mọi Kitô hữu đều cùng một ý nghĩ như nhau trước cùng một sự việc xảy ra, nhưng không ai được bảo rằng theo đuổi Công lý trên thế gian này không phải là việc của mình.”
Đức Cha Daniel còn nhắc nhở: “Nếu một thành phần dân chúng bị phân biệt đối xử, dĩ nhiên chúng ta có thể cầu xin Đấng bầu chữa kẻ áp bức đoái thương những người xấu số ấy, nhưng bên cạnh đó chính chúng ta cũng phải dấn thân để bảo vệ họ…”
Bởi vì, theo ngài, Thiên Chúa muốn con người phải cộng tác vào công trình sáng thế của Chúa, phải thể hiện tinh thần trách nhiệm của chính mình với người anh em đồng loại. Ngài nói rõ: “Nếu ở đâu có bất công, nếu ở đâu các thứ quyền của con người bị xâm phạm, thì những người khác, do trách nhiệm bẩm sinh của mình, hãy ra tay.”
Đấy, đấu tranh cho Công lý là trách nhiệm bẩm sinh chứ không phải là một hành vi bất chợt phát sinh từ một hoàn cảnh chính trị hay từ hận thù cá nhân! Trách nhiệm đó sôi sục trong huyết quản con người, là tiếng nói của lương tâm thôi thúc con người hành động cho Công lý.
Đáng khâm phục thay hành động dũng cảm của anh Đoàn Văn Vươn mà chúng tôi cho là hành động vì Công lý hơn là vì tư lợi! Anh Vươn đã chẳng “liều chết cho xã hội được hồi sinh” sao?
Yêu thương có tách rời Công lý?
Người Công giáo chúng ta đã làm gì chưa để thể hiện tình yêu đối với anh em nhà họ Đoàn và vợ con hai anh? Đã làm gì chưa để “hiệp thông”, “đồng hành” và cùng liên đới trách nhiệm với anh Vươn, hỗ trợ anh nhân rộng cao trào phát huy và bảo vệ Công bằng xã hội trên quê hương mình?
Yêu người, yêu nước! Cụ thể hóa tình yêu ấy như anh Vươn, như các thanh niên Công giáo Vinh, Thanh Hóa… đó chẳng phải là phương hướng và mục đích của con đưòng sống đạo sáng ngời mà mọi người Công giáo chúng ta cần theo đuổi sao? Huống hồ là những đấng bậc đang mang trong mình thiên chức và sứ mạng phúc âm hóa, muối cho đời!
Chúng ta không muốn ai “đặt điều vu khống”, “bôi nhọ” chúng ta, gán tội chúng ta vì lợi ích riêng tư mà “thỏa hiệp”, toa rập với cường quyền thủ tiêu những quyền chính đáng của con người, dập tắt Công bằng xã hội và làm lệch hướng ý nghĩa Tình Yêu Kitô giáo!
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vô tình hay hữu ý, có những đấng bậc lại coi im lặng là vàng để không lên tiếng những điều cần lên tiếng.
Bên cạnh đó cũng có đấng giảng giải cao siêu các ý niệm về Tình Yêu và Công bằng khiến thành phần giáo dân chưa trưởng thành chẳng hiểu gì cả hoặc hiểu một cách mù mờ thậm chí hiểu lệch lạc ý nghĩa lời giảng dạy thâm sâu của các đấng thìlàm sao thực hành cho đúng?
Chẳng hạn, có một đấng khi thuyết giảng về “triết lý” Cánh Chung Luận đã phê phán triết gia Kant không tìm ra đâu cái lẽ công bằng trên cõi đời này khiến chính bản thân Kant bất lực phải cầu cứu tới “Công Bằng Tuyệt Đối”. Vị chủ chăn cũng cho rằng cái triết lý Nghiệp-Quả của Nhà Phật cũng đã không giúp tìm ra được lẽ công bằng khiến Phật Giáo cũng nại tới “Công Bằng Tuyệt Đối”. Vị chủ chăn tránh không nói lời khen chê đối với Kant và với Nghiệp Quả, nhưng lại quả quyết Chúa Giêsu vàongày Cánh Chung không phán xử theo “tiêu chuẩn đó” (tiêu chuẩn Công bằng của Kant và của Nhà Phật) mà chỉ dựa trên Tình Yêu!
Lời luận bàn của vị chủ chăn có thể dễ hiểu đối với cái cử tọa “sinh viên học Mác xít” đang ngồi lắng tai nghe ngài. Nhưng cái loại giáo dân i-tờ về triết học như người viết đây chắc chắn cũng i-tờ hay mù tịt về điều ngài giảng dạy thôi!
Tuy nhiên, ít ra mọi người Công giáo, kể cả CGVN cũng đều hiểu rằng, đạo Công Giáo có 10 Điều răn, trong đó có Điều Răn Thứ Bảy và ThứMười dạy về Đức Công Bằng! Với người Công Giáo, Yêu Thương không trốn chạy Công Bằng. Cũng như Công Bằng bao gồm cả Yêu Thương.
Nhà thần học Công giáo Mitch Finley bàn về Điều Răn Thứ Bảy trong cuốn The Ten Commandments – Mười Điều Răn (do NXB Liguori, Missouri, HK năm 2000) của ông nơi mục Respect for the Rights of All – Tôn trọng quyền của mọi người) như sau:
“Theo Giáo lý Hội Thánh Công giáo, điều răn này [Điều răn Thứ Bảy] dạy chúng ta phải giữ ‘công bằng và bác ái’ trong việc quản lý những của cải trần thế và thành quả lao động của con người – According to the Catechism of the Catholic Church this commandment directs us to ‘justice and charity’ in the care of all goods of this earth and the fruits of human labor.” Finley nói chính Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy như vậy đó (GLCG # 2401).
Một nhà thần học Kitô giáo khác – Timothy Keller đã dành ra một quyển sách trên 200 trang để bàn về “Công lý” dưới nhan đề “Generous Justice” do NXB Dutton, Penguin Group, Anh quốc, phát hành hồi tháng Mười 2010.
Tự cái nhan đề “Công bằng Rộng lượng” đủ nói lên hai yếu tố Tình yêu và Công bằng như lặp cặp song sanh, mỗi người một tánh, nhưng luôn sát cánh hỗ trợ cho nhau.
Xin trích dẫn một đoạn từ quyển sách ấy:
“Vào ngày Chung Thẩm, xin đừng ai thưa với Chúa rằng, ‘chúng con nào thấy Chúa đói khát, trần truồng, tù tội bao giờ đâu’. Bởi vì câu trả lời là: ‘Trên Thánh giá đó’. Ở đó chúng ta thấy Chúa tự nguyện hòa mình như thế nào vào thân phận của những kẻ bị áp bức trên thế gian này. Ngài chịu mọi sự khốn khó như vậy vì chúng ta, cho chúng ta. Chúa Giêsu đáng được tha chết, đáng được tự do, nhưng Người chấp nhận chịu xử án với cái bản án lẽ ra là dành cho chúng ta vì tội lỗi chúng ta đã phạm, nhưng chúng ta lại được tha (Galat 3, 10-14 và 2Cor 5, 21)”.
Tác giả kết luận: “Một cuộc sống sung mãn Công lý đối với kẻ khốn cùng sẽ là dấu chỉ đương nhiên của một đức tin chân thật và đích thực vậy”.
Câu Giáo lý đơn sơ thời xa xưa vẫn còn giá trị và đáng cho chúng ta suy ngẫm: “Khi thấy ai chới với dưới sông mà chẳng ra tay cứu vớt, một đem của ăn cho nó mà thôi thì lẽ ấy làm sao?” Tình thương là đó! Nó hàm chứa trong lẽ Công bằng!
Cho nên đối với đấng chủ chiên đã phát ra lời nói vào ngày 10/10/2010 để trả lời ký giả Gia Minh của đài Á châu Tự do (RFA), rằng “Bây giờ trong bối cảnh Việt Nam có một số biến động, phần nào mang màu sắc chính trị, nên người ta hiểu Công lý là phải đấu tranh cho quyền lợi của người Công giáo, chẳng hạn vấn đề đất đai”, thì vụ đất Tiến Lãng và hiện tượng Đoàn Văn Vươn phải hiểu thế nào và giải quyết làm sao nếu gạt ra ngoài bài toán Công lý? Giải thích làm sao ý nghĩa và sự vận dụng Công bằng xã hội trong trường hợp này?
Đất đai tự nó không là vấn đề Công lý. Nhưng khi đất đai trở thành tài sản của một cá nhân hay một chủ thế có tư cách pháp nhân (tôn giáo), thì quyền sở hữu chủ phải được tôn trọng. Xâm phạm tới tài sản ấy là lỗi phép công bằng. Kẻ sử dụng quyền lực hay bạo lực để chiếm đoạt tài sản hợp pháp từ cá nhân hay từ chủ thế pháp nhân phải chịu sự trừng phạt của Công lý. Giáo Hội chẳng có trách nhiệm lên tiếng thay cho những người không có tiếng nói để thể hiện Tình yêu và bảo vệ Công lý sao?
Điều trớ trêu đến bàng hoàng là ý tưởng của vị chủ chăn nói trên lại được lặp lại mạnh mẽ và xác quyết hơn vào ngày 25/02/2012 đúng thời điểm cả nước sôi sục vì những bất công và bất cập trong cách thức mà đảng và nhà nước CSVN đã tiến hành dẫn tới hành động đối đầu của anh Đoàn Văn Vươn. Lời phát biểu của vị chủ chăn sau đây không hề là một điều bịa đặt, mà do chính các trang web của các Gp Việt Nam chuyển tải lên internet để mọi người cùng thấu triệt: “Ngày hôm nay, do cố ý hay vô ý, do chưa được chuẩn bị để tiếp cận với những vấn đề thiết thân và nhạy cảm trong đời sống xã hội, do bối cảnh ra đời của UB nên khi đề cập đến Công lý & Hòa bình là người ta nghĩ đến việc đòi đất, đó là một cách hiểu méo mó lệch lạc cần phải được thay đổi”.
Chao ôi! Nghẹn ngào! Hết ý!
Lê Thiên (28/02/2012)
Ghi nhận những ngày học hỏi về GHXHCG của Giáo tỉnh Hà Nội tổ chức tại TGM Thanh Hóa
No comments:
Post a Comment