Trở Về Trang chính

Thursday, March 1, 2012

Trung Quốc : Xung đột sắc tộc luôn âm ỷ tại Tân Cương

RFI - Thứ năm 01 Tháng Ba 2012

Lực lượng an ninh Trung Quốc tuần tra trên đường phố Urumqi, khu tự trị Tân Cương, ngày 3/7/2010.
Reuters

Lê Phước
Ngày 28/02/2012, tại thành phố Kargilik (Diệp Thành theo tiếng Hoa) thuộc địa khu Kashgar (Khách Thập), Tân Cương, xung đột sắc tộc lại xảy ra làm thiệt mạng đến 20 người. Nhật báo Công giáo La Croix đi sâu tìm hiểu cội nguồn vụ việc qua bài viết : « Bắc Kinh muốn kiểm soát lại Tân Cương ».

Tân Cương tọa lạc vùng viễn đông Trung Quốc, là nơi luôn âm ỷ xung đột giữa người Duy Ngô Nhĩ bản địa chiếm đa số và người Hán chiếm thiểu số. Trước tình hình căng thẳng, để kiểm soát tốt hơn một tỉnh có nhiều cuộc nổi dậy chống chính quyền trung ương, Bắc Kinh đã toan dùng chiêu bài biến đổi toàn diện vùng này, từ văn hóa đến vật chất, bằng những kế hoạch đô thị hóa khổng lồ.

Năm 2009, Tân Cương đã bị chao đảo bởi làn sóng nổi dậy, làm ít nhất 197 người thiệt mạng và 1 700 người bị thương. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã lập tức kiểm soát tình hình. Đầu năm 2010, địa phương nằm trên Con đường Tơ Lụa năm xưa, đã trở thành đặc khu kinh tế thứ sáu của Trung Quốc. Thật ra, chính quyền trung ương đầu tư nhiều tiền bạc với ý muốn là biến địa khu Khách Thập thành « một Thẩm Quyến phía tây ».

Theo tờ báo, Khách Thập bị thay đổi nhanh chóng, và chẳng bao lâu nữa sẽ hoàn toàn đổi khác. Tại đây, nhiều chung cư đã mọc lên, trải dài hàng cây số. Nhiều chung cư khác đang được xây dựng để cho hàng chục ngàn người Hán đến ở. Chính quyền cho rằng, những người Hán này đến Khách Thập để « tham gia vào sự phát triển của địa phương ».

Hậu quả của quá trình đô thị hóa ào ạt chính là việc các công trình lịch sử và nhà cửa theo truyền thống bản địa chẳng mấy chốc sẽ đi vào dĩ vãng, chính quyền chỉ giữ lại một khu để phục vụ du lịch. Người Duy Ngô Nhĩ bản địa hoàn toàn bất lực trước những đổi thay của nơi mà cha ông mình để lại. Hơn nữa, họ còn chịu nhiều bất công và bó buộc trong các hoạt động tín ngưỡng (Người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi và nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ).

Tờ báo cũng cho biết, gần với Khách Thập, địa khu Hotan (Hòa Điền) mấy năm gần đây cũng chịu sự đổi thay chóng mặt. Đến mức mà tờ báo cho rằng, đứng giữa Hòa Điền mà người ta cứ tưởng ở một thành phố thuộc người Hán nào đó tại Trung Quốc. Tức là các dấu vết văn hóa bản địa đã bị cuốn trôi bởi dòng thác đô thị hóa có chủ đích của chính phủ Trung Quốc.

Bắc Kinh còn cho đặt tên các con đường mới xây dựng bằng chữ Hán, trong khi mà đa phần người Duy Ngô Nhĩ bản địa không hiểu gì về ngôn ngữ này. Một doanh nhân Duy Ngô Nhĩ bức xúc : « Không còn dấu vết gì của ngày xưa nữa, không còn chút gì dành cho cuộc sống truyền thống bản địa nữa ».

Theo La Croix, mỗi khi đêm về, xe cảnh sát tuần tra ngang dọc trên phố. Chính quyền biện giải cho hành động này là để đề phòng khủng bố và xung đột tôn giáo và sắc tộc. Doanh nhân Duy Ngô Nhĩ trên cho biết, đó chỉ là một cái cớ để chính quyền kiểm soát địa phương. Theo người này, chính quyền có thể tuyên truyền theo ý mình vì họ nắm trong tay các phương tiện thông tin đại chúng, trong khi đó có biết bao người bản địa bị trưng dụng đất để phục vụ cho quá trình đô thị hóa, do thấp cổ bé họng, cuối cùng tiếng nói của họ cũng chẳng được ai lắng nghe.

Bắc Triều Tiên hoãn chương trình hạt nhân, Mỹ viện trợ lương thực

Hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên lại vừa có thêm tình tiết mới khi chính phủ nước này, ngày hôm qua, thông báo cho tạm hoãn việc phóng thử tên lửa tầm xa, hoãn thử hạt nhân và việc làm giàu uranium, đồng ý cho các thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trở lại. Báo Pháp hôm nay đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.
Trước những động thái dồn dập này, Libération đặt câu hỏi: Ba tháng sau khi ông Kim Jong-il từ trần, có phải quan hệ hai miền Triều Tiên đang bắt đầu được hâm nóng ?

Tờ báo cho biết, Hoa Kỳ đã thông báo khôi phục lại quá trình viện trợ lương thực cho Bắc Triều Tiên, một đất nước đang có nền kinh tế vô cùng u ám. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bày tỏ : « Đó là bước đi bé nhỏ đúng hướng đầu tiên ».Tờ báo nhắc lại, tuần rồi, Bình Nhưỡng và Washington đã tiến hành đàm phán tại Trung Quốc nhằm nối lại vòng đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Le Figaro chia sẻ quan điểm trên khi nói rõ, « bước đột phát đáng kinh ngạc này » giúp cho Kim Jong-un tìm được nguồn viện trợ lương thực quan trọng vào thời điểm kinh tế đất nước đầy khó khăn, lại sắp diễn ra kỷ niệm 100 năm ngày sinh của người sáng lập chế độ Kim Nhật Thành vào ngày 15 tháng 4 tới. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng đã mở cánh cửa theo hướng tiến đến sự xóa bỏ lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với chế độ nhà họ Kim.

Cũng theo Le Figaro, bước đột phá này là điểm tiếp nối của quá trình xoa dịu tình tình được bắt đầu vào mùa hè năm rồi khi Kim Jong-il còn sống, tức là được tái khởi động sau vụ căng thẳng đến từ việc miền Bắc thử hạt nhân năm 2009 và nã pháo vào một hòn đảo của miền Nam hồi năm ngoái.

Tờ báo dẫn lời của một giáo sư Hàn Quốc nhận định : « Họ đã hiểu được việc cần thiết của việc xóa bỏ thế cô lập và việc hạn chế lệ thuộc vào Trung Quốc ». Trong khi đó, theo nhận định của các cơ quan tình báo phương Tây tại Séoul, mục đích chính của Kim Jong-un là tạm yên ổn trên mặt trận ngoại giao để tập trung ổn định tình hình trong nước trong giai đoạn đầy nhạy cảm của quá trình chuyển giao quyền lực.

Theo Le Figaro, đây cũng là một thắng lợi cho tổng thống Obama bởi vì ông cũng đang trong một giai đoạn vô cùng nhạy cảm : Giai đoạn tìm cách làm chủ Tòa Bạch Ốc thêm một nhiệm kì.

La Croix thì có cái nhìn bi quan hơn khi cho rằng, từ 20 năm nay, chiêu bài chấp nhận trở lại bàn đàm phán để đổi lấy lương thực đã được Bình Nhưỡng không ít lần sử dụng, và lần này có lẽ cũng thế. Như vậy, viễn cảnh chấm dứt hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên còn khá xa vời.

Tuy nhiên tờ báo cũng nói thêm, năm nay là sinh nhật lần thứ 100 của Kim Nhật Thành. Đây là một sự kiện trọng đại của chế độ Bình Nhưỡng. Bởi vậy mà động thái vừa rồi của miền Bắc, trước tiên là muốn xoa dịu với nước ngoài, kế đến là để tìm nguồn lương thực trong thời buổi khó khăn, từ đó có thể tạo hình ảnh đẹp của tân lãnh đạo Kim Jong-un trong mắt người Bắc Triều Tiên và bạn bè quốc tế.

Ngân hàng thế giới kêu gọi Trung Quốc thay đổi mô hình tăng trưởng

Vừa qua, tại Bắc kinh, chủ tịch Ngân hàng Thế giới ông Robert Zoellick đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc hội nhập hơn nữa vào nền kinh tế thế giới, nhân dịp công bố bản báo cáo mang tên : « Trung Quốc vào năm 2030 ». La Croix quan tâm đến sự kiện này qua bài viết chạy tít : « Ngân hàng thế giới khuyên Trung Quốc thay đổi mô hình phát triển ».

Ông Robert Zoellick nhận định : « Việc cần thiết cải tổ là không thể bàn cãi được bởi hiện tại Trung Quốc đang trong giai đoạn bước ngoặt của sự phát triển ».

Lập luận này dựa vào bản báo cáo nói trên của Ngân hàng Thế giới, theo đó từ 30 năm nay, nền kinh tế Trung Quốc phát triển với tốc độ chóng mặt, với tỷ lệ tăng trưởng trung bình 10%/năm. Như vậy, hiện tại là giai đoạn bước ngoặt của Trung Quốc. Theo báo cáo, mô hình Trung Quốc theo đuổi bấy lâu nay hiện tại không còn phù hợp, bởi không còn là lúc Trung Quốc có thể « tự xoay trở » nữa, mà là lúc phải biết thay đổi để hòa nhập vào nền kinh tế thế giới, vào những đổi thay to lớn trên trường quốc tế. Cụ thể là Trung Quốc phải thay đổi mô hình tăng trưởng, một mộ hình vốn dĩ chỉ dựa vào đầu tư và xuất khẩu.

Báo cáo cũng dự phóng, trong vòng 20 năm tới, tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chỉ còn ở mức 5 hay 6%/năm. Một quan chức chính phủ Trung Quốc tham gia xây dựng bản báo cáo cũng chia sẻ sự cần thiết cải cách kinh tế của nước này.

Tờ báo cho biết, báo cáo hiện được sự ủng hộ của hai nhà lãnh đạo tương lai Trung Quốc là ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường. Thế nhưng, có thể nó sẽ bị phản đối bởi bộ phận được hưởng quyền lợi từ mô hình hiện tại. Phản ứng trước tiên có thể đến từ các tập đoàn Nhà nước, vốn từ lâu được sự ưu ái của chính phủ trong chính sách hạn chế đầu tư nước ngoài nhất là trong các lĩnh vực ô tô, năng lượng, tài chính và viễn thông.

Châu Âu và Belarus trong vòng khẩu chiến

Liên quan đến xung đột ngoại giao đang diễn ra giữa Liên Hiệp Châu Âu và Cộng hòa Belarus, Le Figaro có bài chạy tựa khá ấn tượng : « Khẩu chiến giữa Liên Hiệp Châu Âu và Bélarus ».

Ngọn lửa bùng lên sau khi các bộ trưởng Ngoại giao châu Âu quyết định phong tỏa tài sản, cấm cấp thị thực cho 21 quan chức cao cấp của Belarus gồm 19 thẩm phán và 2 sĩ quan cảnh sát. Trước đó, danh sách này đã có 208 quan chức Belarus vì có dính líu đến việc đàn áp phe đối lập. Ngay lập tức, chính phủ Belarus ra lệnh trục xuất các nhà ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu và Ba Lan. Đáp lại, hôm thứ Ba, các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã cho triệu hồi đại sứ tại Belarus. Liên Hiệp Châu Âu cũng thông qua lệnh cấm vận bán vũ khí và quân cụ đối với nước này. Hôm qua, tại Berlin (Đức), lãnh đạo ba nước Đức, Pháp và Ba Lan tuyên bố, các biện pháp này sẽ được thắt chặt hơn nữa nếu tình trạng nhân quyền tại Belarus không cải thiện.

Vụ đụng độ lần này không phải mới mẻ gì trong quan hệ song phương giữa Liên Hiệp Châu Âu và Belarus. Le Figaro nhắc lại, vào năm 1998, tổng thống Loukachenko đã từng cho trục xuất các nhà ngoại giao châu Âu và Mỹ. Đáp lại, Loukachenko và 130 quan chức cao cấp Belarus ngay lập tức bị tuyên bố không được chấp nhận trong khu vực Liên Hiệp Châu Âu.

Từ khi được tái cử vào cuối năm 2010, chính quyền Loukachenko không ngừng gia tăng trấn áp đối lập. Hôm thứ Sáu vừa rồi, nhà đối lập Serguei Kovalenko đã bị kết án 2 năm rưỡi tù giam do vi phạm bản án treo được tuyên trước đó. Năm 2010, người này đã từng treo cờ chế độ cũ của Belarus trên cây thông Noel. Cách đây một tháng, tòa án nước này cũng đã bác đơn kháng cáo của lãnh đạo Trung tâm Viasna (thuộc phong trào nhân quyền tại Bélarus). Người này bị buộc tội trốn thuế và bị kêu án 4 năm rưỡi tù giam.

Đáng chú ý là hai nhân vật được xem là đối thủ chính của tổng thống Loukachenko, đó là Andrei Sannikov và Nicolai Statkevitch, hai người từng tổ chức biểu tình ngay sau ngày tái cử của ông Loukachenko. Họ đã bị kết án 5 năm tù giam. Vợ của ông Sannikov cho biết, trong tù, chồng bà đã bị tra tấn. Theo Le Figaro, bên cạnh hiện tượng tra tấn phổ biến tại Belarus, có nhiều người đối lập đã bị mất tích một cách khó hiểu.

Ông Loukachenko đã nắm quyền từ 17 năm nay. Hiện tại, kinh tế Belarus đang ảm đạm, thâm hụt thương mại khổng lồ, lạm phát phi mã. Tờ báo mỉa mai : Kinh tế u ám, chỉ còn có đàn áp là phát triển.

No comments:

Post a Comment