Nhạc sĩ Trúc Hồ, TS Nguyễn Đình Thắng và một số đoàn thể cũng như cá nhân đã xử dụng một phương tiện mới để nói lên một tiếng nói chính thức của người Việt ở nước Mỹ về vấn đề “Vi phạm nhân quyền” tại VN (Nhóm Tổ Chức hay NTC). Nhờ phương tiện mới này, bằng cách nói lên ý kiến của mình trực tiếp trên trang mạng tòa Bạch Ốc, tiếng nói chính thức của chính phủ Mỹ, người Việt tại Mỹ đã có dịp bầy tỏ những sự bất bình về cách đối xử của nhà cầm quyền CSVN đối với người dân trên nhiều phương diện, đặc biệt là quyền làm người, và quyền làm dân, dựa theo sự đồng ý của họ khi gia nhập tổ chức Liên Hiệp Quốc.
Mặc dù chính phủ Mỹ chỉ cần 25,000 chữ ký là họ sẽ trả lời câu hỏi của những người nêu vấn đề vi phạm nhân quyền tại VN, và sự trả lời này thường thì không ngoài một bài viết chính thức của nhân viên tòa Bạch Ốc – cũng như những lần trả lời khác liên quan đến những câu hỏi của dân chúng Mỹ, nhưng lần này chính phủ Mỹ đã có phản ứng đặc biệt đối với câu hỏi của chúng ta. Đặc biệt là vì chính phủ Mỹ và quốc hội Mỹ sẽ gặp đại diện của những người đã ký bản thỉnh nguyện này cũng như Nhóm Tổ Chức, và sở dĩ họ làm như vậy vì số người ký tên vào thỉnh nguyện đã vượt sức dự đoán của chính phủ Mỹ cũng như giới lập pháp Mỹ chỉ trong thời gian rất ngắn.
Vấn đề đặt ra là chuyện gì sẽ xẩy ra trong vài ngày gặp gỡ đó và sau đó thì kết quả sẽ ra sao?
Chúng ta tin chắc rằng Nhóm Tổ Chức đã và sẽ chuẩn bị thật chu đáo và đầy đủ hồ sơ với những chứng cớ về sự vi phạm nhân quyền của CSVN, không những gần đây mà còn về những sự vi phạm nhiều năm trước nữa khi đi gặp chính phủ Mỹ. Và sự tố cáo CSVN vi phạm nhân quyền này sẽ không giới hạn vài cá nhân hay vài tổ chức đã tự lên tiếng, mà còn về những người không thể tự họ lên tiếng nói được, thí dụ như nạn buôn người (phụ nữ VN) qua các nước khác qua hình thức kết hôn. Nhóm Tổ Chức phải chuẩn bị chu đáo vì hai lý do. Thứ nhất là trên 100,000 người đặt tin tưởng nơi họ, và thứ hai là muốn chính phủ Mỹ cũng như quốc hội Mỹ lắng nghe họ một cách chính thức vì NTC là đại diện của hàng 100,000 người.
Chính phủ và Quốc hội Mỹ và tòa đại sứ Mỹ tại VN chắc cũng đã biết những hồ sơ vi phạm nhân quyền mà NTC sẽ đưa ra. Tuy nhiên, làm cách nào để chính phủ Mỹ có sự biểu lộ thái độ của họ trên giấy tờ – hay là những sự hứa hẹn, nếu có, lại sẽ đi vào quên lãng giống như trường hợp trong năm 2007, khi chính quyền Bush gặp gỡ 4 người Việt trong cộng đồng người Việt, có vai trò lãnh đạo về đòi hỏi nhân quyền, để tìm hiểu thêm về sự vi phạm nhân quyền tại VN lúc đó.
Với sự chuẩn bị chu đáo, cũng như học hỏi từ những kinh nghiệm lần trước, chúng ta mong rằng Nhóm Tổ Chức sẽ đạt được kết quả tối đa trong và sau khi tiếp xúc với chính quyền Mỹ.
Thực ra, phản ứng của cơ quan hành pháp Mỹ không hẳn là mục tiêu tối hậu mà NTC nhắm đến để đạt được những hành động tích cực liên quan đên sự vi phạm nhân quyền tại VN. Dĩ nhiên đạt được một quyết định tích cực từ chính phủ Mỹ về chuyện này là một kết quả rất tốt. Tuy nhiên, vụ gặp gỡ chính phủ Mỹ lại sẽ là một bàn đạp để NTC có cơ hội trình bày vần đề này đến lưỡng viện quốc hội Mỹ, nơi mà dự luật về nhân quyền tại VN vừa được tiểu ban Nhân Quyền Hạ Viện (NQ) chấp thuận để được đưa ra bàn cãi và biểu quyết tại quốc hội (H.R. 1040, approved 2/8/2012). Dự luật này hạn chế sự “trợ giúp và làm ăn” của chính phủ Mỹ đối với VN cho đến khi VN cải thiện nhân quyền (Trong quá khứ, đã có hai dự luật tương tự không những được thông qua tiểu ban NQ của Hạ Viện, mà còn được Hạ Viện chấp thuận, nhưng sau đó lại bị bác bỏ khi cần đến sự chấp thuận của Thượng Viện). Cái thế mạnh của bàn đạp này để từ hành pháp lên đến lập pháp là sự cần thiết, vì nếu NTC không có thế mạnh khi ra điều trần trước quốc hội Mỹ về sự vi phạm nhân quyền của CSVN sau ngày gặp mặt tại Whitehouse, thì dân biểu và thượng nghị sĩ sẽ không thấy “áp lực” hay “động lực thuận tiện” để họ biểu quyết chấp thuận dự luật này.
Chắc m ọi người cũng đồng ý rằng với trên 100,000 chữ ký của thỉnh nguyện thư mà 100,000 chữ ký này có thể trở thành trên dưới 200,000 lá phiếu (tính theo số người có quyền bỏ phiếu trong một gia đình có từ 2 đến 4 người trưởng thành), thì giá trị đích thực của những lá phiếu này trong kỳ bầu cử tổng thống và quốc hội tháng 11, 2012 sẽ không phải là nhỏ. Không biết NTC đã làm được chuyện để cho những người ghi danh vào thỉnh nguyện thư gửi chữ ký của họ đến những vị dân cử tiểu bang và địa phương không. Thường thì những vị dân cử này rất chú trọng đến ý kiến của cử tri của họ. Nếu mỗi người dân cử nhận được vài ngàn cái email liên quan đến vần đề vi phạm nhân quyền của CSVN thì kết quả chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn.
Mặc dù số người ký tên lên đến trên 100,000, tuy nhiên, chỉ dựa vào con số trên mà tin rằng những người ứng cử sẽ thay đổi quan niệm về nhân quyền VN qua lá phiếu của người đi bầu là điều không chắc lắm. Họ còn bỏ phiếu theo ý kiến và lập trường của đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa, cũng như quyền lợi địa phương của họ hay nói trắng ra, là vì quyền lợi của nước Mỹ. Để đạt được kết quả tối đa, NTC còn nên đánh vào “khối óc và trái tim” của họ, của tổng thống Obama, của chính quyền và dân biểu cũng như thượng nghị sĩ Mỹ. Nếu đánh thức được khối óc và trái tim của họ thì chúng ta sẽ biến “sự hiểu biết là VN có sự vi phạm nhân quyền” – mà họ đã biết từ lâu, chuyển qua “hành động tích cực qua lá phiếu”. NTC đã “khều” được chính phủ và quốc hội Mỹ nghe những bài hát về tự đòi hỏi tự do, nhân quyền hay lòng yêu nước của người Việt và chúng ta hy vọng là những lời nhạc này sẽ có phản ứng tốt đẹp nơi “con tim” của người nghe. Nói một cách khác, những “lá phiếu” của thỉnh nguyện thư hy vọng sẽ đi vào con tim của họ qua ngả đầu óc. Thay đổi được lập trường của họ về nhân quyền tại VN mới là điều quan trọng, quan trọng hơn là chúng ta cho họ biết về những sự vi phạm này. Và chỉ có sự thay đổi lập trường này sẽ cho chúng ta một hy vọng thực sự về quyết định của lưỡng viện quốc hội Mỹ bỏ phiếu thuận cho dự luật hạn chế mậu dịch với VN, như đã nói ở trên. Nói cho cùng, sự thay đổi lập trường của họ cũng tùy thuộc vào những lá phiếu mà họ có thể có được từ cử tri (người Việt đi bầu trong nước Mỹ, nói chung cho mọi chức vụ)
Chúng ta chắc còn nhớ mới mấy tháng trước đây, một phái đoàn dân cử Mỹ qua thăm VN và họ đã tuyên bố rằng chuyện CSVN yêu cầu được mua vũ khí của Mỹ sẽ chẳng xẩy ra khi CSVN vẫn còn vi phạm nhân quyền trầm trọng. Dĩ nhiên CSVN im lặng trước những lời tuyên bố đó. Cộng thêm, bây giờ, nếu chính phủ Mỹ chỉ đề nghị hoặc khuyến cáo CSVN cải tiến nhân quyền sau khi nghe NTC điều trần, thì liệu CSVN có thay đổi hành động của họ không? Chắc ai trong chúng ta cũng nghĩ rằng “không” và nếu chúng ta tìm hiểu thêm những văn kiện của CSVN liên quan đến cách đối xử của họ đối với những người lên tiếng cho tự do thì cái “không” này bắt nguồn từ những nỗi “lo sợ sâu xa” của CSVN.
Trở lại tình trạng nhân quyền VN vài năm trước đây, khi tổng thống Bush và phó tổng thống Cheney tiếp đón 4 người Việt tranh đấu cho nhân quyền, và kiểm lại kết quả sau lần họp đó, thì chúng ta cũng đều biết rằng CSVN không những đã không cải thiện mà còn chà đạp, bắt bớ những người bầy tỏ ý kiến ôn hòa nhiều hơn nữa. Bush gặp những người này đầu tháng 6, thì 18 đến 23 tháng 6 năm 2007 cựu chủ tịch nhà nước Nguyễn Minh Triết đến viếng Mỹ, trong lần đó chắc chắn là đã bị nhắc nhở về sự CSVN vi phạm nhân quyền. Trước đó thì CSVN cũng “thả” 2 người VN tranh đấu cho nhân quyền là nhà báo Nguyễn Vũ bình và luật sư Lê Quốc Quân chắc để làm quà cho chuyến Triết viếng thăm Bush. Điều gì xẩy ra chỉ 3 tháng sau những cuộc gặp gỡ “vì nhân quyền” đó. Đó là sự ra đời của một Thông Báo Mật của Bộ Chính Trị, đảng CSVN, với chữ ký của Trương Tấn Sang (TTS) thay mặt Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN, mà bây giờ là đương kim chủ tịch. Thông báo Mật này được ký ngày 12 tháng9 năm 2007 và là một tài liệu cho thấy CSVN đã chưa bị áp lực đủ của Mỹ về nhân quyền. Sở dĩ gọi là tài liệu tối mật vì số bản lưu hành được đánh số và được thu hồi lại, cấm phổ biến. Nhà báo đã có được một nguyên bản.
Nội dung của tài liệu nói lên sự cần thiết phải bịt miệng thêm nữa những người tranh đấu cho tự do dân chủ, không để cho những người này thành lập một đảng đối lập, nhất là khi họ ra tòa. TTS đã viết với ý rằng, khi ra tòa, tòa đã để cho những người này nói quá nhiều có hại cho đảng, và hơn nữa, nhiều phiên tòa không sửa soạn kỹ lưỡng cho nên đã xẩy ra những trường hợp bất ngờ, tòa và đảng không phản ứng kịp. TTS còn kêu gọi mọi tầng lớp cán bộ, công an, … phải tích cực tối đa trong nỗ lực tình báo nhân dân để khám phá kịp thời những người tranh đấu cho tự do dân chủ này.
Nội dung của thông báo mật ngày 12 tháng 9 năm 2007 không những đã nói lên sự kiện là đảng CSVN đã kiểm soát toàn diện hệ thống tòa án VN, mà còn nói lên sự kiện là CSVN rất sợ có đối lập chính trị, cá nhân hay đảng phái. Tài liệu cũng cho ta biết rằng, kêu gọi đảng cởi mở, lắng nghe tiếng nói của người dân là điều không tưởng và sẽ bị kết án là chủ trương lật đổ đảng. Nội dung cũng nói lên một điều là Mỹ chưa đủ áp lực, hay CSVN chưa được trao đổi đủ để cải tiến về công và nhân quyền.
Dựa vào văn kiện trên, và nhất là lúc này TTS lại là đương kim chủ tịch nhà nước, thì vấn đề vi phạm nhân quyền của CSVN sẽ khó có thể cải tiến. CSVN cũng có thể dựa vào lần bị Mỹ và người Việt hải ngoại chỉnh đốn về vi phạm về nhân quyền này mà càng siết chặt thêm sự khủng bố dối với những người tranh đấu.
Nếu NTC không đạt được sự chấp thuận của lưỡng viện quốc hội về đạo luật Nhân Quyền liên quan đến CSVN bằng cách thông qua HR 1040 (House of Representatives #1040) mà chỉ có được sự đồng tình của tòa Bạch Ốc, thì cái kết quả thu được sẽ không như ý NTC muốn, hay hàng 100,000 người ký tên mong muốn.
Nhưng dầu có không đạt được điều mong muốn “stop expanding trade with Vietnam at the expense of human rights” (Ngưng trao đổi buôn bán với Vietnam nếu Vietnam còn vi phạm nhân quyền), thì NTC cũng như hàng 100,000 người ký tên đã chứng tỏ cho thế giới biết một cách chính thức và rõ ràng là:
- CSVN đã, đang và sẽ vi phạm trầm trọng quyền làm người, quyền công dân của những người dân đang ở Viêt Nam.
- CSVN đã và đang tìm mọi cách, kể cả kiểm soát tòa án, để loại trừ những người lên tiếng đòi hỏi tự do, dân chủ và nhân quyền, theo đúng tiêu chuẩn của Liên hiệp Quốc mà Việt Nam đang là một thành viên.
- Người Việt hải ngoại vẫn mạnh mẽ chống cộng sản Việt Nam.
- Người Việt hải ngoại vẫn luôn lưu tâm và yểm trợ những người tranh đấu cho dâu chủ tự do cho dân Việt Nam hiện đang ở trong nước.
- Người Việt hải ngoại luôn luôn tìm những phương cách hợp hiến và hữu hiệu để góp sức với đồng bào trong nước trong nỗ lực chống lại sự độc tài đảng trị và xử án không luật lệ của CSVN.
- Người Việt hải ngoại sống rải rác khắp năm châu nhưng luôn luôn đoàn kết khi cần thiết để ủng hộ và sát cánh với những người tranh đấu cho tự do dân chủ và độc lập cho đất nước.
Và nếu đạt được những điều trên, kết quả đó có được coi là đáng kể hay không? Kết quả có tốt đẹp hay không chắc chắn sẽ tùy thuộc vào những hoạt động kế tiếp của cộng đồng người Việt ngoài nước cũng như người Việt trong nước.
Một điều quan trọng nữa chúng ta ghi nhận được qua lần ký thỉnh nguyện thư này, đó là người Việt hải ngoại có thể có tiếng nói chung mà không cần người lãnh đạo. Được Một người và Một nhóm người có khả năng điều hợp cũng có thể mang lại kết quả mong muốn.
Tsl
No comments:
Post a Comment