Trở Về Trang chính

Thursday, March 1, 2012

Phong trào Thỉnh Nguyện Thư: Khi bàn tay nắm lấy bàn tay

Tác Giả: Việt Hoàng

Một phương cách đấu tranh mới cho Dân Chủ Việt Nam đang và đã được Quốc Hội và chính phủ Mỹ quan tâm. Xin mời đồng bào hãy tiếp tục ký Thỉnh Nguyện Thư.

Một cuộc vận động của cộng đồng người Việt tại Mỹ đang được dư luận hết sức quan tâm và chú ý theo dõi đó là ‘Phong trào Thỉnh Nguyện Thư’ kêu gọi Tổng thống Obama và giới dân cử Hoa Kỳ lên tiếng để chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhạc sĩ Việt Khang cùng những người dân chủ khác như linh mục Nguyễn Văn Lý, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, ông Vi Đức Hồi, luật sư Lê Công Định, kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, bà Bùi Thị Minh Hằng, ông Nguyễn Văn Hải (Điếu cày), chị Tạ Phong Tần…và hàng trăm tù nhân chính trị, tù nhân tôn giáo, và tù nhân lương tâm khác.

Phong trào kêu gọi mọi người ký vào Thỉnh nguyện thư do nhạc sĩ Trúc Hồ, một nhạc sĩ tài hoa, giàu cảm xúc và tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, một người hoạt động nhân quyền nổi tiếng của người Việt cùng với Đài truyền hình SBTN phối hợp tổ chức đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo bà con người Việt đang sinh sống tại Mỹ. Đến hôm nay đã có gần 100.000 chữ ký đã được gửi đến Nhà Trắng và hy vọng con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày cuối cùng.

Nước Mỹ sắp bước vào kỳ bầu cử tổng thống vì vậy tiếng nói của cử tri rất quan trọng, việc Tòa Bạch Ốc nhanh chóng phản hồi và hẹn gặp đại diện của cộng đồng người Việt để lắng nghe tiếng nói của chúng ta là một cơ hội lớn cho cuộc vận động chính trị trong chính giới Mỹ của một cộng đồng có hơn 1,5 triệu người. Đúng như tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nói: ‘Tất cả chúng ta có quyền tự hào về khả năng huy động lẫn nhau một cách rầm rộ trong một thời gian rất ngắn. Đây là cuộc diễn tập đầu tiên về quốc tế vận ở tầm vóc rộng lớn. Chắc chắn sẽ còn những cuộc diễn tập trong tương lai cho đến khi khối người Việt ở hải ngoại đã sẵn sàng khi hữu sự’.

Phong trào này đã thành công một cách bất ngờ và gây ngạc nhiên cho tất cả mọi người từ người Việt trong nước đến ngoài nước đến cả chính giới Hoa Kỳ. Chưa bao giờ người Việt tại Mỹ lại đoàn kết, ủng hộ và chia sẻ với một ý tưởng và hành động nhân văn như việc ký Thỉnh Nguyện Thư yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhạc sỹ Việt Khang và các tù nhân lương tâm khác tại Việt Nam như vậy.

Những nội dung chính mà phía đại diện cộng đồng người Việt sẽ đề đạt lên chính quyền Obama, theo lời tiến sĩ Thắng thì đó là sự vi phạm nhân quyền ngày càng trầm trọng tại Việt Nam, sự đàn áp tôn giáo, đàn áp những người bất đồng quan điểm, ngăn cấm hội họp biểu tình, tự do ngôn luận, đàn áp các dân tộc thiểu số…Tất cả những vấn đề mà ban tổ chức nêu lên đều là những vấn đề nóng bỏng tại Việt Nam và đồng thời là trở ngại lớn cho quan hệ giữa hai nước Việt-Mỹ.

Việc nước Mỹ với hơn 200 năm lịch sử đã nhanh chóng trở thành siêu cường số 1 trên thế giới là nhờ những người sáng lập nước Mỹ kiên quyết chọn dân chủ và tự do như là tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất để hình thành nên Hiến Pháp Mỹ, trong đó qui định rõ ràng về quyền tự do của mỗi người, tôn trọng con người và xác quyết rõ ràng rằng chính quyền tạo ra để phục vụ con người, mục tiêu đó là quan trọng nhất và trên hết. Mọi người dân Mỹ đều được tôn trọng và bình đẳng như nhau. Chính những giá trị cao đẹp như dân chủ và tự do đã làm nên sức mạnh của Mỹ chứ không phải là sức mạnh đến từ vũ khí hay quân đội hùng mạnh. Nước Nga cũng rất hùng mạnh về quân đội và vũ khí nhưng không thể nào có sức hút và sự tôn trọng như với Mỹ.

Cộng đồng người Việt ở Mỹ do thừa hưởng được những giá trị của tự do và dân chủ nên đã nhanh chóng hội nhập và thành công trên đất nước đã cưu mang mình. Giờ đây họ lại phát huy tinh thần dân chủ và chia sẻ với đồng bào tại quê hương. Thật vui mừng và cảm động vì đã lâu rồi mới có một phong trào rộng lớn và thu hút được sự hưởng ứng của mọi tổ chức và đoàn thể người Việt tại Mỹ đến như vậy. Đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình của các bạn trẻ, nhiều người sinh ra và lớn lên tại Mỹ, họ đã đứng lên thay cha anh hướng về tổ quốc. Tuổi trẻ luôn là tương lai của đất nước, chính các bạn trẻ Việt Nam trong và ngoài nước sẽ quyết định vận mệnh Việt Nam trong hiện tại cũng như tương lai. Chúng ta rất cám ơn nhạc sỹ Việt Khang vì anh đã thắp lên ngọn lửa yêu nước, yêu đồng bào cho các bạn trẻ Việt Nam khắp năm châu. Có thể nói mà không sợ sai rằng đây sẽ là một sự kiện quan trọng đánh dấu một giai đoạn mới trong công cuộc vận động chính trị quốc tế cho nhân quyền và tự do tại Việt Nam. Người Việt ở Mỹ đã vượt qua được những khác biệt nhỏ để đoàn kết, sát vai nhau trong một cuộc vận động trả tự do cho những tù nhân lương tâm tại Việt Nam. Sự kiện này đang ‘gây một hào khí đấu tranh mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt hải ngoại, đặc biệt nhất ở những người quan tâm đến tiền đồ của Tổ quốc, đến hạnh phúc của người dân đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam’ như lời anh Trịnh Hội. Ngoài ra sự kiện này còn đánh thức tình yêu quê hương, tình đồng bào trong lòng mỗi con người Việt xa xứ. Nó sẽ thắp lửa cho các cộng đồng người Việt khắp năm châu noi theo và đó cũng là nguồn cổ vũ, động viên vô cùng lớn lao cho những người con ưu tú của đất nước đang trực diện đấu tranh cho công lý tại quê nhà.

Người Việt chúng ta đang sinh sống trên khắp thế giới hãy ủng hộ và bày tỏ sự đồng tình với những việc làm cao đẹp và có ý nghĩa như phong trào Thỉnh Nguyện Thư này của cộng đồng người Việt tại Mỹ. Khi tất cả người Việt trong nước cũng như ngoài nước đoàn kết và nắm chặt tay nhau đòi dân chủ và tự do thì sự thay đổi tại Việt Nam bắt buộc phải xảy ra, bởi vì ý dân cũng là ý trời.

Sự việc chắc chắn sẽ gây được chú ý của chính quyền Mỹ và giới lập pháp Mỹ cũng như dư luận quốc tế. Người Việt tại Canada, Úc, Pháp…chắc chắn sẽ có sự hưởng ứng sau khi có kết quả từ cuộc vận động này.

Sự kiện đang diễn ra cũng giống như biến cố Đoàn văn Vươn tại Tiên Lãng sẽ như một cơn sóng thần đánh vào thành trì của chế độ toàn trị Việt Nam, khiến họ chỉ còn hai con đường để lựa chọn: Thay đổi hoặc là chết.

Hy vọng của chúng tôi là sẽ được tham gia và chứng kiến những thay đổi quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam trong năm 2012 này.

No comments:

Post a Comment