Nguyễn Bá Chổi (Danlambao)
Cứ mỗi lần nghe hai bài hát của Việt Khang “Anh Là Ai” và “Việt Nam Tôi Đâu”, người viết lại liên tưởng đến nhạc Trịnh Công Sơn ngày nào. Cả hai người nghệ sĩ đều mượn nốt nhạc để dàn trải tâm sự, cất lên nỗi niềm trăn trở về Dân tộc và Đất nước. Chỉ khác nhau ở chỗ mỗi người mỗi vẻ. Một người thì tìm chốn an thân (trốn quân dịch= trốn nghĩa vụ quân sự) ngồi đó mà thở than; người kia thì, “tôi không thể ngồi yên”, xuống đường tranh đấu.
“Ngày nào” là trước Tháng Tư 1975. Thời đó, tuy chưa có internet, chưa có Ipod, nhưng nhạc Trịnh Công Sơn hay bất cứ nhạc sĩ nào khác, muốn hay không muốn ai cũng có thể được/bị nghe, nhờ Miền Nam có nền truyền thông và văn nghệ tự do. Bọn lính chiến chúng tôi, khi những cuộc hành quân dài ngày chấm dứt, những người sống sót trở về thành phố dưỡng quân. Sau vài ba ngày đầu sống vội vã “trả bữa”cho thời gian đã mất và nhận “ứng trước” cho cả ngày mai “rồi anh lại đi” biết có còn trở về, thường tìm đến quán cà phê để nghe nhạc, thư giản lại đầu óc căng thẳng bên ly cà phê, khói thuốc lá, và những chàng độc thân thứ thiệt hay độc thân tại chỗ “vui tính” nhâm nhi thêm mái tóc, ánh mắt, nụ cười, bờ vai, lồng ngực… của cô “em gái hậu phương” ngồi nơi quầy thu tiền chập chờn dưới ánh đèn mờ…
Những bản nhạc bọn chúng tôi muốn nghe nhất lúc đó phần lớn là của Trịnh Công Sơn, vì nó diễn đạt đúng với tâm trạng khắc khoải của chính mình. Chẳng hạn như:
“…Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn năm qua tuổi mòn
Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn
Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân
Một dòng sông trôi cuốn mãi về trời bấp bênh phận người” (Ca Dao Mẹ)
“… Một ngàn năm nô lệ giặc tàu
Một trăm năm đô hộ giặc tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, để lại cho con
gia tài của mẹ, là nước Việt buồn” (Gia tài của Mẹ)
“Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng
Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng
Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn.
Hàng vạn chuyến xe, claymore lựu đạn
Hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành
từng vùng thịt xương có mẹ có em” (Đại bác ru đêm).
……
Nghe và thấy rõ ràng, như là chính bản thân mình đang “bấp bênh phận người”; là anh em Nam Bắc “hai mươi năm nội chiến từng ngày”; là “cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn”. Nhưng chúng tôi không thể buông nòng súng tự vệ, vì biết trước hậu qủa của một Miền Nam thất trận: “Đất nước tôi” sẽ không “thanh bình” như lời nhạc của Sơn mong đợi, nhưng ngược lại, đất nước Miền Nam tôi sẽ bị “thanh toán” triệt để. Như chính bản thân Sơn đã “sáng mắt sáng lòng” trong những năm người nhạc sĩ có thân mình gầy gò yếu đuối “được giải phóng” cho đi nông trường để học trồng sắn, trồng mía, nuôi heo, suýt mất mạng vì mìn nếu không nhờ vào con trâu của người nông dân tốt bụng(1). Như người chị của người viết bài này ở giữa thủ đô Sài Gòn trước 1975 đã phải sợ hãi tiếng “đại bác đêm đêm vọng về thành phố”, một hôm thấy đứa em chồng vừa xuất khỏi quân y viện ghé thăm với một phân nửa mặt xám xịt và một cánh tay quấn băng trắng treo trước ngực, đã khuyên nó “đào ngũ đi chú, thôi kệ, để Cộng Sản nó vô cũng được”, để sau này lại trách, “tại vì các chú đánh giặc dở, nên chúng mới vô được đây làm khổ đồng bào”.
Hết những ngày phép ngắn ngủi, chúng tôi lại ra mặt trận chiến đấu bảo vệ cho một Miền Nam Tư Do, nơi đó có Trịnh Công Sơn được tự do tỏ bày tâm sự, kể cả kêu gọi những người cầm AK “từ Bắc vô Nam nối vòng tay lớn” dắt hàng ngàn đồng bào Huế của Sơn đi chôn sống trong dịp Tết Mậu Thân, 1968.
Nhiều người cho rằng những lời hát do ông viết ra có tính cách phản chiến, chỉ nhằm làm suy giảm tinh thần chiến đấu của người lính VNCH trước thảm họa… “giải phóng”. Nếu quả thật ý nghĩa và mục đích những bài hát của họ Trịnh là như vậy thì đối với người viết và những đồng đội chung quanh, vốn là chiến binh trong Quân đội Miền Nam trước kia, việc làm mà không ít người kết án “nối giáo cho giặc” hay “ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng sản” kia đã chẳng gây được chút tác dụng nào; tất cả anh em chúng tôi đã can trường chiến đấu bất khuất cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc chiến vệ quốc.
Trịnh Công Sơn đã về lại với “hạt bụi nào hóa kiếp thân” ông. Hãy để cho ông được tìm được “thanh bình” ở bên kia thê giới. Sở dĩ người viết nhắc đến ông hôm nay là vì liên tưởng đến ông khi nghe hai bài hát của một người Việt khác, cũng từ Miền Nam. Đó là nhạc sĩ Việt Khang.
Khác với Trịnh Công Sơn mù tịt với XHCN chỉ nghe nói thiên đường ở phía bên kia Bến Hải để tưởng tượng “mừng như bão cát quay cuồng” khi được “nối vòng tay lớn…”, người bạn trẻ Việt Khang nhìn thấy tận mắt và sống ở đó với thịt xương mình:
“Việt Nam ơi… thời gian quá nửa đời người
và ta đã tỏ tường rồi, ôi cuộc đời ngày sau tàn lửa khói
Mẹ việt nam đau từng cơn xót dạ nhìn đời
người lầm than đói khổ nghèo nàn
kẻ quyền uy giàu sang dối gian.”
Còn tệ hại hơn thời Trịnh Công Sơn trong “hai mươi năm nội chiến từng ngày”; ngày đó đất nước có bị chia cắt nhưng nhân dân hai miền vẫn tự hào là nước Việt Nam của người Việt Nam, Sơn đã không đến nỗi phải khóc thét lên như Việt Khang hôm nay khi nước Việt Nam hầu như không còn là của người Việt Nam nữa:
“Giờ đây… Việt Nam còn hay đã mất?
mà giặc Tàu ngang tàng trên quê hương ta
Hoàng Trường Sa đã bao người dân vô tội
chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu”
Trong khi đó những kẻ mệnh danh “bác cháu ta ra công giữ nước” lại… thật sự không biết “là ai, dân tộc nào, từ đâu đến” để đánh đập, sỉ nhục, bắt bớ, tù đày đồng bào mình khiến Việt Khang phải thốt lên:
“Xin hỏi anh là ai?
không cho tôi xuống đường để tỏ bày
tình yêu quê hương này
dân tộc này đã quá nhiều đắng cay.
Xin hỏi anh ở đâu?
ngăn bước tôi, chống giặc tàu ngoại xâm
Xin hỏi anh ở đâu?
sao mắng tôi, bằng giọng nói dân tôi
dân tộc anh ở đâu?
sao đang tâm, làm tay sai cho tàu”
Việt Khang nỉ non tr ước vận nước ngả nghiêng rồi không ngồi đó, mà đứng dậy:
Tôi không thể ngồi yên
khi nước Việt Nam đang ngả nghiêng
dân tộc tôi, sắp phải đắm chìm
một ngàn năm hay triền miên tăm tối
Tôi không thể ngồi yên
để đời sau cháu con tôi làm người
cội nguồn ở đâu?
khi thế giới này đã không còn Việt Nam.
Anh đứng lên không chỉ một mình mà còn kêu gọi mọi người:
“Là một người con dân Việt Nam
lòng nào làm ngơ trước ngoại xâm
người người cùng nhau đứng lên đáp lời sông núi
từng đoàn người đi chẳng nề chi
già trẻ gái trai giơ cao tay
chống quân xâm lược, chống kẻ nhu nhược bán nước Việt Nam”
Một thời tuổi trẻ, nghe Trịnh Công Sơn ủ dột níu kéo, nhưng phải hăng hái lên đường. Một thời còn lại tuổi già, nghe Việt Khang khắc khoải thôi thúc, mong làm sao được xông pha vào nơi gió cát… Để tiếp tay dành lại quê hương này. Ôi yêu quá, tiếng hát Việt Khang.
No comments:
Post a Comment