Trở Về Trang chính

Monday, March 19, 2012

Em không còn yêu anh nữa, Đảng ơi…

Khi anh nhận được những lời lẽ trong bức thư này thì em chắc rằng anh sẽ đau đớn lắm, nhưng sau bao năm trằn trọc và sống cùng với nỗi đau của riêng em, em quyết định viết và ra đi vì không còn lý do gì để mình sống chung với nhau được nữa.

Em gặp và yêu anh vào những ngày đầu của thế kỷ trước khi nhìn gương mặt kham khổ, rám màu sương gió của anh lúc nào cũng đau đáu cho nỗi đau chung của cả dân tộc. Anh là hiện thân của cái gì cao quý, trong sáng và mạnh mẽ lắm trong lòng em lúc đó. Em mơ thấy anh trong bước đi dồn dập của ngày hôn phối, là lúc anh và đồng đội hoàn tất sứ mạng cao cả giải thoát dân tộc ra khỏi sự xâm lấn chủ quyền của Tây phương trong đó Pháp và Mỹ là hai thế lực lớn đã lần hồi tháo chạy. Trước lòng tin của chúng em, những con người yếu đuối, nhỏ bé anh như thần linh, như thượng đế. Biết bao người như em đã dựa vào niềm tin thần thánh toát ra từ anh. Bởi anh là Đảng. Bởi anh là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của chúng em lúc bình thường cũng như khi biến loạn. Anh dũng mãnh và kiên cường biết bao khi hướng dẫn chúng em trên con đường giải phóng dân tộc. Anh nói gì chúng em cũng tin vì cương lĩnh, nghị quyết nào cũng vì đại nghĩa. Chúng em tin thế và sống thoải mái trong niềm tin bất biến này.

Ngày 30 tháng 4 chúng em một lần nữa tin anh. Một lần nữa dựa vào bờ vài rắn chắc của anh để cùng nhau xây dựng mái nhà của chúng ta nay không còn người ngoài chen vào với những âm mưu thâm độc.

Cuộc chiến đấu thì dài, thế sao niềm vui của chúng ta lại quá ngắn?

Em tự hỏi nhiều đêm khi anh nằm bên vô tư với những giấc ngủ sâu và không bao giờ tâm sự với em như hồi còn chiến đấu. Anh bận rộn với những sinh hoạt đời thường, bận rộn với đồng chí lớn nhỏ với biết bao điều mới lạ phát sinh sau ngày giải phóng. Em kiên nhẫn chờ đợi anh cùng nhau xây dựng đời sống thường nhật, một đời sống mà em tin là đáng được hưởng sau nhiều chục năm hy sinh trong hai cuộc chiến tranh giữ nước. Anh vẫn miệt mài bên các kế hoạch giữ gìn vị trí lãnh đạo của mình và em hoàn toàn hiểu được nỗi lo của anh vì anh thường nói đâu đó các thế lực thù địch vẫn đang rình mò sơ hở của mình để đánh phá.

Nỗi lo ấy ban đầu em xem là giả tưởng nhưng anh mãi nhắc lại mỗi đêm nên lần hồi em hoàn toàn tin là có thật. Nhiều lúc em len lén đề nghị, anh sao anh không xem xét giải quyết vần đề này thật trọn vẹn để mà yên tâm xây dựng đất nước. Thế lực nào đủ sức mạnh để giành giật vai trò lãnh đạo của mình? Sức mạnh dời sông lấp bể mà anh thường sử dụng sao không nhờ vào đó như mấy chục năm về trước anh đã từng nhờ?

Đôi lúc em tự hỏi anh có thừa thời gian để xem lại những vết thương cũ nay đã lành lặn thế tại sao lại không dành chút thời gian để xem những vết thương mới đang làm độc trên cơ thể của em. Những vết thương mà chính anh đã dung dưỡng, nuôi nấng và thậm chí làm cho nặng hơn khi bỏ ngoài tai những điều em nói?

Anh muốn biết vết thương nào đang làm cho em chảy máu thì xin một lần bình tâm nghe em nói tất cả sự thật những điều đang xảy ra chung quanh cuộc sống thường nhật của chúng ta. Đó là da thịt của em đang bị rạch nát. Nếu đất đai là da thịt thì tài nguyên sẽ là máu thắm luân lưu nuôi sống cơ thể. Vậy mà anh và bạn bè anh đang cắt thi thể để lấy máu nhuộm đỏ cơn mê làm giàu của mình.

Vết thương da thịt và những vết sướt trong tâm hồn đã làm em im bặt trong suốt nhiều chục năm trong cuộc sống chung với anh. Không phải là vợ chồng nhưng em chia sẻ với anh từ những ngày đầu gặp gỡ. Chúng em là nông dân, lớn lên và lăn lóc với ruộng vườn. Chúng em hãnh diện nuôi sống anh bằng những hạt lúa chân quê nhưng cũng đầy sức mạnh để anh tiếp tục con đường chiến đấu. Em chưa bao giờ lừa anh, kể cả lúc bị giặc tra tấn, ép cung nhưng hỡi ơi em cảm thấy bị anh lạnh nhạt quay lưng khi thân thể mình bị cày bừa thúc ép bởi đội quân cường hào ác bá mà anh đang dung dưỡng.

Anh đừng mơ hồ với em nữa vì bây giờ đã đến lúc chúng ta cần nói thẳng với nhau một điều: Anh đã phản bội em, phản bội niềm tin của em đã trao cho anh suốt chiều dài từ ngày anh bắt đầu dấn thân vào vai trò lãnh đạo.

Anh sẽ mỉm cười và cho rằng em ấu trĩ. Thưa anh, không. Nhân dân là em đã dần dà biết được những gì đang xảy ra trong hậu trường chính trị mà anh là kẻ chủ mưu. Thắng lợi anh đạt được quá lớn, lớn đến nỗi chính anh cũng không thể tin vào mình đã đạt được và nhiều khi anh đang mộng du trên cái nền thắng lợi ấy. Anh không hiểu phía sau vinh quang nào cũng có những thử thách lớn lao và việc chiến thắng hai cuộc chiến tranh cũng không thể ngoại lệ. Anh không nhìn ra giới hạn kiến thức của mình để tự thân học hỏi hầu điều chỉnh tầm nhìn của người lãnh đạo. Anh như ông vua bị bao vây bởi đám cận thần ngu dốt và xu nịnh nhắm mắt ban phát những chiếu chỉ hết sức phản động chống lại nhân dân của mình, trong đó có cả người thân của chính em, những người còng lưng vì sương gió tạo nên của cải cho xã hội. Anh đã ngày một ngày hai đốt sạch chút lòng tin cuối cùng của chúng em trong tất cả các quyết sách mang lại công bình cho toàn dân như ngày xưa anh hô hào, kêu gọi.

Em tha thứ cho anh nhiều lần và kể cả bây giờ khi viết những giòng cuối cùng này em vẫn có thể đang tha thứ cho anh, bởi sống với nhau quá lâu, quá thân thiết và trở thành máu thịt, em không thể tự mình cầm dao vạch vào khuôn mặt chính mình.

Thế nhưng có một điều em không thể tha thứ khi phát hiện ra anh ngày càng trượt dài vào con đường phản bội tổ quốc.

Từ hồi nào vậy, anh chia thác Bản Giốc cho ngoại bang? Từ hồi nào vậy Ải Nam Quan đã biến mất nhưng anh không một lời giải thích? Từ hồi nào vậy các bia đá ghi tội ác của giặc đã bị anh cho đàn em hủy hoại và từ hồi nào vậy anh cấm hẳn những buổi lễ kỷ niệm nhắc nhớ xương máu của đồng đội anh trên chiến trường Lạng Sơn, Gạc Ma, Hoàng Sa và còn nhiều nữa…

Anh đừng giả điếc đừng ném đá giấu tay đừng làm thinh như người ngoại cuộc.

Anh. Chính anh đã cho đàn em của mình bao vây buổi chiếu phim nói về đồng bào khốn khổ của mình tại Bình Châu, Lý Sơn khi bị giặc phương Bắc lộng hành cướp bóc, đe dọa và thậm chí giết chóc. Đó là bộ phim “Hoàng Sa-Việt Nam nỗi đau mất mát” của công dân người Việt gốc Pháp Andre Menras Hồ Cương Quyết. Phim bị cấm. Người bị giải tán. Phía sau hậu trường anh và đồng bọn cười vui chiến thắng. Một chiến thắng nhục nhã và không ai vỗ tay.

Anh. Chính anh bắt giữ đứa con gái bất khuất Bùi Minh Hằng khi cô la to những lời lên án quân cướp nước. Việc bắt giữ này công khai và lố bịch vì anh không thể chịu đựng sự nhiếc móc của đồng bọn phía sau. Bắt Bùi Minh Hằng là bắt cả dân tộc ngậm miệng cúi đầu. Nhưng em không thể ngậm miệng cúi đầu đâu anh cho dù có yêu thương anh cách mấy. Phản bội em thì có ngày anh hối hận quay trở lại và có thể được em tha thứ nhưng phản bội dân tộc thì xưa nay đâu có ai được miễn tố đâu anh.

Anh. Cũng chính anh liên tục gây khó khăn cho tất cả những ai có giòng máu nóng Lạc Việt. Họ là những chuyên gia Biển Đông. Họ là những chiến sĩ về từ chân sóng ngọn gió. Họ là ngư dân bám biển giữ đất hàng trăm năm qua. Họ là những nhà báo can đảm dám công khai chống đồng bọn của anh trong những bài viết máu lửa nhưng cũng đầy nước mắt. Tất cả tinh anh dân tộc ấy đã bị đồng bọn của anh thúc giục anh bao vây, cô lập, hăm dọa, bắt giữ và kể cả làm cho họ thân bại danh liệt để hài lòng đồng bọn của anh.

Này anh. Trước khi vĩnh biệt, em cũng không tiếc gì chút sự thật sau cùng mà không cho anh biết. Sống chung với anh em không lạ gì tính khí tàn độc của anh đối với ngoại bang. Em hiểu và hoàn toàn chia sẻ. Tuy nhiên lấy sự tàn độc ấy áp dụng với anh em mình thì trời đất nào dung dưỡng?

Anh đang chơi bài ba lá. Loại bài mà dân du thủ du thực gạt gẫm đàn bà con nít ngoài chợ. Anh âm thầm dấu mặt trong các động thái đàn áp người chống lại đồng bọn của anh. Anh không ra mặt vì anh sợ một lúc nào đó khi đồng bọn anh bỏ rơi thì anh anh không bị chúng em vạch mặt. Nhưng anh ơi, hồn thiêng sông núi của nước Nam không dễ gì sụp đổ cho dù anh có thông minh xảo quyệt cách mấy. Chúng em tạo nên anh được thì chính chúng em sẽ từ bỏ anh như từ bỏ một đứa con hoang. Một đứa trẻ vừa mới được trao miếng bánh đã vội đạp người đưa bánh để mong có thêm nhiều chiếc bánh khác.

Anh đang đùa với lửa, và em, người đã theo anh từ xưa tới nay quyết định rằng, thôi, đã đến lúc nói lời vĩnh biệt. Cay đắng lắm nhưng còn hơn quệt nước mắt làm dâu cho đồng bọn của anh trong một ngày không xa, anh ạ, Đảng cộng sản Việt Nam….

No comments:

Post a Comment