“Tháng chín có chiếu vua ra:
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Đi thì phải mượn quần chồng sao đang.
Có quần ra quán bán hàng,
Không quần đứng nấp đầu làng trông quan ” .
Chế độ cộng sản ở Việt Nam ngày nay là chế độ độc tài độc đảng, toàn trị, “phong kiến biến tướng”. Khi đơn lẻ, riêng rẽ các lãnh đạo đảng, nhà nước chỉ có quyền hành như vua, quan thủa trước. Nhưng khi họp nhau lại nhân danh tập thể, nhất là lại nắm cả ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp thì quyền lực của họ được nhân lên gấp bội thành một thứ “siêu quyền lực”. Có thể gán cho hàng vạn người là địa chủ, phú nông để rồi bắt bớ giết hại như trong cải cách ruộng đất. Có thể bắt hàng triệu người chỉ được ăn ngần này gạo, ngần này thịt một tháng trong thời bao cấp. Có thể biến lòng yêu nước của một người thành tội gây rối trật tự công công rồi cho đi cải tạo mút mùa như trong thời nay. Và tất nhiên là có thể ban hàng loạt các lệnh cấm cái thì ở ngoài, cái thì núp trong pháp luật nhưng đều bất chấp. Gọi là “rừng” lệnh cấm cũng đúng và có thể tạm phân thành mấy loại sau đây:
Loại gồm các lệnh cấm nhằm giữ ổn định chính trị, đảm bảo cho vai trò lãnh đạo của đảng. Đứng đầu trong các loại này là điều 4 hiến pháp “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – LêNin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Tuy không có hai từ “cấm” hoặc “không được làm” nhưng thực chất nó là lệnh cấm các đảng phái khác hoạt động, cấm bất kỳ ai phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng. Lệnh cấm này ra đời vào đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước khi Liên Xô và các chế độ cộng sản ở các nước Đông Âu tan rã. Trong bối cảnh xã hội thối nát, kinh tế suy sụp. Để giữ được vị trí lãnh đạo, đảng cộng sản Việt Nam buộc phải đổi mới kinh tế một cách nửa vời. Mặt khác củng cố vai trò thống trị bằng cách lợi dụng quốc hội bù nhìn (80% đảng viên) đưa điều này vào hiến pháp. Tiếp theo là các điều 79, 88 trong bộ luật hình sự, luật an ninh quốc gia, luật báo chí, luật lập hội, nghị định 97, nghị định về đăng ký và quản lý hộ khẩu,.. Núp dưới mục đích ngăn chặn những kẻ “xâm hại an ninh quốc gia”, “phá hoại khối đại đoàn kết dân tôc”, “giữ gìn an ninh cho xã hội” các điều luật này đã cấm đoán các quyền tự do cơ bản của con người ở Việt Nam mà mục đích sâu xa vẫn là để giữ vai trò lãnh đạo của đảng, kiểm soát mọi hành động của người dân. Đặc điểm của các lệnh cấm thuộc loại này là phần lớn chúng đều nằm trong hệ thống pháp luật hiện hành để dễ khép tội các đối tượng vi phạm. Đều trái với các công ước của liên hiệp quốc về dân chủ nhân quyền mà chính quyền cộng sản đã ký kết. Đều ẩn chứa các mâu thuẫn với các điều luật khác. Và căn cứ vào số người bị bắt giữ, bỏ tù vì vi phạm các điều luật trên có thể thấy nó luôn được đảng nhà nước dùng đội ngũ công an “còn đảng còn mình” quan tâm, giám sát đặc biệt, trừng trị nghiêm khắc .
Loại gồm các lệnh cấm có trong hệ thống pháp luật hiện hành nhưng không thuộc loại trên. Chẳng hạn như những lệnh cấm trong các luật phòng chống tham nhũng, phòng chống tệ nạn xã hội, luật giao thông, chống buôn bán ma túy, bảo vệ môi trường, luật công chức, luật giáo dục,…Đây là các lệnh cấm mà việc thực thi chúng nghiêm hoặc không nghiêm chưa đe dọa trực tiếp tới vai trò lãnh đạo của đảng. Vì vậy với quyền lực trên cả pháp luật họ đã xử phạt những lệnh cấm này một cách tùy tiện để có lợi cho mình. Các vụ án lớn về tham nhũng, làm thất thoát tài sản nhà nước, làm ô nhiễm môi trường như PMU18, PCI, in tiền Polime, Vinashin, công ty Vê Đan làm xả trộm nước thải ra môi trường là những ví dụ điển hình. Nhận xét về việc thực thi các lệnh cấm này một cán bộ cao cấp của ngành tư pháp đã nhận xét : “Việt Nam có một rừng luật nhưng lại chuyên sử dụng luật rừng”.
Loại “không quản được thì cấm” gồm các lệnh cấm không nằm trong hệ thống pháp luật được các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương tùy tiện ban hành. Phần lớn trong số này là vi hiến vì hoặc là trái với các điều luật hiện hành, hoặc vi phạm các công ước quốc tế về quyền tự do của con người. Gần đây bộ trưởng giao thông Đinh La Thăng đã trở nên nổi tiếng khi ban hành một loạt các lệnh cấm thuộc loại này.
Loại cấm để mà cấm hoặc gọi là “cấm cho vui” gồm các lệnh cấm ban ra nhưng không giám sát việc thi hành, không có chế tài xử phạt như các lệnh cấm hút thuốc, xả rác, đi vệ sinh bừa bãi ở nơi công cộng.
Còn một loại nữa mới xuất hiện trong những năm gần đây là các lệnh cấm để vừa lòng chính quyền Trung Quốc gìn giữ mối tình hữu nghị “4 tốt, 16 chữ vàng”. Bao gồm cấm các cuộc biểu tình yêu nước phản đối Trung Quốc, cấm phát hành tàng trữ các khẩu hiệu xác nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, cấm chỉ đích danh tàu Trung Quốc bắt bớ, bắn giết ngư dân Việt Nam. Vi phạm các lệnh cấm này bị quy cho các tội “gây rối trật tự công cộng”, “xâm hại an ninh quốc gia” và bị nhà nước trừng trị thẳng tay. Nặng thì bị bỏ tù, đưa vào trại phục hồi nhân phẩm. Nhẹ thì bị đạp vào mặt, bị câu lưu, bị sách nhiễu, bị theo dõi hàng ngày,… Như các anh Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Văn Trội, Nguyễn Chí Đức, cô Phạm Thanh Nghiên và gần đây là cô Bùi Thị Minh Hằng. Với các lệnh cấm này tập đoàn lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã tự nhận mình là tập đoàn bán nước, hèn với giặc, ác với dân.
Đơn giản có thể định nghĩa hệ thống pháp luật của một quốc gia là một bộ quy định cách ứng xử của công dân trong xã hội trong đó có quy định về những việc được làm và không được làm. Những điều không được làm là những lệnh cấm. Tưởng như là hạn chế tự do cá nhân nhưng nó lại cần thiết để xã hội vận hành có trật tự, để bảo vệ tự do cá nhân của mỗi người, để tự do của người này không làm mất hoặc ảnh hưởng tự do của người khác. Một hệ thống luật pháp có quá nhiều lệnh cấm nhất là trong số đó lại có không ít những lệnh tước đi các quyền tự do căn bản của con người đã được ghi trong công ước nhân quyền của liên hiệp quốc sẽ kìm hãm sự phát triển của con người và kéo theo của cả xã hội. Hệ thống pháp luật của Việt Nam ngày nay chính là hệ thống đó. Cùng với việc thực thi theo kiểu những điều luật nào dù vi hiến nhưng để bảo vệ địa vị thống trị, quyền lợi của đảng thì rất nghiêm. Còn lại thì tùy tiện. Do vậy đã thu được một hệ quả tât yếu là : Đảng, chính quyền từ trung ương tới địa phương đều mục nát, thối ruỗng, cán bộ đảng viên tha hoá biến chất trầm trọng nhưng vẫn chưa tan rã. Còn thực trạng của Việt Nam thì : Tham nhũng, bất công, coi thường pháp luật trở thành phổ biến. Đạo đức suy đồi, kinh tế suy sụp, tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm. Các tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng. Các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống mất dần. Dân tộc đứng trước nguy cơ bị suy vong, mất nước.
Trong số 19 điều cấm lần này, điều 7 quy định đảng viên muốn ứng cử, đề cử vào các chức danh của tổ chức nhà nước, mặt trận, tổ chức chính trị phải được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép. Các điều từ 1 đến 6 nhắc nhở các đảng viên phải trung thành với chủ nghĩa Mác lê, chấp hành kỷ luật của đảng, không được biểu tình, không được lập hội trái phép, không được tuyên truyền trái với quan điểm của đảng,… Chưa thăm dò nhưng chắc chắn phần lớn các đảng viên đã mất niềm tin vào sự thành công của chủ nghĩa xã hội, vào học thuyết Mác lê. Bắt buộc phải trung thành vào điều đã mất hết niềm tin là điều không thể. Các điều từ 1 đến 6 là những lệnh cấm để “chống diễn biến hòa bình” đang diễn ra trong đội ngũ đảng viên và ngầm cảnh cáo những đảng viên già phản tỉnh. Đây có thể là những điều cấm mà bộ chính trị giám sát nghiêm ngặt để thanh trừng, ngăn chặn những biểu hiện đổi mới chính trị trong đội ngũ đảng viên cao cấp. Các điều còn lại là cấm các hiện tượng tiêu cực đang tồn tại và ngày càng gia tăng trong đội ngũ đảng viên có chức có quyền. Các hiện tượng này mới là nguyên nhân chính làm dân mất lòng tin vào đảng. Và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN quái gở cùng với một hệ thống pháp luật “quái trạng” của chế độ độc đảng chính là “mảnh đất màu mỡ” nuôi dưỡng chúng. Bởi vậy nếu còn để “mảnh đất màu mỡ” này thì dù có “cấm tiếp, cấm thêm, cấm nữa, cấm mãi” công cuộc chỉnh đốn đảng vẫn chỉ là vở tuồng “vũ như cẫn ” mà thôi.
Chỉnh đốn đảng bằng ra các lệnh cấm. Biện pháp chữa “căn bệnh suy thoái” từ “ngọn” dù không có kết quả nhưng vẫn được bộ chính trị kiên trì sao chép, sửa đổi từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác. Ông Trọng có thể lú nhưng cả bộ chính trị thì không. Họ dùng biện pháp đó để ru ngủ. Và sáng nay VTV1 phát hình ảnh người dân vùng cao tin tưởng vào thắng lợi của nghị quyết TƯ 4- nghị quyết chỉnh đốn đảng. Vẻ thật thà của người dân tộc khi phát biểu trước ống kính làm người ta không thể nghi ngờ tính trung thực của phóng sự và hiểu đây là một trong những kết quả thu được của biện pháp đó.
3/2012 TRẦN HOÀNG LAN
No comments:
Post a Comment