Các bị cáo tại phiên tòa xử vụ Vinashin hôm nay tại Hải Phòng. Reuters
Hôm nay 27/03/2012, phiên tòa xử các cựu lãnh đạo của tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam – Vinashin, mở ra tại Hải Phòng. Chín cựu lãnh đạo của Vinashin, trong đó có nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Bình, bị truy tố vì tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Phiên tòa sẽ diễn ra từ ngày 27 đến 30/03.
Mới đây, vào năm 2008, tập đoàn đóng tàu Vinashin đã từng được mô tả như là một « mũi nhọn » của công nghiệp Việt Nam, sắp sửa sánh vai với ngành công nghiệp tàu thủy Hàn Quốc. Còn ngày hôm nay, cựu lãnh đạo của Vinashi,n ra tòa cùng với tám đồng phạm khác, có khả năng phải chịu án 20 năm tù.
Theo mô tả của báo chí trong nước, phóng viên trong nước và nước ngoài được phép tham dự phiên tòa qua màn hình trong một phòng riêng, nhưng không được đem theo máy ảnh và máy ghi âm.
Một số thông tin ban đầu cho hay, ông Phạm Thanh Bình và một số bị cáo khác thừa nhận phần lớn các cáo buộc được nêu trong cáo trạng. Giải thích về khoản tiền 43 triệu đô la thất thoát, ông Phạm Thanh Bình cho rằng bản thân đã phạm sai lầm « vì những lý do khách quan ».
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Việt Nam, tổng thiệt hại do các bị cáo gây ra là hơn 900 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, Vinashin là con nợ khổng lồ với khoảng 4,4 tỷ đô la. Vào tháng 10/2010, tức hai tháng sau khi nguyên Tổng giám đốc bị bắt, Vinashin đã không thể trả được khoản nợ đáo hạn 60 triệu đô la. Đây là đợt trả nợ đầu tiên trong tổng số tiền 600 triệu đô la vay của Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse vào năm 2007. Kể từ đó đến nay, không có thông tin gì thêm về việc trả nợ của Vinashin. Tập đoàn được coi là trụ cột của nền kinh tế quốc doanh Việt Nam đứng trên bờ vực phá sản và đang trong quá trình « tái cơ cấu ».
Theo giới quan sát, vụ bê bối Vinashin cho thấy sự yếu kém của nền kinh tế Việt Nam, nơi mà khu vực kinh tế quốc doanh, tham nhũng, quản lý kém, nợ nần chồng chất, nhưng lại được giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, không một thành viên nào trong ban lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam phải ra tòa vì sự sụp đổ của Vinashin, thậm chí không ai bị kỷ luật nội bộ. Theo nhận định của ông Benoit de Tréglodé, giám đốc Viện nghiên cứu về Đông Nam Á (Iasec), thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã từng mơ ước Vinashin trở thành ngọn cờ đầu thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa đất nước, và đã đưa những người thân cận vào nhiều vị trí chủ chốt trong tập đoàn này.
Vụ bê bối Vinashin khiến các công ty thẩm định tài chính hạ Việt Nam xuống nhiều bậc. Vào tuần trước, một nhà kinh tế xin miễn nêu tên nhận xét với AFP là : Phiên tòa này sẽ không mang lại điều gì đáng kể. Vấn đề chủ yếu, theo chuyên gia này, vẫn là liệu có thể tìm ra một cơ chế quản lý mới đối với các tập đoàn kinh tế Nhà nước tại Việt Nam hay không.
No comments:
Post a Comment