Trở Về Trang chính

Wednesday, March 21, 2012

Đại gia và chủ nghiã tư bản rừng rú



Việt Hoàng “ ...Chỉ có dân chủ mới cứu được các đại gia Việt khỏi nanh vuốt của bầy thú lớn và những con thú lớn cũng chỉ có thể giữ được tài sản của mình dưới một chế độ dân chủ thực sự...”

Hai đám cưới của con trai hai nữ đại gia Việt đang gây xôn xao dư luận trong những ngày gần đây, đó là nữ đại gia Phạm Thị Diệu Hiền, tổng giám đốc Công ty thủy sản Bình An (Bianfishco) ở thành phố Cần Thơ và đại gia Nguyễn Thị Liễu ở xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Người khen cũng có người chê cũng nhiều, nhất là những gì xảy ra sau các đám cưới siêu sang này. Bà Diệu Hiền đã xuất cảnh ra nước ngoài sau khi để lại một món nợ hơn 1 500 tỉ đồng (hơn 70 triệu đôla), bà Liễu thì cũng "mất hút"…
Một điều có thật ở Việt Nam ngày nay, đó là một bộ phận người dân đã trở nên vô cùng giàu có mà bà Liễu, bà Hiền chỉ là những ví dụ. Họ có tài sản từ vài triệu đến vài trăm triệu đôla. Ðây là hiện tượng đáng mừng nếu xét trên quan điểm phát triển của đất nước. Giàu có không phải là tội lỗi. Việc tích lũy tài sản để trở thành giai cấp tài phiệt, thượng lưu là một quá trình tự nhiên của mọi quốc gia. Tuy nhiên cách tích lũy tài sản như thế nào lại là một chuyện khác, rất khác.
Chế độ cộng sản theo chủ nghĩa Mác-Lênin cho rằng cần phải xóa bỏ giai cấp để thiết lập một xã hội công bằng, trong đó mọi giai cấp đều bình đẳng như nhau, mọi người đều làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu… Thực tế đã chứng minh, đây là những luận điểm vớ vẩn và hoang đường. Sẽ không bao giờ có chuyện đó, nếu chuyện đó xảy ra thì sự sống trên trái đất sẽ chấm dứt vì mỗi khi ai cũng làm việc như ai và ai cũng hưởng thụ như nhau thì con người sẽ không còn động lực để làm việc.
Bất cứ một xã hội nào cũng chia ra ít nhất là ba giai cấp: thượng lưu, trung lưu và hạ lưu. Tầng lớp thượng lưu là tầng lớp tinh hoa, tuy ít về số lượng nhưng lại nắm giữ quyền lực và đa số của cải của toàn xã hội. Tầng lớp trung lưu đông hơn và có cuộc sống khá giả, tầng lớp này có tiếng nói và vai trò quan trọng trong các thay đổi xã hội, là chỗ dựa và hy vọng cho tầng lớp hạ lưu. Tầng lớp hạ lưu là tầng lớp đông đảo nhất và chịu nhiều thiệt thòi nhất trong bất cứ xã hội nào.
Từ khi loài người biết đến quyền sở hữu thì xã hội đã chia ra nhiều giai cấp, quá trình phân chia giai cấp đó đã diễn ra vô cùng khốc liệt và đẫm máu. Trong chế độ nguyên thủy, chưa có sự phân chia giai cấp nhưng khi chuyển sang chế độ chiếm hữu nô lệ và chế độ phong kiến thì quá trình này đã diễn ra rất mạnh mẽ và hầu hết quyền lực, tài sản nằm trong tay một số ít người là giới quí tộc và vua chúa. Xã hội khi đó chỉ có kẻ cai trị và kẻ bị cai trị. Mâu thuẫn giữa hai tầng lớp này đã dẫn đến các cuộc cách mạng đẫm máu như cuộc Cách mạng tư sản Hà Lan (1566-1572), Cách mạng tư sản Anh (1640-1689), Chiến tranh giành độc lập ở Bắc Mỹ (1775-1783) và Cách mạng Pháp (1789-1799)...
Cũng trong thế kỷ 18, với sự ra đời của các trào lưu tư tưởng tiến bộ và sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đã hình thành nên một giai cấp mới đó là giai cấp tư sản. Giai cấp tư sản đã nhanh chóng tạo cho mình một chỗ đứng vững chắc trong xã hội các nước phát triển ở Châu Âu bằng cách tích lũy tư bản. Phương pháp tích lũy tài sản của giai cấp này là bóc lột thậm tệ và tối đa sức lao động của người dân dựa vào sự liên minh mật thiết với chính quyền. Chủ nghĩa Mác ra đời trong hoàn cảnh đó.
Sau khi giai cấp tư bản đã có một chổ đứng trong xã hội phương Tây và nhất là sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc với sự lên ngôi bá chủ thế giới của Mỹ, một quốc gia đặt tự do, dân chủ và quyền con người lên trên hết thì xã hội tư bản đã có những thay đổi sâu sắc. Mối quan hệ giữa giai cấp tư sản và công nhân đã chuyển sang một trang mới, đó là hợp tác đôi bên cùng có lợi, dựa trên những khế ước công bằng và minh bạch.
Ngày 9/11/1989, bức tường Berlin sụp đổ, chiến tranh lạnh giữa hai phe tư bản và cộng sản kết thúc với phần thắng thuộc về phe tư bản, do Mỹ đứng đầu. Một loạt các nước cộng sản Ðông Âu đã nhanh chóng rũ bỏ chủ nghĩa cộng sản để hội nhập với các giá trị và văn minh của phương Tây. Tuy nhiên nước Nga, quê hương của chủ nghĩa cộng sản cùng với một số nước như các nước vùng Trung Á (thuộc Liên xô cũ trừ Grugia), Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên vẫn đi theo con đường riêng.
Tại Việt Nam, chính quyền cộng sản vẫn hô hào người dân "kiên định" đi theo con đường "xã hội chủ nghĩa" của Mác-Lênin với "nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Nhưng mục đích chính của việc hô hào này là để lừa bịp những kẻ thiếu hiểu biết trong nội bộ đảng cũng như người dân thiếu thông tin. Xã hội Việt Nam hiện nay cũng như Nga hay Trung Quốc chính là những xã hội mang tên "tư bản rừng rú". Là "xã hội rừng rú" nên nó rất hoang dã, trong xã hội đó không hề có luật lệ nên những kẻ mạnh tha hồ chèn ép và "ăn thịt" những kẻ yếu, cá lớn nuốt cá bé. Pháp luật chỉ là công cụ của kẻ mạnh và chỉ dành để xét xử những kẻ yếu.
Quyền lực, của cải và sự giàu có được tập trung vào tay một số ít người là điều đang diễn ra hàng ngày tại Việt Nam. Chủ nghĩa cộng sản với điều 4 Hiến pháp, hay điều 79, 88 bộ luật Hình sự, hoặc việc "sở hữu toàn dân về đất đai"… cũng nhằm mục đích đẩy nhanh và bảo vệ quá trình tích lũy tư bản theo kiểu rừng rú đó. Khi quá trình tích lũy tư bản rừng rú này chấm dứt, vì sức ép của người dân hay do hoàn cảnh bắt buộc, hay do biến động xã hội, thì lập tức chế độ cộng sản Việt Nam sẽ biến mất và thay vào đó là một chế độ độc tài mới kiểu Nga: độc tài không cộng sản.
Quá trình tích lũy tư bản rừng rú tại Việt Nam sẽ kéo dài bao lâu và hệ lụy của nó sẽ là gì?
Rõ ràng là quá trình này đang được diễn ra rất khẩn trương với tốc độ tối đa, vì tất cả những kẻ trong cuộc đều rõ một điều là quá trình này sắp chấm dứt. Cũng chỉ ở Việt Nam mới có chuyện trong một thời gian ngắn lại xuất hiện nhiều triệu phú đô la đến thế. Việc chuyển đổi, biến tài sản của chung thành của riêng đang diễn ra mạnh mẽ và quá trình này chỉ diễn ra suôn sẻ trong bóng tối, tức là khi người dân không biết gì.
Với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông và báo chí, đặc biệt là qua mạng internet thì ý thức và hiểu biết của người dân đã khác trước, chính quyền và những kẻ tư bản mới không dễ gì "múa gậy vườn hoang" mãi. Thứ hai, sự tiêu sài xa hoa của những kẻ trọc phú mới bên cạnh cuộc sống khốn khó của người dân khiến hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng lớn và đây chính là nguyên nhân dẫn đến bất ổn xã hội và các cuộc cách mạng đường phố trong tương lai. Mọi biện pháp mà chính quyền đề ra nhằm hạn chế hay răn đe những kẻ "tư bản rừng rú" này đều vô ích, vì quyền lực vô biên cộng với tuổi tác già nua khiến họ bất chấp tất cả, đạp lên tất cả để thể hiện bản thân, khoe của và ăn chơi trác táng, họ biết rằng khi chết không ai mang theo được tiền của của mình.
Hệ lụy của quá trình tích lũy tư bản rừng rú này như thế nào thì có lẽ ai cũng rõ. Một thiểu số người trở nên giàu có khủng khiếp và đa số còn lại vốn đã nghèo lại càng nghèo hơn. Sự giàu có đến với giới "tư bản rừng rú" không phải do tài năng hay trí tuệ và phần lớn đến từ tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi… Một đồng tiền đến từ tham nhũng sẽ làm mất đi nhiều đồng tiền khác dành cho y tế, giáo dục, hạ tầng cơ sở cũng như tước đi nhiều cơ hội cải thiện cuộc sống của người nghèo. Khi hố ngăn cách giàu nghèo càng lớn thì bất ổn xã hội sẽ càng gia tăng, mâu thuẫn giữa tầng lớp cai trị và bị trị sẽ ngày càng lớn và có nguy cơ bùng nổ bất cứ lúc nào. Khi cuộc cách mạng đường phố xảy ra thì tài sản và số phận của những kẻ giàu có theo kiểu rừng rú sẽ rất khó được an toàn.
Quá trình tích lũy tư bản rừng rú đang diễn ra càng ngày càng khốc liệt, nó không còn giới hạn giữa "bầy thú" với người dân mà đang diễn ra cảnh thâu tóm, "ăn thịt" lẫn nhau giữa những con thú lớn. Trong năm 2012 chúng ta sẽ chứng kiến nhiều cuộc "mần thịt" giữa các ông lớn trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như ngân hàng, bất động sản… Nhiều đại gia Việt ăn theo bầy thú lớn cũng sẽ hy sinh hoặc biến mất khỏi thương trường. Họ sẽ bị thâu tóm, hoặc vỡ nợ do đầu tư tràn lan ra ngoài ngành nghề chính. Bầy thú tư bản châu Á gốc Hoa, với kinh nghiệm và khả năng tài chính dồi dào, sẽ nhanh chóng nuốt chửng những con thú Việt đang giãy chết. Kinh tế Việt Nam sẽ nằm trong tay các thế lực này và lệ thuộc kinh tế là điều hiển nhiên.
Có lối thoát nào cho các đại gia Việt hay không? Tuy hơi muộn nhưng vẫn có và chỉ có một lối thoát duy nhất, đó là tham gia mạnh mẽ và có trách nhiệm vào việc dân chủ hóa đất nước. Chỉ có dân chủ mới cứu được các đại gia Việt khỏi nanh vuốt của bầy thú lớn và những con thú lớn cũng chỉ có thể giữ được tài sản của mình dưới một chế độ dân chủ thực sự.
Quan điểm của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là thừa nhận việc tích lũy tư bản tại Việt Nam trong thời gian qua như là một tất yếu của lịch sử. Chính quyền dân chủ trong tương lai sẽ không truy đòi nguồn gốc của cải mà các đại gia Việt đã có được. Ðiều kiện của chính quyền dân chủ mới là các đại gia này phải chấm dứt lối làm ăn bất minh mà phải hoạt động theo đúng luật định. Làm giàu là điều đáng khuyến khích nhưng phải làm giàu bằng tài năng và trí tuệ của chính mình.
Người dân Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp trí thức tinh hoa của đất nước, nếu không tập hợp lại với nhau để thúc đẩy quá trình dân chủ hóa đất nước thì chỉ tiếp tục làm miếng mồi ngon cho bầy thú tư bản rừng rú. Nên nhớ lòng tham và sự dã man của bầy thú này là vô tận. Việc tăng giá viện phí, giá ga, giá xăng… hiện nay chỉ là những ví dụ nhỏ.
Dù gì thì những siêu đám cưới vừa diễn ra cũng có một tác dụng tích cực bên cạnh những tiêu cực, nó minh chứng cho một điều đã quá rõ: Việt Nam ngày nay không hề có cái mà chính quyền vẫn quảng cáo: "Xã hội công bằng, dân chủ, văn minh!".
Chủ nghĩa cộng sản của Mác-Lênin đã thực sự chết từ lâu trên mảnh đất này.
Việt Hoàng (Moskva)
http://ethongluan.org/index.php?option=com_content&view=article&id=1398:dai-gia-chu-nghia-tu-ban-rung-ru

No comments:

Post a Comment