Trở Về Trang chính

Friday, February 10, 2012

Vi khuẩn Hansen & Chủ Nghĩa Cộng Sản

Cười. Ảnh: nguoicui.org

Nhà văn Võ Hồng có người bạn chung lớp vỡ lòng tên Hoạt. Ông Hoạt chỉ học đến lớp tư rồi phải ở nhà phụ giúp cha mẹ trong việc mưu sinh.

“Sau đó chừng bốn năm năm, một hôm không nhớ đang nói chuyện gì bỗng một người nhắc đến Hoạt. Giọng nói đang to bỗng chợt nhỏ đi, thì thầm như một tâm sự:
- … nó bị phung.

“Không ai chuẩn bị để nghe tin đó nên ai nấy đều có cảm tưởng mình vừa rùng mình. Chừng như người ta có quyền mắc một trăm thứ bệnh khác, điều đó không khiến ai ngạc nhiên, chứ bệnh phung thì không thể tưởng tượng được.

- Cha nó phải dựng một cái chòi ở giữa đám dưa hấu ngoài soi để dấu nó ngoài đó, – lời người bạn kể. Nhưng lâu ngày rồi cũng bị lộ. Có người đâm đơn xuống huyện. Nhà nước bắt chở đi…

“Gần đây, do ngẫu nhiên mà tôi được tiếp xúc với một sư huynh quản đốc của một viện bài cùi.

- Bệnh cùi – lời vị sư huynh, – chúng tôi chữa lành được. Có nhiều bằng chứng cụ thể, có những tấm ảnh chúng tôi còn giữ lại để làm tài liệu, tấm ảnh chụp người bệnh khi nhập viện và khi xuất viện.

“Tôi dè dặt trong cuộc đối thoại:

- Người ta nói rằng thuốc Sulfon chỉ giữ cho bệnh không tăng thêm chứ chưa thể…
- Tôi hiểu sự hoài nghi của ông. Cố nhiên là khoa học có nhiệm vụ và có khả năng đi tới không ngừng…

“Tôi nghĩ đến anh Hoạt liền ngay lúc đó và những ngày sau đó. Sao anh sinh ra đời chi sớm những ba mươi năm. Có gì đâu để mà vội vàng? Anh đã hưởng gì ở cuộc đời ? Nghe một tiếng chim tu hú vào đầu mùa Hè, ngửi một mùi thơm của hoa mù u trong buổi chiều, nhìn những con chuồn chuồn đảo lộn trên nền trời sau cơn mưa… những niềm vui đó quá nhỏ nhoi với nỗi khổ đè nặng của anh. Giá cứ thong thả, giá cứ đến chậm chậm một chút để kịp cho nhân loại dẹp bớt những khổ não. Giá anh sống lùi lại ba mươi năm, năm mươi năm...” (Võ Hồng. ”Hãy Đến Chậm Hơn Nữa”. Trầm Mặc Cây Rừng. Lá Bối: Saigon, 1971).

Sự lạc quan của nhà văn Võ Hồng, một người sinh trưởng hồi đầu thế kỷ 20, hoàn toàn chính đáng. Khoa học (nói chung) và y học (nói riêng) quả đã có tiến bộ và đạt được nhiều thành quả tột bực trong mấy thập niên vừa qua. Ngày nay, cùi hủi không còn phải là thứ căn bệnh hiểm nghèo – vô phương chữa trị – như trước nữa. Vi khuẩn Hansen chỉ còn có thể hoành hành ở vài nơi xa xôi, và tối tăm trên mặt đất này thôi.

Việt Nam, thương thay, lại là một trong những “nơi xa xôi và tối tăm” như thế. Rải rác trên xứ sở này, vẫn còn những bệnh nhân phong cùi (sống lẩn lút như những con thú hoang) nơi những góc rừng heo hút – theo như lời kể, với nước mắt đầm đìa, của linh mục Nguyễn Văn Đông:

Có lần, anh chị em có biết là tôi lội bộ 12 cây số để vào thăm một buôn người dân tộc, họ có tục lệ là đối với người bị phong cùi, làng sẽ cất nhà riêng trong rừng cho ở, không cho ở chung. Mà đồng bào nghèo quá, khổ quá, nên ngay cái nhà họ ở đã không ra cái gì, giờ thì lại cất nhà cho người cùi ở, thật là không gọi là nhà, phải gọi là ổ mới đúng, chỉ một mùa mưa đã nát. Mỗi lần đến thăm họ, tôi phải cúi đầu lom khom mới vào ‘nhà’ họ được. Thấy tôi đến họ mừng lắm anh chị em à. Họ cứ nhìn tôi họ cười, họ nói Bab đến thăm con là quý lắm, mừng lắm. Họ cười mà tôi khóc anh chị em ơi. Họ nghèo quá, lại cùi, nên tôi tặng họ vật gì của giáo dân góp cho tôi, là họ mừng lắm, cứ giữ khư khư ép vào ngực như sợ bị mất đi.”

Trong một dịp khác, linh mục Nguyễn Văn Đông cũng đã tâm sự với đặc phái viên Thanh Trúc (RFA) là “ông đã khóc trong một ngày mưa rừng gió núi lội đi thăm một gia đình cùi. Cả nhà người Thượng ấy, hai người lớn ba đứa nhỏ nheo nhóc, lở lói nằm chui rúc dưới một tấm bạt bằng mủ rách nát tả tơi.”

Người cùi ở Kontum. Ảnh: Kontum Missionary and Friendship

Theo Wikipedia:”Hiện nay ở Việt nam, con số bệnh nhân phong cùi tiềm tàng có từ 120.000 đến 150.000, 23.371 đã được chữa lành, 18.000 còn biểu hiện di chứng, tỷ lệ mắc phải 0,1/10.000 (1/100.000 dân), tổng số làng phong đếm được là 13.”

Tên trại Địa điểm Sáng lập Dân số Bệnh nhân
Bến Sắn Bình dương 1959 39 hộ 664
Bình Minh Đồng nai 1974 295 hộ 141
Cẩm Thủy Thanh hóa 1967 – 70
Di Linh Lâm đồng 1927 30 hộ 150 (1)
Đắc Kia Kontum 1920 Nhi 373
Phú Bình Thái nguyên 1960 200 hộ 105
Phước Tân Đồng nai 1968 ? 270 (2)
Quả Cảm Bắc Ninh 1913 ? 257
Quy Hòa Quy nhơn 1929 365 hộ ? (3)
Quỳnh Lập Quỳnh lưu 1957 ? 300
Sóc Sơn Hà nội ? ? 31
Thanh Bình Tp HCM 1967 105 hộ 357
Văn Môn Thái bình 1900 > 600 366 (4)

(1): do cha Jean Cassaigne (1895-1973), Hội Thừa Sai sáng lập.

(2): do Giáo hội Tin Lành và mạnh thường quân Na Uy sáng lập.

(3): do Cha Paul Maheu sáng lập (Ngày 3 tháng 3 năm 1930, một buổi diễn thuyết được BS Lemoine và cha Maheu tổ chức ở Saigon, do các giám mục địa phận Saigon (Dumortier), Quy Nhơn (Tardieu), Gouin (Lào) và Blois (Thẩm Dương) bảo trợ ngõ hầu vận động đóng góp tài chánh cho công trình xây dựng trại phong Quy Hòa cho hơn 1500 bệnh nhân. Sau đợt này, nhà nước thuộc địa cũng vận động sáng lập một trại khác ở Cù lao Rồng (Mỹ Tho), đến năm 1971 được giải thể, dời vào Qui Hòa.

(4): lâu đời nhất và đông nhất Bắc kỳ.

Trẻ em phong cùi. Ảnh: Hội Từ Bi Quan Thế Âm.

Theo tường trình của linh mục Ðinh Thanh Bình, sau chuyến đi thăm Việt Nam vào năm 2002, con số trại phong hiện nay đã tăng gần gấp đôi:

Trên danh nghĩa hiện thời, nhà nước quản lý 21 trại cùi ở Việt Nam. Tuy nhiên ban điều hành các trại đa số vẫn là do các nữ tu đứng đầu… Trại phong Di Linh hiện giờ có 350 bệnh nhân, nhưng chỉ có 147 người đủ tiêu chuẩn trợ cấp 15 Úc Kim một tháng của chính quyền. Số còn lại 200 người thì mặc kệ tụi mày, sống chết mặc bay, tao không cần biết. Nhà nước chỉ giỏi cướp công, mỗi lần đưa phái đoàn ngoại quốc đến thăm để xin tiền, nhà nước sẽ đưa tới Di linh, vì Di Linh là một trọng điểm kiểu mẫu. Xin được bao nhiêu, vô túi ai không biết, vì Di linh không hề nhận được thêm đồng cắc nào. Tôi rời Di Linh, để lại thêm một số tiền, ít ra cũng nuôi được vài bữa cơm qua ngày cho 200 người cùi thiếu tiêu chuẩn không biết làm sao mà sống được cho đến mùa Tết tháng sau.”

Khác với thời còn thuộc địa (hễ nghe ở đâu báo có bệnh nhân phong cùi là nhà nước cho người đến bắt đưa vào trại) chính quyền cách mạng – xem chừng – không bận tâm gì lắm về sự hiện diện của những nạn nhân của bệnh phong cùi, dù họ sinh sống ở bất cứ nơi đâu. Muốn biết phần lớn những bệnh nhân phong cùi ở Việt Nam sống (chết) ra sao, xin xem qua hoạt động của vài tổ chức thiện nguyện như Southeast Asian Relief Association, Hội Từ Bi Quan Thế Âm, Hội Bạn Người Cùi. Xin dẫn lời của một trong những vị lãnh đạo của các tổ chức này:

Qua các nữ tu cũng như các linh mục, trong đó có cha Đông, hội giúp nhiều lãnh vực như tiền ăn hàng tháng, xây trạm xá, làm nhà lưu trú cho các em mà bố mẹ chết, rồi giúp vốn trồng trọt canh tác cho họ tự túc, giúp những tủ thuốc di động để những nữ tu giòng Phao Lồ đi vào những buôn làng thì mang theo cái tủ thuốc di động để băng bó và cho thuốc.

Từ đó thì chúng tôi xuất phát ra những buôn làng khác. Năm nào hội cũng về và cũng đi một dọc như vậy. Trong suốt mười bảy năm qua chúng tôi làm việc rất chặt chẽ với các xơ, các linh mục hay những người tu hành đang phục vụ cho những bệnh nhân phong.”

Vào cuối thế kỷ trước, khi mà chủ nghĩa cộng sản bắt đầu bước vào giai đoạn thoái trào, một công dân Việt Nam – ông Hà Sĩ Phu – đã có nhận xét rằng: “Chủ nghĩa Mác – Lê suy tàn, chạy về cố thủ ở những vùng còn ít ánh sáng dân chủ, nơi mà tư tưởng phong kiến vẫn cứ sống lai rai trong núi rừng châu Á hết đời nọ sang đời kia.” Sau khi bị tấn công ở khắp nơi trên thế giới, đám vi khuẩn suy tàn Hansen cũng tìm một lối rút tương tự: chạy về cố thủ ở những vùng còn ít ánh sáng… sống lai rai trong núi rừng châu Á hết đời nọ sang đời kia.”

Trẻ em phong cùi. Ảnh: Hội Từ Bi Quan Thế Âm

Sự tương hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lê suy tàn và đám vi khuẩn Hansen suy yếu tạo ra một viễn tượng ảm đạm cho những bệnh nhân phong cùi ở Việt Nam. Dù vậy, ông Nguyễn Văn Công, Hội trưởng Hội Bạn Người Cùi (*) vẫn hết sức lạc quan:

Do là người ta có uống thuốc cho nên tình trạng co rút chân tay hay mắt mù đi thì cái đó bây giờ tỷ lệ rất thấp. Sở dĩ những người cụt chân cụt tay là vì bị mà không có thuốc uống. Hy vọng thời gian không lâu nữa công việc của chúng tôi sẽ hoàn tất, tương lai là bệnh phong sẽ bị tiêu diệt.”

Niềm hy vọng này của ông Công khiến tôi gợi nhớ đến sự tin tưởng và lạc quan (tương tự) của nhà văn Võ Hồng, từ hơn nửa thế kỷ qua, mà không khỏi thoáng chút ngậm ngùi và cay đắng! Bao giờ mà những người cộng sản còn cầm quyền ở Việt Nam thì dốt nát, đói nghèo, bệnh tật vẫn còn có thể hoành hành ở đất nước này – bất kể những thành tựu, hay tiến bộ chung của nhân loại có vượt xa đến đâu chăng nữa.

© Tưởng Năng Tiến

———————————————–

(*) Hội Bạn Người Cùi được là một tổ chức từ thiện bất vụ lợi, phi chính trị, không đảng phái, không phân biệt tôn giáo, được thành lập năm 1995 do một nhóm anh chị em thiện chí trong cộng đoàn Tustin, tiểu bang California. Địa chỉ liên lạc:
P.O. Box 1408 & 1207, Tustin, California 92781
Email: Cong Nguyen or Soi Nguyen

No comments:

Post a Comment