Trở Về Trang chính

Friday, February 3, 2012

Đường Vào Bạch Cung Còn Xa



Bùi Văn Phú - Để được Đảng Cộng hoà tiến cử ra tranh chức tổng thống, một ứng viên cần có 1144 đại biểu, tức quá bán của tổng số đại biểu là những đảng viên tích cực hoạt động hay những dân cử như thống đốc, dân biểu, nghị sĩ của đảng trong Quốc hội Mỹ.

Sau bốn kì bầu sơ bộ đã qua ở các bang Iowa, New Hamsphire, South Carolina và Florida con số đại biểu mỗi ứng viên Cộng hoà có được còn quá ít để có thể xác định ai là người sẽ được đảng tiến cử.
Mitt Romney đang dẫn đầu nhưng mới chỉ thắng được ở hai trong bốn tiểu bang. Nơi đầu tiên có bầu sơ bộ là Iowa với kết quả lúc đầu Mitt Romney về nhất, hơn Rick Santorum 8 phiếu bầu. Sau đếm phiếu lại Santorum hơn Romney 34 phiếu. Như thế Santorum về nhất và được 13 đại biểu, Romney 12.
Qua bang New Hamsphire, ba ứng viên về đầu được chia số đại biểu như sau: Mitt Romney 7, Ron Paul 3 và Jon Huntsman 2.
Ở bang South Carolina, ứng viên Newt Gingrich về nhất được 23 đại biểu, Romney về nhì được 2.
Cách chia số đại biểu của từng bang không giống nhau. Ba bang đầu tiên không theo luật chơi ai về nhất thì chiếm trọn số đại biểu ở bang đó mà có chia cho người về nhì, có khi cả ứng viên về thứ ba cũng được vài đại biểu như kết quả dẫn trên.
Bầu sơ bộ ở Florida với con số 50 đại biểu. Luật bầu cử của Đảng Cộng hoà ở đây khác với ba bang đi trước. Ai về nhất ở Florida sẽ nhận được toàn bộ 50 đại biểu.
Hiện chỉ còn 4 ứng viên tiếp tục tranh cử là cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, Dân biểu bang Texas Ron Paul, cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney và cựu Thượng Nghị sĩ bang Pennsylvania Rick Santorum.
Paul và Santorum có tham gia cuộc tranh luận sau cùng ở Florida vào tối thứ Năm 26/1, nhưng sân đấu ở đây thực sự là giữa Romney và Gingrich. Santorum tuần qua đã tạm ngưng vận động để về quê nhà lo cho người con nhỏ đau bệnh. Ông cho biết sẽ tiếp tục vận động ở những bang kế tiếp. Còn Ron Paul không vận động ở đây.
Kết quả bầu sơ bộ ngày 31/1 vừa qua ở Florida là quán tính đẩy mạnh tiến trình vận động lên cao hơn cho ba ứng viên đạt phiếu cao nhất: Mitt Romney 46%, Newt Gingrich 32% và Rick Santorum 13%. Ron Paul được 7%.
Romney được sự ủng hộ của 52% cử tri phái nữ và 54% người gốc Mỹ Latinh, theo kết quả thăm dò những người đã tham gia bỏ phiếu hôm 31/1 do Fox News thực hiện.
Cử tri cộng hoà 48% ủng hộ Romney, 33% Gingrich. 41% cử tri độc lập chọn Romney, 27% Gingrich. 56% cử tri công giáo bầu cho Romney, 30% Gingrich. Giáo hữu tin lành ủng hộ Romney hơn Gingrich, 42% và 36%.
Có 51% người già trên 65 tuổi bỏ phiếu cho Romney. Trong mọi lứa tuổi từ 18 đến 64 mức cử tri ủng hộ dành cho ông cũng cao hơn Gingrich.
Những vấn đề cử tri Florida quan tâm là tình trạng kinh tế, công việc, bảo hiểm y tế, công bình hơn trong việc thu thuế và chính sách đối với di dân.
Các ứng viên cộng hoà đều tấn công Tổng thống Obama đã không đưa nền kinh tế Hoa Kỳ vực dậy trong ba năm qua, nhưng cùng lúc chỉ trích nhau về cách làm thế nào đưa kinh tế đi lên. Gingrich chê Romney là người bên ngoài chính quyền liên bang, không hiểu cách vận hành chính trị ở Washington. Với nhiều năm kinh nghiệm ở Hạ viện, từ thời Tổng thống Ronald Reagan, Gingrich thuyết phục cử tri rằng ông là người có thể thắng được Obama để làm thay đổi nước Mỹ.
Romney dựa vào thành tích phát triển đầu tư thành công trước khi bước vào chính trường. Ông từng làm chủ tịch điều hành công ti Bain Capital nơi đã đem lại thu nhập cho cá nhân ông nhiều chục triệu đô la.
Tại cuộc bầu sơ bộ ở South Carolina hôm 21/1, Romney thua Gingrich một phần vì không công bố hồ sơ thuế của ông đúng lúc, trước những thông tin cho biết ông có thu nhập rất cao nhưng đóng thuế ít. Trong khi Gingrich đã công bố hồ sơ thuế năm 2010, theo đó thu nhập là 3 triệu 140 nghìn đô và đóng thuế liên bang 32%.
Chỉ sau khi về nhì với 28%, thua Gingrich đến 12%, ngày 24/1 Romney mới công bố hồ sơ thuế. Năm 2010 thu nhập của Romney tổng cộng là 21 triệu 700 nghìn đô, trong khi chỉ trả thuế ở mức 13.9%. Vì tiền lời đầu tư của ông là ở nước ngoài nên mức thuế thấp theo luật hiện hành của Hoa Kỳ.
Được hưởng mức thuế thu nhập thấp như thế, nhiều cử tri đặt vấn đề liệu Romney có hiểu được hoàn cảnh phải đóng thuế cao của họ? Với tổng trị giá tài sản nhiều trăm triệu, nếu Mitt Romney làm tổng thống, ông sẽ là lãnh đạo nước Mỹ giầu thứ ba sau George Washington và Thomas Jefferson.
Tại Florida, 60% những người có lợi tức gia đình trên 200 nghìn đô đã bầu cho Romney, theo thăm dò của Fox News. Thành phần cử tri có mức thu nhập thấp hơn cũng ủng hộ Romney trong khoảng 42% đến 45%, cao hơn mức ủng hộ dành cho Gingrich.
Đối với người nhập cư bất hợp pháp, Romney chủ trương thi hành chính sách không thuê mướn họ, như thế họ sẽ “tự động hồi hương”. Ông nhắc đến gia phả có bố cũng là di dân vào Mỹ từ Mexico, còn gia đình bên vợ đến từ xứ Wales.
Gingrich chỉ trích Romney làm thế là không nhân đạo. Ông đề nghị xét đến thời gian người cư trú bất hợp pháp đã có mặt tại Mỹ bao lâu và cho họ thẻ xanh để trở thành thường trú nhân hợp pháp, không phải công dân.
Bang Florida là nơi có đông người gốc Cuba sinh sống, Gingrich cũng đề nghị khởi xướng một “Cuban Spring” để đem lại dân chủ cho Cuba.
Hiện nay ứng viên Gingrich được sự ủng hộ của các cựu ứng viên Rick Perry, Herman Cain và con trai của cố Tổng thống Ronald Reagan là Michael. Ứng viên Romney được các cựu ứng viên tổng thống Bob Dole (1996), John McCain (2008) và Thống đốc bang New Jersey là Chris Christie yểm trợ.
Romney đã thắng lớn ở Florida nhưng chắc chắn Gingrich không bỏ cuộc.
Tính đến lúc này mới chỉ có khoảng 5% của tổng số 2286 đại biểu được chọn qua bốn tiểu bang đã tổ chức bầu cử sơ bộ. Romney hiện có chừng 90 đại biểu, Gingrich 40 và Santorum 10.
Trong tháng Hai sẽ có bầu sơ bộ ở 7 tiểu bang nữa với số đại biểu mới lên đến vài trăm. Nếu đến lúc đó những ứng viên thua chưa bỏ cuộc, sang tháng Ba với Super Tuesday vào ngày 6/3 là lúc có mười tiểu bang bầu sơ bộ cùng lúc, khi đó Đảng Cộng hoà mới rõ ai có thể đạt tới con số 1144 để được tiến cử làm đại diện đảng đấu với Barack Obama vào tháng Mười Một tới đây.
© 2012 Buivanphu.wordpress.com
Image by Tom Lohdan via Flickr

No comments:

Post a Comment