Không biết tôi có phải dạng chống Tàu cực đoan không, nhưng thật ra tôi không muốn lệ thuộc kinh doanh quá nhiều vào hàng hóa Tàu, hiện đang chiếm hết 90% sản phẩm tại công ty. Nguồn cung sản xuất trong nước thì không đáp ứng được về chất lượng và giá cả nên tôi muốn tìm đến những người “hàng xóm” Thái Lan, nơi có truyền thống sản xuất vật liệu xây dựng hoàn thiện bậc nhất trong khu vực Đông Nam Á với những thương hiệu nổi tiếng của tập đoàn SCG- Cotto, Karrat…
Đây là lần thứ 2 tôi đến Bangkok, khác với lần trước, lần này tôi có dịp quan sát kỹ hơn cuộc sống xã hội của Thái. Nét đẹp của Thái không nằm ở cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông hay danh lam thắng cảnh mà nằm ngay chính nét mặt thanh thản, an lành của hầu hết người dân Thái.
Nét kiến trúc tâm linh đặc trưng của người Thái.
Trong một môi trường sống gần giống với Sài Gòn, cũng nắng nóng, cũng mưa sa, cũng đông đúc, cũng kẹt xe,… nhưng khác với cái không khí căng thẳng bao trùm cuộc sống của người Sài Gòn, luôn sẵn sàng cáu gắt hay xung đột chỉ cần một va chạm nhẹ, hay thậm chí là một ánh mắt nhìn “đểu” nhau cũng có thể xảy ra án mạng. Người Thái chấp nhận những điều đó với một thái độ thông hiểu và nhường nhịn nhau, dù giao thông có chật chội vẫn không xáo trộn, thậm chí một tiếng còi xe cũng không có.
Cảnh sát Thái là những người rất được người dân yêu thương và tôn trọng, nhà nào có người thân làm cảnh sát là một niềm tự hào lớn. Họ rất ít xuất hiện trên đường phố nhưng khi có việc xảy ra là có mặt tức thì. Điều này khác biệt với tâm lý luôn sợ hãi công an của người dân Việt Nam, có mặt ở khắp nẻo phố, con hẻm nhưng khi có việc người dân lại tự dàn xếp bởi tâm lý tránh gọi công an thêm rắc rối.
Việt Nam có câu “đất lành chim đậu”, nhưng ở Thái có thêm một câu là “đất lành chó ngủ” để nói lên sự an lành đến nổi con chó cũng chỉ biết ngủ chứ không canh chừng, không rình sủa, không cắn bậy.
Điều tạo nên cuộc sống thanh bình của người dân Thái không chỉ bởi một nền chính trị dân chủ đa đảng, một xã hội dân sự, mà còn bởi một đời sống tâm linh sâu sắc. Họ thờ cúng mọi nơi và cầu nguyện mọi lúc chứ không chờ đến ngày rằm, ngày lễ. Họ tôn trọng giá trị tâm linh thiêng liêng chứ không tôn thờ giá trị vật chất hữu hình. Đến thăm các ngôi chùa ở Thái, bạn sẽ thấy rõ sự thành tâm trong đức tin của họ. Trật tự tuyệt đối, sạch sẽ và rất trang nghiêm.
Vậy đó, đời sống của người dân Thái hiền lành như cái chắp tay cúi đầu chào nhau, nhẹ nhàng như những nụ cười lúc nào cũng sẵn sàng nở trên môi. Nhưng họ không dừng lại ở những gì đang có, không hài lòng và tự mãn, cũng không khoe khoang thành tích. Người dân họ vẫn luôn hướng về phía trước và nỗ lực để làm giảm đi những bất toàn. Họ an lành trong ổn định nhưng cũng đứng lên xuống đường, áo vàng , áo đỏ để cất lên tiếng nói, đòi hỏi xã hội, sinh hoạt chính trị và những công bộc của người dân phải ngày một tốt hơn.
Một góc nhỏ cuộc sống bình dân của người Thái
Một góc cơ sỡ hạ tầng đô thị Thái nhìn từ tàu điện trên không.
Nhìn đời sống người Thái tôi đã thầm ước cho Việt Nam, ước gì một ngày nào đó tôi được sống cảm giác này ngay tại quê hương của mình. Không cần cơ sở hạ tầng hiện đại, không cần “sánh vai với các cường quốc năm châu” nhưng chỉ cần nơi quyền con người được tôn trọng, giá trị đạo đức được phát triển và mọi người biết yêu thương nhau.
Tôi tin rằng đất nước tôi, dân tôi sẽ làm được điều đó. Tôi tin rằng dân tộc tôi nếu không hơn thì cũng không thua kém một dân tộc nào nếu tất cả 90 triệu người được tự do góp phần vào sự phồn vinh của đất nước, xây dựng quê hương tôi như những người chủ nhân thực sự. Trên chuyến bay ngắn ngủi từ phi trường Suvarnabhumi hiện đại của Bangkok về đến Tân Sơn Nhất của Sài Gòn tôi mơ màng với giấc mơ đẹp ấy.
Tôi tỉnh giấc khỏi giấc mộng lành lúc anh an ninh của đất nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chặn đường kiểm tra rồi nhếch mép: “Đồng bọn nó đó, tụi mặc áo lưỡi bò!” khi anh ta tìm thấy tấm hình chụp chiếc nón “HS-TS-VN” của cô Bùi Hằng và hình Kim Tiến mặc áo NO-U trong cái USB của tôi – công dân của một đất nước “Giàu Mạnh”, một “ Xã Hội Công Bằng, Dân Chủ Văn Minh”.
Tỉnh mộng nhưng giấc mơ của tôi – và cũng là giấc mơ chung của rất nhiều người khác – vẫn còn nguyên vẹn và xanh tươi như màu mạ non dù phải đang phải vươn lên từ mảnh đất khô cằn sỏi đá không phải do thiên nhiên mà bởi những con người đang ngày đêm gặm nhắm nó.
“Giấc mộng vụt tan” khì đặt chân xuống sân bay
Tỉnh dậy mới biết, “ah, thì ra Việt Nam”!
Paulo Thành Nguyễn
No comments:
Post a Comment