Đã có nhiều cuộc biểu tình đòi đất của tín đồ Thiên chúa giáo
BBC News_Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa quyết định bổ nhiệm Trung tướng Phạm Dũng, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II, làm trưởng ban Tôn giáo Chính phủ.
Quyết định số 212/QĐ-TTg của Thủ tướng nói rõ ông Dũng được điều động, bổ nhiệm vào chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ, kiêm trưởng ban Tôn giáo.
Quyết định này được đưa ra bốn tháng sau khi có yêu cầu chính thức từ Bộ Nội vụ, và vài ngày sau khi Ban Bí thư có ý kiến trong văn bản số 2501-CV/VPTW.
Trung tướng Phạm Dũng nay đã chính thức rời vị trí người đứng đầu Tổng cục An ninh II, tức cơ quan chuyên trách về an ninh nội địa.
Trong nhiều năm, ông đã phụ trách công tác bảo đảm an ninh quốc gia, bao gồm cả chính trị nội bộ và đặc biệt là thông tin-truyền thông.
Trong cương vị mới, ông Phạm Dũng sẽ phụ trách công tác tham vấn cho Chính phủ trong xây dựng chính sách và quản lý nhà nước về tôn giáo.
Vị trí trưởng ban Tôn giáo Chính phủ đã bị trống nhiều tháng nay sau khi ông Nguyễn Thái Bình, trưởng ban, được Quốc hội khóa XIII phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ tại kỳ họp thứ nhất hồi tháng 7/2011.
Ban Tôn giáo Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ.
Công tác tôn giáo được cho là một lĩnh vực quan trọng trong quản lý an ninh chính trị và xã hội ở Việt Nam.
Ban Tôn giáo Chính phủ, thành lập năm 1955, có nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về lĩnh vực tôn giáo trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc lĩnh vực tôn giáo theo quy định của pháp luật.
Ban này có chức năng hướng dẫn và hỗ trợ chính quyền địa phương các cấp về công tác tôn giáo và giải quyết những vấn đề quan trọng về tôn giáo, đồng thời làm đầu mối liên hệ với các tổ chức tôn giáo.
Xuất thân công an
Với việc ông Phạm Dũng trở thành trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, nay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có hai “tham mưu” chủ chốt về tôn giáo xuất thân từ ngành an ninh.
Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng từ năm ngoái cũng giữ vai trò chính thức là Phái viên tư vấn Thủ tướng về an ninh và tôn giáo.
Ông Hưởng là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh, từng là Ủy viên Trung ương Đảng, và đóng vai trò quan trọng trong việc ra quyết định xử một số nhân vật đấu tranh dân chủ hoặc vận động nhân quyền.
Bên cạnh hai vị tướng ở trên, người ta cũng thấy hiện diện của các nhân vật từ ngành công an trên các vị trí quan trọng của hệ thống chính trị trong nước.
Trung tướng Phạm Minh Chính hiện làm Bí thư Quảng Ninh
Vào tháng 8/2011, hai thứ trưởng Bộ Công an được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam điều động sang giữ chức bí thư của hai tỉnh Ninh Bình và Quảng Ninh.
Theo lệnh điều động đó, Trung tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, giữ chức bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; còn Trung tướng Phạm Minh Chính, cũng là Ủy viên Trung ương Đảng, giữ chức bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Hai bí thư tỉnh ủy nói trên đều có bằng cấp học vị cao.
Các trang của ngành công an Việt Nam cho biết ông Nam có bằng tiến sĩ luật và từng công tác tại Cục A13 (tên cũ của Cục tình báo).
Ông cũng làm thư ký cho bộ trưởng công an Lê Minh Hương cho đến khi ông Hương thôi chức, sau đó ông Nam về trường tình báo làm trưởng khoa, rồi lên các chức khác trước khi được phong thứ trưởng và hàm trung tướng năm 2008.
Theo trang Thông tấn xã Việt Nam, ông Phạm Minh Chính, sinh năm 1958, từng là kỹ sư xây dựng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Luật, Trung tướng, nguyên Thứ trưởng kiêm Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hậu cần-Kỹ thuật của Bộ Công an.
Ông Chính cũng từng du học tại Romania và sau đó có thời gian làm việc trong Đại sứ quán Việt Nam ở Bucharest.
Một nhân vật khác – ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, người đang được dư luận nhắc tới nhiều trong những ngày gần đây xung quanh vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, cũng xuất thân từ ngành công an.
Ông Thành công tác tại Công an TP Hải Phòng từ tháng 8/1979 đến tháng 10/1988, sau đó lãnh đạo Công an quận Hồng Bàng trước khi chuyển sang công tác Đảng.
No comments:
Post a Comment