Trở Về Trang chính

Friday, February 24, 2012

Từ ‘Kết Luận Của Bộ Chính Trị’ Tới “Kết Luận Của Thủ Tướng”!

TS. Âu Dương Thệ

Vụ Tiên Lãng: Nguyễn Tấn Dũng Vẫn Lại Thùng Rỗng Kêu To!

o Có thể chờ đợi bọn quan cướp ngày tự kiểm điểm?
o Các tầng lớp nhân dân hãy tiến lên giành các thắng lợi mới!

Biến cố quan cướp ngày gây ra thảm hoạ ở Tiên lãng vào dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua đã gây chấn động và xúc động sâu sắc trong nhiều tầng lớp nhân dân. Sau khi nhiều Blog báo chí độc lập, nhiều trí thức và văn nghệ sĩ tên tuổi – kéo theo cả nhiều tờ báo “lề phải” và nhiều lão thành cách mạng, kể cả một số tướng về hưu- đồng loạt lên tiếng công khai tố cáo các hành động ngang ngược, ngồi xổm trên pháp luật trong việc tịch thu đất đai, phá hoại nhà cửa của chính quyền huyện Tiên lãng và thành phố Hải phòng, đẩy kỹ sư, nhà nông và cựu bộ đội Đoàn Văn Vươn và các anh em cùng vợ con vào thế phải tự vệ.

Những người đã xây dựng sự nghiệp qua mồ hôi nước mắt gần 20 năm lấp biển thành đầm, nhưng ngày 5.1.2012 khoảng hơn 100 công an, bộ đội theo lệnh của Thành ủy thành phố Hải phòng đã xông vào tịch thu đất đai và sau đó cho người phá sập nhà của ông Vươn. Hàng ngàn dân địa phương đã chứng kiến cảnh quan cướp ngày. Nhưng mãi tới gần hai tuần sau, ngày 17.1, Nguyễn Tấn Dũng mới ra lệnh cho các bộ, cơ quan và Thành ủy Hải phòng phải điều tra về vụ Tiên lãng. Và ông Dũng còn dõng dạc tuyên bố, chính Thủ tướng sẽ đích thân giải quyết vụ cực nóng này.

Mãi hơn một tháng sau thảm hoạ Tiên lãng, trong cuộc họp tại trụ sở Chính phủ ngày 10.2 với sự tham dự của đại diện nhiều bộ có liên can: Công an, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông; các cơ quan: Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ; các ban của Đảng: Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư Thành ủy Hải Phòng và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải phòng, đại diện Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc -nghĩa là huy động toàn bộ hệ thống chính trị- Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra quyết định được gọi là “Kết luận của Thủ tướng”. Trong đó đã có kết luận rất rõ ràng về các nguyên nhân và thủ phạm đã gây nên biến cố ở Tiên lãng:

“Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã có những sai phạm trong giao đất, thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất đã giao cho ông Đoàn Văn Vươn”.

Với “Kết luận của Thủ tướng” dài gần 2000 chữ Nguyễn Tấn Dũng đã nhìn nhận chính quyền ở Tiên lãng đã sai lầm từ A tới Z, từ đầu chí cuối trong vụ gây ra thảm hoạ cho đại gia đình Đoàn Văn Vươn. Nhưng nhiều cán bộ cao cấp đã về hưu, trí thức và nhà báo đứng đắn đã không đồng tình với quyết định của ông Dũng chỉ giới hạn trách nhiệm cho cấp huyện ở Tiên lãng. Trong số này phải lưu ý đặc biệt tới nhận định rõ ràng qua kinh nghiệm với chế độ của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên ủy viên Trung ương đảng và Tư lệnh quân khu 4. Chỉ một ngày sau khi ông Dũng công bố “Kết luận của Thủ tướng” tướng Thước đã cho báo chí biết:

“Ở đây trách nhiệm của cơ sở một phần, huyện là hai phần thì thành phố phải có trách nhiệm ba phần.”

Ông giải thích thêm:

“Trước tiên là trên thành ủy vì Thành ủy không thể không biết, lãnh đạo của thành phố không thể không biết sự việc này. Và có thể có hai trường hợp: Một là quan liêu không biết, hai là biết nhưng mà lại bao che để né tránh, không muốn vào để làm rõ.”

Trong một xã hội dân chủ, pháp trị và văn minh thực sự thì sau khi người cầm đầu chính phủ (hành pháp) nhìn nhận các cơ quan dưới quyền đã làm sai pháp luật và làm thiệt hại nghiêm trọng tới quyền lợi của người dân thì người cầm đầu chính phủ phải giao việc điều tra và xét xử biến cố này cho các cơ quan có thẩm quyền và độc lập. Đó là Viện kiểm sát (công tố viện- Tư pháp) sẽ trực tiếp điều tra, sau đó Toà án (Tư pháp) sẽ đem ra xét xử công khai. Điều cực kỳ quan trọng là các cơ quan của đảng cầm quyền không được phép tham dự vào bất cứ tiến trình nào từ khi điều tra tới xét xử. Không những thế, các viên chức của các cơ quan Công an, ủy ban Nhân dân (hành pháp) và Toà án đã từng đưa ra các quyết định sai trái, hay tham gia vào các hành động sai lầm trong thời gian qua thì phải chịu các kỷ luật hình phạt từ cách chức tới ngồi tù…., ngoài ra không được phép tham gia vào công việc điều tra và xét xử. Nếu cơ quan nào đã lũng đoạn trong vụ việc này thì các cơ quan trung ương phải lập ngay một ban mới thay thế. Đây là nguyên tắc ngăn ngừa thói vừa đá bóng vừa thổi còi, có như vậy sự công bằng và nghiêm minh của luật pháp mới được bảo đảm và kỷ cương của đất nước mới được giữ vững!

Nhưng sau khi đưa ra “Kết luận của Thủ tướng” ngày 10.2 Nguyễn Tấn Dũng đã sử dụng quyền và trách nhiệm của người đứng đầu chính phủ trong vụ cực nóng này như thế nào? Nguyễn Tấn Dũng có thực quyền không?

Tuy biết rất rõ là Thành ủy thành phố Hải phòng đã có những sai phạm nghiệm trọng vụ Đoàn Văn Vươn, nhưng trong phần tiến hành các biện pháp giải quyết vụ này, Nguyễn Tấn Dũng lại giao cho “lãnh đạo thành phố Hải Phòng”, tức Thành ủy Hải phòng – cơ quan cao nhất của ĐCS ở Thành phố này- độc quyền tiến hành các biện pháp từ A tới Z.

Thật vậy trong phần II “Kết luận của Thủ tướng” Nguyễn Tấn Dũng đã giao cho “Lãnh đạo thành phố Hải Phòng” “chỉ đạo Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng và Toà án nhân dân huyện Tiên Lãng nghiêm túc kiểm điểm việc xét xử đối với vụ việc này.”

Cũng vẫn “Lãnh đạo thành phố Hải Phòng” “chỉ đạo cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố, điều tra và sớm đưa ra xét xử nghiêm minh”. Tiếp theo, Nguyễn Tấn Dũng còn giao cho “Lãnh đạo thành phố Hải phòng” tự “kiểm điểm làm rõ trách nhiệm” về việc đã chấp thuận cho chính quyền huyện Tiên lãng thực hiện các việc sai pháp luật, sau đó còn đưa ra những thông tin sai sự thục, kể cả báo cáo láo với Thủ tướng (II,5). Và cuối cùng Nguyễn Tấn Dũng cũng giao cho “Lãnh đạo thành phố Hải Phòng” tự “kiểm điểm rút kinh nghiệm.”

Như vậy Nguyễn Tấn Dũng giao cho Lãnh đạo thành phố Hải phòng toàn quyền trực tiếp lo việc điều tra và xét xử vụ việc mà do chính họ đã sai phạm nghiêm trọng, rồi lại để các viên chức này tự kiểm điểm trách nhiệm. Với cách làm này Nguyễn Tấn Dũng đã khoán trắng cho Lãnh đạo thành phố Hải Phòng, thủ phạm đóng vai quan toà, vừa đá bóng vừa thổi còi trong việc gây ra thảm hoạ ở Tiên lãng!

Nhưng lãnh đạo thành phố Hải phòng là ai? Đây chính là Thành ủy ĐCS Hải phòng, tức là một đảng cầm quyền ở Hải phòng, một thành phố cảng lớn nhất cả nước. Theo cách tổ chức hành chánh hiện nay thì Thành ủy thành phố Hải phòng trực thuộc sự quản lý của Bộ chính trị và ủy ban Nhân dân thành phố dưới quyền quản lý của Thủ tướng. Đặc biệt nữa là chính Nguyễn Tấn Dũng là đại biểu Quốc hội của Hải phòng. Như vậy Nguyễn Tấn Dũng có liên hệ đặc biệt với Thành ủy Hải phòng. Trong Thành ủy Hải phòng ngoài Nguyễn Văn Thành -cũng như ông Dũng xuất thân từ ngành Công an- là ủy viên Trung ương đảng, còn có nhiều ủy viên thành ủy khác, trong đó có Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Đỗ Trung Thoại và Đại tá Công an Đỗ Hữu Ca. Chính hai nhân vật này đã đưa ra những tuyên bố động trời và thách đố dư luận sau vụ Tiên Lãng. Vào ngày 17.1 trước khi ông Dũng ra chỉ đạo cho Thành ủy Hải phòng thì ủy ban Nhân dân Hải phòng đã để Nguyễn Trung Thoại mở cuộc họp báo ngay tại Bộ Thông tin truyền thông ở Hà nội giải thích vụ tịch thu đầm và phá nhà ông Vươn. Trong đó ông Thoại đã vẫn bệnh vực cho hành động vi phạm hình sự trắng trợn của chính quyền Hải phòng, đồng thời còn trí trá nói rằng, việc phá nhà của ông Vươn là do người dân địa phương tự ý và đe doạ cả báo chí:

“Việc phá nhà ông Vươn là do nhân dân bất bình và bức xúc quá nên làm vậy. Nhiều người dân không đồng tình với việc làm của ông Vươn và một số tờ báo viết sai”.

Trong khi ấy Đỗ Hữu Ca trước đại diện của báo chí lại kiêu ngạo ca ngợi những hành động vi phạm hình sự trắng trợn của các cơ quan công an và quân đội trong vụ Tiên lãng:

“Vụ việc hôm ấy tuy bắt không được đối tượng nhưng trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này. Một là anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa bao giờ có trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào. Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách”!

Điều rất lạ lùng đến gây sửng sốt là, sau khi Nguyễn Tấn Dũng giao cho Thành ủy Hải phòng điều tra và kiểm điểm vụ Tiên lãng thì Bí thư Thành ủy Hải phòng Nguyễn Văn Thành đã giao cho Đỗ Trung Thoại làm “Tổ trưởng Tổ công tác thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng”. Nhưng sau đó bị dư luận phản đối dữ dội, ông Thành mới giao cho Đan Đức Hiệp, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Hải phòng, thay.

Không chỉ bao che cho những nhân viên đã phạm pháp, Nguyễn Văn Thành còn cố tình coi thường các quyết định của Nguyễn Tấn Dũng. Sáng ngày 17.2 chính ông Thành nói trước 500 cán bộ lão thành cấp cao và cấp trung ở Câu lạc bộ hưu trí Bạch đằng, Hải phòng, đã vẫn công khai kết tội ông Vươn. Thái độ coi thường quyết định của Thủ tướng của ông Thành đã gây bất bình cho nhiều lão thành cách mạng có mặt và họ đã gửi thư công khai lên Bộ chính trị và Chính phủ. Đồng thời ông Thành vẫn để cho Công an Hải phòng dưới quyền ông Ca tìm cách ép vợ và em dâu của ông Vươn không được mời luật sư.

Những việc làm của ủy viên Trung ương đảng Bí thư Thành ủy Hải phòng Nguyễn Văn Thành đang gây bất bình lớn trong dư luận, cả trong hàng ngũ đảng viên. Mới vài ngày trước Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, lại đã nói thẳng với báo chí về việc này:

“Nếu phát ngôn của ông Thành đúng như báo chí phản ánh thì ông ta chính là người phủ định kết luận của Thủ tướng và Nghị quyết TW 4.”

Và tướng Thước còn vạch rõ cách giao người, giao việc rất sai lầm của Nguyễn Tấn Dũng:

“Từ hôm Thủ tướng có kết luận đến giờ, tôi thấy các cấp của Hải Phòng đều hứa hẹn: sẽ tự kiểm điểm nghiêm khắc rồi kiểm điểm tập thể hàng loạt. Nói thế ai chẳng nói được. Chỉ nói cốt để xoa dịu tình hình và làm nhẹ tội, nhưng cụ thể ‘nghiêm túc’ là thế nào, ‘kiểm điểm tập thể’ là thế nào, hay nghĩa là chẳng ai cả.”

Như vậy quyết định của Nguyễn Tấn Dũng trong vụ Tiên lãng đã sai lầm từ căn bản:

1. Giao cho Thành ủy Hải phòng, cơ quan của một đảng đứng ra xử lý vụ này là đã vi phạm chế độ pháp trị và như thế là để một đảng đứng trên pháp luật.

2. Để những cơ quan và những người đã từng vi phạm pháp luật trong vụ thảm hoạ ở Tiên lãng điều tra và xét xử thì đúng là cách làm vừa đá bóng vừa thổi còi, để thủ phạm đóng vai quan toà! Vì ai cũng biết, theo cách tổ chức quyền lực hiện nay thì các quyết định và hành động sai trái của các ông Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Đỗ Chung Thoại và Giám đốc công an Hải phòng Đại tá Đỗ Hữu Ca và của Tòa án Nhân dân Hải phòng đều phải có sự chấp thuận của Thành ủy Hải phòng, đứng đầu là Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành.

Như thế, ý nghĩa có tính cách bao trùm ở đây là cần phải thấy rõ vị thế chính trị, cách hành xử thẩm quyền và ý thức trách nhiệm của người đứng đầu chính phủ, hiện nay là Nguyễn Tấn Dũng, như thế nào?

Trong “Kết luận của Thủ tướng” ngày 10.2 ông Dũng đã ra lệnh cho Thành ủy thành phố Hải phòng phải thi hành kỷ luật với các nhân viên cấp dưới ở huyện Tiên lãng. Nhưng đối với các thành viên trong Thành ủy Hải phòng -cơ quan đã để cho huyện Tiên lãng làm những sai trái nghiệm trong trong nhiều năm qua- thì ông Dũng chỉ yêu cầu họ tự “kiểm điểm làm rõ trách nhiệm” và tự “kiểm điểm rút kinh nghiệm”, chứ tuyệt nhiên không một ai phải chịu một hình phạt kỷ luật nào. Nghĩa là các ủy viên trong Thành ủy Hải phòng sẽ chỉ ngồi lại với nhau tự phê bình và phê bình nội bộ với nhau, một cách làm hoàn toàn hình thức chiếu lệ, sau đó mọi người vẫn bình chân như vại và mọi việc vẫn như cũ, theo cách nói của dân gian là “ông Nguyễn Y Vân”!

Hành động của ông Dũng theo phương châm “bắt con tép rui, thả con cá sộp”! Đúng như nhận định rất xác đáng trên đây của Tướng Nguyễn Quốc Thước. Tuy vậy, sau cuộc họp ngày 10.2 vận dụng toàn hệ thống chính trị vào cuộc thì NDT đã cho bộ máy tuyên truyền tự khen rất rầm rộ theo kiểu đánh trống, rung chuông inh ỏi, đúng là cách làm rất quen thuộc của ông Dũng là thùng rỗng kêu to!

Mặc dầu theo qui định phân công lãnh vực hoạt động thì Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và thành phố trực tiếp dưới quyền của Thủ tướng. Nhưng thực tế, trong các quyết định nhân sự thì Bộ chính trị mới có thẩm quyền cách chức các ủy viên Trung ương đảng, còn các chức vụ quan trong trong thành ủy thuộc thẩm quyền của Ban bí thư trung ương. Nghĩa là, người đứng đầu chính phủ hoàn toàn không có quyền hành gì về quyết định nhân sự trong chế độ toàn trị.

Việc này trước đây chính Phạm Văn Đồng đã từng chua chát nói là, tuy làm Thủ tướng mấy chục năm nhưng ông không có quyền cách chức một nhân viên nào. Mới đây Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc lại câu nói của ông Đồng về việc này, nhưng lại nói với niềm hãnh diện!

Nói tóm lại, như vậy cách giải quyết của Nguyễn Tấn Dũng trong vụ Tiên lãng là áp dụng cách giải quyết của chế độ độc tài toàn trị. Đây chính là cách tổ chức và vận hành quyền lực và nhân sự theo nguyên tắc “tập trung dân chủ” và “tập thể lãnh đạo”. Nó cho phép những người có quyền lực mặc dầu đã có những hành động sai phạm rất nghiêm trọng nhưng vẫn đổ trách nhiệm cho tập thể, một tập thể không có mặt mũi rõ ràng đối với những sai lầm, nhưng lại là nơi bảo vệ hữu hiệu nhất cho bọn quan tham nhũng và có những việc làm sai trái nghiệm trọng.

Việc này hoàn toàn không mới, không riêng rẽ mà trở thành quán tính của nhóm người có quyền lực. Hai thí dụ nổi cộm nhất trong các năm gần đây mà ai cũng biết là vụ tham nhũng động trời PMU 18 (2006-7) và vụ thua lỗ khủng khiếp của tập đoàn kinh tế Vinashin (2010…).

Vụ PMU 18 liên quan tới cả gia đình đương kim Tổng bí thư lúc đó là Nông đức Mạnh và nhiều ủy viên Bộ chính trị và Trung ương đảng đã xà xẻo hàng chục ngàn tỉ đồng trong các công trình xây dựng đường, cầu cống. Trước khi có Đại Hội 10 (2006) Bộ chính trị cũng ra kết luận sẽ nghiêm trị những ai, bất cứ ở vị trí nào. Nhưng sau Đại Hội 10, khi các quan tham nhũng giữ tiếp tục các vị trí then chốt thì vụ PMU 18 bị khoanh lại, không những thế một số nhà báo tố tham nhũng còn bị tù!

Khi vụ nợ của Vinashin lên tới trên 86.000 tỉ đồng (4,5 tỉ USD) vỡ lở thì Bộ chính trị cũng họp và ra “Kết luận của Bộ chính trị” (2010) tuyên bố sẽ nghiêm trị những người có trách nhiệm, kể cả Thủ tướng. Nhưng chỉ vài tuần trước khi có Đại Hội 11 (1.2011) thì các ủy viên Bộ chính trị họp kín tự tha bổng cho nhau qua cách tự kiểm điểm chiếu lệ và để những người có trách nhiệm vẫn giữ được ghế cao hoặc leo cao hơn!

Cũng chính cách tổ chức quyền lực và nhân sự theo chế độ độc đảng, cho nên hoàn toàn không có gì ngạc nhiên là, từ trước tới nay đã có không biết bao nhiêu cuộc chính đốn Đảng… nhưng sự tha hoá của đảng viên, nhất là ở cấp lãnh đạo, ngày càng gia tăng. Chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải thừa nhận tình trạng bất lực này trong Hội nghị Trung ương 4 vào cuối tháng 12.2011:

“Vì sao công tác xây dựng Đảng được Trung ương rất coi trọng, đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị rất đúng, rất hay, nhiều cuộc vận động sâu rộng, nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu? Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng? Vướng mắc chính là ở chỗ nào?”

Tuy ông Trọng tỏ ra quan tâm lo lắng về sự xuống dốc của chế độ, nhưng đây cũng chỉ là bề ngoài. Vì ngay trong vụ quan cướp ngày gây ra thảm hoạ ở Tiên lãng đã xẩy ra 7 tuần, nhưng NPT vẫn im thin thít, một sự im lặng đáng sợ và tạo ra nhiều câu hỏi đối với các đảng viên tiến bộ và còn biết quí tự trọng. Tại sao ông Trọng mở hai Hội nghị gặp các cựu cán bộ cao cấp ở khu vực phía Bắc và phía Nam cũng vào dịp xẩy ra vụ Tiên lãng, nhưng không thấy người đứng đầu chế độ lên tiếng? Đúng ra đây phải là dịp thuận tiện nhất cho ông để chứng tỏ là thực sự muốn thanh lọc bọn quan tham nhũng, ích kỷ và đứng về phía người dân đang bị đàn áp bất công!

Trong khi ấy, theo các tin tức nhận được, trong dịp này ông Trọng tuy miệng nói rất hồ hởi tìm cách vuốt ve các cựu cán bộ cao cấp là “tất cả chúng ta có một chữ “đồng” :” đồng tâm, đồng chí, đồng ý, đồng lòng”, nhưng lại không cho các cựu cán bộ cao cấp được hỏi trực tiếp mà phải gởi trước các câu hỏi, mặc dầu nói rằng đây là các “Hội nghị”. Vậy là hội nghị một chiều, chỉ có một người nói và các người khác phải nghe?
Như thế ông Trọng đã khinh thường cả những người từng lãnh đạo ông. Không những thế, trong một cuộc họp chỉ giành cho các cán bộ chủ chốt của Ban Tuyên giáo Trung ương cũng vào thời gian này Nguyễn Phú Trọng lại còn công khai chỉ trích các cựu cán bộ cao cấp đã tỏ thái độ bất bình công khai về những bức xúc trong xã hội:

“[Khi] phân loại tổ chức đảng hằng năm phần lớn là trong sạch, vững mạnh, nhưng khi xảy ra chuyện gì thì dường như không rõ trách nhiệm. Thậm chí, có cả cán bộ nguyên là lãnh đạo trước khác, nay cũng nói khác, gây phân tâm tư tưởng, trong khi bên ngoài các thế lực thù địch tấn công ta bằng những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”. Điều đáng sợ nhất bây giờ là trong một bộ phận cán bộ đảng viên, nhân dân, kể cả trong cán bộ tuyên giáo là sự mơ hồ, không phân biệt đúng sai, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, mất nhuệ khí đấu tranh, nặng về thu vén cá nhân.”

Tiếp theo đó ông Trọng còn ngạo mạn lên tiếng răn đe và dậy bảo:

“Những người đi giáo dục cũng phải được giáo dục, những người làm công tác tư tưởng cũng phải được bồi dưỡng về mặt tư tưởng.”

Điều đáng lưu ý nữa là, cho tới nay Tướng Trần Đại Quang, ủy viên Bộ chính trị và Bộ trưởng Công an cũng im thin thít không có một lời lên tiếng trước vụ Công an gây thảm hoạ ở Tiên lãng và cũng không cách chức Giám đốc Công an Đỗ Hữu Ca, mà chỉ giao cho cấp dưới theo dõi. Ngoài ra, cả ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh cũng giữ im lặng lạ lùng, mặc dầu ông vẫn hô hoán dạy bảo cán bộ Tuyên giáo là đừng để bị động. Nhưng trong vụ Tiên lãng, ông Huynh đã để cho Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hải phòng Đỗ Trung Thoại Thoại tổ chức cuộc họp báo ngày 17.1 ngay tại Bộ Thông tin và Truyền thông giải thích sai lầm và bào chữa cho việc gây ra thảm hoạ ở Tiên lãng và trong thời gian qua mấy tờ báo ở Hải phòng dưới quyền của Ban Tuyên giáo Thành phố vẫn tiếp tục thông tin sai trái về vụ Tuyên lãng.

***
Tóm lại, trong vụ thảm hoạ Tiên lãng do các quan cướp ngày gây ra, Nguyễn Tấn Dũng cũng đưa ra “Kết luận của Thủ tướng” thực hiện rất nhuần nhuyễn cách làm theo “Kết luận của Bộ chính trị”. Đúng là cha nào con nấy! Chính vì thế, cách làm lấy vải the che mắt thánh của Nguyễn Tấn Dũng không đánh lừa được ai, kể cả những đảng viên tiến bộ và biết tự trọng.

Đại biểu cho các giới này là lời cảnh báo rất nghiệm khắc của cụ bà Lê Hiền Đức, dù đã trên 80 tuổi những vẫn nhiệt tâm và can đảm đấu tranh chống bọn quan tham độc tài và có uy tín lớn ở trong và ngoài nước. Trong vụ đàn áp ở Tiên lãng cụ Hiền Đức đã lên tiếng nhiều lần, gần đây nhất sau khi Nguyễn Tấn Dũng hô hoán “Kết luận của Thủ tướng” Cụ đã cảnh báo dư luận là “Đừng dễ tin như thế!” Trong đó Cụ đã liệt kê những việc nói và làm hoàn toàn trái ngược nhau của Nguyễn Tấn Dũng từ khi lên làm Thủ tướng vào tháng 6. 2006 và đưa ra nhận định về con người thực của Nguyễn Tấn Dũng chỉ là cái thùng rỗng keo to mà thôi:

“Kỳ vọng? Tôi đâu có đem “trái tim lầm chỗ để trên đầu”(1) như thế, vì “kết luận” mới chỉ là lời nói mà tôi thì đã thấy rất rõ khoảng cách ghê gớm giữa lời nói và việc làm của ông Dũng.”

Cụ đã trải nghiệm cách nuốt lời hứa của những người cầm đầu chế độ độc tài toàn trị suốt trên 60 năm:

“Dưới con mắt tôi, xin nhắc lại, chính quyền trung ương của Việt Nam vẫn chỉ như là sự phóng to của chính quyền huyện Tiên Lãng, chính quyền thành phố Hải Phòng mà thôi.”

Cụ đã khuyên chúng ta “Thế thiên hành đạo”, ở đây nên hiểu là hãy can đảm chống lại bọn quan cướp ngày, đẩy lui bọn quan độc tài, tham nhũng để lập lại trật tự kỷ cương, xây dựng đất nước phú cường nhân dân được hưởng dân chủ tự do, đó là thuận lòng dân, hợp lòng trời !

Qua vụ Tiên lãng nhiều giới đã nhận thức sâu sắc rằng, nếu không có sự can trường của gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn, nếu không có sự lên tiếng đồng loạt và thẳng thắn của nhiều trí thức, chuyên viên, văn sĩ, nhà báo và nếu không có sự hưởng ứng của nhiều đảng viên tiến bộ và cả lão thành cách mạng thì vụ thảm hoạ Tiên lãng cũng đã bị im lìm, quên lãng!

Chính sự hiệp đồng cùng đấu tranh mạnh mẽ và kiên trì của nhiều giới đã tạo được dư luận đồng thuận ủng hộ tích cực chống các hành động cướp ngày của bọn quan độc tài, tham nhũng và mới khiến cho những người cầm đầu lo sợ và phải lên tiếng.

Nhưng đây mới chỉ là thắng lợi bước đầu. Vì bọn quan tham độc tài sẽ không vội vàng thực hiện nghiêm túc những gì họ hứa, họ có thể trở cờ quay lại đàn áp. Hiện nay còn có cả hàng nghìn vụ Tiên lãng trên các thành phố, tỉnh huyện ở VN. Trong đó không chỉ nông dân, mà còn có cả công nhân, thương gia, tôn giáo, trí thức và văn nghệ sĩ đã và đang là nạn nhân, bị đàn áp thô bạo, bị bóc lột và bị bịt miệng, kể cả các đảng viên tiến bộ cũng đang bị nghi ngờ và ngược đãi.

Lúc này chính là lúc các quan độc tài và tham nhũng rất sợ sự đấu tranh kiên cường và ý thức hợp đồng của các thành phần dân tộc. Mọi giới không thể chờ đợi “tự kiểm điểm” của bọn quan cướp ngày, hay sự biết điều của bọn quan tham độc tài; không thể tin vào sự tự phê bình và phê bình lấy lệ của các quan cao cấp chỉ lo ích kỷ và lợi ích nhóm!

Lòng quả cảm, không biết sợ, đồng lòng cùng đứng lên đấu tranh vì mục tiêu trong sáng đang tạo nên sức mạnh vô địch sẽ đẩy lui bọn quan độc tài, tham nhũng, chấm dứt những vụ quan cướp ngày đã gây ra thảm hoạ như ở Tiên lãng, Hải phòng!

No comments:

Post a Comment