Việt Hà, phóng viên RFA
2012-02-01
Vụ cưỡng chế đất tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng hôm mùng 5 tháng 1 vừa qua đã khiến nhiều người phải lên tiếng quan ngại về cách tiếp cận và giải quyết vấn đề của một số người được gọi là đại diện của đảng trước dân.
Phải chăng vụ việc này sẽ là một phép thử của lòng dân đối với vai trò lãnh đạo của đảng và chính phủ trong tình hình mới?
Đã gần một tháng trôi qua kể từ vụ cưỡng chế đất gây xôn xao dư luận vào ngày mùng 5 tháng 1 năm 2012 tại huyện Tiên Lãng Hải Phòng, khi người dân phẫn uất phải sử dụng đến súng và chất nổ để bảo vệ tài sản, đất đai của mình. Hậu quả của vụ cưỡng chế là 6 công an, bộ đội bị thương, 4 người bị bắt, một người bỏ trốn, một gia đình bị mất chốn nương thân, tài sản bị phá hủy, cướp bóc. Nhưng có lẽ điều đáng lo hơn là sự uất ức và căm phẫn của người dân đã lên đến tột cùng trước những gì mà họ cho là áp bức, bất công từ những người đại diện cho đảng và chính quyền.
Cái tên được nói đến nhiều nhất chính là chủ đầm Đoàn Văn Vươn, một nông dân, một kỹ sư nông nghiệp, người đã đổ biết bao mồ hôi, công sức và thậm chí cả máu để tạo dựng nên đầm thủy sản này từ năm 1993. Ông đã bị bắt giam chờ ngày ra tòa cùng với em trai là Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, và cháu Đoàn Văn Vệ với cáo buộc tội giết người.
Sau vụ việc, đã có nhiều người bày tỏ ý kiến ủng hộ chủ đầm Đoàn Văn Vươn, phản đối cách làm của chính quyền địa phương huyện Tiên Lãng. Chỉ vài ngày sau vụ việc, nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh đã lên tiếng với báo giới cho rằng vụ việc người dân dùng mìn, vũ khí tự chế để chống người thi hành công vụ là bất thường. Ông đặt câu hỏi phải chăng chính quyền địa phương đã có những sai sót? Cựu thứ trưởng bộ tài nguyên môi trường Đặng Hùng Võ cũng lên tiếng khẳng định lãnh đạo huyện tiên Lãng đã làm sai pháp luật khi cưỡng chế đất và phá nhà của gia đình anh Đoàn Văn Vươn.
Vào ngày 17 tháng 1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hải phòng phải làm rõ sự việc và sớm báo cáo thủ tướng chính phủ.
Đảng viên lạm quyền
Luật sư Lê Đức Tiết, Phó chủ nhiệm hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật của ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam, sau chuyến thanh tra ở Tiên Lãng vào ngày 28 và 29 tháng 1 vừa qua, đã viết rằng ‘sống có pháp luật và hành động theo pháp luật là nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền. Trong vụ việc này các cơ quan hành pháp và tư pháp ở địa phương đã không tuân theo nguyên tắc này nên đã có những quyết định hành chính, bản án không có cơ sở pháp lý làm căn cứ’.
Từ nhiều ngày nay, đã xuất hiện những lời đồn trên các trang mạng về những kỷ luật dành cho các quan chức ở huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, thể hiện mong muốn của người dân về một xử lý kiên quyết từ đảng và chính phủ. Mặc dù vậy, cho đến lúc này, người ta vẫn chưa thấy có bất cứ quyết định chính thức nào xử phạt những người có liên quan. Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, lên tiếng phê phán cách giải quyết vấn đề của các cấp chính quyền:
"Tôi cho rằng hướng đi của chính quyền như vậy là chậm. Đứng trước sự việc người dân phẫn uất như vậy thì lẽ ra phải ngưng chức một số người có trách nhiệm, trong đó có chủ tịch huyện Tiên Lãng và phê phán những phát biểu bất nhất của các vị lãnh đạo nhất là phó chủ tịch thành phố Hải Phòng trong các cuộc họp báo, vì đó là bôi xấu chế độ. Chính quyền cần phải cương quyết phê phán, tạm đình chỉ để biểu thị thái độ nghiêm khắc và quyết liệt."
... toàn bộ những người phạm sai lầm là đảng viên ĐCSVN hết, bản thân tôi cũng là đảng viên ĐCSVN, tôi cũng cảm thấy rất xấu hổ, nhục nhã trước việc làm của những đảng viên như vậy.
Ông Lê Hiếu Đằng
Điều đáng nói là những người làm sai trong vụ việc cưỡng chế đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng lại chính là những đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức tự phong là người đại diện hợp pháp cho hơn 80 triệu người dân Việt Nam. Ông Lê Hiếu Đằng liên tưởng vụ việc này với vụ việc mới được báo chí nói đến gần đây về hai quan chức, đảng viên ở tỉnh Sóc Trăng bị bắt vì chơi bạc hết 5 tỷ đồng. Ông nói ông cảm thấy xấu hổ bởi chính ông cũng là đảng viên:
"Cộng với cái việc cán bộ đánh bạc 5 tỷ ở Sóc Trăng thì nó đẩy lên cái đỉnh điểm là nội bộ đảng cộng sản Việt Nam phải xem xét lại, vì toàn bộ những người phạm sai lầm là đảng viên ĐCSVN hết, bản thân tôi cũng là đảng viên ĐCSVN, tôi cũng cảm thấy rất xấu hổ, nhục nhã trước việc làm của những đảng viên như vậy. Tôi thấy những cán bộ đảng viên như vậy phải khai trừ đảng và nghiêm trị theo pháp luật, và nếu mà sắp tới chính phủ và đảng có xử lý nhẹ tay, không thỏa đáng thì chúng tôi sẽ có tiếng nói, chúng tôi sẽ có những phản ứng quyết liệt về những thái độ không xứng đáng đó."
Dân mất lòng tin
Những bức xúc của đảng viên Lê Hiếu Đằng cũng xuất phát từ những lo ngại trước thực trạng cưỡng chế đất đai, oan ức tại Việt Nam. Nguyên đại biểu quốc hội Lê Văn Cuông trong một lần trả lời báo chí gần đây cũng đã nói rằng có đến 80% các vụ khiếu kiện tại Việt Nam liên quan đến đất đai. Nhiều người dân bị mất đất cả chục năm vẫn tiếp tục lê gót đến các cơ quan đảng, chính phủ ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn để khiếu kiện đòi công bằng và rất nhiều người trong số họ cho đến giờ vẫn chưa tìm được công lý cho mình. Hành động của gia đình anh Vươn được cho là sự cùng quẫn của người dân trước những bất công không được giải quyết theo như lời của ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á thuộc tổ chức theo dõi nhân quyền thế giới:"Hành động này cho thấy sự cùng quẫn mà gia đình này phải đối mặt vì họ không còn con đường nào khác. Nó cho thấy sự thoái hóa của chính quyền địa phương, nó cho thấy sự mất lòng tin vào việc thực thi luật pháp, nó cũng cho thấy ngày càng nhiều suy nghĩ là chân lý thuộc về kẻ mạnh tại Việt Nam, và nó vượt qua cái gọi là nhà nước pháp quyền mà chính quyền Hà Nội thích nói về mình."
Trả lời đài BBC sau sự việc, chị Phạm Thị Hiền, vợ anh Đoàn Văn Quý nói rằng từ hành động của gia đình chị, đảng và nhà nước Việt Nam sẽ loại bỏ được những u nhọt trong hàng ngũ của đảng.
Để làm trong sạch đảng, ngay trong bài phát biểu tại hội nghị trung ương 4 vào tháng 12 vừa qua, chính tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định sẽ kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trung ương đảng cũng nhấn mạnh đến việc duy trì sức mạnh và uy tín của Đảng. Ông kêu gọi mỗi đảng viên phải chính đốn bản thân, tránh xa mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài và tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tệ hại.
Hành động này cho thấy sự cùng quẫn mà gia đình này phải đối mặt vì họ không còn con đường nào khác. Nó cho thấy sự thoái hóa của chính quyền địa phương, nó cho thấy sự mất lòng tin vào việc thực thi luật pháp...
Ô. Phil Robertson
Ông Lê Hiếu Đằng nói rằng ông và những đảng viên khác tin vào những lời phát biểu của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và hy vọng lời nói sẽ đi đôi với việc làm thể hiện qua chính sự việc cụ thể ở Tiên Lãng bởi ông nói nếu đảng không làm được như vậy thì đó sẽ là một nguy cơ lớn cho đảng.
"Người ta muốn xem giữa lời nói và việc làm của các vị lãnh đạo đảng và nhà nước chúng ta có đi đôi với nhau không. Và nếu không đi đôi thì người dân vốn niềm tin sút giảm giờ còn sút giảm hơn nữa, đó là nguy cơ những diễn biến chính trị rất phức tạp mà tự bản thân chẳng có kẻ thù nào, chẳng có kẻ xấu nào, chẳng có diễn biến hòa bình nào, mà chính là bản thân đảng và nhà nước tự gây khó cho mình, tự làm cho mình suy yếu thêm bằng những hành động sai trái của một số cán bộ đảng viên."
No comments:
Post a Comment