Hôm nọ, tác giả David Lunquist (*) viết một bài về sinh viên Trung Quốc (sẽ gọi ngắn là “Tàu” cho tiện) rất thú vị. Bài báo có tựa đề là Where China isn’ twinning (nơi mà Tàu không thắng được). Nơi đó là đại học. Đại học Tàu còn lâu mới sánh với đại học Mĩ, ông này nói thế. Bài này cũng là một nhắc nhở cho Việt Nam. Đại khái Tôi tóm lược vài ý chính của bài này như sau:
1. Học vẹt. Sự yếu kém của nền giáo dục Tàu thì ít nhiều đã được biết đến. Đó là nền giáo dục học vẹt. Những nỗ lực chạy theo những thước đo học thuật (như công bố quốc tế) và nhồi nhét (học đến 25 giờ mỗi tuần) dẫn đến tình trạng quá tải.
2. Thư viện nghèo nàn. Thư viện là “thánh đường” của học thuật, là một loại cơ sở vật chất không thể nào thiếu được trong bất cứ đại học nào. Thế nhưng thư viện của đại học Tàu thì quá nghèo nàn, phần lớn là những loại sách mà đại học Mĩ đã vứt bỏ từ lâu. Ngược lại, các đại học lớn của Mĩ có hẳn một thư mục sách văn học của Tàu mà ngay cả đại học Tàu cũng khó so sánh nổi.
3. Kí túc xá dành cho sinh viên của đại học Tàu thì còn tệ hơn. Năm, sáu sinh viên phải sống chung một phòng, với chỉ một phòng tắm nằm ở cuối dãy nhà!
4. Sinh hoạt ngoại vi. Những sinh hoạt ngoài học hành trong các khuôn viên đại học Tàu thì thật là nghèo nàn. Về lĩnh vực này, có lẽ các đại học Mĩ đứng đầu thế giới. Ở Tàu, khái niệm “học” được hiểu một cách rất hẹp, và khái niệm học được xem là ưu tiên hơn khái niệm trưởng thành về nhân cách. Do đó, sinh viên Tàu không hiểu mình bằng sinh viên Mĩ.
Sinh hoạt giải trí của sinh viên đại học Tàu lại càng thiếu thốn. Đại học thiếu những phương tiện cho họp hội, nên có khi sinh viên phải trưng dụng nhà bếp, nhà ăn làm mơi họp, và họ bàn chuyện trong mùi cơm chiên và xì dầu!
5. Chính trị hoá. Nhưng có một sinh hoạt ngoài học thuật mà tất cả sinh viên khó tránh tham gia. Đó là Đoàn Thanh niên Cộng sản. Ở Tàu, sự cởi mở giáo dục bị đóng chặt khi Đảng Cộng sản Tàu ra đời. Và, bộ máy của Đảng ăn sâu vào từng bộ môn, từng phân khoa. Bộ máy của Đảng có quyền quyết định tất cả, và có quyền giết chết bất cứ nỗ lực dân chủ nào. Cũng có vài hội đoàn ngoài Đảng, nhưng thành viên cũng là những người của Đoàn đang phấn đấu trở thành đảng viên, còn người ngoài Đảng hay ngoài Đoàn thì bị cô lập và vô hiệu hoá.
6. Ra ngoài đã khó, về càng khó hơn. Trong bối cảnh chính trị hóa đó, nhiều sinh viên Tàu ra nước ngoài học không về nước. Theo ước tính của một giáo sư thuộc Đại học Thanh Hoa (mới kỉ niệm 100 năm thành lập), có khoảng 40-60% sinh viên của đại học này ra ngoài học và ở lại nước ngoài.
7. Ngờ vực. Nhận thức được vấn nạn chảy máu chất xám, Nhà nước Tàu có nỗ lực mời gọi các nhà khoa học Tàu đã thành danh ở nước ngoài về nước nghiên cứu và giảng dạy. Họ lập ra những quĩ nghiên cứu dành cho các nhà khoa học gốc Tàu ở nước ngoài. Thế nhưng theo như một giáo sư am hiểu tình hình, muốn có tiền từ quĩ này không dễ chút nào, vì ở Tàu, tài trợ cho khoa học tuỳ vào những mối liên hệ cá nhân và “chung chi”.
Dù kinh tế Tàu phát triển, nhưng đối với thế hệ mới Tàu thì con đường tương lai không được trải bằng vàng. Và, con đường tương lai đối với thế hệ mới ở Tàu cũng chẳng có gì xán lạn.
Đọc qua những nhận xét này, tôi phải nói có nhiều điểm rất giống VN. Chẳng hạn như về thư viện, thì quả thật thư viện của các đại học VN còn quá nghèo nàn. Sách vở cũ kĩ, không có hay thiếu tập san khoa học cập nhật hoá, thư viện thì mở theo giờ hành chính, v.v. Còn mấy chuyện chính trị hoá thì không biết VN có như Tàu hay không thì tôi không biết, nhưng hôm nọ một anh bạn kể chuyện khi anh ấy ghé thăm một viện khoa học ở Bắc Kinh, rằng người ta phân biệt các nhà khoa học là đảng viên (trước cửa phòng có cờ búa liềm) và nhà khoa học “ngoại đạo” (không có gì để nhận dạng). Nghe qua ai cũng thấy ngạc nhiên! Cũng may là VN chưa có phân biệt kiểu đó.
Blog Nguyễn Văn Tuấn
—————————————–
(*) David Lunquist là giảng viên về triết học phương Tây tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh.
No comments:
Post a Comment