Áp phích phim "Hoàng Sa, nỗi đau mất mát" cho buổi chiếu phim tại Toulouse.
DR
Bộ phim tài liệu về ngư dân miền Trung Việt Nam mang tên « Hoàng Sa, nỗi đau mất mát » của ông André Menras tức Hồ Cương Quyết, người Pháp đồng thời cũng mang quốc tịch Việt Nam, trước đây khi trình chiếu tại Saigon đã từng bị chính quyền địa phương ngăn trở.
Ông đã mang bộ phim sang Pháp và chiếu tại một số nơi. Nhưng vừa rồi tại Montpellier, ông André Menras cũng gặp một số trở ngại vì Montpellier vốn kết nghĩa với Thành Đô, Trung Quốc, nên chính quyền địa phương ngại đụng chạm. Đã có ba tờ báo địa phương lên tiếng về sự kiện này.
RFI Việt ngữ đã liên lạc với ông André Menras để trao đổi thêm về vấn đề trên.RFI : Kính chào ông André Menras. Ông đã gặp khó khăn khi giới thiệu bộ phim tại Montpellier ?
Nhưng hôm thứ Sáu vừa rồi, tức là 10 ngày sau, vào lúc chỉ còn vài ngày nữa là trình chiếu bộ phim, thì tôi được biết là phòng này không được phép sử dụng nữa. Sau đó họ chỉ định cho chúng tôi một phòng họp khác trong khu vực, do một hiệp hội quản lý.
Tôi đã phản ứng lại, vì cách xử sự chính quyền qua việc thay đổi địa điểm này là không thể chấp nhận được. Sự kiện này diễn ra vào lúc thành phố Montpellier tổ chức một diễn đàn lớn về rượu vang, và Trung Quốc là khách hàng quan trọng.
Lý do được chính quyền Montpellier đưa ra là – trước hết, Đó là bộ phim có quan điểm văn hóa, tạo ra tranh cãi, có thể ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa thành phố Montpellier và Trung Quốc, đặc biệt là với Thành Đô, thành phố kết nghĩa với Montpellier. Trong thông báo họ còn nói bộ phim là một sự khiêu khích.
Có nghĩa là những người có quyền quyết định ở Montpellier khi ngăn trở bộ phim đã hành xử theo mục đích chính trị. Không phải là ngẫu nhiên, mà đã có suy nghĩ tính toán, và đây là một sự phân biệt đối xử.
Trước hết là với gia đình các ngư dân, và đối với những người đánh cá hàng ngày phải chịu đựng áp lực của phía Trung Quốc tại Biển Đông.
Chính quyền Montpellier đã ngăn trở tiếng nói của ngư dân Việt, trong khi bộ phim là để nói lên tiếng nói của họ. Hơn nữa, đây còn là một sự xâm phạm đến quyền tự do thông tin của các công dân Pháp.
Điều này không thể chấp nhận được, nhất là trong một đất nước hiện đang có chiến dịch tranh cử tổng thống, đang nói nhiều đến tự do, dân chủ và quyền thông tin.
Vì lẽ đó đương nhiên là chúng tôi phản đối biện pháp này. Chúng tôi sẽ thuê tại Montpellier một phòng chiếu phim tư nhân để cho các ngư dân Quảng Ngãi có thể nói lên tiếng nói của mình.
RFI : Tòa Thị chính Montpellier đã có trả lời cho ông bằng văn bản hay không? Có gì khác nhau giữa hai địa điểm chiếu phim này, thưa ông ?
André Menras : Tòa Thị chính đã gởi một thông báo vì phải trả lời cho ba bài báo của các tờ Marsellaise, L’Hérault du Jour, tờ Midi Libre. Ngày mai sẽ có một tờ báo khác - tôi nghĩ là của Montpellier, nhưng lần này là báo mạng.
Họ đã trả lời với những lý lẽ mà tôi đã nói với quý vị ở trên. Có nghĩa là : « Chúng tôi muốn trung dung, đây là một sự khác biệt về văn hóa, và chúng tôi không muốn có sự khiêu khích ».
Chính quyền Montpellier chưa bao giờ đối thoại trực tiếp với tôi, họ nói với người bạn Việt Nam đứng ra tổ chức buổi chiếu phim. Đó là một người sinh sống tại Montpellier, thường làm việc với tòa Thị chính và cho đến nay chưa bao giờ gặp vấn đề gì trong việc xin sử dụng các phòng họp. Mỗi lần yêu cầu ông đều nhận được sự đồng ý. Ông nói với tôi, đây là lần đầu tiên gặp phải trắc trở như thế.
Phòng họp thứ hai được đề nghị là một phòng họp trong khu phố nằm cách xa hơn so với phòng kia, và người đến dự khó tập trung lại được.
RFI : Như vậy có lẽ đây là một sự kiện bất ngờ đối với ông, vì các ngư dân Việt Nam phải im tiếng hai lần, ở Việt Nam và lần này thì ở Pháp…
André Menras : Tôi thì tôi đã biết từ lâu, đồng tiền thực sự là quyền lực, và thường che khuất đi dân chủ. Ở Việt Nam thì lại là một vấn đề khác. Có thể là một số nhà lãnh đạo hay những giới nào đó ở Việt Nam cần phải làm ăn với Trung Quốc. Vì là nước láng giềng lớn ở ngay bên cạnh, nên một số người lo sợ hậu quả khi đưa những thông tin thực sự về ngư dân miền Trung Việt Nam. Họ sợ các phản ứng chính trị, nhất là sau đợt biểu tình diễn ra do vụ cắt cáp tàu Bình Minh 2 và Viking 2 cách đây không lâu. Cho dù không thể nào chấp nhận được, nhưng tôi cũng hiểu hơn một chút về phản ứng của phía Việt Nam.
Nhưng tại Pháp, thì việc những người là đại biểu dân cử của Pháp lại quỵ lụy trước đồng nhân dân tệ Trung Quốc, là không thể chấp nhận được. Nước Pháp là một quốc gia độc lập, chúng ta có những bộ luật về quyền tự do thông tin, quyền công dân… Các đại biểu của công dân Pháp ngay trong thời điểm vận động tranh cử tổng thống mà lại tự cho phép hành động như thế ! Trong khi Pháp là một đất nước hào hiệp, thường sát cánh với những kẻ yếu bị bức hiếp, và là một đất nước pháp trị.
Vấn đề ở đây là quyền của các ngư dân Việt Nam và gia đình họ, được tự kiếm sống tại vùng lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam. Chính cái quyền mưu sinh này đã bị nhạo báng. Nhạo báng bởi các đại biểu dân cử Pháp. Điều đó thật khó thể chấp nhận được.
Tại Montpellier ngay từ hôm đầu tiên, đã có phản ứng của tờ L’Hérault du Jour, La Marseillaise, và hôm sau tờ báo đó đã cho đăng bài báo của tôi. Đồng thời một tờ báo khác là tờ Midi Libre đã viết một bài dài. Những bài báo này tôi có gởi về Việt Nam và được dịch ra ngay, đăng toàn văn trên trang Bauxite Việt Nam.
Tôi nghĩ là vụ này sẽ còn gây tiếng vang. Tôi đã trả lời đài phát thanh địa phương, và cũng đã đề cập đến sự việc trên.
André Menras : Tôi sẽ đến Paris. Hiệp hội của chúng tôi đã được các đại diện nghiệp đoàn, các tổ chức nhân đạo cùng với tòa Thị chính mời trình bày ở Bobigny, tại Làng Tương trợ Quốc tế. Chúng tôi sẽ trình chiếu bộ phim tại gian hàng của mình trong vòng một, hai ngày. Tại Paris tôi đã từng giới thiệu bộ phim ngày 19/1, và tại Lyon ngày 5/2. Sau đó tôi đi Berlin, phim sẽ được chiếu ngày 24/3. Trước đó thì chiếu ở Toulouse ngày 2/3, tại Bézier ngày 13/3, tại Bobigny ngày 21 và 22/3, Berlin ngày 4/3, Cologne ngày 25/3, Praha ngày 27 hay 28/3, và tại Varsovie ngày 29 và 30/3.
Bắt đầu là như thế, tôi nghĩ rằng sẽ không dừng lại ở đây.
RFI : Có nhiều người đến tham dự các buổi chiếu phim không thưa ông ?
André Menras : Theo tôi thì không nhiều, nhưng vấn đề là chúng tôi phải tự làm hết mọi thứ, không có sự trợ giúp nào cả. Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp không hề làm gì để hỗ trợ chúng tôi. Hoàn toàn không ! Ngược lại, tôi còn nghe nói là họ gây áp lực trong cộng đồng người Việt để họ không đến tham gia hội thảo. Chúng tôi đang trong một cuộc chiến đấu mà tôi cảm thấy là hơi có phần cô đơn.
Nhưng những người đến tham gia là những người tốt bụng. Chúng tôi đã bắt đầu lập ra một quỹ liên đới với các ngư dân, nhờ đó có thể giúp đỡ họ về mặt vật chất. Giúp những người vợ góa, những trẻ em mồ côi để họ mua thuốc men, để có thể đến trường, trả được một phần nợ nần vì không mưu sinh được, do những kẻ gây hấn Trung Quốc tạo ra. Tôi nghĩ đây chỉ mới là khởi đầu, chúng tôi sẽ triển khai tiếp các hoạt động loại này. Càng bị cấm đoán thì chúng tôi càng thêm quyết tâm tiếp tục, họ chỉ quảng cáo cho công việc của chúng tôi thôi.
RFI : Những người đến xem phim là người Pháp hay người Việt ?
André Menras : Đại đa số là người Pháp. Tôi có nói rằng dường như đối với những người Việt thân cận với đại sứ quán, có một chỉ thị nào đó khiến họ tránh né tham gia, tôi tin là như vậy. Cũng có một số người Việt đến dự hội thảo nhưng không nhiều, để nhắc lại quá khứ và đả kích chế độ, mà điều đó tôi cũng không chấp nhận được. Mỗi người đều có quan niệm riêng, tôi tôn trọng, nhưng bộ phim nhằm giúp ngư dân Việt nói lên tiếng nói trong thời điểm này, chứ không phải bốn mươi năm về trước.
RFI : Ông có vẻ đơn độc trong cuộc chiến này ?
André Menras : Không, tôi không hề cảm thấy đơn độc, vì tôi biết có hàng trăm người bạn tại Việt Nam biết rõ những gì xảy ra. Họ cũng không muốn im lặng không muốn khoanh tay ngồi nhìn, trong đó có cả các nhà báo.
Tôi cũng nhận thấy có nhiều người bạn Pháp bắt đầu biết đến sự việc. Họ khám phá một vấn đề chưa bao giờ nói đến, một vấn đề phức tạp. Cuộc chiến tranh này tại Biển Đông là một cuộc chiến trong im lặng. Một cuộc chiến bị kiểm duyệt, bị cấm nói đến. Vì vậy họ mới bắt đầu phát hiện vấn đề, và đây chỉ mới là khởi đầu. Nhưng tôi không đơn độc, không hề !
Tôi cảm nhận được phản ứng của người xem, họ tức tối, muốn giúp đỡ, sẵn sàng tham gia vào một hoạt động tương trợ. Điều đó rất tốt, và tôi chưa bao giờ cảm thấy cô đơn cả.
RFI : Xin phép được hỏi thêm, ông lấy tiền đâu ra để tài trợ cho những chuyến đi này ?
André Menras : Để đi đây đó giới thiệu bộ phim, tôi đã nói với những người bạn đã mời tôi là tôi không có phương tiện. Tôi chỉ là một giáo viên hưu trí, tôi không thể trả tiền vé xe tàu cũng như khách sạn. Những nơi tôi đến là do được mời, trả tiền tàu xe, được các gia đình cho tạm trú và mời ăn uống. Tôi không trọ tại khách sạn vì đắt đỏ.
Việc này làm tôi nhớ lại hồi mới ra tù vào năm 1973, tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới để nói về các nhà tù mà tôi đã trải qua. Tôi đã được mời đi nhiều nơi với cùng các điều kiện như vậy. Nhờ làm « đại sứ lưu động » cho ngư dân Việt Nam qua bộ phim này mà tôi cảm thấy như trẻ lại. Ở tuổi 60 tuổi, tôi như quay lại thời 20 tuổi.
RFI : Ông có các bạn bè trong giới báo chí giúp đỡ không?
André Menras : Báo chí ? Vâng, nhưng dư luận là chủ yếu. Các nhà báo góp phần vào việc nuôi dưỡng dư luận, nhưng nếu chỉ có 50 người đến xem phim thôi và cảm thấy thuyết phục, thì dần dần sẽ có nhiều người xung quanh họ quan tâm đến. Ta bắt đầu bằng số ít, và ta sẽ kết thúc với số đông.
Chính bộ phim tự nó nói lên tất cả, không cần phải giải thích gì nhiều. Đó là lời kể của các ngư dân, của những người vợ góa. Những trạng huống trong phim ngồn ngộn tư liệu, đó thật sự là một bộ phim tài liệu đích thực. Tôi không làm điện ảnh, một bộ phim tài liệu như vậy dễ thuyết phục hơn. Những người đã xem phim này rồi đều cảm thấy xúc động. Họ xúc động vì tình cảnh của ngư dân thật là kinh khủng.
RFI : Xin chân thành cảm ơn ông André Menras tức Hồ Cương Quyết, đã vui lòng nhận trả lời RFI Việt ngữ.
No comments:
Post a Comment