Trở Về Trang chính

Wednesday, February 1, 2012

Ấn Độ đặt mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp trong thế mạnh

Tác Giả: Trọng Nghĩa

Chẳng khác gì hiện tượng ngựa về ngược

Chiến đấu cơ Rafale, máy bay tiêm kích của Pháp (©Reuters)

Chẳng khác gì hiện tượng ngựa về ngược. Sau khi suýt bị loại khỏi vòng đấu thầu cung cấp chiến đấu cơ thế hệ mới cho Ấn Độ, tập đoàn Dassault của Pháp vào hôm qua 31/01/2012 đã được New Delhi chọn trên nguyên tắc làm nhà cung cấp máy bay tiêm kích đa năng hiện đại cho không quân Ấn Độ.

Hai bên còn phải thương thảo chi tiết hợp đồng, nhưng một khi đúc kết xong, Pháp sẽ cung ứng cho Ấn Độ 126 chiến đấu cơ loại Rafale với trị giá hàng tỷ đô la.

Theo dự trù, Dassault sẽ giao cho Ấn Độ 18 máy bay hoàn chỉnh đầu tiên – chế tạo tại Pháp – kể từ giữa năm 2015 trở đi.

108 chiếc còn lại sẽ được sản xuất ngay tại Ấn Độ, trong thời hạn sáu năm, sau khi phía Dassault chuyển giao công nghệ cho tập đoàn hàng không không gian Ấn Độ Hindustan Aeronautics.

Đối với Pháp, quyết định của Ấn Độ là một điều mà họ tưởng như không còn chút hy vọng, nhất là khi vào lúc New Delhi gọi thầu cách nay 5 năm, tập đoàn Dassault đã từng bị tuyên bố loại khỏi cuộc đua tranh cùng với năm hãng quốc tế khác, trước khi được vớt lại.

Sau lần sơ tuyển đầu tiên, hai kiểu F/A-18 ‘Super Hornet’ và F-16 ‘Super Viper' của Mỹ, cùng với Mig 35 của Nga và Gripen của Thụy Điển đã bị loại, còn lại Rafale của Pháp đua tranh với chiếc Typhoon của tập đoàn châu Âu Eurofighter, được Anh, Ý, Đức và Tây Ban Nha ủng hộ. Rốt cuộc thì Rafale được chọn.

Theo các nguồn tin xin ẩn danh từ bộ Quốc phòng Ấn Độ, chiến đấu cơ Pháp được chọn trên cơ sở giá đề nghị thấp nhất, dựa theo tính toán đầy đủ chi phí cho mỗi chiếc phi cơ, với thời gian hoạt động ước lượng là 40 năm, với 6.000 giờ bay, cũng như chi phí của tiến trình chuyển giao công nghệ.

Phải nói là đối với nước Pháp và tập đoàn Dasault, đơn đặt hàng của Ấn Độ đến thật đúng lúc vì lẽ cho đến giờ này, Paris chưa bán được Rafale cho bất cứ nước nào khác, và khách hàng duy nhất của loại chiến đấu cơ hiện đại này không ai khác hơn là không quân Pháp. Hợp đồng của Ấn Độ do đó có thể mở đường cho nước khác, đặc biệt là Brazil vốn đang chần chờ.

Có lẽ Ấn Độ cũng nắm bắt được mong muốn của Pháp và tập đoàn Dassault cho nên giới phân tích dự trù là vòng thương thuyết về hợp đồng sẽ rất gay go, với việc New Delhi dùng thế mạnh để buộc Paris chấp nhận nhiều điều kiện.

Chuyên gia Endre Lunde thuộc công ty tư vấn về hàng không không gian, quốc phòng và an ninh IHS Jane’s cho rằng sự lựa chọn của Ấn Độ là một thành công lớn của Pháp. Tuy nhiên vấn đề sắp tới đây là các điều kiện về hợp tác công nghiệp liên quan đến thương vụ này ra sao.

Theo chuyên gia này : "Ấn Độ rất khe khắt trong việc đòi tỷ lệ tham gia cao cho ngành công nghiệp của họ, và lợi ích kinh tế đối với Pháp về lâu về dài có thể rất hạn chế". Hợp đồng này có một điều khoản gọi là bù đắp 50%, nghĩa là Dassault phải dùng tới 50% trị giá hợp đồng để mua sản phẩm của ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ.

Còn theo ông Kapil Kak, chủ nhiệm một nhóm nghiên cứu về hàng không quân sự, Ấn Độ chắc chắn cũng khai thác các thế yếu của Pháp trong vòng thương thảo sắp tới đây để thu lợi tối đa :

"Người Pháp dư biết là trị giá hợp đồng này có thể lên đến khoảng 20 tỷ đô la, và như vậy họ sẽ tránh không cho thương thuyết đổ vỡ vì hợp đồng sẽ cứu Dassault, tạo công ăn việc làm cho người dân và kích thích nền kinh tế".

Đối với chuyên gia - nguyên là tướng không quân hồi hưu - trong tình hình ngày nay, Dassault sẽ dễ dàng chấp nhận các đòi hỏi của Ấn Độ hơn là cách đây 5 năm vì lẽ các nền kinh tế châu Âu đang bị rơi vào suy thoái.

Dẫu sao thì đây không phải là là hợp đồng vũ khí duy nhất mà Pháp giành được tại Ấn Độ trong thời gian gần đây. Pháp hiện đang có ba đề án với Ấn Độ : cung cấp 6 tàu ngầm loại Scorpene, nâng cấp 51 chiến đấu cơ Mirage 2000, và cung ứng 490 tên lửa loại Mica.

No comments:

Post a Comment