Nếu như có một bông hồng dành cho người ngã ngựa, thì giọt nước mắt của tôi là để dành cho những ai đang phải bỏ lại sau lưng những yêu thương của gia đình, của bạn bè và quê hương, chôn vùi lý tưởng sống để đi vào miền hỏa ngục trần gian, cái tên nghe chả ai hiểu vì sao nó chỉ hiện diện trên vùng đất của loài cây chó đẻ trong “Nắng Chiều” của cụ Phan Khôi.
Việt Khang, cái tên đã được rất nhiều người biết đến trong hai tác phẩm Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai.
Việt là tên lót bí danh hoạt động, Khang là tên người con trai đầu lòng, vì đã chuẩn bị những gì xấu nhất đến với mình, nên Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai như một gia tài để lại cho người con trai, với mong ước sau này đứa con sẽ tiếp nối nguyện vọng mà anh chưa thể đạt được, anh nguyện làm viên sỏi lót đường cho những bông hoa lài nở rộ,
Vì thế cái tên Việt Khang đã đi vào lòng người, như lời kêu gọi của một “Hội Nghị Diên Hồng”,nhưng không phải là “Nên hòa hay nên chiến” mà anh đã khẳng định “Người người cùng nhau đứng lên đáp lời sông núi” tôi đã nghe được những trăn trở, những uất nghẹn trong lời ca và tiếng hát của anh. Lời ca anh là máu, tiếng hát anh là nỗi đau của xiềng xích đang nghiền nát trên thân thể gầy guộc Mẹ Việt Nam.
Thật ngượng miệng khi phải nói với ai đó rằng: Việt Khang bị bắt vì tội “Yêu nước”, họ sẽ bảo tôi điên, làm gì có cái tội “ Yêu nước” trong pháp luật của thế giới loài người?
Thật xót xa và mỉa mai cho Đất Nước tôi, đã bị loài cây chó đẻ lan tràn làm tan nát những mầm xanh tươi của Dân Tộc.
Đây không phải là lần thứ nhất Việt Khang vào nhà tù, ngày 19-06-11 anh đã bị trên bốn mươi tên công an Việt gian cộng sản vây bắt giam, sau một tuần đã thả ra chẳng phải bởi lòng nhân đạo, mục đích của chúng là muốn qua anh đế bắt hết những người cùng mang tội “Yêu nước” như anh, đó là giai đoạn mà anh phải sống trong sự khủng bố đày đọa về tinh thần bởi trò chơi thú tính của loài tam vô.
Việt Khang đã xếp bút, chuẩn bị cho mình một cuộc hành trình với “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”, nhưng đó không phải là một chấm dứt mà là sự khởi đầu cho một tinh thần tuổi trẻ bất diệt.
Vào chiều ngày 23-12-11 lúc 19h00 tại Mỹ Tho thuộc tỉnh Tiền Giang, một lần nữa Việt gian cộng sản đã vây bắt đem anh trở lại nhà tù nhỏ.
Giáng Sinh là mùa an bình, mùa xum họp để chia sẻ những yêu thương và tha thứ.
Bọn vô thần đã bắt anh đúng trong mùa yêu thương, như một sự trừng phạt cài thêm những gai nhọn trong trái tim đang oằn oại trước nỗi đau chia lìa người thân yêu của mình. Tôi thương anh như từng thương những người con Đất Việt đã nằm xuống cho sự tồn vong của Dân Tộc này, có như thế mới thấy được dã tâm của loài vô thần.
Trong một dịp tình cờ qua người bạn, tôi biết đến Việt Nam Tôi Đâu với cái tên nghệ danh Việt Khang, lúc ấy Anh Là Ai còn đang trong thời kỳ thai nghén, dù trước đó tôi đã được nghe qua nhạc phẩm “Bà Má Miền Tây” của Minh Trí, nhưng với cái tên nghệ danh Việt Khang, trong tôi không hề có chút khái niệm nào về một Bà Má Miền Tây cùng Việt Nam Tôi Đâu có một sự liên hệ ruột thịt đến thế.
Là một trong những người mong ngày ra đời của “Anh Là Ai”, nên tôi đã nhìn thấy đứa bé chuyển mình trong giai đoạn binh biến xuống đường của những người con yêu nước. “Anh Là Ai” chào đời trong giai đoạn “già trẻ gái trai giơ cao tay, chống quân xâm lược, chống kẻ nhu nhược bán nước Việt Nam”, trong nỗi uất nghẹn trước những cú đạp, những bắt giam, những sỉ nhục bằng ngôn từ đồng chủng máu đỏ da vàng.
Vì thế, tôi đã đem Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai cùng xuống đường biểu tình tại thành phố Paris với mong muốn được chia sẻ cùng các bạn trẻ nơi quê nhà, chút yêu thương của những người con lưu vong, dù sống xa Tổ Quốc nhưng lòng chúng tôi vẫn luôn hướng về quê Mẹ để cùng đau chung nỗi đau Dân Tộc với các bạn, nguyện cầu Hồn Thiêng Sông Núi phù hộ cho các bạn luôn giữ vững niềm tin, xây dựng cho Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai ngày thêm lớn mạnh, tinh thần và sự hy sinh của Việt Khang không thể chết non một cách oan nghiệt.
Như lời của Nguyễn Thiện Thành một người bạn rất thân trong nhóm Tuổi Trẻ Yêu Nước đã nói về Việt Khang… “Anh Khang đã không còn ở với chúng ta, những người cộng sản bạo quyền kia có thể giam thân xác anh, nhưng không thể giam được tấm lòng anh, và chúng tôi, những thanh niên yêu nước, những tuổi trẻ yêu nước sẽ nhất quyết noi theo gương anh, và sẽ có những hành động, ngày hôm nay tôi xin khẳng định với tất cả quý vị, chúng tôi sẽ có những hành động trực tiếp ở trong nước, để cảnh cáo đảng cộng sản Việt Nam, khi mà dám đụng đến đám tuổi trẻ yêu nước của chúng tôi, chúng tôi là tuổi trẻ, chúng tôi dám nói, chúng tôi dám làm, và chúng tôi sẽ biến sự đau thương này thành sức mạnh. Và chúng em xin gửi đến anh Khang một cái tình yêu thương của những người em.”
Là một người nhạc sĩ, anh không thể sáng tác theo đơn đặt hàng, vì khi viết một bài nhạc anh phải thể hiện cái tâm hồn vào đó, trong giai đoạn đất nước đang bên bờ vực thẳm, làm sao anh có thể sáng tác những lời nhạc chỉ mang tính chất tình yêu trai gái, mặc dù cuộc sống anh rất khó khăn, vì anh còn phải cưu mang trách nhiệm của một người chồng, một người cha trong gia đình.
Tình yêu đất nước đã khiến anh ray rức, hãy nghe lời nói từ trái tim anh….
Tôi không thể ngồi yên
Khi nước Việt Nam đang ngã nghiêng
Dân tộc tôi sắp phải đắm chìm
Một nghìn năm hay triền miên tăm tối
Tôi không thể ngồi yên
Để ngày sau cháu con tôi làm người
Cội nguồn ở đâu
Khi thế giới này đã không còn Việt Nam.
Vì thế, anh đã từ chối nhuận bút của nhiều nơi, anh không muốn biến tình yêu quê hương nồng nàn thành sự mua bán, anh chấp nhận nghèo khổ để gìn giữ lý tưởng được trong sáng, góp tinh thần cho ngọn lửa đấu tranh ngày thêm lớn mạnh, tôi nhìn thấy đâu đây một tia hy vọng, được đốt sáng từ ngọn đuốc của Việt Khang, hãy thổi bùng lên ngọn lửa thiêng đốt cháy đi những loài cây chó đẻ, cho nước chảy về nguồn, cho cây xuôi về cội, để Mẹ Việt Nam không còn đau nỗi đau xót dạ, khi nhìn cảnh đời đói khổ lầm than.
Việt Khang đã nguyện dâng hiến đời mình cho non sông, và anh đã rời xa chúng ta để bước theo tiếng gọi hồn sông núi, anh đã trải lòng mình trong Giã Từ Vũ Khí như một lời từ biệt, làm sao ai biết được cuộc chia ly này có phải là đoạn cuối của cuộc từ ly? Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau của một người chiến sĩ phải buông tay súng khi chí cả chưa thành?
Thân phận anh có khác gì người lính Việt Nam Cộng Hòa năm xưa… “Trả súng đạn này khi sạch nợ sông núi rồi”…Có nghe không nỗi uất nghẹn của Việt Khang khi phải trả súng mà nợ núi sông vẫn đeo nặng trong trái tim còn đang rỉ máu.
Súng của anh là ngòi bút viết lên nỗi đau dân tộc, đang bị những kẻ dối gian dùng quyền uy banh da xẻ thịt Mẹ Việt Nam dâng bán cho tàu cộng, ngòi bút của anh là ngọn đuốc soi đường cho ngọn lửa Tự Do được thắp sáng trên ba miền, đạn của anh là tiếng hát thống thiết kêu gọi sự đứng lên của toàn dân, làm kẻ thù phải khiếp sợ,
và anh đã làm viên sỏi trong muôn ngàn viên sỏi lót đường cho đôi chân Tự Do bước đi không sờn lòng, hỡi các bạn trẻ yêu nước, hãy thắp sáng ngọn đuốc Việt Khang, non sông đang chờ những đứa con đi làm lịch sử, hãy cùng nhau viết lên một trang sử mới, với Hồn Người Việt Máu Đỏ Da Vàng, xin đừng để thiên đàng này mãi chỉ là những ước mơ. Tổ Quốc rồi đây sẽ ghi ơn các bạn, hãy vững niềm tin bước theo ngọn đuốc Việt Khang như lời các bạn đã khẳng định. Tôi yêu các bạn.
Hạt sương khuya
Paris 2012
http://www.tuoitreyeunuoc.com/hotnews
No comments:
Post a Comment