Lan Phương – VOA
Thoạt bước vào viện Bảo tàng khách sẽ thấy máy bay treo từ trần cao dòng xuống với những hình ảnh về thế chiến thứ hai, phi cơ trực thăng trong cuộc chiến Triều Tiên và nhiều hình ảnh các trận chiến khác mà thủy quân Lục Chiến Mỹ từng tham gia cho tới ngày nay. Cựu đại tá Thủy quân Lục Chiến Dick Camp, hiện là phó chủ tịch hoạt động của viện Bảo Tàng, giới thiệu:
“Viện Bảo Tàng Thủy quân Lục Chiến Quốc Gia được khánh thành ngày 10 tháng 11 năm 2006. Kể từ đó chúng tôi đã đón tiếp trên 2,6 triệu khách đến thăm, tính trung bình khoảng một nửa triệu khách mỗi năm. Viện Bảo tàng có chừng 17 ngàn mét vuông dùng làm nơi trưng bày, một rạp chiếu phim, một nhà hàng ăn và một tiệm bán quà lưu niệm. Theo tôi thì đây là một trong những bảo tàng viện hàng đầu trên thế giới.
Courtesy of Col. Dick Camp
Cựu Đại Tá Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ Dick Camp, Phó Chủ tịch của viện Bảo Tàng
Vào thượng tuần tháng Giêng năm nay, Viện Bảo tàng tổ chức một cuộc họp mặt quan khách và các cựu chiến binh Mỹ từng tham gia trận Khe Sanh thuộc quận Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, để ôn lại những ngày cũ và giải đáp những thắc mắc của quan khách. Cựu đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ Dick Camp trình bày sơ lược buổi họp mặt :
“Chúng tôi có chừng 5 hay 6 cựu chiến binh từng tham gia trận chiến hiện diện. Quan khách có thể nói chuyện với họ hỏi về sự tham gia của họ như thế nào trong trận chiến, về những kinh nghiệm của họ trong trận tổng tấn công tết mậu thân năm 1968. Sau đó chúng tôi dùng bữa tối và rồi quan khách lại có thể đàm luận với các cựu chiến binh. Rồi chúng tôi vào phòng trưng bày, thực sự đi qua vị trí 881 South, một vị trí trên đồi tại Khe Sanh, để cho quan khách thấy Khe Sanh rõ ràng từ trên cao. Thế rồi chúng tôi vào rạp chiếu xem cuốn phim. Sau đó chúng tôi lại thảo luận thẳng thắn với nhau, với những câu trả lời trực tiếp từ các cựu chiến binh về chuyện gì đã diễn ra trong cuộc vây hãm và những kinh nghiệm của họ ra sao. Chúng tôi đã có một buổi tối thật hoàn hảo kéo dài từ 5 giờ đến 9 giờ tối.”
Vào thời điểm trận Khe Sanh, ông Dick Camp là Đại úy đại đội trưởng thuộc Tiểu Đoàn 3, Trung đoàn 26 Thủy quân Lục Chiến. Ông đã có mặt tại Khe Sanh từ lúc căn cứ này bắt đầu bị quân số vô cùng đông đảo của địch quân bao vây suốt cho đến phút cuối, ngày 26 tháng Tư năm 1968. Ông cho biết cuốn phim gồm nhiều đoạn phim ngắn thực sự thu từ chiến trường với sự mô tả của Thủy quân Lục Chiến Mỹ về toàn cảnh trận chiến.
Lên tiếng về cuốn phim “Unsung Heroes: The Battle of Khe Sanh,” ông phát biểu:
“Tôi cho đây là một cuốn phim khá; nó không phải là một cuốn phim hay nhất về chiến trận mà tôi đã từng xem; nó có một số điểm không chính xác mà sau khi xem phim chúng tôi có bàn tới, và tôi đã từng trở lại Việt nam đến tận Khe Sanh, nên tôi có hiểu biết rất cập nhật và biết được những gì đang diễn tiến.”
Khi trở về thăm Khe Sanh, cựu đại tá Dick Camp mang những hoài niệm về một thời khói lửa cũ, nơi mà hàng trăm đồng đội của ông đã gục ngã vì hỏa lực của địch quân. Ông cho biết khi cùng với dăm ba đồng đội trở lại Việt Nam năm 1998, người Việt Nam miền bắc tuy không thân thiện lắm nhưng không còn thái độ thù nghịch nữa. Ông có đi thăm Hà Nội rồi vào Huế, Khe Sanh, Đà Nẵng rồi về phía nam.
Khi được hỏi về tinh thần của những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa cùng chiến đấu tại Khe Sanh ra sao, ông trả lời:
“Có một tiểu đoàn Biệt Động Quân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa đến Khe Sanh trong lúc căn cứ bị bao vây và họ trấn giữ phòng tuyến phía đông ở vòng ngoài, sau lưng chúng tôi, tạo thành một bong bóng. Rất tiếc là chúng tôi trấn đóng phòng tuyến phía tây nên chẳng gặp một ai.”
Trong số những người mà cựu đại tá Dick Camp cho là rất tiếc không được gặp tuy cũng hiện diện tại trận chiến này có cựu trung tá Biệt Động Quân Hoàng Phổ của lực lượng Việt Nam Cộng Hòa. Ông hiện cư ngụ tại thành phố Athens, bang Texas.
Trong lúc căn cứ Khe Sanh bắt đầu bị vây hãm, ông Hoàng Phổ là đại úy Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân, đóng tại Đà Nẵng và tiểu đoàn được trực thăng vận tới tăng cường cho Khe Sanh vào khoảng cuối năm 1967, đầu năm 1968. Ông thuật lại rằng 2 tuần lễ sau khi tiểu đoàn ông tới nơi, địch quân phuơng bắc nã pháo liên hồi. Máy bay tiếp tế đành phải đáp thẳng xuống hất tiếp liệu ra ngoài rồi lại bay lên chứ không thể ngưng. Càng ngày địch quân càng pháo dữ dội và nhiều máy bay bị rơi đến nỗi về sau máy bay chỉ thả dù tiếp vận từ trên cao. Về tinh thần các binh sỹ trong tiểu đoàn, cựu Trung tá Hoàng Phổ cho biết:
Courtesy of Lt. Col. Hoang Pho
Cựu Trung Tá Biệt Động Quân Hoàng Phổ
“Ngày đêm cộng sản pháo kích khiến tinh thần chúng tôi rất căng thẳng. Một ngày họ pháo gần 1 ngàn quả. Có một ngày họ pháo gần 1500 quả đủ loại. Ngày hôm đó kho đạn của trung đoàn 26 thủy quân lục chiến Mỹ bị nổ, phải mất khoảng 12 tiếng mới dập tắt được đám cháy kho đạn. Khoảng tháng hai, tháng ba trở đi, quân cộng sản Bắc Việt tấn công vào các vị trí phòng thủ của tiểu đoàn 37 Biệt động quân, tinh thần của chúng tôi rất căng thẳng, nhưng chúng tôi, sỹ quan, hạ sỹ quan và binh sỹ rất gan dạ và can đảm vì danh dự và sự sống còn mà chúng tôi phải chiến đấu để cố thủ những vị trí của chúng tôi.”
Đại tá Dick Camp cho biết quân cộng sản Bắc Việt cũng chiến đấu rất dai dẳng. Bất chấp hỏa lực phòng vệ và yểm trợ của không lực Hoa Kỳ, họ cứ tiếp tục pháo kích, đào hào tiến gần hơn đến căn cứ. Ông không rõ là có bao nhiêu bắc quân đổ vào cuộc vây hãm đó nhưng theo ước tính con số có thể từ 20 đến 30 ngàn người.
Cuối cùng, Hoa Kỳ quyết định không giữ căn cứ này nữa, vì vị trí này dễ bị hỏa lực của địch tấn công; họ tiêu hủy những gì không mang theo được và triệt thoái binh sỹ.
Theo historynet.com, một phân tích trước đây được bảo mật do bộ chỉ huy quân đội Mỹ tại Việt Nam MACV soạn thảo cho tướng Westmoreland, tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam lúc đó, cho biết quân cộng sản Bắc Việt đã lập kế hoạch toan ồ ạt tấn công bằng bộ binh vào căn cứ này với sự yểm trợ của trọng pháo và thiết giáp, mong biến Khe Sanh thành một Điện Biên Phủ thứ hai, tuy nhiên vì thiệt hại nhân mạng quá cao, họ đành phải từ bỏ kế hoạch tấn công.
Thủy Quân lục chiến Mỹ dư biết là chuyện bỏ Khe Sanh sẽ là một lợi khí cho Hà Nội tuyên truyền là họ đã thắng lợi.
Tuy nhiên về phương diện chiến lược, việc binh sỹ Mỹ rút khỏi căn cứ này chẳng có mấy ý nghĩa. Một căn cứ chính khác lại được thiết lập cách đấy có mấy dặm trên đường số 9, về phía đông.
Các cuộc hành quân cơ động chiến đấu vẫn tiếp tục nhắm vào lực lượng cộng sản miền bắc. Lực lượng trinh sát Mỹ vẫn theo dõi đường mòn Hồ Chí Minh. Thủy Quân Lục Chiến Mỹ và đồng minh tại Khe Sanh đã xáp chiến với hàng chục ngàn và tiêu diệt hàng ngàn quân cộng sản miền bắc trong khoảng thời gian nhiều tuần lễ.
Thực vậy, nếu các lực lượng đối phương không dồn vào Khe Sanh, lẽ ra họ đã có thể hợp sức với lực lượng Bắc quân và mặt trận Giải phóng miền nam xâm chiếm Huế, một mục tiêu quan trọng hơn Khe Sanh nhiều.
Tổn thất nhân mạng của phía Thủy quân lục chiến Mỹ và đồng minh khoảng trên 700 người, với chừng hơn 2.400 người bị thương. Về phía Bắc quân cộng sản, rất khó đưa ra con số chính xác, nhưng đại tá hồi hưu Dick Camp cho biết họ đã chịu tổn thất nhân mạng rất cao:
“Không ai biết được đích xác số thiệt hại nhân mạng của họ là bao nhiêu, như quí vị biết, họ nín khe, không nói về chuyện này, trừ mỗi việc nhận Khe Sanh là một chiến thắng lớn của họ. Nhưng theo ước tính thì có từ 10 đến 15 ngàn quân của lực lượng miền bắc đã bị hạ sát ở đó.”
Còn về phần cựu Trung tá Hoàng Phổ khi hồi cố lại trận chiến bảo vệ Khe Sanh, ông nhắc đến vài điểm sáng vào thời điểm gian nan đó:
“Ông Chỉ huy trưởng Đại tá Trần Văn Hai có đến thăm chúng tôi lúc đó, và đó là một khích lệ tinh thần cho anh em chúng tôi. Một điểm vui cho chúng tôi là chúng tôi đã làm cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa hãnh diện về sự chiến đấu can đảm và kinh nghiệm của các chiến sỹ Biệt Động Quân chúng tôi.”
No comments:
Post a Comment