Chuyến đi thăm LS Cù Huy Hà Vũ_ RFA Phỏng Vấn LS Dương Hà:
Phải trở dậy lúc 4 giờ sáng đối với tôi là cả một cực hình, nhất là mấy hôm nay lại trở chứng, rối loạn tiền đình làm chóng quay cả mặt, nhưng việc anh em mời đi thăm Cù Huy Hà Vũ khiến tôi không còn cách nào khác là vừa nghe chuông đổ đã phải vin thành giường đứng dậy. Dù cảm thấy trời xoay nghiêng ngả vẫn cứ phải bật cười nhớ đến Phùng Quán: “Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Đúng là mình không biết vịn vào thơ nên mới xoay tít mù như thế này đây.
Đúng 5 giờ kém 15, người bạn thân, Thượng tá C. quân phục oai nghiêm, đã có mặt trước cổng nhà. Tiếp ngay đó, bạn Lê Dũng bấm chuông: xe anh đã sẵn sàng đón tôi. Chúng tôi lên xe trong cái lạnh tinh mơ của Hà Nội nên nhà tôi cố nhét thêm cho anh C. một chiếc khăn quàng len vì thấy bộ quân phục của anh tuy trông rất oách nhưng lại quá mỏng. Đường Hà Nội lúc này mới thật là Hà Nội lý tưởng của 60 năm về trước, trên đường chỉ lác đác vài bóng người. Hình như đây cũng là giấc mơ không có thật của ông Bộ trưởng Đinh La Thăng, một Hà Nội sạch sẽ tinh tươm và không phải lèn nhau như nêm cối. Biết đâu ông ấy chẳng ra lệnh đổi ngày làm đêm để làm cho biện pháp điều chỉnh giao thông của mình đích thực có hiệu quả? – Hình như cả mấy chúng tôi nhìn lướt trên con đường chưa rõ mặt người đều có ý nghĩ vậy thì phải.
Khi đến chỗ hẹn thì chỉ mới lố nhố dăm bảy anh chị em, nhưng chỉ loáng cái cả năm chiếc xe và người đều đến đầy đủ. Đúng 20 người, toàn những mặt quen, trừ vài ông đầu bạc ra còn thì đều là Tiến sĩ trong một vài viện nghiên cứu, hoặc Kỹ sư đang thành đạt trong vai doanh nhân, lại có cả một “biểu tình viên” ba tuổi mẹ từng ẵm đi biểu tình tại Hồ Gươm chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải nay cũng có mặt, vừa nhìn thấy các cô chú đã nhoẻn cười như gặp lại bạn bè thân quen. Ai nấy vui như hội vì biết rằng mình đang thực hiện cái nghĩa vụ tình cảm lâu nay vẫn canh cánh là làm sao có một lần được tháp tùng Dương Hà vào thăm bạn Hà Vũ mà có người chỉ mới “văn kỳ thanh” chứ đã một lần xáp mặt nào đâu. Nhưng dầu gặp hay chưa thì kể từ khi chàng phải giã biệt Hà thành khoác chiếc áo phạm nhân, những lá đơn kiện nẩy lửa gửi lên các cấp cũng vắng bặt trên báo chí và các trang mạng khiến hình như ai cũng thấy thiêu thiếu một cái gì.
Tất cả lên xe sau khi đã trao đổi đường đi và các chú tài cứ thế theo ngả Xuân Mai phóng tít để đi vào con đường Hồ Chí Minh với đích đến đầu tiên là thị trấn Cẩm Thủy Thanh Hóa. Xe chạy ngon quá làm tôi tưởng mình thiếp đi và khi tỉnh dậy thì ô kìa đây rồi, đã đến thị trấn Cẩm Thủy, kỳ thực có ngủ được chút nào đâu, bởi có mấy chiếc áo vàng công an đứng đếm tốc độ bên đường tôi đều nhìn rõ. Vượt cầu Cẩm Thủy mươi km, đã nhìn thấy tấm biển chỉ Trại giam số 15 rẽ trái, và vượt một quãng đường 30 km nữa, hơi khó đi và mù mịt bụi, đến giữa một vùng núi đá vôi thuộc huyện Yên Định, rẽ phải, lại rẽ trái, đúng 10 giờ thì chúng tôi đã ở ngay trước mặt chiếc cổng K5: Cù Huy Hà Vũ ở trong khu trại này, gần chúng tôi lắm lắm rồi.
Khu Trại giam 15 nằm giữa một vùng núi đá vôi ở huyện Yên Định Thanh Hóa
Cả mấy chiếc xe đều lấm láp bụi đường
Và người cũng phải nhắm tịt mắt lại, nhưng thế là đã đến đích
Đương nhiên là như mọi người dự đoán, chỉ một mình Dương Hà được vào theo chế độ thăm nuôi cùng với một chiếc xe chở số lượng thực phẩm đúng quy định. Anh lái xe cho Dương Hà đang đứng nghỉ, nghe người lính gác cổng truyền rõ thế bèn chuẩn bị lên buồng lái chở Hà vào khi hai cánh cổng vừa mở, thì nhanh như cắt bạn J.B. Nguyễn Hữu Vinh đã nhảy tót lên lái thay. Anh kia ớ người ra trong khi anh em cười ồ. Thôi thì được người nào vào hay người ấy. Chúng tôi nhìn chiếc xe đi tít sâu vào phía trong và hai cánh cổng đóng lại mà lòng ngẩn ngơ buồn tiếc. Dù mục đích chuyến đi là để cho Vũ ở trong kia biết có anh chị em đông đảo đến thăm để anh phấn chấn hơn trong việc chống chọi với mọi khó khăn của kẻ “Một ngày tù nghìn thu ở ngoài”, yên tâm chờ ngày trở về với vợ con bầu bạn, nhưng đến đây rồi mà không được vào thì ai mà không cảm thấy hụt hẫng.
Sau khi xe Dương Hà đi vào, hai canh cửa sắt cổng K5 Trại giam 15 lại đóng lại làm ai nấy ngẩn ngơ buồn tiếc
Mọi người đành lấy bánh mỳ giò chả và mấy chai nước ra cùng nhấm nháp, bởi từ sáng dậy sớm chưa ai có trong bụng một tí gì. Đang ăn, tôi bỗng nghe điện thoại reo. Dương Hà gọi ra khuyến khích tôi lấy tư cách một người nhiều tuổi vào tán anh bộ đội gác cổng đề nghị cho gặp ông Giám thị để xin cho mọi người cùng vào. Tôi làm ngay tắp lự. Anh lính gác nói với tôi với giọng nhã nhặn, rằng việc đó rất khó vì vượt nguyên tắc, mà chúng tôi lại không có một giấy giới thiệu của tổ chức nào cả. Tôi ngẫm nghĩ một tí, trở ra ghé tai bảo Thượng tá C. vào tiếp sức. Quả nhiên, C. đã thành công. Bằng kinh nghiệm của một Thượng tá lâu năm, anh được anh lính gác rất nể đưa cho số điện thoại của cả Giám thị Tuyến và Phó giám thị Sáu. Lại bằng cái giọng thân mật của cánh lính với nhau, anh mời được anh Phó giám thị Sáu ra tiếp chúng tôi. Thế mới giỏi làm sao!
Một người còn khá trẻ gầy và cao, khuôn mặt điềm đạm từ xa đi lại. Trước những lời trình bày chân tình của chúng tôi anh ta cũng đáp lại bằng giọng nhẹ nhàng từ tốn và có vẻ cởi mở. Còn C. thì không úp mở, không cần xưng anh tôi, gọi thẳng tên ngay: “Sáu à…”. Nhưng anh Sáu này vẫn nghiêm trang nói cho biết, chúng tôi không được vào là luật định, vì không có ai ở trong danh sách thăm nuôi đăng ký định kỳ của trại cả. Thế thì vào sao được. Tuy nhiên, khi thấy giọng của C. đúng giọng “cánh lính mình” quá, lại thấy trên khuôn mặt mọi người đều thuỗn ra cùng một dấu hỏi của sự chờ đợi một “biệt lệ” nào đấy, anh ta bèn thong thả nói thêm: “Thôi thì các bác đã đến đây… chỉ có đồng chí Giám thị mới quyết định được việc này. Các bác cứ ghi rõ tên họ, trình chứng minh thư, để tôi cầm vào xem thế nào…” Được lời như mở cờ, người nào người ấy đến ghi tên lên một mảnh giấy thành một danh sách dài, riêng tôi ngồi yên không nhúc nhích, bởi đã có C. ghi thay cho mình. Khi bước ra, anh chị em tề tựu trước căn phòng xét giấy tờ của người canh cổng, bảo anh Sáu chụp chung một “bô” ảnh làm kỷ niệm, anh ta ngần ngừ một tí, cười nhưng rồi lắc đầu. Chỉ có người lính gác là hồn nhiên chơi với cháu nhỏ và đi vào khuôn ảnh của chúng tôi.
Chỉ có người lính gác là hồn nhiên chơi với cháu bé và vào khuôn ảnh của chúng tôi
Có chữ “Trại giam số 5” trên đầu mình là một kỷ niệm quý giá đấy
Chỉ chừng mươi phút sau đã có điện gọi ra: ông Giám thị từ chối! Từ trong thâm tâm tôi đã nghĩ đến điều ấy. Danh sách kia hoặc vì anh Phó giám thị nể quá, hoặc cũng có thể là tương kế tựu kế để giúp ngành an ninh biết rõ ai đã dám đến đây “vuốt râu hùm”, biết đâu! Nhưng chúng tôi cười xòa với nhau: Thì mình cũng muốn cho họ biết kia mà, mình đăng hết lên mạng còn sợ quái gì nữa. Tôi chỉ hơi so sánh thoáng qua: Hồi còn mồ ma thực dân Pháp bà Tôn nữ Thị Cơ đã đến thăm nuôi GS Cao Xuân Huy tại Lao Bảo vào năm 1930 mà lúc ấy họ chỉ mới là quen sơ chứ đã có chuyện gì với nhau đâu, bà con cũng chẳng phải. Thế mà vẫn được thăm mới lạ chứ. Nhưng nghĩ thoáng qua thôi, bới đấy là thời Pháp. Thời bây giờ dân chủ gấp triệu lần, vì thế mà chỉ đi thăm cô Bùi Minh Hằng vẫn còn đủ quyền công dân còn không được gặp, huống nữa là thăm một anh chàng phản động đứt đuôi vì… hai bao cao su đã qua sử dụng như Cù Huy Hà Vũ! Vậy thì so sánh làm gì cho mệt người.
Một tiếng sau thì chiếc xe chở Dương Hà quay ra. Mọi người tíu tít quây lại. Người vừa được chồng ôm hôn có khác, nét mặt rạng rỡ hẳn làm ai nấy cũng vui lây, nhưng điều vui thích nhất là sự có mặt của chúng tôi đã truyền niềm vui và nghị lực cho chính Cù Huy Hà Vũ, theo lời Dương Hà. Vũ không ngờ lại có đông người ở ngoài cổng trại đến thế. Ai cũng biết rằng đấy là Hà hạn chế báo tin đấy, còn nếu báo rộng hơn, có thể đã có đến vài trăm người. Bởi vì ai mà không mong muốn được tiếp thêm một chút nội lực của mình cho Vũ có thêm vài đêm ngon giấc, và nhất là ai cũng đinh ninh trong bụng câu nói của Vũ: “Tôi là người trung thành với Tổ quốc. Nhân dân cả nước sẽ phá án cho tôi”.
Trên đường về, tôi có một băn khoăn thắc mắc cứ muốn đem hỏi Dương Hà mà thấy chưa tiện nên ngồi trên xe mặt cứ bần thần. Mãi đến chỗ ngã ba trước thị trấn Cẩm Thủy, cả 5 xe cùng dừng lại, mang xách bánh mỳ giò chả vào quán ăn trưa, nhân thể, Hà đứng yên một góc, giở túi lấy ra hai tấm ảnh Vũ vừa vẽ chân dung Hà vã tự họa chân dung mình ấp lên ngực, mặt đăm đăm có vẻ đang tư lự, tôi mới đến
gần hỏi nhỏ: “Thế chế độ thăm nuôi được có mỗi tháng một tiếng đồng hồ thôi ư?”
Dương Hà với hai tấm ảnh quý chồng vừa tặng
Hà quay nhìn tôi lâu lâu một chút rồi mới nói: “Anh ạ, mọi tù nhân khác thì đều được hưởng chế độ thăm nuôi không quá 24 giờ mỗi lần, riêng Vũ nhà em có lệnh cấm, chỉ được thăm có một tiếng thôi, mà luôn luôn có giám thị chứng kiến”. “Ôi thế a?” – tiếng kêu cùng lúc bật ra của nhiều người, và tiếng bàn tán xôn xao. Riêng tôi, cứ đuổi theo cái ý nghĩ vốn đã hình thành trên suốt chặng đường về: Cái kẻ nào đưa ra “điều lệnh” này thật là quá giỏi, bởi vì đây mới đúng là để trị cái tội… hai bao cao su đã qua sử dụng. Rồi như một kẻ vô thức, vừa đi ra phòng toa lét tôi vừa buột thốt thành lời câu văn của Nam Cao: “Tài thật! Tài thật Tài đến thế là cùng! Tiên sư anh Tào Tháo!”
N.H.C
No comments:
Post a Comment