GIỚI THIỆU
Trang Bauxite Việt Nam hôm qua đã công bố bài báo trên tờ Hérault du Jour cho thấy việc chiếu phim tài liệu về ngư dân Quảng Ngãi và quần đảo Hoàng Sa của chúng ta ngỡ là chỉ bị Công an Việt Nam cấm chiếu ở Việt Nam, mà ngay bên Pháp bộ phim cũng gặp khó. Có lẽ bàn tay bọn “nước thì không lạ mà sự hèn hạ thì quen” đã quờ quạng đi được khắp nơi rồi sao?
Nhưng trong khó khăn mới càng thấy phẩm chất người nghệ sĩ công dân André Menras! Anh làm phim báo chí (phim tài liệu là một dạng báo chí), phim của anh có giá trị, anh còn đeo bám để phim mang xúc động đến được với đông đảo công chúng.
Bỗng nghĩ mà thấy vui vui: giá như lúc này mà ông Tây An Nam ấy ở đây cùng với những nhà báo nhân dân đọc cỡ Cu Vinh (blogger Nguyễn Quang Vinh) mà đeo bám xuống Tiên Lãng, rồi theo dõi sang Hải Phòng, rồi đuổi theo sang Vương quốc Anh, xem cả lũ bậu sậu kéo nhau đem tiền của dân đi làm những trò Lý Cường Bá Kiến gì…
Có câu tục ngữ mới đấy, hay phết, nơi nơi báo chí, nhảm nhí thì nhiều … em yêu bờ-leo bờ-lốc!
Phạm Toàn dịch và giới thiệu(http://boxitvn.blogspot.com)
TÁI BÚT
Vào hồi gần 11 giờ đêm, André Menras gửi tiếp mấy dòng sau đây:
“Hôm nay thành phố Montpellier tràn ngập những ap-phich loại nhỏ thông báo có bài viết trên báo Midi Libre về việc bộ phim bị kiểm duyệt. Tôi vừa mới trả lời phỏng vấn của đài truyền thanh… cùng với bạn bè, tôi đang tìm một rạp chiếu phim hoặc một phòng chiếu phim tư nhân nào đó… Tôi cho rằng bất kể những cấm đoán bất công vô lý nào cũng tạo ra hiệu quả ngược với hiệu quả bọn cấm đoán trông đợi. Ngày mai, Phạm Toàn sẽ lại dịch sang tiếng Việt các bài báo hôm nay.
Cháo thân ái,
Bài 1 – đăng trên báo MIDI LIBRE ngày 21-02-2012
Tòa Thị chính từ chối cho mượn phòng chiếu phim, viện lý do bộ phim tài liệu “quá nghiêng về chính trị”.
Có phải tòa Thị chính Montpellier đã hủy việc cho mượn một phòng của Thành phố để chăm lo cho những mối quan hệ thương mại với Trung Quốc? Một người miền Nam nước Pháp ông André Menras đã nghĩ như vậy đấy. Nhà giáo về hưu đó, Chủ tịch Hội Quan hệ sư phạm giữa Pháp và Việt Nam (Adep) vừa thực hiện xong bộ phim tài liệu về số phận hẩm hiu của ngư dân Việt Nam hàng thế kỷ nay vẫn đánh cá ở vùng quần đảo Hoàng Sa hiện đang bị Hải quân Trung Quốc chiếm đóng về quân sự và chiếm đóng phi pháp [in nghiêng trong nguyên văn – ND] từ năm 1974. Có nhiều ngư dân đánh lưới và ngư dân ngụp lặn đã mất tích một đi không về. “Những con người ấy chúng ta chẳng còn gặp lại nữa trải bao năm ròng đã để lại biết bao nhiêu vợ góa và con côi. Bộ phim của tôi giúp cất tiếng nói cho cái cộng đồng bị bắt làm con tin một cách bi thảm giữa cuộc tranh chấp chủ quyền bất lợi cho giới cầm quyền Trung Quốc, như ý kiến của nhiều chuyên gia Luật Biển và chuyên gia Lịch sử”, André Menras nói.
Khó khăn về ngoại giao?
Bộ phim tài liệu đã được coi hơn 80 ngàn lần này trên internet lý ra sẽ được chiếu vào hồi 18 giờ ngày thứ năm này tại phòng chiếu Martin Luther King. Nhưng còn vài ngày nữa đến hạn chiếu phim, “tòa Thị chính thành phố Montpellier đã thu hồi quyết định cho mượn phòng chiếu”. Lý do họ đưa ra, theo André Menras: “việc kết nghĩa với thành phố Thành Đô, những mối quan hệ thương mại với Trung Hoa, kể cả những khó khăn về ngoại giao nữa”. Phải chăng vào ngày khai mạc Hội chợ Rượu các địa phương miền Nam (ViniSud) thành phố Montpellier đã chọn cách xoa dịu các mối quan hệ với đế quốc Trung Hoa? “Ngày 2 tháng Hai, chúng tôi được ông Paul Nguyen triệu tập – ông này thì chúng tôi thường xuyên có quan hệ. Ngày 3 tháng Hai, chúng tôi được trả lời là, do tờ quảng cáo có hơi hướng quá khích, nên không chấp nhận cho mượn phòng chiếu Martin Luther King nữa”, ông Benoit Sabatier Giám đốc Truyền thông giải thích.
Ông Paul Nguyen đánh giá rằng “tòa Thị chính thì tử tế thôi, còn bà Phó Giám đốc Nhà Quan hệ Quóc tế đã giải thích cặn kẽ cho chúng tôi rằng chuyện (chiếu phim) này đụng chạm tới người Trung Hoa, và bà chọn cách rút lại không cho mượn phòng chiếu nữa, vì chuyện đó quá nghiêng về chính trị”.
Chuyện làm ăn là chuyện làm ăn, việc nào đi việc nấy. Còn những ông nào bà nào muốn có ý kiến về bộ phim của André Menras thì đi mà coi nó trên mạng internet vậy!
YANNICK POVILLON
ypovillon@midilibre.com
Phim tài liệu “Nỗi đau …”
Bộ phim của André Menras kể lại cuộc sống của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung Việt Nam lọt giữa những tranh chấp Trung Quốc Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở vùng biến Nam Hải [Biển Đông – ND]. Ông vinh danh những con người đó trong bộ phim tài liệu “Hoàng Sa – nỗi đau mất mát”. Đề tài nhạy cảm, buổi chiếu ra mắt tháng 11 năm ngoái đã bị Công an thành phố Hồ Chí Minh cấm.
Bài 2 – đăng trên báo HÉRAULT DU JOUR ngày 21-02-2012
Luận chiến. Tòa Thị chính từ chối chiếu bộ phim tài liệu về ngư dân Việt Nam “Nỗi đau mất mát”.
Không cho mượn phòng chiếu để không làm mếch lòng Trung Quốc
Ngày mai sẽ không chiếu bộ phim tài liệu của André Menras về ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa tại phòng chiếu Martin Luther King.
Thành phố đã từ chối không để nơi này, địa điểm nhận các tin tức nhạy cảm của Ngôi Nhà quan hệ quốc tế, sẽ chào đón một bộ phim “gây luận chiến”, toà Thị chính giải thích.
Bản tóm tắt sau khi ký kết về nguyên tắc [việc cho mượn phòng chiếu] gửi tới Hội Hữu nghị Pháp – Á, tổ chức là mối liên hệ giữa nhà đạo diễn phim và tòa Thị chính Montpellier đã thành một tài liệu tai họa: các ban ngành thuộc tòa Thị chính cho rằng một bộ phim tài liệu nói tới “những ngư dân bị quân đội Trung Quốc tàn sát” không có chỗ đứng trong Ngôi nhà Quan hệ quốc tế này. Đó là vì Montpellier là thành phố kết nghĩa với Thành Đô và tổ chức triển lãm Rượu miền Nam nước Pháp ViniSud sẽ diễn ra tại Công viên Triển lãm phải trở thành cơ hội cho những nhà trồng nho địa phương đem trưng bày sản phẩm sẽ xuất sang đế quốc Trung Hoa.
“Không ai muốn trung lập hết”, có người thuộc Thành phố đã nói vậy và có ý định cho mượn một phòng khác để chiếu bộ phim. André Menras, Chủ tịch Hội Phối hợp Phát triển Sư phạm Pháp – Việt (Adep) coi việc tòa Thị chính khước từ việc cho mượn nhà chiếu phim cùng với việc đưa ra “đề nghị thiện chí” ấy là “điều gây phẫn nộ”.
Bộ phim tài liệu đã được hơn 80 ngàn người coi trên Internet, một bộ phim khiến André Menras tiêu tốn vô vàn năng lượng, và nhà đạo diễn ấy không khi nào nghĩ bộ phum của mình lại bị kiểm duyệt tại Pháp giống như nó đã bị Công an tại thành phố Hồ Chí Minh cấm chiếu trước một cử tọa một trăm người. “Lập luận của tòa Thị chính là điều không thể chấp nhận được,” ông bực tức nói. “Tất cả các phim tài liệu một khi đụng đến đề tài xã hội và nhân đạo thì thế nào cũng gây ra những lời bình luận chính trị và có khả năng tạo ra luận chiến. Về cơ bản, bộ phim này hoàn toàn mang tính nhân đạo, nó tạo cơ hội cho ngư dân có tiếng nói, điều gì họ không diễn tả ra được ở Việt Nam thì họ sẽ bộc lộ ra ở đây tại một Tòa thị chính cánh tả.”
“Một cuộc chiến thầm lặng”
Ngư dân tỉnh Quảng Ngãi bị bắt làm con tin giữa vấn đề gai góc tranh chấp chủ quyền trên vùng biển quốc tế xung quanh quần dảo Hoàng Sa mà Trung Quốc bảo là của họ. Là những nạn nhân các cuộc đánh phá của Hải quân Trung Quốc, rồi bị mất tích và bị đòi tiền chuộc, những người ngư dân này cùng gia đình họ “không bao giờ được lên tiếng cả”, André Menras nhấn mạnh. Đó là một cuộc chiến thầm lặng xứng đáng được dùng phòng Quan hệ quốc tế” [của tòa Thị chính].
Kiên quyết đem chiếu bộ phim của mình tại Montpellier trước khi đem chiếu lưu động qua khắp châu Âu (các chặng Toulouse, Berlin, Cologne hoặc Varsovie đều đã được lên kế hoạch), André Menras viết thư cho Thị trưởng Montpellier và cho bà Perla Danan Phó Thị trưởng phụ trách quan hệ quốc tế để bày tỏ sự hoang mang và tức giận của mình. “Tôi không thể chấp nhận việc người ta nằm đè lên trên các giá trị của chúng tôi chỉ vì dăm ba đồng đô-la nước Tàu”, ông nổi giận. “Liệu những người có trách nhiệm của thành phố có thấy hết hệ quả quyết định của họ không?”
Hai vị nữ dân biểu đó hiện thời đang ở Bethléem để chứng kiến lễ kết nghĩa giữa Montpellier (đã kết nghĩa với thành phố Ixraen Tibériade) nay kết nghĩa tiếp với thành phố Palestine [tức Bethléem – ND] kia. Liệu vì đã có những chuyện như thế mà từ nay tại Nhà Quan hệ quốc tế của Montpellier người ta sẽ không được phép nói đến xung đột Ixraen – Palestine nữa?
MARINE DESSEIGNE
No comments:
Post a Comment