Trở Về Trang chính

Friday, February 3, 2012

Gặp gỡ đầu xuân Nhâm Thìn: phát biểu của ông Dương Trung Quốc

Gạp gỡ của nhóm trí thức gạo cội dịp đầu năm Nhâm Thìn. Ảnh Anhbasam

Như đã hẹn sẽ lần lượt đăng tải nội dung cuộc Gặp gỡ đầu xuân Nhâm Thìn tại Hội quán Sáng tạo, 36 Điện Biên Phủ, do tạp chí Tia sáng cùng Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên tổ chức, chiều 31-1-2012, dưới đây là toàn văn phát biểu của ông Dương Trung Quốc.

Cuộc gặp có đủ các gương mặt già, trẻ, trong, ngoài nước, trong Nam ngoài Bắc, doanh nhân, cựu quan chức v.v.. như GS Vũ Khiêu 97 tuổi, GS Hoàng Tụy, cựu PCT nước Nguyễn Thị Bình, cựu PTT Vũ Khoan, Giản Tư Trung-hiệu trưởng trường doanh nhân PACE, Đặng Lê Nguyên Vũ-Chủ tịch Trung Nguyên, TS Nguyễn Trí Dũng-VK Nhật, TS Nguyễn Sĩ Dũng-Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TS Lê Đăng Doanh, nhà sử học Dương Trung Quốc, TS Nguyễn Quang A, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, kinh tế gia Phạm Chi Lan, cựu Đại sứ Nguyễn Trung, GS Hồ Ngọc Đại, GS Văn Như Cương, TS Trần Đình Thiên, cựu bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển (hiện là cố vấn của Thủ tướng), Nhà báo Thu Hà-TBT tạp chí Tia sáng, … Nhiều phát biểu hay, rất bất ngờ, trong đó vụ Tiên Lãng và nhân vật Đoàn Văn Vươn đã được nhắc tới nhiều lần, đều mang thông điệp như một cảnh báo cho nguy cơ lớn liên quan tới chính sách phát triển kinh tế, xã hội.

Dưới đây là phát biểu của địa biểu Quốc hội Dương Trung Quốc:

Kính thưa các thầy cô, thưa các bác,

Trước cử tọa thế này thì thực ra khó nói cái điều gì to tát cả. Tôi chỉ muốn chia sẻ một số đôi điều thôi, như là một nỗi lo lắng, như một nỗi băn khoăn, như một mong ước.

Cỗ xe không phanh, không số lùi

Cái lo lắng đầu tiên tôi cảm thấy chúng ta, đất nước chúng ta đang đi trên một cỗ xe mà người lái xe không biết lùi, và trên cỗ xe phanh hỏng. Và chúng ta chỉ băm băm lao về phía trước, đầy những rủi ro.

Anh Sĩ Dũng có nói đến cái việc chúng ta đang hướng tới sửa đổi Hiến pháp. Tôi cũng được may mắn tham gia vào trong cái Ban Biên tập, (tham gia ngay từ lời nói) đầu, thì càng quả thấy chúng ta đang ở trong cái trạng thái không biết rồi chúng ta sẽ sửa như thế nào? Đấy là cái nỗi lo lắng của tôi.

Cái nỗi băn khoăn của tôi muốn bình luận cái điều mà chúng ta đang thấy, một điều đang rất thời thượng và rất quan trọng là “tái cấu trúc”. Tôi cứ băn khoăn rằng “tái cấu trúc” trước hết có phải là sửa sai không, hay vẫn theo quan điểm đấy là một bước phát triển của tiến lên. Cái thứ hai, hiểu khái niệm tái cấu trúc và đặc biệt chữ “tái” như thế nào. “Tái” nếu là âm Hán Việt thì ta phải làm lại thôi. Còn nếu tái là chữ nôm thì là nửa sống nửa chín. Cái điều đó cực kỳ nguy hiểm và chúng tôi chưa thấy có điều gì để chúng ta tin tưởng rằng cái tái cấu trúc này đang là một bước ngoặt, trong tư duy cũng như là trong hành động để chúng ta có thể điều chỉnh được. Điều chỉnh hiểu theo cả hai nghĩa là sửa cái sai, cái cũ và cố gắng tìm ra con đường phát triển tốt.

Tinh thần thanh nghị của người trí thức

Và cái điều thứ ba là cái điều chúng ta đang nói, băn khoăn ngày hôm nay. Anh Quang A cũng nói, anh Doanh cũng nói là: Trí thức làm gì? Tôi rất mong muốn, ao ước chúng ta trở lại một tinh thần rất cổ điển của người phương Đông nói chung, của người Việt Nam nói riêng là “tinh thần thanh nghị”. Thanh nghị là một phẩm chất mang tính chất trí thức, nó không thuộc vào tầng lớp cụ thể nào. Đương nhiên nó là những tầng lớp có tri thức. Từ những ông đồ nho, những ông thầy giáo làng cho đến những người có học vấn rất cao, bằng cấp rất lớn đều có tinh thần phê phán và để thúc đẩy sự phát triển, từ trong làng xã cho đến xã hội. Chúng ta nhớ đến chữ thanh nghị đã một lần vang lên trong một thời điểm rất quan trọng của đất nước, đó là thời kỳ trước khi cách mạng tháng Tám năm 45’. Mà những trí thức Việt Nam tập hợp với nhau lại làm một cái tờ báo. Mà khi lựa chọn tên tờ báo này thì cuối cùng người ta chọn cái chữ “Thanh Nghị”. Mỗi người ở chỗ đứng của mình, góc nhìn của mình, hiểu biết của mình đều đóng góp vào cái chung bằng một cái tinh thần phê phán và xây dựng. Tôi nghĩ đấy là một tinh thần rất là truyền thống và nó không đao to búa lớn nhưng mà có thể nó chi phối toàn bộ đời sống từ trong đời sống xã hội ở thôn quê cho đến thị thành. Và cao hơn nữa chúng ta thấy chính là những cái người thanh nghị ấy đã có mặt ở những cương vị hết sức quan trọng đóng góp cho thắng lợi của cách mạng của chúng ta.

Trách nhiệm của Quốc hội với vụ Tiên Lãng

Thì đấy là cái tinh thần mà chúng tôi muốn lĩnh hội ngày hôm nay và đương nhiên chúng ta rất băn khoăn là tiếng nói ấy nó ở đâu? Anh Quang A có nói đến những cái kênh rất khác nhau, và quả thật là khó khăn thật. Ngày hôm qua tôi có trả lời báo Tiền Phong cái vụ Tiên Lãng ấy thì cuối cùng họ cũng bỏ đi một trong những ý quan trọng nhất.

Tôi cho rằng cái vụ án ấy trách nhiệm đầu tiên là của Quốc hội. Bởi vì Quốc hội là người xây dựng luật và giám sát việc thực thi luật. Vậy mà Thủ tướng đường đường là Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố Hải Phòng, chưa thấy lên tiếng. Tôi rất muốn Thủ tướng hành xử không phải vì với tư cách là người điều hành Chính phủ mà với tư cách là một Đại biểu Quốc hội của thành phố Hải Phòng. Chúng ta sẽ tìm ra được cái chỗ sai để điều chỉnh. Mà tôi cho rằng cái sai quan trọng nhất, về nhận thức cá nhân tôi, anh Sĩ Dũng theo dõi Quốc hội thì anh cũng thấy, cái Luật Đất đai nó đã bất cập từ lâu rồi sau khi nó phát huy mặt tích cực của nó trong một thời đoạn nhất định của lịch sử. Và cái điều đó thể hiện tất cả trong tiếng nói Quốc hội, nhiều lắm, chứ không phải cá nhân một ai. Vậy mà cho đến bây giờ trong chương trình nghị sự của chúng ta hình như Luật Đất đai vẫn còn nằm ở một thứ yếu rất lớn mà không biết đến bao giờ mới sửa lại. Vì thế mà chính quyền bảo chính quyền làm không sai luật, chỉ có người dân làm sai luật thôi. Điều đó tôi cho đấy là một cái vấn đề … Nhưng mà cuối cùng báo chí không đăng, cắt đoạn đấy đi. Và đương nhiên chúng tôi sẽ có diễn đàn riêng của chúng tôi. Và chúng tôi cũng nghĩ rằng mỗi người ở một cương vị khác nhau, cố gắng tìm ra một cái tiếng nói làm cho tiếng nói của mình hòa chung vào tiếng nói chung để tạo ra một cái sự thức tỉnh và chúng ta hành động vì cái lợi ích chung của đất nước.

Đó là mong muốn của tôi và tôi nghĩ đó cũng là mong muốn của “Tia sáng”, cũng là mong muốn của tất cả chúng ta ngồi đây. Xin cám ơn và xin chúc Năm mới tốt đẹp!

Nguồn: Anhbasam

No comments:

Post a Comment