Trở Về Trang chính

Saturday, February 18, 2012

CHÚNG TA CÒN NỢ NGƯỜI DÂN NHIỀU LẮM!



TÂN CHÂU - Hôm 16/2, nhiều nhà báo truyền tay nhau bài báo của Tuổi Trẻ: Ngọn lửa Đồng Nọc Nạn. Những ai cầm bút (nhất là lề phải), từng chứng kiến dân đen rơi vào vòng lao lý trong tuyệt vọng vì sự cường hào, áp bức của quan lại – mà người cầm bút không lên tiếng được cho họ một lời – mới thấy hết ý nghĩa của bài báo này.

Từ cách mà bài báo diễn đạt, cho tới nội dung hầu như vụ anh Vươn là một bản sao tái hiện không thiếu điều gì: 84 năm trước, nông dân xưa khai hoang – nay anh Vươn khai đầm; quan lại cấu kết địa chủ xưa cưỡng bức ăn cắp thành quả từ giọt mồ hôi của nông dân xưa – nay vụ anh Vươn cũng như thế; hợp thức hóa chuyện ăn cắp của dân đen bằng sức mạnh nhà nước xưa – nay cũng thế, có khi lần này vụ anh Vươn còn “oai hùng hơn”, cả trăm công an, bộ đội, dân phòng, hợp đồng tác chiến hay, đẹp có thể viết thành sách (lời ông Ca – giám đốc công an Hải Phòng – trên blog quechoa); rồi vai trò báo chí xưa, trong đó Tuổi Trẻ nêu rõ tên nhà báo Phan Trung Nghĩa – nay có thể (cá nhân tôi nghỉ) là nhà văn Nguyễn Quang Vinh… tình tiết duy nhất trong bài báo Tuổi Trẻ không có trong vụ anh Vươn là kết thúc phiên tòa, nông dân xưa thắng – nay anh Vươn trong trại tạm giam, mà giữ cửa nhà giam không ai khác chính là quân ông Ca!
Cũng nông dân đó, xưa là bị áp bức, bị ăn cướp, nhưng đã thắng ở phiên tòa công lý. Cũng nông dân đó cũng bị áp bức, ăn cắp, nhưng nay anh Vươn tiếp tục bị tạm giam!
Cũng là chính quyền đó, dù là chính quyền thực dân, nhưng rồi cũng có cái để mà “sám hối” kiểu hùm chết để da. Cũng là nhà nước của dân, hoàn toàn do dân, vì dân một nhà nước đã có thêm 84 năm tiến bộ, nay thì chỉ làm đúng một việc: xoa dịu hơn là hành động để lý lẽ thuộc về công lý. Dẫn chứng rõ nhất cho ý này là Thủ tướng trực tiếp kết luận này nọ thì anh Vươn vẫn phải trong trại giam!
Bốn mạng người dân (và thêm một nhà chức trách ngủm theo) như báo Tuổi Trẻ nêu, là một “trải nghiệm xương máu” không những khổ đau về thân xác mà còn là tinh thần. Nhưng nông dân xưa, nay là anh Vươn vẫn lựa chọn – một sự lựa chọn mà nông dân xưa, anh Vươn nay biết rõ: sẽ trả giá đắt!
Trước khi bị cưỡng chế, anh Vươn chưa hẳn biết chính quyền binh hùng, tướng hậu xử anh như vậy. Đáng tiếc, phút cuối mà niềm tin thượng tôn pháp luật vẫn còn thấm vào anh, khiến anh quá đổi bất ngờ, không kiềm chế, dẫn tới để lại không ít ngậm ngùi cho gia đình, bạn bè và cả xã hội!
Trước khi cưỡng chế, chính quyền với lực lượng “chống lại dân mình” hùng hậu, những tưởng sẽ đánh nhanh, thắng nhanh, dẹp dân đen đem lại đất đai cho nhóm cục bộ lợi ích, nhưng không ngờ tổn thất và bị lên án từ Đại tướng tới anh thợ hồ!
Cho dù kẻ thủ ác bị đền tội như thế nào, thì về lâu dài, ai nghiên cứu sự cường hào, áp bức của chính quyền với dân đen cũng phải lật lại trường hợp của anh Vươn, như báo Tuổi Trẻ lật lại vụ Nọc Nạng của 84 năm trước, như một điển hình về sự ức hiếp, cướp của dân đen, cũng như tính chất mang rợ của các đối tượng sai phạm đội danh nhà nước.
Tuổi Trẻ, khi hành nghề, chịu sự chi phối của Luật Báo chí và Luật Hình sự (hành như TT còn bị chi phối thêm luật gì nữa thì phải). May mắn cho Tuổi Trẻ khi vụ án Nọc Nạng được thừa nhận và thành khu di tích, lại đúng ngày kỷ niệm 84 năm, nên Tuổi Trẻ “cướp cò” vượt qua cái hèn cho cớ sự người làm báo! Chỉ không may mắn và nghiệt ngã thay là 4 nông dân xưa giờ thành tro bụi, cho anh Vươn vẫn trong trại giam.
Ở các nước, thông lệ là khi vụ án nào đó được cho là dư luận quan tâm (quan tâm thôi nhé, chưa nói phẫn nộ) thì hầu như các đương sự liên quan được tại ngoại, bởi sự giám sát và niềm tin của toàn xã hội đủ lớn để đương sự “không trốn” đi đâu được. “Hài hước” và bi kịch cho anh Vươn là khi cả xã hội không đủ “uy tính” bảo vệ cho anh, mà quân ông Ca mới làm được việc đó! Và việc anh Vươn tết nhứt trong tù, luật sư chưa hẳn gặp tay đôi với anh, thì có thể tại ngoại là khái niệm xa vời, nói chi tới tự do cho anh trong thời gian tới!
Thật cay đắng khi ở thời điểm mà chống sai phạm, tiêu cực, cũng như dẹp các ông quan cường hào đang là một khao khát của người dân, thì nông dân Vươn vào tù chứ không phải là các quan hủ lậu!
Tôi vẫn hy vọng anh Vươn rồi sẽ được tự do, công lý sẽ vãn hồi. Rất tiếc, những thông tin mà chúng ta nhận được là quá xấu cho việc tù, của anh, nhưng trong cơn bi kịch của anh quả chưa hẳn hoàn toàn tiêu cực. Báo chí (cả hai lề, các trang mạng, blog) phải có trách nhiệm với sự cậy quyền, cậy chức của các cán bộ ăn lương từ thuế của dân, góp phần lành mạnh hóa xã hội một cách tích cực cho đến tận cùng.
Tôi tôn ngưỡng mộ bài viết của Tuổi Trẻ, dù cho hơi muộn vì họ phải “chờ thời”. Bài báo đó là niềm tin của bạn đọc gửi gấm. Khi nhìn Tuổi Trẻ “lựa thời, lựa thế” để đăng bài Ngọn lửa Đồng Noc Nạng thì đúng là thật xót xa, cần thông cảm và chia sẻ. Nhưng tôi nghĩ, với anh Vươn còn trong nhà giam, hàng ngàn người dân đen vẫn còn nỗi oan Thị Kính vì chính quyền, thì những nhà báo, bloggers cũng phải nhận ra rằng chúng ta vẫn còn nợ người dân, vì vậy không vì lý do gì mà nhụt chí! .
Tác giả gửi Quê choa

No comments:

Post a Comment