Trở Về Trang chính

Wednesday, February 1, 2012

Cấm vận dầu hỏa Iran

Quốc kỳ Iran tại mỏ dầu Soroush, Vịnh Ba Tư.
Quốc kỳ Iran tại mỏ dầu Soroush, Vịnh Ba Tư.
Reuters
Thanh Hà

Sau Mỹ đến lượt Liên Hiệp Châu Âu ban hành lệnh cấm vận dầu hỏa của Iran. Téhéran thông tin trái ngược về đe dọa đóng cửa eo biển Ormuz. Cuộc đọ sức với phương Tây đang làm lộ rõ những yếu kém về kinh tế của Iran và những rạn nứt trong hàng ngũ lãnh đạo Téhéran.

Ngày 23/01/2012, ngoại trưởng 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đồng ý cấm nhập khẩu, chuyên chở dầu cũng như các sản phẩm chế biến từ dầu hỏa của Iran. Mục tiêu đề ra nhằm buộc Iran đình chỉ chương trình hạt nhân. Téhéran luôn khẳng định đây là các chương trình nhằm phục vụ những mục tiêu dân sự, nhưng phương Tây nghi ngờ Teheran âm thầm phát triển chương trình nguyên tử với mục tiêu quân sự.

Biện pháp trừng phạt của Bruxelles nhắm vào Teheran sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2012. Từ nay đến hết ngày 30/06/2012, các hợp đồng giữa Liên Hiệp Châu Âu với Iran vẫn được bảo đảm. Tuy nhiên ngay trước mắt, các nước trong Liên Hiệp Châu Âu không được quyền ký thêm hợp đồng mua bán dầu lửa với các tập đoàn Iran.

Ngoài ra, Bruxelles còn quyết định phong tỏa tài khoản của Ngân hàng trung ương Iran và tất cả các khoản ngân quỹ liên quan đến những vụ mua bán dầu hỏa.

Theo giới quan sát, Bruxelles quy định thời hạn từ nay đến ngày 01/07/2012 là để các thành viên trong Liên hiệp – là Hy Lạp, Tây Ban Nha và Ý - vốn lệ thuộc nhiều vào dầu thô của Iran, có thời gian tìm các nguồn cung cấp thay thế.

Châu Âu ít bị ảnh hưởng vì lệnh cấm vận

Hơn 20 % lượng dầu thô của Iran được cung cấp cho Liên Hiệp Châu Âu và dầu Iran bảo đảm 6 % nhu cầu tiêu thụ nội địa của 27 nước trong Liên Hiệp. Theo giới quan sát, Bruxelles có khả năng nhanh chóng tìm được nguồn cung cấp thay thế, đặc biệt là gia tăng nhập khẩu dầu thô với Ả Rập Xê Út.

Trên thực tế, Liên Hiệp Châu Âu không phải là một nguồn tiêu thụ lớn nhất của Iran. Theo thống kê mới nhất của Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế AIE, trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/2011, mỗi ngày Iran xuất khẩu hơn 2,5 triệu thùng dầu thô, trong đó 600 000 thùng là để xuất khẩu sang Liên Hiệp Châu Âu. Như vậy 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu là khách hàng tiêu thụ chưa tới 1/4 lượng dầu Iran bán ra thị trường quốc tế.

Ba thành viên Liên Hiệp Châu Âu là Ý, Tây Ban Nha và Hy Lạp lệ thuộc hơn cả vào dầu hỏa của Iran. Cụ thể là dầu Iran bảo đảm đến 30 % nhu cầu dầu hỏa của Hy Lạp. Athènes mua vào 103 000 thùng dầu/ngày.

Tây Ban Nha nhập 161 000 thùng dầu để bảo đảm 12 % nhu cầu nội địa hàng ngày. Đối với nước Ý, mức độ lệ thuộc vào dầu của Iran là 13 %, với 185 000 thùng dầu được mua vào mỗi ngày.

Nhìn chung, chỉ riêng ba nước nói trên hút đến 75 % lượng dầu Iran bán cho Liên Hiệp Châu Âu. Để so sánh, Pháp mỗi ngày nhập 58 000 thùng dầu từ các tập đoàn Iran và khối lượng đó tương đương với 3 % nhu cầu nội địa.

Châu Á không bỏ rơi Iran

Đối với Iran, khách hàng quan trọng nhất chính là châu Á, mà đứng đầu là Trung Quốc : một mình Trung Quốc mua vào 550 000 thùng dầu/ngày, tương đương 22 % lượng dầu xuất khẩu của Iran. Iran là nguồn cung cấp dầu lửa thứ ba của Trung Quốc- sau Ả Rập Xê Út và Angola- bảo đảm đến 6 % nhu cầu tiêu thụ to lớn của ông khổng lồ châu Á này.

Về phần Nhật Bản, nền kinh tế thứ ba trên thế giới mua vào 13 % dầu xuất khẩu của Iran và 327 000 thùng dầu, đủ để đáp ứng 7 % nhu cầu dầu hỏa của xứ hoa anh đào. Mức độ lệ thuộc vào Iran của Ấn Độ cao hơn : dầu hỏa Iran bảo đảm tới 9 % tiêu thụ dầu hỏa nội địa của Ấn Độ. Hiện tại, cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều bất đồng trước các biện pháp cấm vận của Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu nhằm trừng phạt chính quyền Téhéran. Riêng Nhật Bản thì tuyên bố sẵn sàng « giảm nhẹ mức độ lệ thuộc vào dầu hỏa Iran », nhưng tỏ ra thận trọng, không muốn hùa theo Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ để trừng phạt Téhéran.

Chuyên gia về dầu khí của Pháp, Francis Perrin và cũng là người điều hành tạp chí Dầu Khí Ả Rập lưu ý là biện phát trừng phạt của Bruxelles không làm dao động thị trường nội địa châu Âu :

« Đe dọa Iran, theo tôi, không đáng quan ngại mấy đối với châu Âu, do Ả Rập Xê Út đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng nâng cao mức sản xuất và xuất khẩu để lấp vào chỗ trống Iran để lại. Hiện tại, Liên Hiệp Châu Âu tiêu thụ mỗi ngày khoảng 600 000 thùng dầu của Iran. Ryad mỗi ngày dư ra 2 triệu rưỡi thùng dầu.

Đương nhiên Ả Rập Xê Út sẽ không sử dụng toàn bộ khối lượng thặng dư đó để bù vào chỗ trống khi dầu Iran bị cấm vận, nhưng điều đó có nghĩa là nếu cần, Ả Rập Xê Út có thể cung cấp thêm cho các nước trong Liên Hiệp Châu Âu. Nếu như dầu lửa của Iran bị cấm vận toàn bộ, trong ngắn hạn, một số các nước lệ thuộc nhiều nhất vào dầu Iran, như Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha, sẽ gặp trở ngại và phải tìm các nguồn cung cấp thay thế. Nhưng về lâu dài, đây không còn là trở ngại lớn. Trong khi đó, chính bản thân Iran bị mất đi một nguồn ngoại tệ quan trọng, và coi như Téhéran tự trói tay. Tôi không nghĩ là chính quyền Iran sẽ đóng cửa eo biển Ormuz, cho dù một số thành phần trong Quốc hội muốn có thái độ cứng rắn đó ».

Liên Hiệp Châu Âu không rúng động sau quyết định từng bước cấm vận dầu hỏa Iran. Trên thị trường dầu hỏa ngày 23/01/2012 giá dầu Brent chỉ tăng 0,5 % trong phiên giao dịch trong ngày, tức đã tăng giá rất ít so với hôm đầu năm, sau khi Téhéran đe dọa đóng cửa eo biển Ormuz, nơi mỗi ngày có tới 17 triệu thùng dầu phải được chuyển qua.

Bên cạnh đó, như vừa nêu, Ả Rập Xê Út cho biết sẵn sàng tăng mức xuất khẩu để cung cấp cho các thị trường châu Âu và Mỹ. Bộ trưởng dầu hỏa Ả Rập Xê Út khẳng định là Ryad hiện đang sản xuất 10 triệu thùng dầu/ngày nhưng có thể nhanh chóng tăng mức đó lên thành 12,5 triệu. Ryad qua đó muốn trấn an cộng đồng quốc tế, để khuyến khích một số các nước Á châu như Nhật Bản và Hàn Quốc ủng hộ các đường lối cứng rắn của Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu.

Đương nhiên tuyên bố của chính quyền Ả Rập Xê Út đã khiến Teheran phẫn nộ. Đại diện của Iran trong tổ chức các nước xuất khẩu dầu hỏa OPEP tuyên bố là Iran sẽ không khoan nhượng « với các quốc gia trong vùng vịnh Ba Tư có ý đồ tiếp tay với các nước thù nghịch (phương Tây) ».Dầu hỏa chiếm 90 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Iran, bảo đảm 80 % ngoại tệ cho Teheran. Với khả năng sản xuất ba triệu rưỡi thùng dầu thô một ngày, Iran là nhà sản xuất dầu hỏa lớn thứ nhì trong khối OPEP.

Tác động đối với Iran

Riêng đối với bản thân Iran, bên cạnh các hậu quả về phương diện chính trị, quyết định cấm vận của Liên Hiệp Châu Âu đang tác động ra sao đến nền kinh tế quốc gia Hồi giáo này ? Theo quan điểm của giáo sư quan hệ quốc tế tại Genève, Mohammad-Reza Djalili, trước mắt người dân Iran đang phải hứng chịu những hậu quả đầu tiên:

« Tôi nghĩ là sẽ có tác động. Trước tiên là tác động về kinh tế. Như đã biết Liên Hiệp Châu Âu từng bước áp dụng chính sách trừng phạt nhắm vào Iran từ nay cho đến mùa hè 2012. Dầu hỏa là một nguồn cung cấp ngoại tệ chính cho Iran, bảo đảm đến 80 % thu nhập cho quốc gia này. Việc không xuất khẩu được dầu hỏa sang một số thị trường đã khiến đơn vị tiền tệ của Iran tuột giá gần 30 % trong một vài tuần lễ. Trước Liên Hiệp Châu Âu, Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ đã từng siết chặt gọng kềm với Téhéran. Tuy nhiên đến nay, tất cả các chính sách trừng phạt đó đều chỉ mới ảnh hưởng tới đời sống của người dân Iran mà thôi »

Tuy vậy, cuộc đọ sức giữa Teheran với các siêu cường phương Tây đang diễn ra trong bối cảnh Iran đang gặp nhiều khó khăn kinh tế. Theo quan điểm của nhà xã hội học, giáo sư Azadeh Kian giảng dạy tại đại học Paris 7, những khó khăn kinh tế đang làm lung lay thế lực của thành phần bảo thủ ở thượng tầng cơ quan quyền lực Iran :

« Tình trạng kinh tế Iran chưa khi nào tồi tệ như hiện nay. Thất nghiệp và lạm phát tăng cao, đồng tiền thì bị mất giá. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ thúc đẩy Téhéran từ bỏ chương trình hạt nhân.

Quyết định của Liên Hiệp Châu Âu tuần qua và của Hoa Kỳ trước đó nữa đã khiến guồng máy lãnh đạo ở Teheran bị rạn nứt : Ngày càng có nhiều tiếng nói đòi Iran xét lại chính sách hạt nhân. Các biện pháp trừng phạt Iran được áp dụng từ năm 2006 đang đem lại những khó khăn cho quốc gia này về phương diện kinh tế và nhất là tài chính. Bên cạnh đó nhiều nhân vật trong chính quyền cũng bất bình về đường lối ngày càng độc đoán của giáo chủ Khamenei.

Nói cách khác, Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt Iran vào thời điểm nội bộ trong guồng máy lãnh đạo Teheran đang lục đục và đó là một sự rạn nứt ngay trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo thuộc cánh bảo thủ Iran. Do vậy tôi cho rằng chính sách trừng phạt của cộng đồng quốc tế, đang dẫn tới những tác động về phương diện chính trị đối với Iran ».

Một trong những hậu quả đầu tiên mà lệnh cấm vận của Bruxelles đem lại là đơn vị tiền tệ Iran, đồng rial, hôm 23/01/2012 đã tuột giá mạnh so với đô la. Trong một năm qua, đồng rial đã mất giá 50 % so với đô la Mỹ.

Lạm phát tăng cao, đồng rial mất giá, các lại các nhà lãnh đạo Téhéran thừa hiểu rằng đường lối cứng rắn của Iran trên vấn đề hạt nhân có thể là mầm mống gây nên bạo loạn.

Về mặt đối nội, vào tháng 3/2012 Iran bầu cử Quốc hội. Theo các chuyên gia, cánh cải tổ gần như đã bị « vô hiệu hóa » kể từ cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 6/2009. Hai lãnh đạo đang bị quản thúc tại gia. Vấn đề còn lại là tranh chấp quyền lực giữa những thành phần bảo thủ với nhau. Người dân Iran bắt đầu ngao ngán trước những khó khăn kinh tế chồng chất và không còn xem việc có nhà máy điện hạt nhân là một ưu tiên, hay là một vấn đề thuộc thể diện quốc gia. Do đó, lập luận cần phát triển hạt nhân mà chính quyền Amadinejad thường sử dụng từ trước tới nay sẽ không còn sức thuyết phục.

Về mặt đối ngoại, thì giáo sư Azadeh Kian giảng dạy tại đại học Paris 7 cho rằng Iran đang mất dần các điểm tựa trong khu vực, đặc biệt là vào lúc chính quyền của tổng thống Bachar Al Assad đang phải đương đầu với làn sóng dân chủ Syria.

Trên bàn cờ quốc tế, hiện tại Iran đang được hai thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là Nga và Trung Quốc yểm trợ, vì những quyền lợi kinh tế và chiến lược của bản thân Matxcơva hay Bắc Kinh. Nhưng giáo sư quan hệ quốc tế tại Genève Mohammad-Reza Djalili nêu lên câu hỏi là Iran có thể trông cậy vào hai đồng minh Trung Quốc và Nga cho đến khi nào ? Đó chính là lý do vì sao theo ông Téhéran đã có những tuyên bố trái ngược về đe dọa đóng cửa eo biển Ormuz và trên thực tế thì Iran sẽ không dám làm điều đó.

No comments:

Post a Comment