Trở Về Trang chính

Friday, February 3, 2012

Đầu năm Rồng nói chuyện Cá

Cuối năm con Mèo, phóng viên Anh Vũ (RFI) hân hoan tường thuật:

“Tại thủ đô Bình Nhưỡng, chính quyền hôm nay 24/12/2011 đã quyết định phân phối cá cho người dân. Đây là một món ăn từ bao lâu nay có thể nói là xa xỉ đối với cuộc sống thiếu thốn của người dân Bắc Triều Tiên. Tờ Rodong Sinmun không bỏ lỡ sự kiện này để tuyên truyền.
Tờ báo Rodong Sinmun đã cho đăng tấm ảnh chụp một gia đình vui mừng đến phát khóc trước chậu cá chuẩn bị phân phát và cho biết việc làm này là thể theo yêu cầu của chủ tịch Kim Jong Il trước khi chết.”


Cách tuyên truyền ngô nghê của Bắc Hàn khiến cho nhiều người Việt được một trận cười thoả thuê. Blogger Nguyễn Quang Vinh hê hê:

“Ai đời, thời buổi bây giờ mà bà con Bình Nhưỡng vẫn thèm cá, vẫn coi cá là món ăn xa xỉ thì kinh. Chẳng tin nổi. Mà nước họ cũng có biển bao bọc như nước mình cơ đấy…
Phân vân, thắc mắc chán chê hôm nay mới biết hóa ra như vầy: Thủ đô Bình Nhưỡng bắt đầu phát cá cho từng gia đình người dân. Bà con đang thèm cá, coi như đặc sản, coi như món ăn không bao giờ người nghèo dám mơ, bây giờ, đột nhiên chính phủ phát không cá về ăn, tin đó làm nhiều người dân Bắc Hàn cảm động vừa nhận cá vừa khóc. Chắc hai hôm nay, Bình Nhưỡng thơm lừng mùi cá rán, cá hấp, cá gỏi nhỉ.

Cách riễu cợt của nhà văn Nguyễn Quang Vinh khiến ai cũng phải phì cười. Riêng tôi, cười xong chợt thấy mắt cay cay khi sực nhớ đến chuyện cá mắm (ở chính đất nước mình) cách đây cũng chưa lâu lắm:

“Sắp đến ngày kỷ niệm Quốc khánh mùng 2 tháng 9, cả Hà Nội bừng sáng trong rừng khẩu hiệu và cờ hoa… Nơi các cửa hàng thịt cá mậu dịch người ta niêm yết trên bảng thông cáo: Các ô sổ phụ của phiếu thực phẩm tháng Chín bán cá bể, mỗi hộ được mua hai ký cá ngoài tiêu chuẩn để ăn mừng quốc khánh…”

Cá bể chưa về. Thế mà có mấy người chầu chực sắp hàng từ năm giờ sáng. Trời vào thu rồi mà vẫn nóng, đám người chờ mua đông đặc không ra hàng lối gì. Mồ hôi, mồ kê nhễ nhại…vừa lúc đó, thốt nhiên bên kia đường bật lên tiếng reo lớn:”Cá về! Cá về!…”

Lúc đó thì không còn hàng lối gì nữa, mọi người chen chúc xô đẩy nhau, ý ới gọi nhau. Từng lớp sóng người dồn lên rồi lại dạt xuống, khiến không còn chỗ cho những bà mậu dịch viên đổ hàng. Thế là lại phải giải thích cho mọi người lùi lại, nhường cho một khoảng trống. Có đến hai mươi phút sau cá mới được đổ xuống vỉa hè, chả cần thau chậu gì ráo. Và lũ ruồi đánh hơi mới tài làm sao! Chỉ loáng một cái chúng đã kéo đến hàng đàn, bám đen lên đống cá. Tôi không đủ can đảm để giữ tư cách nữa, cứ thế mà chen đẩy theo sức lực của mình. Đứng trước tôi là một thằng bé, không hiểu bằng cách nào mà len lỏi tới trước được, nhưng cũng khổ cho nó, mỗi khi đợt xô đẩy dồn tới là nó lại bị đè ngã vào đống cá …
(Thế Giang. “Lộc Thánh”. Thằng Người Có Đuôi. Costa Mesa: Người Việt, 1987. 119-123)

Bình Nhưỡng phân phối cá tươi cho người dân (Korea News Service



Cách phân phối cá ở Hà Nội (thưở ấy) so với Bình Nhưỡng hôm nay, rõ ràng, trông thảm hại và nhếch nhác hơn nhiều. Cái thời bao cấp (thổ tả) đó ở ta, may quá, đã qua. Sự dũng cảm và quyết tâm đổi mới của ĐCSVN đã đưa cả nước bước qua Thời Đại Hậu Tem Phiếu, để tiến vào nền kinh tế thị trường, cùng với sự cải thiện đáng kể về dinh dưỡng.

Người Việt (thôi) không còn bị ám ảnh vì con cá hay lá rau. Họ cũng thôi đặt gạch, hay xếp hàng cả ngày trước những cửa cửa hiệu mậu dịch quốc doanh – như những ngày xưa cũ nữa.

Người Hà Nội bây giờ có kẻ mua “rau sạch ở Thiên Đường Xanh; đồ Tây lấy ở cửa sau khách sạn Sofitel; bánhngọt ở L’Indochine; bánh bao hiệu Tâm Tâm, bánh mì ở Hilton cạnh Nhà hátlớn ; đường, dấm, muối, xì dầu và gạo Thái Lan ở Westside, ốc lại lên tận Tây Hồ, còn đồ khô đến chợ Hàng Bè… – theo như lời kể (chắc cũng có hơi cường điệu chút xíu) của nhà văn Phạm Thị Hoài. Cũng nghe nói là ở Hà Nội hôm nay có những tách cà phê hay những tô phở trị giá (cỡ) … nửa triệu đồng!

Câu thơ ngày xưa (Đảng còn kia bát phở hoá thành mơ) của Nguyễn Chí Thiện đã bị thời thế bỏ lại phía sau xa lơ, xa lắc. Uớc mơ của người dân Việt hôm nay, rõ ràng, đã vượt mức ăn/ mặc lâu rồi. Đã đến thời ăn/nói. Họ yêu cầu được đối xử như một con người, với những quyền hạn tối thiểu (tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do tư hữu…) như đa phần nhân loại, đang hiện hữu trên mặt đất này.

Họ có voi đòi tiên!

Điều đáng tiếc là những đòi hỏi thượng dẫn đều quá sức “chịu đựng” của chế độ hiện hành. Mâu thuẫn này khiến cho tình trạng xã hội Việt Nam xem ra có vẻ lôi thôi lắm, và e là sẽ còn lôi thôi lâu, cũng như (chắc chắn) sẽ lôi thôi lớn – trong tương lai gần.

Tình hình có lẽ sẽ ổn định hơn nhiều nếu mọi người vẫn cứ tiếp tục sống hai ký cá hàng năm, như hồi còn Thời Tem Phiếu. Thời ấy, theo lời của tác giả Kim Lan, trên diễn đàn Dân Luận: “Kẻ dốt nát thì như giun như dế, ai xéo lên cũng xong, ai bảo gì cũng nghe, ai bắt sao cũng chịu, chẳng khác gì trâu ngựa, dê chó.”

Thiệt là dễ nuôi và … dễ dậy!

Không tin, cứ nhìn Bắc Hàn mà xem. Có thấy một nhân vật đối kháng nào đâu. Đình công, biểu tình, khiếu kiện – tất nhiên – cũng khỏi có luôn. Nói chi tới chuyện trường kỳ xuống đường đòi lại lãnh thổ và lãnh hải bị xâm chiếm bởi ngoại bang. Có mà bị bắn bỏ hay đi tù cả nút.

Điều rầy rà là Hà Nội không thể quay ngược kim đồng hồ lịch sử để xã hội có thể trở lại cái thời vàng son như … Bình Nhưỡng hiện nay. Hà Nội cũng không thể tiếp tục giữ nguyên trạng là chỉ cho người dân ăn nhưng nhất định không cho họ nói. Hoặc chỉ cho phép họ nói năng, và cư xử, trong mức độ “khoan dung vừa phải” của một nhà nước pháp quyền…theo định hướng xã hội chủ!

Ông Trần Huỳnh Duy Thức, trước khi trở thành một tù nhân lương tâm, đã bàn luận về tình huống lưỡng nan hiện tại như sau:

“Trung quốc và Việt Nam … không thể tiêu hóa nổi kết quả đương nhiên của sự tiến hóa do vận động của nền kinh tế thị trường vốn bắt buộc đòi hỏi một thể chế chính trị ngày càng dân chủ … Mặc dù hai nước này đã chấp nhận kinh tế thị trường và nhận hưởng công trạng của nó, nhưng họ dường như không thấy được quy luật này diễn biến không thể đảo ngược như thế nào và nó sẽ đẩy tất cả các vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị đến đâu. Nên họ kịch liệt chống lại sự tiến hóa tất yếu này…”

Ông Trần Duy Thức bị bắt vào ngày 24 tháng 5 năm 2009. Gần ba năm đã trôi qua. Từ đó đến nay, cả đống nước sông (cùng nước suối, nước mưa, và nước mắt) đã ào ạt chẩy qua cầu và qua cống. Nhiều sự kiện đã xẩy ra khiến cho thái độ “kịch liệt chống lại sự tiến hóa tất yếu này” của Hà Nội – chắc chắn – sẽ không thể kéo dài lâu nữa, ít nhất thì nó cũng không thể lâu bằng bản án 16 năm tù mà chế độ này đã dành cho ông.

Câu hỏi đặt ra người Việt sẽ làm gì sau đó, sau khi những kẻ cầm quyền hiện tại buộc phải buông tay? Tương lai thường không tốt đẹp, hay sáng sủa gì cho lắm, đối với những ai không sẵn sàng để chờ đón nó. Mà dân Việt, xem ra, vốn có khuynh hướng ăn xổi ở thì chứ không có thói quen chuẩn bị. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này, vào tuần lễ tới, cũng trên diễn đàn này.

Tưởng Năng Tiến

No comments:

Post a Comment