Trở Về Trang chính

Friday, January 13, 2012

TRẦN VĂN BÁ: “CON RỒNG LẠC LONG CỦA BIỂN ĐÔNG”!

“Con rồng Lạc Long của Biển Đông đã u sầu câm nín
Vì xác người bạc sóng kêu than”

(Thơ Dương Như Nguyện)

Trong cuộc chiến Việt Nam vừa qua, một trong những tờ báo mà người Việt Quốc Gia miền Nam hết sức căm ghét là tờ l’Express của Pháp. Trong cuộc chiến tranh tự vệ của quân dân miền Nam chống lại cuộc xâm lăng của Cộng sản miền bắc, tờ báo này đã gây ra không biết bao nhiêu thiệt hại cho phía những người Quốc Gia. Tờ báo này đã gây ra không biết bao nhiêu thiệt hại cho phía những người Quốc Gia. Tờ báo này qua tay bỉnh bút thiên tả nặng ký Oliver Todd đã ra rả tung hô Hồ Chí Minh, đã bỏ công lặn lội vào các vùng do Cộng sản kiểm soát ở miền Nam và ca tụng, thần thánh hóa những cán binh Cộng Sản như những anh hùng của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau tháng Tư năm 1975, sự thật đã làm Oliver Todd mở mắt. Tháng 6-1978, tuần báo l’Epress đã đăng một bài mang tựa đề “Le Goulag Indochinois” (tạm dịch Đông Dương: Quần đảo Ngục Tù). Đây là một bài viết chứng minh sự phản tỉnh hoàn toàn của Oliver Todd.

Trong bài viết, ký giả phản tỉnh Oliver Todd đã nhắc tới một lời phát biểu của văn hào Nga lưu vong Solzhenitsyn. Trong cơn hấp hối của miền Nam, đoán trước sự chiến thắng của Cộng sản và những gì họ sẽ làm trong tương lai ở Việt Nam, ngày 11 tháng Tư năm 1975, văn hào người Nga này đã gửi đến thế giới một thông điệp vắn tắt: “Toàn thể nước Việt Nam sẽ trở thành một trại tập trung.” Lời tiên đoán này đã trở thành sự thật.

Tiếp theo đó, Oliver Todd còn viết nhiều bài vạch trần những mặt trái của xã hội Cộng sản mà bấy lâu nay được che lấp bởi hào quang và huyền thoại. Một trong những tác phẩm của Todd là quyển “Cruel Avril 1975: La Chute de Saigon” (tạm dịch Tháng Tư Đen 1975: Sự sụp đổ của Sàigòn) để tưởng niệm và tôn vinh một người Việt Nam mà ông đã có dịp gặp gỡ: Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Paris Trần Văn Bá.

Có lẽ mọi người còn nhớ, Trần Văn Bá là con của cố Dân biểu Trần Văn Văn, du học tại Pháp từ trước 1975 và giữ chức Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris. Trong những ngày cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Pháp lúc ấy là Nguyễn Duy Quang đang chuẩn bị bàn giao Đại sứ quán VNCH tại Paris cho đại diện Ngoại giao của Cộng sản và không thiêu hủy các hồ sơ mật. Chính Trần Văn Bá đã cùng các sinh viên trong Tổng hội Sinh viên Việt Nam trèo lên tầng lầu chứa các hồ sơ và tiêu hủy các hồ sơ đó.

Ai đã từng theo dõi cuộc đấu tranh chống Cộng của người Việt tại Pháp trong giai đoạn 1975-1980 chắc hẳn không ai mà không biết Trần Văn Bá, một trong những người lãnh đạo chủ chốt.

Cùng với các ông Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh (đồng Chủ tịch Mặt trận Thống nhất các Lực lượng Yêu nước Giải phóng Việt Nam), Trần Văn Bá trở thành một trong những bộ óc lãnh đạo của tổ chức kháng chiến này.

Ngày 6 tháng 6 năm 1980, sau năm năm chuẩn bị và trăn trở suy nghĩ, chán ngán các trò tranh đấu chống Cộng bằng những cuộc thảo luận tại những phòng khách sang trọng ở các thành phố, thủ đô pháp, Mỹ, Trần Văn Bá bay sang Thái Lan. Dưới bí danh C.4 trong tổ chức, anh đã góp phần tuyển mộ, tổ chức, huấn luyện cho các chiến sĩ kháng chiến, chuẩn bị xâm nhập quốc nội.

Kỷ niệm hai năm ngày rời Paris, từ vùng hoạt động, anh gửi ra ngoài một lá thư, có đoạn viết:

“Tôi vẫn mạnh khoẻ. Thật là gay go và cực khổ. Nhưng tôi cảm thấy được sự liên đới mật thiết giữa tôi với quê hương nghèo khổ, bất hạnh và đói khát. Công cuộc giải phóng đất nước, chủ yếu sẽ là công trình của những người kháng chiến quốc nội, chứ không phải của các chính trị gia lưu vong. (do tác giả bài này in đậm).

Trong những ngày anh còn ở Thái Lan, ông Trần Văn Tòng, anh ruột của anh (sau này là Chủ tịch Ủy ban Quốc tế Trần Văn Bá, trụ sở ở Paris) đã đến thăm và đã được anh tâm sự: “Quả thật là em đang làm cái chuyện đội đá vá trời.”

Và rồi, từ giã C.1 (bí danh của ông Lê Quốc Túy) anh cùng C.2 (bí danh của ông Mai Văn Hạnh) và một số chiến hữu khác mang vũ khí, đạn dược, phương tiện liên lạc xâm nhập quốc nội.

Sa cơ, anh và ông Mai Văn Hạnh cùng một số chiến hữu cùng xâm nhập và một số chiến hữu cơ sở quốc nội bị Cộng sản bắt.

Bạo quyền Hà Nội đã mở một phiên tòa hát bội, được quảng cáo rùm beng ngày 19-12-1984 tại Nhà hát Thành phố Sàigòn để xử anh cùng 21 chiến hữu khác trong tổ chức.

Phiên tòa này, thực chất chỉ là một cuộc trình diễn hình thức và đọc lên các phán quyết đã được định trước: 5 án tử hình dành cho các ông Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá, giáo sư Hồ Thái Bạch, Huỳnh Vĩnh Sanh Lê Quốc Quân (em của ông Lê Quốc Túy).

Trước phiên tòa, Trần Văn Bá đã giữ trọn vẹn khí phách của một chiến sĩ Quốc Gia can trường. Mặc dù theo luật, các tử tội có thể xin ân xá, nhưng anh đã thẳng thừng từ chối.

Trong số những người từ bên ngoài xâm nhập Việt Nam để hoạt động, có hai người lãnh án tử hình là Trần Văn Bá và Mai Văn Hạnh. Ba người còn lại thuộc cơ sở quốc nội.

Trong những người này, chỉ có ông Mai Văn Hạnh là thoát khỏi mũi súng của đội hành quyết. Là công dân Pháp, ông được chính phủ Pháp tích cực can thiệp và đã được thả về Pháp sau nhiều năm tù. Trần Văn Bá và các chiến hữu khác đã lần lượt đền nợ nước trong năm 1985.

Trong phiên tòa, một cán bộ cao cấp của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, đóng vai trò công tố viên, đã lồng lộn quy kết cho Trần Văn Bá và các chiến hữu của anh những tội danh nặng nề nhất. Đồng thời cũng lên án các “thế lực phản động quốc tế, bọn bành trướng Bắc Kinh, quân phiệt Thái Lan” đã tiếp tay hỗ trợ cho Mặt trận Thống nhất các Lực lượng Yêu nước Giải phóng Việt Nam. Đặc biệt Hà Nội đã tố cáo đích danh Tình báo Lục quân Thái Lan do Tướng Yongchaiut, Tham mưu trưởng Lục quân Thái lan vào lúc đó chỉ huy đã tận tình giúp đỡ tổ chức này. Youngchaiut sau này trở thành Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Thái Lan và đã qua thăm Việt Nam.

Anh Trần Văn Bá đã chết. Hơn hai mươi năm đã trôi qua. Oliver Todd đã đặt câu hỏi:

“Cũng như những người kháng chiến vô danh khác, Trần Văn Bá là người của lý tưởng hay thực tế, can đảm hay mạo hiểm? Anh là một anh hùng gương mẫu hay là một kẻ tuễn đạo vô ích? Cuộc đấu tranh mà anh bá theo đuổi là một cái gì đó mơ hồ, tuyệt vọng hay một thách đố xứng đáng để chúng ta kính phục, thông cảm và ủng hộ?”

Đối với người Việt Nam chúng ta, có lẽ không cần thiết phải đặt ra một câu hỏi như vậy. Rõ ràng anh Trần Văn Bá là một người tranh đấu vừa lý tưởng vừa thực tế, can trường và dám mạo hiểm. Anh là một anh hùng gương mẫu và là một kẻ tuẫn đạo, và con đường anh đã theo đuổi, cuộc đấu tranh của anh là một thách đố hết sức xứng đáng để chúng ta kính phục và hết lòng biết ơn.

*

Trong 27 năm qua, đã có nhiều người làm thơ ca tụng anh hùng Trần Văn Bá.

Trong đó có bài thơ “TÔI CHƯA BIẾT MÀ ĐÃ GỌI TÊN ANH” của nhà văn Dương Như Nguyện, tác giả “Daughters of the River Hương”, theo tôi, là một bài thơ chắc chắn sẽ sống mãi với thời gian.

“Trần Văn Bá

Tôi chưa biết anh

Mà đã hình dung ra đứa bé trai chạy chơi ở Cù Lao Cát,

Đứa bé thích hội họa, thích máy bay, ở tuổi ngây thơ chắc đã ơ làm nên vũ trụ, như họa sĩ, như nhà phát minh cơ khí.

Ngày mẹ đặt vào nôi, đặt luôn tên anh là chính đạo.

Mộng bá vương là mộng giúp đời, như tùng bách trong rừng sâu,

Cô độc mà nghênh ngang,

Cao vời mà nhân đạo

Cương quyết trong ân cần.

Anh đó,

Nuôi dưỡng bằng đất bồi Cửu Long,

Tim đỏ thắm như bã trầu quê mẹ, sinh con trai lớn lên là cách mạng, ôi cách mạng Thế Giới Thứ Ba nổi trôi hơn thân phận con người.

Thóc thơm,

Gạo trắng,

Gió hiền

Miền Nam phì nhiêu nắng ấm.

Mang vào đời anh chân thiện mỹ giữa hai lằn tư tưởng Đông Tây

Tư tưởng mở tung xíxh xiềng nhược tiểu, cởi trói lý thuyết vô bằng.

Anh không chỉ nói mà làm.

Anh chỉ làm, mà không cần nói.

Đứa bé trai lớn lên ở vựa lúa phương Đông, rồi đứng ở phương Tây,

Đọc sách mà trông về phương Đông, ửng một khối trùng trùng khí phách.

Khí như khí hiên ngang của loài cây không biết ngã

Phách như phách linh thiêng của rừng già không dấu chân người qua.

Tôi chưa hề biết tên anh

mà đã hình dung ra một thiếu niên có đường môi cong, mặc áo len trong trời thu Đà Lạt.

Tôi hình dung ra

phố thị cao nguyên khi tấp nập khi đìu hiu mà anh đã một lần đi qua, với đôi chân đùa nghịch của tuổi trẻ.

Trời Đà Lạt thấp sương mù, mang cái lạnh của Hoàng Triều Cương Thổ, anh đã mang mùa thu Đà Lạt vào đôi mắt hiền lương.

Đôi mắt của niềm tin chính đạo, của loài cây vương bá trong rừng già.

Khi sách vở bạn bè Yersin chưa nhận ra chân dung người đi tìm công lý trong cuộc đời,

thì trường lớp cao nguyên vẫn là hàng rào không hoa trái, cản chân anh trong khuôn khổ bình an.

Nhưng ròi

Bình an không còn nữa

Khuôn khổ xóa đi

Một lần

trong hoa lệ Sài Thành, trên vũng máu chính trị vô nhân,

giây phút cha anh nằm xuống,

là ngày vương đạo lên ngôi.

Vương đạo trong lòng bàn tay anh

Chỉ tay ngoằn ngoèo của những người luôn mơ tạo dựng lại vũ trụ,

Chỉ tay phức tạp mà an bài như định mệnh, cho cuộc đời đã trót đi theo đường đã vạch rồi.

Đường đã vạch rồi.

Tôi chưa hề biết anh

mà đã hình dung ra người thanh niên mặc áo sô trắng, chit khăn tang

khóc cha trong lòng dân tộc

Ôi trong lòng dân tộc…

Anh có hay chăng… một ngày

Cũng trong lòng dân tộc, anh bắt đầu cuộc hành trình

Để rồi

bên ngoài dân tộc.

Có tiếng khóc anh

Ở hành lang đại học

Ôi hành lang đại học

Là nơi giấc mộng của loài cây trong rừng già bắt đầu ươm trái

Cho anh và cho tôi.

Khi Phương Tây rộng ở, đón anh vào

vành môi cong thiếu niên đã đượm nét ưu tư,

Tim óc anh đã nhập vào vòng lịch sử.

Lịch sử oái oăm khi lá cờ đổ xuống, anh đã hăm hở dựng lên.

Lịch sử thách thức vương đạo trong lòng bàn tay anh,

Lịch sử réo gọi trái tim nuôi dưỡng bằng gạo trắng Cửu Long,

chảy vào Đông Hải.

Anh đã làm theo đường đã vạch rồi, trong khi bao người còn đứng nói.

Bao người nói cũng không thành một bước anh đi, một việc anh làm, theo đường đã vạch rồi.

Ôi đường đã vạch rồi…

Như Cửu Long đổ vào Đông Hải,

Định mệnh anh thành dòng huyết nhục cội nguồn tan biến vào ngàn khơi.

Tôi chưa hề biết anh

Mà hình dung ra những con đường mang dấu chân anh.

Từ bầu trời rực nắng của tháng 6 Paris mùa oi ả, khi âm nhạc đổ dồn vào phố xá tưng bừng.

Ai đó còn nghe tiếng kèn đồng của người nhạc sĩ vĩa hè…

Qua đến tháng 12, ưa tuyết Paris phủ trắng dòng sông Seine.

Đếu đây vọng tiếng hồ cầm trong giai điện cuối cùng.

Còn văng vẳng tấu khúc khong trọn vẹn của Schubert trước khi đêm xuống là đứt ngang giấc mộng.

Những nơi chốn anh đã nằm, ngồi, cười, nói, đã suy tư, đã uất nghẹn, từ Đà Lạt đến Paris.

Từ Paris quay lại những nẻo đường đất nước.

Anh đã trở về.

Ôi lục tỉnh lầm than, nơi bùn lầy nước đọng, con rồng Lạc Long của Biển Đông đã u sầu câm nín

Vì xác người làm bạc sóng kêu than.

Này đây biên giới

Này đây rừng nước với cù lao.

Này đây những người vất vưỡng trong nghèo đói, trong chính sách tiêu diệt hết một thế hệ phải buông súng, chịu cúi đầu.

Anh đã thấy, đã nhìn, và đã biết.

Đã chua xót đau lòng,

Đã bất nhẫn, đã buồn hiu.

Ngày một ngày hai.

Anh đội đá vá trời.

Dầm ưa, dãi nắng,

Giã từ nhung lụa,

Chốn bỏ vinh thân,

Tất cả.

Đưa bàn chân anh tới,

Lót đường cho anh đi,

Đẩy anh về Cha,

Chgo anh xa rời Mẹ.

Ôi đường vào dân tộc là túi mật của kẻ tử tù. Ôi Cửu Long, Cù Lao Cát, Đà Lạt, Sàigòn, Paris và Biên Giới.

Tuồng diễn trâng tráo nhà hát lớn, vách tường vô nhân, cay nghiệt nhà lao, và tiếng súng nổ sau cùng…

Tôi chưa hề biết anh

Nhưng đã nghe nhân loại kể chuyện những người không chịu chết, chỉ biết khuất phục trước hai sức mạnh: Tình Yêu và Tổ Quốc.

Trong anh, TìnhYêu chưa một lần đến,

Mà Tổ Quốc đã một lần đưa.

Tôi chưa hề biết anh

Nhưng đã khóc ngày anh nằm xuống.

Anh nằm xuống như cha gaì đã nằm xuống,

Anh nằm xuống cho mẹ già đứng bên cạnh biểu ngữ trước nhân loại, khi nước mắt xót thân con phải chảy ngược vào lòng.

Trên con đường Thiên Lý và Thiên Cổ

Bên vong linh những Thiên Tài không chịu chết…

Anh đã đi vàoThiên Thu.

Tôi chưa hề biết tên anh

Đứng cho vơ bên này bờ đại dương,

tôi sẽ gọi tên anh cho tất cả những thiếu nữ có ánh mắt làn môi Gina Lolobrigida ngoài lòng đất nước,

con tim vẫn óng ánh đường gươm của rừng già Mê Linh,

nơi mà tùng bách ngàn đời còn đứng vững,

đôi môi son còn mang guóc mộc của rừng Thanh Hoá,

muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làm sóng dữ, trên con đường anh đã đi qua,

Trong âm thầm.

Tôi sẽ gọi tên anh cho tất cả những nam nhân ở ngưỡng cửa đại học đường, mặc áolen, mang giấc mộng kinh bang tế thế,

Trên viền môi cong nghịch ngợm, nói tiếng Anh, tiếng Pháp, nhưng vẫn đánh vần chữ Việt,

Đôi mắt hiền lương đọc Camus, Steinbeck, nhưng trên diện ạo vẫn còn phảng phất vần trán vuông và chiếc cằm vuông Nguyễn Thái Học…

Ngày xưa đã có người viết sử cho 13 người trai trẻ lên đoạn đầu đài…

Nay mai, ai sẽ là người viết sử do anh làm ra,

Nhánh thông non,

Cây cao rừng già

TRẦN VĂN BÁ

TRẦN VĂN BÁ

vì thế

Tôi chưa hề biết anh

Nhưng sẽ gọi tên anh

Những sáng tuyết trắng trời Tây.

Những trưa nắng khét sa mạc bên này biển,

Khi người nhạc sĩ blue jazz đã buông kèn đồng trong hầm rượu tối.

Khi tiếng réo rắt cuối cùng Hồ Cầm đã ngừng giai điệu.

Tôi sẽ gọi tên anh,

Trong trầm tư mộng mị

Trong thương nhớ u hoài,

Trong ánh nến lung linh tôi thắp trong lòng, ngọn nên không bao giờ tắt, cho riêng anh.

Tôi chưa hề biết anh

Nhưng đã gọi tên anh

TRẦN VĂN BÁ”.

*

Ai đó đã nói: “Chết vì nước là sống mãi với thiên thu!” Cũng như anh hùng Nguyễn Thái Học và 12 liệt sĩ lên đoạn đầu đài ở Yên Báy vào thập niên 1930 đã sống mãi với thiên thu!

Trần Văn Bá – “Con Rồng Lạc Long của Biển Đông” cũng sẽ sống mãi với Thiên Thu!

Cũng như bài thơ “Tôi Chưa Biết Mà Đã Gọi Tên Anh” của nữ sĩ Dương Như Nguyện sẽ là bài sử thi sống mãi trong giòng lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam bất khuất, hào hùng!

NGUYỄN THIẾU NHẪN

http://nguyenthieunhan.wordpress.com

No comments:

Post a Comment