Trở Về Trang chính

Thursday, January 26, 2012

Suy thoái đạo đức vì ‘sai từ gốc’

Những biểu hiện xấu đủ kiểu hiện nay ở Việt Nam không có gì khác, thậm chí về mức độ tồi tệ thì công bằng mà nói, còn kém nhiều thứ tương tự đã và đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.

Nhưng đây là hệ quả của những sai lầm đã mắc phải và kéo dài làm trì trệ tệ hại và méo mó đến nguy hiểm đến sự phát triển của đất nước.

Một công dân ít học sẽ thấy rằng so với những năm tháng dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, so với thời kỳ dài gian khổ chiến tranh hoặc những ngày Cải cách Ruộng đất đẫm máu và nước mắt, cải tạo mà thực chất là tiêu diệt công thương nghiệp tư doanh, rồi ngăn sông, cấm chợ, bị bao vây kinh tế bốn bề, chiến tranh biên giới…thì Việt Nam hiện đã bảo đảm được hòa bình, phát triển ổn định và có những bước tiến vượt bậc về kinh tế, chính trị, xã hội.

Và đó một phần quyết định là do công lao lãnh đạo, chèo lái tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sai lầm hiện có, tuy khá trầm trọng, của cả đảng viên lẫn nhân dân là thường tình của một nước từ lạc hậu đang vươn lên, rồi chúng tất yếu sẽ được khắc phục mà thôi.

Số người hiểu như anh công dân này hiện chiếm tới khoảng trên dưới 60 – 70 % dân số.
Từ góc độ một nhà trí thức, một nhà giáo, hay một nhà báo am hiểu chính trị, thì Việt Nam hiện nay rõ ràng là đang quá nhiều bê bối.

Sự tiến bộ ít nhiều về kinh tế, chính trị, xã hội đã có, được coi là đương nhiên của một nước đã giành lại độc lập và kiến thiết sau chiến tranh, nhưng sẽ có những thành quả lớn hơn rất nhiều, nếu sau khi đã lãnh đạo nhân dân giành độc lập dân tộc đảng Cộng sản thực hành ngay tư tưởng đại đoàn kết, rộng hơn là minh triết của Hồ Chí Minh, cải cách dân chủ đa nguyên, xây dựng nhà nước pháp quyền tam quyền phân lập, cơ chế thị trường tự do và xã hội dân sự đầy đủ.

Như thế thì Việt Nam đã khác hẳn bây giờ, không hơn thì cũng chẳng kém các con rồng châu Á, như Hàn Quốc hoặc Singapore.

Nhưng không. Sau 1975, lúc đầu mới thấy xuất hiện những dấu hiệu vô lý trong quản lý xã hội, sau mới nhận ra là do sự thiếu kinh nghiệm, thậm chí ngu dốt của nhiều người trong giới lãnh đạo các cấp, cuối cùng mới vỡ lẽ ra là có những lực cản rất lớn, đó là ý thức hệ Marx Lenin, trong đó rường cột là giai cấp công nhân độc quyền mất dân chủ, rồi hậu quả nẩy sinh từ sự kéo quá dài của đường lối đó, gần đây đã phát triển đến mức tha hóa đạo đức xã hội trầm trọng.

Tha hóa trước tiên là trong giới cầm quyền, sau đó lan ra toàn dân.

Sai lầm rành rành mà không được lãnh đạo rất nhiều nhiệm kỳ kịp thời tiếp thu, sửa chữa đã gây ra những sự bức xúc, căn giận, rồi phản kháng các kiểu, và ranh luận lẫn nhau về đối sách của người dân trước chính quyền hiện nay.

Rất tiếc, số lượng người am hiểu như trên chỉ có khoảng 10 – 15% dân số toàn quốc.

Cả một quá trình

Còn từ góc độ một nhà nghiên cứu nghiêm túc, anh ta đi từ quá trình tiến hóa của loài người và thấy rằng nước ta và Trung Quốc về trình độ văn hóa và tổ chức xã hội, gần đây vẫn mới đang ở giai đoạn mà các nước phương Tây đã trải qua trước đây khoảng gần hai thế kỷ, khi họ mới thực hiện thành công các cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ và mới từng bước khắc phục được tàn dư lâu đời của chế độ phong kiến.

Nhà nghiên cứu đương nhiên chú ý đến nguyên nhân sự phân rã thế giới làm hai phe. Phe có động lực rất mạnh để phát triển một cách tự nhiên là chủ nghĩa tư bản dựa trên triết lý tự do.
Ở đây nhân tài lãnh đạo sự phát triển xã hội được chọn lọc thông qua cạnh tranh tự nhiên từ trong tầng lớp ưu tú mọi giai cấp xã hội được phát triển từ đường lối tự do, dân chủ, nhân quyền, nhà nước pháp quyền và coi trọng xã hội dân sự.

Phe kia theo học thuyết của Marx, lấy công bằng làm nền tảng tư tưởng cốt lõi nhất, vì vậy cần có kỷ luật trật tự xã hội rất nghiêm (kỷ luật sắt, khác ta là địch).

Vì lấy công bằng làm đường lối cốt lõi để tổ chức quản lý xã hội, nên mọi người không thể tự do, muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm để không có thể giầu có vượt trội lên.

Thương cảm nhưng sai lầm

Chủ nghĩa Marx xuất hiện trước tiên là từ cội nguồn cái tâm nhân đạo của Marx và Engels.
Tuy có cái tâm thương cảm những người cần lao khổ cực, nhưng hai ông đã nghĩ chưa chín và do đó đã phạm một sai lệch triết học lớn và một bất công mới.

Hai ông đã bỏ qua một nhận xét rằng, các nhà tư bản cũng là những con người, họ cũng cần được sống và được kiếm sống như những người công nhân.

Marx có thể không nhận ra rằng, sự bóc lột chỉ nảy sinh khi đã hiện diện một bên giàu làm chủ và một bên nghèo làm thuê rồi.

Vậy xã hội tồn tại trước khi phân liệt ra hai tầng lớp xã hội giầu nghèo khác nhau ấy là cái gì?

Phải chăng là sự khác biệt tự nhiên – chưa mang mầu sắc đạo đức, hay giai cấp – của những cá thể khác nhau, do Trời Phật hay Chúa sinh ra và sự ganh đua tự nhiên của những con người đó trong quá trình mưu sinh và đi tìm hạnh phúc đã làm nảy sinh ra một cách tự nhiên vô thức sự khác biệt giàu nghèo.

Muốn khắc phục bất công đó, không thể tạo ra một điều gì lại mang tính bất công mới, trong trường hợp của Mác, sự bất công mới đó chính là chủ trương tiêu diệt giai cấp tư sản, thực hành chuyên chính vô sản, cấm đoán tự do dân chủ, đảng của giai cấp công nhân độc quyền lãnh đạo.

Vậy làm thế nào để tránh được bất công giàu nghèo mà lại tránh sa vào một sự bất công mới?

Đó là đường lối thỏa thuận điều tiết hòa bình giữa các giai cấp thông qua một Nhà nước pháp quyền, tam quyền phân lập, một cơ chế thị trường tự do có điều tiết của chính phủ vì dân, do dân và của dân, và một xã hội dân sự hoàn chỉnh.

Khác biệt nhận thức

Đến đây, ta nhận thấy, mới phân tích để nhân diện tư duy và quan điểm của mới có ba tầng lớp dân cư của Việt Nam, đã thấy có những mức độ khác biệt rõ rệt.

Vì vậy, trong xã hội ta hiện có biết bao hoàn cảnh, trí tuệ và lương tâm khác nhau, từ đó nẩy sinh rất nhiều chính kiến:

Đó là Kiên định Chủ nghĩa Xã hội kiểu cũ; Cải cách triệt để, kiên trì Xã hội Chủ nghĩa đích thực, ủng hộ và khuyến khích Ban lãnh đạo mới của Đảng; Đối lập trung thành; Đạp đổ nhanh để xây mới lại hoàn toàn; Đấu tranh dân chủ, nhân quyền.

Tôi đã có lần viết trong một kiến nghị gửi Trung ương Đảng rằng, chính Bộ Chính trị của Đảng ta hiện nay cũng là nạn nhân của những sai lầm quá khứ của Đảng.

Mà sai lầm quá khứ của Đảng lại bắt nguồn từ những phần sai lầm của chủ nghĩa Marx-Lenin, mà phần sai lầm của chủ nghĩa đó lại là hậu quả của những tư duy chưa chín mùi và chưa đủ độ sâu sắc về quan điểm đạo đức của Nhân loại.

Quan điểm đúng là phải thoát ra khỏi tính Con trong Con Người hiện nay, phải thoát nhanh hơn ra khỏi sự u mê cạnh tranh theo luật rừng , lấy thịt đè người của các giống Con trong rừng, để tự giúp nhau cải hóa cho nhanh để trở thành những thực thể Người thực sự trên Trái Đất này.

Nói như thế là để không quy trách nhiệm sai lầm về lý luận vào riêng một ai, nhưng mà để cương quyết sửa chữa những sai lầm đã mắc phải và kéo dài làm trì trệ tệ hại và méo mó đến nguy hiểm sự phát triển đáng có của một đất nước đã từng anh hùng, có một nhân dân đã từng anh hùng nhưng đến nay đã bị biến dạng đi khá nhiều do những sai lầm tệ hại của Chủ nghĩa Xã hội Hiện thực trên thế giới gây ra.

Quay lại vấn đề thời sự của chúng ta hôm nay: Do đâu có sự tha hóa đạo đức xã hội trầm trọng như đang xảy ra và đã được đánh giá rất xác đáng trong các văn kiện Đại hội Đảng?

Đó là sai lầm trong vận dụng kéo dài những phần sai của chủ nghĩa Marx-Lenin, thiếu nghiêm túc, thiếu nghiêm chỉnh kiên trì vận dụng tư tưởng đường lối và đạo đức sáng ngời của Hồ Chí Minh: Đoàn kết, đại đoàn kết, trân trọng và liên kết cả những tư duy và lực lượng đối lập như là những yếu tố phản biện tích cực, thực hành đường lối Lấy Dân làm gốc, Dân chủ, Cộng hòa để có Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.

Bài viết được rút gọn từ bản dài hơn của tác giả Vũ Duy Phú, Viện Những Vấn đề Phát triển (VIDS) tại Hà Nội, Việt Nam.

Nguồn: BBC

No comments:

Post a Comment