Trở Về Trang chính

Thursday, January 12, 2012

Rồng trong huyền thoại phương Tây

Vũ Nam Hải sưu tầm


Rồng đã xuất hiện từ rất lâu trong truyền thuyết của nhiều dân tộc từ Âu sang Á; thế nhưng trong khi người Á châu coi rồng là một giống vật linh thiêng cao quý và đầy quyền năng thì người Âu châu coi rồng là một loài quái vật có sức mạnh không hai, rất hung dữ và độc ác.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến quan niệm trên về rồng của người phương Tây. Một trong những nguyên nhân ấy là do sự mô tả về rồng trong Kinh Thánh của Thiên Chúa giáo. Trong sách Cựu Ước nói đến một con rồng có tên Leviathan là một loại thuỷ quái khổng lồ. Còn trong sách Tân Ước nói tới một con rồng 7 đầu 10 sừng, đó chính là quỷ Satan vốn là một thiên thần nổi loạn, sau bị Thánh Michael đánh bại và đày xuống hỏa ngục. Cả 2 rồng Leviathan và Satan đều tượng trưng cho tội lỗi và sức mạnh của ma quỷ.

Một nguồn gốc khác của rồng phương Tây là do từ chữ “rồng” theo tiếng Hy Lạp. Chữ “rồng” tiếng Anh là dragon bắt nguồn từ chữ Hy Lạp đọc là “dra-kon”, mang nghĩa “con rắn khổng lồ”, và từ động từ đọc là “dra-kê-in” mang nghĩa “nhìn thấy rõ ràng”. Từ đó rồng thường được mô tả là có đôi cánh rộng lớn nên bay rất cao trên trời và nhìn thấy rõ ràng mọi sự bên dưới. Do vậy, rồng còn được coi là biểu tượng của khả năng thấy được toàn cảnh hay thấy được những gì sẽ xảy đến trong tương lai.


Rồng phương Tây
Nguồn: OntheNet
Một giải thích khác cho hình ảnh rồng phương Tây là vì người phương Tây đã tìm thấy xương của loài khủng long (dinosaur) thời tiền sử. Dựa vào hình dáng và kích thước của những khúc xương to quá mức bình thường ấy mà người ta tưởng tượng ra loài rồng, điển hình là loài khủng long Dracorex. Nói chung, rồng phương Tây thường được mô tả là con rắn khổng lồ có 2 cánh, có vảy cứng, có răng và móng sắc, có sừng nhọn, có nọc độc và phun ra lửa.


Bộ xương Dracorex
Nguồn: The Childrens Museum of Indianapolis
Rồng trong các truyện cổ tích dân gian Tây phương thường sống ở những nơi tối tăm và hoang vu như các hang động sâu trong núi và có nhiệm vụ canh giữ một kho báu. Rồng thường hung bạo, thích giết người, nhưng cuối cùng đều bị tiêu diệt bởi một vị anh hùng hay dũng sĩ. Trong những câu chuyện ấy rồng là biểu tượng cho sự dữ, cái ác, hay ma quỷ cần bị trừ khử. Rồng còn tượng trưng cho phần tối tăm trong con người như lòng tham, dục vọng, và bạo lực; vì thế, một người dám giết rồng tức là người ấy dám chiến đấu chống lại những bản năng đen tối của con người.

Một truyền thuyết về dũng sĩ diệt rồng được nhiều người biết đến nhất là truyện Thánh George.

Tương truyền St. George vốn theo đạo Kitô, trong đội ngự vệ của hoàng đế Diolectian xứ La Mã, sau đó. Lúc đó ở một nước nọ, có một con rồng đến chiếm giữ con suối duy nhất. Người trong vùng muốn đến lấy nước từ con suối này phải dâng nộp cho rồng một cô gái đồng trinh. Thế rồi tới lượt chính công chúa là cô gái xấu số phải ra đi nộp mình. Nhưng may thay, St. George tình cờ đi ngang qua, ông lập tức đến con suối nọ tìm rồng ác. Cuối cùng St. George giết được rồng và đưa công chúa trở về.

Đến khi hoàng đế Diocletian ra lệnh hành hình tất cả những người theo đạo Thiên Chúa dọc suốt đế chế La Mã thì St. George đã kháng lệnh. Ông cho mọi người biết mình theo đạo Thiên Chúa và lên án mệnh lệnh tàn khốc này. St. George bị tra tấn và bị chém đầu tại Nicodemia tháng Tư năm 303 sau Công nguyên. St. George được Giáo Hội phong là thánh tử vì đạo. Về sau nước Anh tôn vị hiệp sĩ này là thánh bảo hộ của quốc gia (1).


Thuyền Drakkar
Nguồn: edupics.com
Rồng cũng còn được dùng làm biểu tượng cho chiến tranh. Những con tàu của người Viking được gọi là drakkar hay drekar . Khác với “long thuyền” của Trung Hoa là thuyền chở nhà vua, drakkar là tàu chở những đoàn chiến bình Viking đi đánh cướp trên khắp vùng biển châu Âu. Trước mũi tàu gắn một cái đầu rồng bằng gỗ vì tin rằng có thể ngăn ngừa những con rắn biển và tà ma trên biển.


Xứ Wales trong Vương quốc Anh đã lấy rồng làm quốc kỳ – The Welsh Red Dragon, với hình rồng đỏ trên nền xanh và trắng. Theo huyền sử Britain từ đầu thế kỷ thứ 9, có hai giống rồng đỏ và trắng giao tranh ác liệt. Rồng đỏ tượng trưng cho người Welsh còn rồng trắng tượng trưng cho người English. Cũng có lời tiên tri rằng sau nhiều năm dài gian khổ cuối cùng người dân Welsh cũng đánh đuổi được người English ra khỏi đất nước. Nhà vua Cadwalader đã mang hình rồng đỏ trên vai áo như biểu tượng của lòng can đảm và chí kiên cường. Vì thế, con rồng đỏ xứ Wales còn được gọi là “The Red Dragon of Cadwallader”.



Air Wales
Nguồn: wikipedia
Trường ca Iliad là tác phẩm đầu tiên của Cổ Hy Lạp nhắc tới rồng khi mô tả dũng sĩ Agamenon có mang hình một con rồng xanh trên bao kiếm và một con rồng 3 đầu trên ngực áo giáp.

Truyện thần thoại Hy Lạp nói rất nhiều đến rồng. Trong “12 Kỳ Công của Hercules” có kỳ công thứ 11 là Hercules phải lấy được những quả táo vàng của chúa tể thần Zeus. Cây táo này vốn là một tặng phẩm của nữ thần Hera, vợ cả của thần Zeus, tặng cho chồng làm quà cưới. Cây táo được canh giữ ngày đêm bởi một con con rồng 100 đầu có tên Ladon. Để lấy được táo, Hercules đã bắn chết Ladon bằng những mũi tên có tẩm thuốc độc. Nữ thần Hera rất thương tiếc Ladon nên đã biến xác rồng thành những vì sao, tạo nên chòm sao Drako (tênViệt là chòm sao Thiên Long).


Với một dũng sĩ có sức mạnh phi thường như Hercules, vốn là con trai của thần Zeus chúa tể, thì việc giết rồng không phải là chuyện quá khó khăn, nhưng với những dũng sĩ chỉ có sức lực hơn người thường một chút thì việc giết rồng xem ra không dễ dàng gì.

Như trường hợp của Jason - cũng là một dũng sĩ trong thần thoại Hy Lạp. Jason phải vượt qua nhiều thử thách mới đến được dưới chân một cây cổ thụ bên trên có treo tấm lông cừu vàng. Khốn thay Jason không thể leo lên lấy vì bên dưới có một con rồng hung hăng canh giữ. May sao, Jason được công chúa Medea giúp đỡ, nàng trao cho một gói bột mê để Jason rắc vào mặt rồng. Thế là rồng ta lăn quay ra ngủ mê man để Jason trộm được bộ lông cừu quý giá.

Còn trong truyền thuyết về Beowulf cũng vậy. Khi chiến đấu với con rồng khổng lồ, lại có cánh, có vẩy cứng bao bọc toàn thân, Beowulf coi như là nắm chắc thảm bại. Nhưng khi đang bị treo lơ lửng trên cao, Beowulf khám phá ra tử huyệt của nó, chàng lấy gươm đâm thật mạnh vào và trúng ngay trái tim rồng. Cuối cùng Beowulf bị tử thương và hy sinh nhưng vẫn giết được con vật hung ác.
Hai câu truyện về Jason và Beowulf tuy chỉ là huyền thoại nhưng dường như ngầm chuyên chở một bài học nào đó. Con rồng với tất cả ưu thế siêu việt, nào biết bay, biết phun lửa, lại có móng vuốt, giáp cứng, tưởng rằng sẽ là một thứ bất khả chiến bại, thế nhưng nó vẫn bị các dũng sĩ giết chết vì nó vẫn có những tử huyệt chí mạng. Còn con người dù nhỏ bé hơn nhiều lần vẫn có thể chiến thắng rồng nếu có đủ cả sự khôn ngoan lẫn lòng dũng cảm.

Đa số các truyền thuyết, thần thoại phương Tây khi nói về rồng đều như các câu chuyện kể trên: một con rồng ác bị một dũng sĩ ra tay trừ khử để đem lại thanh bình cho dân lành. Điều này như muốn đề cao tinh thần bất khuất của con người không chịu bó tay đầu hàng trước những thế lực hung bạo. Và cuối cùng, chính nghĩa sẽ thắng.

Nhưng cũng có truyện dân gian xem rồng chỉ là một thứ ma quỷ trá ngụy bề ngoài để thử thách lòng can đảm và tình yêu. Đó là câu truyện cổ tích “Childe Wynde” hay “The Laidly Worm of Spindlestort Heugh”

Childe Wynde là một hoàng tử con vua xứ Northumberland. Chàng có một người em gái là công chúa Magaret dịu hiền. Vua cha sau đó cưới một người đàn bà làm vợ kế. Trong bữa tiệc cưới, hoàng hậu mới trông đẹp lộng lẫy nhưng lại quá lạnh lùng cao ngạo, và vì thế mọi người quay ra tán thưởng nét đẹp thùy mị của công chúa Magaret. Điều này khiến hoàng hậu hết sức căm hận.


“The Laidly Worm of Spindlestort Heugh”
Nguồn: The Laidly Worm of Spindlestort Heugh
Hoàng hậu cũng chính là một mụ phù thủy nham hiểm . Với phù phép, bà ta biến công chúa Magaret thành một con rồng gớm ghiếc. Con rồng làm mọi người vô cùng sợ hãi, và người ta tìm cách trừ khử nó nhưng không biết làm sao. Cuối cùng, theo lời khuyên của một nhà hiền triết, người ta phải đi tìm hoàng tử Childe Wynde hiện đang ở một nơi khác cách xa đó cả một đại dương.

Sauk hi nghe hung tin, hoàng tử Childe cùng với đoàn tùy tùng dong buồm trở về quê. Khi mọi người còn trên thuyền thì bỗng nhiên con rồng từ dưới biển trồi lên. Không hề biết rồng chính là em gái mình, Childe cầm gươm tính giết. Nhưng rồng bỗng cất tiếng người và nói cho Childe biết cách giúp nó thoát khỏi lời nguyền độc ác.

Và chàng hiệp sĩ đút gươm vào vỏ, đoạn quỳ xuống, ôm lấy rồng và hôn lên miệng rồng. Hơi lửa nóng từ miệng rồng phụt ra bỏng rát mặt chàng, nhưng Childe vẫn kiên nhẫn chịu đựng. Vỏ rồng sắc lẽm cứa đứt da chàng, nhưng Childe vẫn hôn rồng 2 lần. Và kỳ lạ thay, cái vỏ gớm ghiếc của con rồng ác bỗng dần dần biến mất để hiện ra Magaret, người em gái dịu hiền của Chide.

Một câu chuyện cổ tích thật thơ mộng và đầy ý nghĩa: rồng tuy là giống vật hung ác nhưng muốn diệt rồng phải là người có tấm lòng nhân ái vị tha.

Nhìn một cách khác, rồng là biểu tượng của những điều con người chưa biết tới, chưa hiểu thấu nhưng vẫn mong muốn có một ngày chạm tới được, chinh phục được. Trong số những con vật thần kỳ của trí tưởng tượng người phương Tây như unicorn (ngựa một sừng), phoenix (phượng hoàng lửa), mermaid (nàng tiên cá)… thì dragon (rồng) được nhắc đến nhiều nhất. Và ngày nào còn có loài người thì ngày đó những con rồng kỳ vĩ vẫn còn bay lượn trên trời hay đắm mình trong biển cả để cho các câu chuyện thần thoại mãi trôi chảy khắp nơi nơi.


© DCVOnline

No comments:

Post a Comment