Trở Về Trang chính

Thursday, January 26, 2012

Ôn Cố Nhi Tri Tân

Văn Hóa Nội Gián: Những âm mưu xâm nhập văn hoá của Cộng Sản

Đỗ Văn Phúc

Cả hội trường im phăng phắc, gần hai trăm cặp mắt hướng về tấm bục gỗ trên sân khấu. Sau tấm bục đó là một cụ già, khoảng 70 tuổi, râu tóc bạc phất phơ. Cụ mặc bộ bà ba trắng đơn giản, đôi mắt linh lợi ẩn hiện sau cặp kính lão. Dáng dấp cụ có vẻ hiền hoà, như một người ông, chân chất và khoan thai. Dù gặp ở bất cứ trong hoàn cảnh nào, chúng ta chắc chắn sẽ có cảm tình với cụ ngay.

Nhưng chúng ta lầm. Lầm to. Đàng sau khuôn mặt và dáng dấp hiền hoà đó, là cả một trí óc đầy mưu lược chết người. Cụ già đó không đứng trước mặt hai trăm cử toạ gồm 170 sinh viên sĩ quan và 30 cán bộ các cấp của trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị (CTCT) Đà Lạt để nói chuyện tâm tình của người ông từng trải và đám cháu trẻ tuổi đang háo hức việc đời, mà là những mưu mô thủ đoạn trong nghề binh vận, tình báo.

Cụ già đó là Nguyễn Văn Đông, bí danh Năm Cang; Trưởng ban Binh Vận của Trung Ương Cục Miền Nam (tức cục R). Nói rõ ra, đó là nhân vật số một trong ngành tình báo chiến lược của quân đội Viêt Cộng, tác giả và đạo diễn của những biến cố có tầm cỡ như vụ đột nhập, xâm chiếm Hậu Cứ của Thiết đoàn 1 Kỵ Binh ở Gò Đậu, Bình Dương mà đã gây cho quân lực VNCH những tổn thất to lớn vừa về nhân mạng, vũ khí và cả uy tín.

Cụ bị quân ta bắt trong một cuộc hành quân càn quét ở miền Đông Nam phần và đang bị giam giữ điều tra tại Cục An Ninh Quân Đội (ANQĐ). Để giúp cho các sĩ quan tương lai có thêm hiểu biết về âm mưu thủ đoạn của Cộng Sản, Trường Đại học CTCT đã dàn xếp với cục ANQĐ, mời cụ Năm Cang đến trường để nói chuyện trong phạm vi của môn học về Binh Vận.

Cụ Nguyễn Văn Đông đã xác nhận rằng cụ không là một người hồi chánh, mà là một tù binh. Câu nói đầu tiên là cụ chê bai ngành an ninh tình báo của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) rất kém cõi, và công tác giáo dục binh sĩ về binh vận, địch vận của ngành CTCT chưa có hiệu quả tích cực. Do đó, phiá Việt Cộng đã rất dễ dàng xâm nhập, mua chuộc, đe doạ để gài người và lập ra mạng lưới tình báo, nội tuyến.

Cụ đã kể lại hai câu chuyện có thật về công tác binh vận và đã đưa ra những nhận xét rất chính xác về QLVNCH. Chuyện rất dài, nhiều chi tiết thú vị. Tôi chỉ xin kể sơ lược một chuyện mà tôi còn nhớ nhiều. Nhưng sau 40 năm thăng trầm, có nhiều chi tiết về thời gian, không gian, tên tuổi, tôi không thể nhớ hoàn toàn chính xác (xin các niên trưởng thuộc Thiết đoàn 1 Kỵ Binh và Sư Đoàn 5 Bộ Binh bổ túc, đính chính nếu có sai sót):

Thượng sĩ X quê quán ngay ở quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Tham gia Quân đội VNCH từ trước năm 1954 và đang phục vụ tại hậu cứ Thiết Đoàn 1 KB ở Gò Đậu, tỉnh Bình Dương. Quận Bến Cát cũng như hầu hết các quân khác của Bình Dương nằm trong lãnh thổ Chiến Khu D nổi tiếng của Việt Cộng. Đa số các gia đình dân chúng đều có con cái theo phe Việt Cộng và bản thân họ cũng là thành phần rất tích cực. Dù chỉ cách Thủ đô Sài Gòn khoảng trên 30 cây số, vùng đất phiá Bắc tỉnh lỵ Bình Dương được coi là vùng bất khả xâm phạm của VC từ nhiều năm cho đến khi Sư đoàn 1 BB Hoa Kỳ nhận lãnh trách nhiệm hành quân. Những năm đó, Sư đoàn 5 BB của VN rất yếu kém, không có khả năng tác chiến và bình định trong một vùng lãnh thổ rộng rãi đầy dẫy mật khu của địch.

Thượng sĩ X có nhiều bạn bè cùng quê, bạn học cũ, bạn nhậu, dĩ nhiên! Trong số bạn thân, có một ông tên Y. Y chỉ là một nông dân thuần tuý, có vợ và các con còn đi học. Hai ông X và Y quen nhau từ nhỏ, biết hết tính tình, sở thích của nhau. Và chẳng có gì để nghi ngờ tình bạn trong sáng này.

Một hôm, trong buổi nhậu đã gần tàn, ông Y hỏi mượn ông X một cái bi đông nhựa cho con trai sắp dự hai ngày cắm trại của trường Trung Học Trịnh Hoài Đức tổ chức. Ông X. sốt sắng: “Tưởng gì. Chuyện nhỏ. Ngày mai đi uống cà phê, tôi sẽ mang ra cho. Cả bi đông, cả bao vải, cả cái ca nhôm nữa. Có cần gà mên không? Cắm trại xong, bảo thằng nhỏ giữ lấy mà xài về sau, khỏi trả. Trong này thiếu giống gì.”

Đúng, chuyện nhỏ! thiếu giống gì! Bởi vì quân đội VNCH ngày đó trang bị, tiếp liệu dồi dào kiểu con nhà giàu như bạn đồng minh Hoa Kỳ. Ngoại trừ việc mất mát vũ khí là phải khai trình, lập biên bản, điều tra… Còn những vật dụng linh tinh thì cứ vào kho mà lấy, ngay cả chẳng cần thiết áp dụng nguyên tắc một đổi một. Các quân dụng loại này có thể tìm thấy bất cứ xó xỉnh nào: trong một góc nhà, gầm giuờng, xó bếp, hay tại các cửa hàng bán chợ trời….

Vì thế, Thượng sĩ X không mấy thắc mắc việc ông bạn Y lâu lâu xin cái này, cái nọ. Khi thì tấm poncho, khi thì đôi giày cũ… Đến độ còn xin cả cọc sắt kẽm gai về rào lại cái vườn. Có khi còn xin cả chất nổ dẽo C-4 nói là để mồi lửa, đun bếp cho mau bắt. Loại C-4 này có sức công phá rất dữ dội, anh em binh sĩ chúng ta khi hành quân vẫn xử dụng để đun nước pha cà phê cho nhanh.

Một hôm đẹp trời mùa hạ, ông Y rũ ông X đi bắt cá ở khúc sông vắng phía tây Bình Dương. “Phải chi có vài ba trái nổ đem theo tha hồ mà bắt về nhậu.” Ông X. liền dúi cho bạn hai trái lựu đạn MK-2 và nói: “Ông ra trước đi, tui còn lo vài việc trong trại rồi theo sau cũng không muộn.”

Quan hệ giữa hai ông bạn vẫn thắm thiết. Ông X vẫn luôn hào phóng giúp đỡ bạn mỗi khi bạn cần xin xỏ các vật liệu quân đội mà không một chút nghi ngờ.

Một hôm, Thượng sĩ X nhận được một lá thư trên phong bì không có tên người gửi. Ông lấy làm ngạc nhiên, chẳng biết cơ quan, phòng ban nào gửi văn thư cho mình. Ông lật đật xé phong bì lấy thư ra đọc. Lá thư được đánh máy không rõ nét trên một tờ giấy cũng chẳng trắng trẻo gì. Khuôn mặt ông đang bình thường bỗng đỏ lên và tái dần lại. Đôi môi ông run run, hai tay lẩy bẫy. Mắt ông nhoà lên trước những hàng chữ trên đầu trang thư:

Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam
Ban Chỉ Huy Quân Sự tỉnh Phước Bình Thành

Thư cám ơn,
Thay mặt Tỉnh Uỷ Phước Bình Thành, chúng tôi cám ơn ông Nguyễn Văn X…. đã đóng góp giúp đỡ Mặt Trận trong thời gian qua một số quân trang quân dụng như sau:

Chúng tôi ghi nhận tinh thần yêu nước chống Mỹ Ngụy của ông NVX… Và mong rằng trong tương lai, ông X sẽ góp nhiều phần tích cực hơn cho phòng trào giải phóng dân tộc…
Ký tên

Thượng sĩ X ngồi phệt xuống, tay vò lấy lá thư. Tâm trí mê muội đi một lúc lâu. Sao lại có chuyện này? Thằng Y có liên quan gì với VC? Mà sao nó gài ta vào chuyện động trời thế này hở trời?

Thay vì làm một việc khôn ngoan là trình báo ngay với phòng An Ninh đơn vị để xin ý kiến. Ông X cứ băn khoăn suy nghĩ tìm cách tự gỡ rối cho bản thân. Vả lại, cái việc mà chúng ta gọi là khôn ngoan đó cũng chẳng dễ dàng gì. Ai ở trong quân đội cũng biết về ngành An Ninh. Nó cũng giống như hoàn cảnh người tù cải tạo mà phải lên làm việc với cán bộ trực trại, an ninh hay giáo dục vậy. Chỉ mua thêm lo âu, rắc rối và nguy hiểm đến sự nghiệp và an toàn bản thân. Vì thế, chúng ta không lạ khi rất nhiều anh em quân nhân dính vào các hoàn cảnh như Thượng sĩ X. đành phải câm nín, tự lo liệu, hơn là lên gặp mấy khuôn mặt lạnh lùng, đầy đe doạ của mấy ông An Ninh Quân Đội.

Thăm dò, theo dõi một thời gian, bọn Việt Cộng (VC) biết ông X đã không trình báo gì với cơ quan an ninh. Biết đúng tẩy con bài, chúng bắt đầu áp dụng phương pháp vừa ve vuốt, vừa doạ dẫm để buộc Thượng Sĩ X phải dần dà sa chân vào bãi lầy không lối thoát. Người ta thấy ông X có nhiều em cháu bà con từ quê lên thăm, vào tận khu gia binh, trú ngủ qua đêm. Họ lân la làm quen với anh em binh sĩ, mời mọc cà phê thuốc lá, nhậu nhẹt tưng bừng. Họ dần dần biết hết các ngõ ngách, các trạm gác, ụ súng, hầm hố, giờ giấc sinh hoạt, canh gác, thói quen của anh em binh sĩ trong đơn vị, sở thích của các sĩ quan chỉ huy… Trong lúc nhậu nhẹt nghiêng ngả, họ tìm cách hỏi cách xử dụng các loại xe tăng. Tưởng ai chứ con cháu ông Thượng sĩ thường vụ thì ai mà e dè làm chi.

Xin cho phép bỏ qua giai đoạn này vì nó kéo dài lâu lắm, và thêm nhiều tình tiết gay cấn, để kể đến đoạn kết thúc bi thương.

Thời này chiến tranh chưa leo thang ác liệt, nên chưa có lệnh cắm trại ứng trực 100%. Hôm đó, hình như là cuối tuần. Anh em binh sĩ đi phép 50%, chỉ còn lại 50% trong đơn vị mà một số đã nhảy dù ra chợ Bình Dương nhậu nhẹt, thăm các em gái vườn chôm chôm, măng cụt. Trong trại, ông Thượng sĩ và một đám “con cháu” cũng bày tiệc nhậu nhẹt. Đến gần nửa dêm, toàn trại bỗng nghe nhiều tiếng nổ kinh hồn. Lửa cũng lan nhanh gây nhiều đám cháy lớn. Tiếng người chạy rầm rập. Đàn bà trẻ con trong trại gia binh khóc la um sùm. Người ta thấy những chiến xa nổ máy, vừa chạy ra phiá cổng vừa bắn xối xả vào các khu doanh trại. Quân sĩ choàng tỉnh sau cơn ngủ chưa bén nhưng không biết hướng nào mà chống đỡ. Một phần đã ngã gục trong đợt tấn công bằng chất nổ C-4, một phần bị kìm lại vì hỏa lực từ những chiến xa của “quân mình”.

Đoàn xe tăng cứ như chạy vào chỗ không người. Chúng bò ra cổng và chạy qua thành phố định tấn công vào toà Tỉnh, Tiểu khu và Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 ở Phú Lợi, cách đó chừng mấy cây số.

May mắn thay, sau những giây phút hoang mang, hỗn loạn, binh sĩ ta lấy lại tinh thần. Họ nhảy lên những xe tăng còn lại chạy đuổi theo những xe đã bị địch cướp đoạt. Cuộc rượt đuổi và bắn phá như trong cinema. Bọn VC chạy mãi rồi bị vướng vào đường cụt, hay sa vào các hóc hẽm mà không biết cách cài số de. Thì ra, chúng đã chịu khó học nổ máy, lái xe… nhưng lại không biết cách lùi. Vì thế những con cua sắt đã làm mục tiêu lý tưởng cho các xạ thủ của Thiết đoàn 1 Kỵ Binh.

Bình Dương được cứu thoát sau trận tập kích có đặc công, nội tuyến thần sầu đó. Quân Lực ta lẽ ra đã học một bài học đắt giá. Nhưng rồi vẫn có những đơn vị, những cá nhân tiếp tục rơi vào cạm bẫy binh vận của địch. Rải rác đó đây vẫn xảy ra những vụ nội tuyến mà đa số các quân nhân phản bội là do yếu đuối, bị ràng buộc tình cảm, tài chánh, bị đe doạ… hay vì quá ngây thơ về kẻ địch, nên không nhìn thấy những diễn biến rất nhẹ nhàng, khôn khéo trong diễn trình binh vận của VC.

Ngày nay, hơn 40 năm sau biến cố Bình Dương vừa kể, chúng ta lại có dịp ôn lại để đánh giá đúng mức việc Cộng Sản đang tìm cách xâm nhập Cộng Đồng Người Việt hải ngoại một cách tiệm tiến, để áp dụng nghị quyết 36 qua việc tổ chức các buổi văn nghệ mà mới nhìn qua, có vẻ hiền lành, vô hại.

Cái khổ tâm của những tổ chức đoàn thể Cộng đồng Người Việt là e ngại bị gán cho những tĩnh từ “Cực Đoan, Độc Đoán”, “nhìn đâu cũng thấy địch”. Không phải chỉ những phụ nữ hiền lành, các thanh thiếu niên vô tư; mà ngay nhiều anh em cựu chiến sĩ từng bị lừa bịp, tù đày trong chế độ CS cũng đã thiếu cân nhắc khi nói: “Người ta tổ chức văn nghệ, có bài hát lời ca nào tuyên truyền đâu mà chống lại họ.” Chúng ta hoàn toàn thông cảm những nghệ sĩ trong nước tìm cách ra ngoại quốc du lịch, ca hát để đem giọng ca phô trương với đồng bào hải ngoại, hay để kiếm tiền, kiếm danh… Chúng ta không đem danh nghĩa Cộng Đồng, đoàn thể để chống lại những cá nhân nhỏ bé đó.

Nhưng chúng ta cần nhận định một nguyên tắc đầu tiến: Khi còn trong cuộc chiến (dù chiến tranh vũ lực trước 1975 hay đấu tranh chính trị hiện nay), thì vẫn còn giới tuyến giữa hai bên. Chúng ta phải luôn cảnh giác về những âm mưu xâm nhập nhập của địch mà thường là khởi đi từ những việc nhỏ nhặt, nhẹ nhàng, vô hại để dần dà tiến đến những sự việc hệ trọng chính vào lúc mà chúng ta đã bị ru ngủ, vướng vào bẫy… một cách êm thắm nhẹ nhàng.

Những năm trước đây, chỉ có những nghệ sĩ đi qua một cách lẻ tẻ. Rồi đến những tổ chức rầm rộ hơn với những chương trình văn nghệ có chủ đề rất thách đố (Người Ấy và Tôi, Em Chọn Ai?, Duyên Dáng Việt Nam, Thảm Đỏ). Từ những nghệ sĩ VN chưa có vấn đề, dần đến những nghệ sĩ từng bị cộng đồng lên án về những hành vi chính trị tiếp tay cho địch (Nguyễn Ngọc Ngạn trong vụ Paris 40, Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Trịnh Hội trong vụ Úc Châu mới đây. Chuyện bố con Nguyễn Cao Kỳ thì đã quá rõ). Chúng ta có thể nhìn thấy những vụ tổ chức này không nằm ngoài kế hoạch tấn công văn hoá của CS. Có những bàn tay từ bên VN tiếp sức cho bọn đầu nậu ở hải ngoại. Cứ cho rằng những người tổ chức thì vì ham tiền ham danh mà vô tình làm công cụ cho CS đã đành. Chúng ta lại thấy có những cơ quan truyền thông trong cộng đồng, vì thiếu thông tin về những thành phần bất hảo trên, mà loan tin, quảng cáo cho chúng, vô tình đi ngược lại tinh thần chung, gây ngộ nhận trong quần chúng, gây trở ngại cho kế hoạch chống Cộng của chúng ta.

Đôi lúc nhìn sinh hoạt cộng đồng, chúng tôi vẫn liên tưởng đến thời gian trước 1975. Vẫn những thách thức từ phía đối phương; vẫn những chiến sĩ ngày đêm lăn mình trong lửa đạn chiến đấu; mà luôn luôn tồn tại nơi hậu phương là những con buôn thủ lợi, những tên phản bội đê hèn, làm nội gián cho địch, và luôn có một tầng lớp quần chúng rất “vô tư” hành xử hoàn toàn theo bản năng, thị hiếu, suy luận dựa trên những cảm tính đơn sơ trước một kẻ địch đầy mưu ma chước quỷ.

Chúng ta không phải ngây thơ mà không biết rằng Cộng Sản đã cài người của chúng trong những chuyến vượt biển một cách an toàn. Chúng ta không phải không biết trong thành phần cựu tù nhân trong chương trình HO có nhiều anh em có những vướng mắc mà phải cam kết hoạt động cho CS để được đi định cư. Có những anh lỡ lầm làm ăng ten trong tù, còn lưu bút tích; CS chắc không ngu gì không lợi dụng họ để xử dụng ở hải ngoại. Vì thế, thời gian gần đây, nhiều tên đã bắt đầu lộ diện công khai, nhất là sau chuyến Mỹ du của Nguyễn Minh Triết. Bọn đón gió trở cờ từng ngo ngoe… nay cũng lên tiếng hoà điệu với loài ếch nhái kia.

Trong lãnh vực báo chí, cũng có nhiều hiện tượng nổi lên. Vừa qua là các tờ báo Việt Weekly ở California, Vietnam Weekly News ở Dallas. Một tờ tạp chí phát hành rộng rãi trên nhiều thành phố, mang một cái tên từa tựa tạp chí Tuổi Trẻ của đoàn Thanh Niên CS bên Việt Nam. Cùng một cách trình bày tên báo, mẫu chữ. Họ là ai? Toàn là những người chưa hề có kinh nghiệm, khả năng viết lách, làm báo. Nhưng họ dám đứng ra làm những tờ báo rất đẹp, in bằng Digital, nhiều trang màu giấy láng mà lại biếu không. Thậm chí quảng cáo cũng rất rẻ. Chúng tôi là những người làm báo nhiều năm trên đất Mỹ, từng biết rằng nghề làm báo là vì mục đích thông tin nghị luận chứ không thể trông cậy vào phần tài chánh thu nhập. Vậy thì người khổng lồ nào đứng đàng sau để chi tiền cho những tờ báo trên? Hỏi tức là trả lời. Nhất là những bài vở lấy từ các trang mạng bên Việt Nam với cách hành văn và từ ngữ mà Cộng Sản thường xài. Có phải trước hết, họ muốn cho người Việt hải ngoại từ từ quen thuộc với ngôn ngữ trước, để rồi dần dà họ sẽ khôn khéo chuyển qua các thể tài chính trị xã hội tuyên truyền cho CS?

Dĩ nhiên, là những người đấu tranh cho tự do dân chủ, sống trên xứ sở dân chủ tự do, chúng ta không có quyền ngăn chặn những hoạt động như thế.

Nhưng với những ai từng thực sự lo âu khi bước chân lên chiếc thuyền mỏng manh dể vượt Thái Bình Dương trong sóng gió và đe dọa của công an tuần duyên, của hải tặc Thái Lan; những ai từng đứng ngồi thấp thỏm chờ đợi trên lề đường Thống Nhất để nhận tấm “hộ chiếu” HO; xin hãy biểu lộ một thái độ Chính Trị đúng đắn của người quốc gia chống Cộng bằng cách tẩy chay, lên án những hoạt động văn hoá nội gián do CS tiến hành. Xin hãy tuyên truyền, giải thích cho thân nhân, bạn bè về những âm mưu ly gián của bọn nằm vùng, tay sai Cộng Sản.

Cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn cho đến khi nào dân chủ tự do toàn thắng chế độ Cộng Sản độc tài trong nước Việt.

Đỗ Văn Phúc

No comments:

Post a Comment