Trở Về Trang chính

Thursday, January 26, 2012

Nhọc nhằn tìm Tết trên bãi rác

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, khi phường phố lung linh ánh đèn, người người mua sắm, thì ở núi rác ngập ngụa này diễn ra cuộc chạy đua nhọc nhằn để kiếm chút hương hoa cho ngày Tết…

Đời rác

Chớm con dốc lên bãi rác số 1 Khánh Sơn (thôn Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), tôi khựng lại.

Anh Hà Văn Thái – Giám đốc Xí nghiệp quản lý bãi và Xử lý chất thải động viên: Chúng tôi xử lý quyết liệt, bây giờ đỡ mùi nhiều rồi đấy. Giờ nghỉ trưa, dân nhặt rác vẫn vô tư xì xụp bún, mỳ Quảng, cà phê ngay tại hai quán nơi bãi rác.

Gọi là quán, nhưng chỉ tấm bạt, bốn cọc tre cùng mấy chiếc ghế con con. Xung quanh, rác ngập tận đầu, nhìn đâu cũng thấy từng núi rác vời vợi. Gần trăm người mưu sinh ở bãi rác Khánh Sơn, cuộc đời họ gắn liền với rác.

Anh Quang ăn mì trên bãi rác. Ảnh: Nam Cường.

Họ bới rác chưa một ngày, ngừng nghỉ, bất kể gió mưa giông bão, lễ tết hay giao thừa mùng Một. Ăn trên rác, ngủ trên rác, đời liền với rác.

Quán của chị Bùi Thị Thanh (tổ 2 Đà Sơn) là hai tấm gỗ bắc ngang làm ghế, hai chiếc bàn nhựa vậy mà bán đủ thứ, bánh mỳ, bún, mỳ Quảng, cà phê nước ngọt thuốc lá… Chị bán từ sáng đến đêm khuya.

Chị Huỳnh Thị Sở (tổ 5 Đà Sơn) vừa bước xuống từ núi rác, quệt mồ hôi ngồi xuống, phẩy tay gọi tô bún, ly cà phê đặc. “Tiêu chuẩn cả ngày đêm của chị đó. Bún ăn cho có sức, cà phê để thức đêm bới rác”.

Chị Sở sức yếu, ban ngày không trụ được với cánh đàn ông, đành chọn giờ trưa và ban đêm. Nhưng giờ đây, buổi trưa xem ra chị cũng khó làm ăn vì không cạnh tranh nổi sức thanh niên, đành chọn chỗ khuất vắng, mót lại rác cũ.

Chị Thanh chép miệng: Chị Sở khổ nhất xứ Đà Sơn này đấy, nhặt rác gần 20 năm, một nách ba con và ông chồng. Mấy năm trước, hai đứa đầu bỗng dưng phát bệnh ung thư, chị Sở phải bán nhà cửa chạy vạy cứu chữa cho con. Vào Sài Gòn xạ trị cho cả hai đứa mấy năm ròng tốn tiền trăm triệu, cũng từ rác mà ra cả.

Giờ thì hai đứa về trời rồi, nhưng khoản nợ khổng lồ mẹ chúng nó vẫn ngày đêm còng lưng nhặt rác mà trả. Niềm an ủi với chị Sở giờ đây là cô con gái út đang học Cao đẳng ở Đà Nẵng. “Nợ thì nợ, tui cũng ráng chăm chỉ nhặt rác, ngày được trăm ngàn, hên thì được trăm rưỡi đến hai trăm.

Đời vợ chồng tui chúi đầu trong rác, đời nó phải khác” – chị Sở nói. Gần 20 năm nay, số lần chị đón giao thừa với chồng con chỉ đếm chưa đầy đầu một bàn tay.

Tận 11h đêm, chị vẫn cặm cụi trên bãi rác, kịch chiến với đồng nghiệp, mong nhặt được rác tốt. Đêm giao thừa, rác về nhiều nhất trong năm nên người nhặt không bao giờ bỏ lỡ cơ hội quý báu này.

Trên đỉnh hộc rác số 1, hàng trăm người miệt mài nhặt rác. Anh Nguyễn Quang (tổ 2 Đà Sơn) tranh thủ lúc xe rác chưa lên ngồi xổm ăn vội hộp mỳ Quảng trên đống rác, mặc mùi hôi, mặc ruồi muỗi. “15 năm, quá quen với việc ăn uống như thế này rồi. Đói chết chứ hôi hám, ruồi muỗi giết được ai bao giờ” – anh Quang thủng thẳng.

Vợ anh Quang đang tham chiến giành rác đầu kia, khi một xe đổ rác vừa lên. Hai vợ chồng bám bãi rác Khánh Sơn, nuôi bốn con học hành tử tế. Ngặt nỗi, tử tế đến mấy thì học hết cấp 2, hai đứa đầu cũng mê rác hơn chữ, lên Khánh Sơn phụ cha mẹ. Nhân lực bốn người cả nhà anh Quang chưa bao giờ rời bãi rác. Ai mệt, về ăn cơm, thay ca nghỉ.

Chị Huỳnh Thị Xinh (tổ 5 Đà Sơn) người nhỏ thó, gánh hai bao rác nặng về nơi tập kết, hổn hển: Bắt đầu vào mùa làm ăn, Tết nên rác nhiều, ai chơi xuân thì chơi, tụi em cố mà bám vào rác, có cái ăn. Xinh 21 tuổi nhưng có tới 10 năm thâm niên ở bãi rác. Người yêu của chị cũng nhặt rác. Sang năm dự định cưới nhau. Lại một gia đình nhặt rác sẽ hình thành…

Giao thừa trên rác

Người dân gắn với Khánh Sơn để mưu sinh đã đành. Công nhân Xí nghiệp cũng thường xuyên đón Tết trên núi rác.

Anh Hà Văn Thái dẫn tôi băng qua những lối đi lầy lội, bùn ngập tới đầu gối. Mấy hôm trời mưa phùn, bùn rác đặc quánh. “46 anh em trong xí nghiệp chưa bao giờ được đón giao thừa cùng gia đình. Trừ mấy chị em phụ nữ thông cảm cho về sớm” – anh Thái kể.

Đổ xô lượm rác khi xe đến. Ảnh: Nam Cường.

Anh Thái còn rất trẻ, mới làm giám đốc được 5 năm thì cả 5 cái tết đều phải ở lại đêm giao thừa. “Cứ bắt đầu ngày 22 tháng Chạp là rác đổ lên kìn kìn, cao điểm ngày 23 cúng ông Táo về trời. Vì thế anh em phải làm quần quật ngay cái thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới. Lơ mơ là rác ngập tràn, cả Đà Nẵng bốc mùi”.

Anh Thái kể, trước 12 giờ, anh dựng tạm bạt trên bãi, mang ti vi lên, thắp thêm bóng điện. Đồ ăn theo kiểu góp giỗ, ai có chả đem chả, rồi nem, bánh chưng. Riêng xí nghiệp bồi dưỡng nồi cháo gà, thùng bia hay chai rượu. Giây phút thiêng liêng này mọi người được nghỉ, căng mắt xuống đô thị nhấp nháy hoa đèn.

Hễ phát pháo hoa đầu tiên sáng rực trời là nâng ly. Rồi sau đến màn văn nghệ, cùng nhau ca hát. “Dưới kia là phồn hoa, trên này anh em đón giao thừa trên rác. Nhưng ai nấy cười đùa, tình cảm thắm thiết. Đời thế mà vui anh ạ” – anh Thái tếu táo.

Hai nữ công nhân ở trạm cân là những chị em hầu như năm nào cũng phải làm việc tận 22 giờ đêm giao thừa. Chị Nguyễn Thị Quỳnh Mai, nhà tận Sơn Trà, kể: Từ đây về nhà có 13km, giao thừa năm nào về tới nhà cũng chỉ kịp phụ chồng bưng mâm lên cúng.

Còn chị Nguyễn Thị Thông mới lấy chồng, đang phải ở trọ nên được nam giới ưu ái, thỉnh thoảng cho về sớm chuẩn bị giao thừa nhưng luôn xin ở lại hoàn thành nhiệm vụ.

Người đón giao thừa ở bãi rác nhiều nhất là anh Nguyễn Đức Tốt (tổ san ủi, hướng dẫn xe). Anh Tốt nhẩm tính, lên làm ở bãi rác 20 năm thì cả chừng ấy cuốn lịch, chưa đêm giao thừa nào anh có mặt ở nhà. Cao lớn, đen sạm và có khuôn mặt cười, anh Tốt còn là một cây sáng kiến của xí nghiệp. “Tôi cũng như anh em giờ đây yêu rác mất rồi. Mình quen nghề, chịu cực được, không làm thì ai làm” – anh Tốt nói.

Giao thừa năm 2009 là cực nhất trong đời anh. Cả mấy ngày mưa, bùn ngập ống chân, đêm cũng mưa rả rích, rét căm căm. Ai nấy co ro nhìn nhau chúc năm mới. Cả đại gia đình anh Tốt giờ đây cống hiến cho bãi rác.

Anh trai là Nguyễn Đức Cam đang miệt mài vận hành xe ủi, nói chêm: “Đón xuân trên rác cũng thú vị lắm. Anh em được quây quần bên nhau, chia sẻ từng ly rượu, chiếc bánh”.

Con anh Cam là anh Nguyễn Đức Trung (tổ hướng dẫn xe) gần 10 năm nay cùng cha ở lại đêm giao thừa, ngậm ngùi: “Nghề nào nghiệp nấy, vướng vào rác rồi, dứt không ra được”. Tôi cay mũi khi anh Tốt đùa: “Nói thẳng với chú, ở đây ai cũng bảo, nghề rác là không có ông bà. Vì có đêm giao thừa nào về kịp để thắp nén nhang, đưa mâm cúng lên bàn thờ đâu”.

Thu nhập thấp, phụ cấp ít, tôi hỏi anh Thái ước điều gì cho năm mới. Anh nói, làm tôi bất ngờ: Lương thưởng anh em xí nghiệp chúng tôi thì do cơ quan quy định, chẳng mong gì thêm, chỉ mong thành phố có việc làm cho người nhặt rác tự do ở ngoài kia kìa.

Nơi làm ăn, mình không thể cấm họ, nhưng nói gì thì nói, bãi rác vẫn là nơi nguy hiểm cao cho nhiều mầm bệnh. Tôi mong, chẳng còn ai nhặt rác”. Rồi anh Thái ngâm nga bài hát “Hạnh phúc đầu xuân” viết về những người trên bãi rác: “….Thành phố giao thừa mời em đến đây vào xem núi rác cứ mãi đong đầy. Chuyến xe về cuối trời sáng tỏ, hạnh phúc tràn về trong ngất ngây”.

Bình thường bãi rác Khánh Sơn đón hơn 600 tấn rác/ngày đêm. Từ 23 âm lịch tăng hơn 1 ngàn tấn/ngày đêm. Giao thừa, cao điểm từ 2,4 - 3 ngàn tấn. Anh em làm việc vất vả, năm nay Cty thưởng tết 1 triệu/người, UBND thành phố cho 900.000đồng/người. Giao thừa nào các sở, ban ngành cùng lãnh đạo thành phố cũng lên thăm động viên. Thế là vui rồi”. - Ông Phạm Minh Thắng, GĐ Cty TNHH MTV Môi trường&Đô thị Đà Nẵng

Theo Tiền phong

No comments:

Post a Comment