Chỉ còn không bao lâu nữa là đến giao thừa Tết Nguyên Đán, nhưng ở Hà Nội cái lạnh pha trộn với bụi bặm ô nhiễm đã làm thành phố này mịt mờ khó tả. Hiện tại Hà Nội và Saigon là 2 trong 6 thành phố có chỉ số về ô nhiễm không khí cao nhất thế giới, sau các thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải của Trung Cộng, New Delhi Ấn Độ, Dhaka của Bangladesh. Tuy nhiên tình trạng ô nhiễm ở Hà Nội đang ngày càng nặng nề, vượt cả Saigon. Dường như Hà Nội đã phải trả giá cao cho cái gọi là sự tiến bộ của mình trong những năm qua.
Gia tăng trong tiêu dùng và rác thải đi kèm đã góp phần gây ra sự gia tăng cấp số nhân về các vấn đề môi trường hiện nay. Thêm vào đó là những thách thức, bao gồm chất lượng không khí đô thị, sự căng thẳng về nước ngọt, sử dụng đất nông nghiệp và rác thải gia tăng. Việc vận chuyển buôn bán trái phép rác thải điện tử là một thách thức mới ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường ở Hà Nội. Việt Nam là nước có tất cả các nan đề được nêu trong báo cáo của Liên Hiệp Quốc về những báo nguy của môi trường, theo lời ông Hoàng Dương Tùng, Giám đốc trung tâm quan trắc và thông tin môi trường, Cục bảo vệ môi trường Bộ Tài nguyên Môi trường cho thông tín viên của SBTN tại Hà Nội biết như trên.
Ông Tùng còn cho biết thêm, theo các chuyên gia quốc tế nhận định, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam thật sự chỉ ở mức 3 đến 4% một năm, nếu tính cả những tổn thất về môi trường do quá trình tăng trưởng đem lại. Cũng theo nhân vật này thì tuy chưa có một tổ chức nào đưa ra một danh sách đánh giá cụ thể xếp hạng của các nước về mức độ ô nhiễm môi trường, nhưng theo một nghiên cứu của Đại học Yale được công bố tại Thụy Sỹ năm 2006 thì dựa trên một bộ gồm 70 chỉ số khác nhau, Việt Nam được xếp hạng cuối cùng trong 8 nước khu vực Đông Nam Á về chỉ số môi trường bền vững.
Báo cáo của Ngân hàng thế giới từ năm 2007 về biến đổi khí hậu cũng chỉ ra Việt Nam thuộc trong nhóm nước gồm cả Bangladesh, Ấn Độ và một phần của Trung Cộng sẽ gặp nguy cơ đáng ngại nhất của hiện tượng nước biển dâng cao trong 50 năm tới, với 17% diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam sẽ bị ngập chìm trong nước biển. Theo bà Nguyễn Ngọc Lý là Trưởng phòng phát triển bền vững thuộc cơ quan Liên Hiệp Quốc có tên tắt là UNDP cho biết, thì bây giờ là thời điểm mà Việt Nam cần kiên trì theo đuổi vấn đề phát triển, nếu Việt Nam không giải quyết được những vấn đề dai dẳng này, có thể xoá đi tất thảy những thành tựu đã đạt được cho đến nay.
Tại Hà Nội, xe máy chiếm hơn 87% tổng lưu lượng xe trong nội thành. Số lượng xe máy khổng lồ này là nguồn phát thải lớn nhất các khí gây ô nhiễm. Tình trạng ô nhiễm nặng nề nhất vào mùa đông tháng 12, tháng giêng và thấp nhất vào mùa hè tháng 7 tháng 8, do mùa đông khả năng phát tán kém. Còn Saigon cũng như các đô thị phía Nam khác, ô nhiễm tăng cao vào mùa khô và giảm vào mùa mưa. Đây là điểm mà các du khách hay Việt Kiều về thăm quê có nhu cầu thụ hưởng một bầu không khí trong sạch cần phải lưu ý.SBTN
No comments:
Post a Comment