Hòa Ái, phóng viên RFA
2012-01-13
Hôm 11/01/2012, khoảng 60 dân oan ở các tỉnh ở miền Tây Nam Bộ cùng dân oan ở Sài Gòn biểu tình ở văn phòng Thanh Tra Chính Phủ tại 201 Võ Thị Sáu, thành phố Hồ Chí Minh.
Bà con kéo nhau lên thành phố yêu cầu chính quyền trả lại đất đai cho họ
Dân đòi lại đất
Khoảng 8 giờ sáng ngày 11/01 tại văn phòng Thanh Tra Chính Phủ ở số 210 đường Võ Thị Sáu, các dân oan ở miền Tây Nam Bộ gồm các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và An Giang cùng một số dân oan khác tại Sài Gòn bắt đầu giăng cao các khẩu hiệu như “Dân Bến Tre Đòi Đất”, “Đã Đảo Tham Nhũng”, “Lãnh đạo trung ương và địa phương có quan tâm đến người dân không nhà, sống lang thang đầu đường xó chợ?”, “Tết đến, chính phủ, thủ tướng, lãnh đạo vui vầy đón Tết, nhưng quý vị có nhớ dân oan rất khổ vì thổ tặc núp bóng chính quyền?”…Một người trong đoàn biểu tình cho biết:
“Ngày Tết đến rồi, nhưng mà vì dân đã quá khổ, nhà cửa không có. Người thì ở ngoài chùa. Người thì ở chợ. Người phải ở lang thang ngoài đường. Thành ra, người ta phải bức xúc, phải lên 210 Võ Thị Sáu để khiếu kiện đòi nhà, đất. Không có cơ quan nào giải quyết hết.”
Những dân oan này biểu tình trong ôn hòa với các khẩu hiệu và những vần thơ. Họ trông chờ được đại diện của chính phủ giúp cho họ. Nhưng hoàn toàn ngược lại. Các công an, lực lượng bảo vệ, cảnh sát 113 dùng những chiếc xe rác, xe buýt lớn che chắn chỗ dân oan không cho người đi đường nhìn thấy và gây áp lực với đoàn người biểu tình.
“Họ còn nhào đến giật khẩu hiệu của bà con. Bà con bức xúc quá. Bà Phan Thị Bảy, ở An Giang, đã 70 tuổi, khiếu kiện nhiều năm không được giải quyết. Bà lăn ra khóc thảm thiết. Bà đập đầu xuống sàn gạch ngay tại chổ 210 Võ Thị Sáu.”
Bà Tín, 67 tuổi, ở Ba Tri-Bến Tre đã bị trưng thu vô điều kiện gần 4.5 mẫu đất từ năm 1983. Bà đã 8 lần ra Hà Nội để khiếu kiện và trong ngần ấy năm với bao công khó, bà được trả lại dần dần tổng cộng khoảng 1.7 mẫu phần đất của người khác chứ không phải phần đất của chính bà. Lần cuối cùng khiếu kiện, bà đã canh cửa từng ngày ở văn phòng thanh tra và trong suốt 23 ngày bà được tiếp xúc với đại diện của cấp trung ương. Họ nói với bà rằng họ sẽ gửi phái đoàn đến địa phương để giải quyết. Ngày 17/10/2011 vừa rồi, phái đoàn trung ương đã đến Bến Tre và có quyết định sau cùng là yêu cầu chấm dứt khiếu kiện. Bà nói:
“Bắt đầu họ cũng hợp tác với tỉnh Bến Tre, khuyên tôi già cả lớn tuổi đừng đi khiếu kiện nữa, bao nhiêu đó đủ sống gia đình rồi, đi rồi bệnh hoạn này kia. Rồi ra văn bản chấm dứt khiếu kiện.”
Bã đã bức xúc phản ứng với chính quyền rằng:
“Mấy ông yêu cầu chính phủ vô đây, mấy ông sắp đặt bác đơn chúng tôi hết trơn. Vậy là coi như lấy đất của tôi mà không trả, bây giờ biểu chấm dứt khiếu kiện. Như vậy có phải ăn cướp không?”
Ngày Tết đến rồi, nhưng mà vì dân đã quá khổ, nhà cửa không có. Người thì ở ngoài chùa. Người thì ở chợ. Người phải ở lang thang ngoài đường. Thành ra, người ta phải bức xúc, phải lên 210 Võ Thị Sáu để khiếu kiện đòi nhà, đất.
Một dân oan
Một dân oan khác ở An Giang cho biết đã bị trưng thu nhà cửa 18 năm trước. Bà Lương kể lại:
“Cách đây 18 năm, năm 1993 tôi ở ngay khu thương mại, ngay trung tâm thành phố Long Xuyên. Chính quyền này đương nhiên không làm theo đúng thủ tục để cưỡng chế giải tỏa. Trong lúc đó, chúng tôi cũng cũng không cưỡng lại nói là không đi. Nhưng mà đang làm đơn để xin tạo điều kiện cho chúng tôi đi. Không dùng quyết định thu hồi đất, không có quyết định cuối cùng, cũng như không có giám định nhà đất. Đùng một cái chính quyền đem lực lượng vũ trang lại cưỡng chế chúng tôi, đập phá nhà. Từ đó, sống chết gì mặc tình. Không nói tới, không hỏi tới, mà cũng không lên phương án đền bù gì hết. Chúng tôi đi cùng khắp hết trơn. Rồi đi tới Hà Nội, cũng không được hiệu quả gì hết.”
Chính quyền không giải quyết
Bà Lương đã đi khiếu kiện nhiều nơi, nhưng không được giải quyết. Sức mòn, lực kiệt, đang sống lây lất ở hiên chùa. Bà và những dân oan khác ở An Giang cố bám trụ lại thành phố đã hơn 3 tháng để trường kỳ tập trung trước văn phòng 210 Võ Thị Sáu mỗi 2 ngày cuối tuần, giăng khẩu hiệu kêu oan. Bà Lương cho biết:
“Bây giờ đi lên đây, có người đi bán vé số để có tiền duy trì ở đó. Người thì đi lau nhà lau cửa người ta để có tiền, để sống tại đó. Và có những người đi rửa chén mướn.”
Cuộc biểu tình diễn ra được gần tiếng đồng hồ. Những dân oan này được kêu gọi lên xe để chở qua văn phòng tiếp dân ở 35 Hồ Ngọc Lãm, quận Bình Tân. Một số dân oan đã bước lên xe với hy vọng được chính quyền tiếp đón và lắng nghe cũng như giải quyết cho những hoàn cảnh bần cùng của dân oan. Một số khác thì cương quyết không lên xe và họ nói rằng nếu bị cưỡng ép, họ sẽ tự sát.
Sau cuộc biểu tình ngắn ngủi trong vòng 1 giờ đồng hồ, đài chúng tôi liên lạc được với một vài dân oan ở Bến Tre. Họ cho biết rằng xe đã không chở đến văn phòng tiếp dân ở 35 Hồ Ngọc Lãm, mà đã chở họ thẳng về Bến Tre và đã bỏ họ dọc đường với câu giải thích là sắp tết nên không giải quyết trong thời điểm này.
Những dân oan trong lần biểu tình ngày 11 vừa qua cho biết là họ cảm thấy như bị chính quyền lừa gạt họ. Họ vét cạn từng đồng tiền trong túi để ra tận thủ đô khiếu kiện gần 20 năm. Nhưng phía trung ương kêu về địa phương vì đã ban hành nghị quyết, quyết định trả lại cho họ. Nhưng khi về địa phương thì lại không đúng như vậy. Như trường hợp bà Tín ở Bến Tre dù được trả lại một phần, bà vẫn tiếp tục khiếu kiện.
Tại sao lại như vậy? Tôi cũng không hiểu là tại sao. Người Việt Nam mình cai trị người Việt Nam. Sao để hình ảnh đau thương quá như vậy?
Bà Tín, Bến Tre
Thanh tra chính phủ kêu bà về sẽ có phái đoàn trung ương về làm việc, giải quyết cho bà. Nhưng kết cục là bà nhận được quyết định không được khiếu kiện nữa. Những dân oan mất đất mất nhà như bà Tín không phải là ít và họ đã mỏi mòn đi khiếu kiện khắp nơi, nhưng tất cả đều vô vọng. Những dân oan này tin rằng cho đến ngày họ chết thì những oan khúc của họ sẽ mang theo mà không được giải quyết.
“Tại sao lại như vậy? Tôi cũng không hiểu là tại sao. Người Việt Nam mình cai trị người Việt Nam. Sao để hình ảnh đau thương quá như vậy?”
Cũng như bao dân oan khác khắp nơi ở Việt Nam, bà Lương mong chờ câu trả lời từ phía chính phủ trước khi bà nhắm mắt.
No comments:
Post a Comment