Chỉ có tầng lớp trung lưu đi biểu tình ở Matxcơva Một cuộc biểu tình của phe đối lập Nga tại St. Petersburg ngày 14/01/2012. Reuters Các cuộc biểu tình trên quy mô lớn từ tháng 12/2011 tại nhiều nơi trên lãnh thổ Nga, được tổ chức thông qua các mạng xã hội, cho thấy có một sự thức tỉnh rõ rệt về ý thức chính trị của công dân. Thế nhưng, theo các nhà phân tích, « mùa xuân » cách mạng theo mô hình các nước Ả Rập còn lâu mới có thể xẩy ra ở Nga. Theo các nhà phân tích, có ít nhất là ba yếu tố chính cho phép nhận định như trên: Thành phần tham gia biểu tình, thái độ của chính quyền và nỗi ám ảnh về quá khứ rối loạn.
Tầng lớp trung lưu tham gia biểu tình tại Nga
Kể từ khi ông Vladimir Putin lên cầm quyền, (từ 2000 đến 2008 làm tổng thống, sau đó, trở thành thủ tướng và hiện nay là ứng cử viên nặng ký nhất trong cuộc bầu cử tổng thống), chưa bao giờ phe đối lập Nga lại huy động và tổ chức được các cuộc biểu tình, tuần hành lớn như vậy.
Tuy nhiên, phong trào đấu tranh tại Nga không thể so sánh được với làn sóng biểu tình ở Tunisia, Ai Cập. Tại những nước Ả Rập này, người dân tham gia đấu tranh ngày càng đông đảo, bất chấp các hành động bạo lực và trấn áp của chính quyền.
Còn ở Nga, hàng chục ngàn người đã tham gia hai cuộc biểu tình hồi tháng 12 năm ngoái tại Matxcơva, phản đối những gian lận trong cuộc bầu cử lập pháp ngày 04/12, nhưng họ lại thuộc tầng lớp trung lưu.
Ông Mazen Abbas, thông tín viên của đài truyền hình Al Arabiya, đồng thời là chủ tịch Hiệp hội những người nhập cư Ả Rập tại Nga giải thích với AFP : « Ở Ai Cập, tầng lớp trung lưu khởi xướng phong trào, nhưng sau đó, các tầng lớp khác trong xã hội đã hưởng ứng, đặc biệt là những tầng lớp nghèo khó nhất. Tại Nga, tình hình rất khác biệt. Chỉ có tầng lớp trung lưu đi biểu tình ở Matxcơva ».
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, ngày càng có nhiều dân Nga mong muốn cải cách chính trị, nhưng họ lại chưa sẵn sàng để làm việc này. Theo cuộc điều tra được công bố cuối tháng 12 năm ngoái của viện Levada, một tổ chức độc lập, phi chính phủ, chuyên về xã hội học và thăm dò dư luận, thì 44% số người được hỏi ủng hộ các cuộc biểu tình, nhưng chỉ có 4% là « sẵn sàng » và 11% « có thể sẵn sàng » xuống đường tuần hành.
Kremlin không thẳng tay đàn áp biểu tình
Mặt khác, phản ứng của chính quyền Nga trước các cuộc biểu tình cũng khác so với thái độ và hành xử của các chế độ độc tài ở các nước Ả Rập : Thay vì thẳng tay đàn áp, Matxcơva áp dụng sách lược chỉ trích, cáo buộc các nhà đối lập ăn lương của Mỹ, do phương Tây giật dây.
Vẫn theo ông Abbas, tại Nga, những người biểu tình không đối mặt với một chế độ độc tài đã tồn tại từ 30 hay 40 năm, mà đó là một « nền dân chủ có lãnh đạo » và người ta vẫn có thể bày tỏ các bất bình.
Trưởng ban biên tập tạp chí « Nước Nga trong chính trị thế giới, », ông Fiodor Loukianov, nhận định là những người ủng hộ ông Putin cũng như phe đối lập đều không có lập trường cực đoan, « đấu tranh tới cùng » : Phía chính quyền hứa tiến hành các cải tổ, cho dù chỉ ở mức tối thiểu, còn phe đối lập thì đòi phải có những thay đổi thông qua bầu cử dân chủ. Ông nói : « Những người biểu tình có thái độ bất bình, nhưng nhìn chung, họ muốn thịnh vượng hơn, triển vọng tuơng lai sáng sủa hơn, chứ họ không muốn một cuộc cách mạng. Không có những căng thẳng như ở các nước Ả Rập và chính quyền Nga đã phản ứng mềm dẻo hơn ».
Lo sợ tình trạng hỗn loạn
Đồng thời, chuyên gia Loukianov cũng nhấn mạnh là người Nga vẫn còn bị « chấn thương », ám ảnh bởi tình trạng hỗn loạn xẩy ra trong thời kỳ sau khi Liên Xô sụp đổ. Do vậy, họ chống lại mọi chấn động chính trị. « Cách nay 20 năm, sức mạnh cách mạng tiềm tàng của dân Nga đã gây ra những hậu quả trầm trọng và rất nhiều thất vọng ».
Chính quyền Matxcơva hiểu rõ tâm lý này và tìm cách làm tàn lụi phong trào phản kháng, quy kết các nhà đối lập là những phần tử cách mạng nguy hiểm, muốn gây ra hỗn loạn như ở các nước Ả Rập.
Nhật báo chính thức, tờ Rossiiskaia, lập ra diễn đàn « Nước Nga : Hướng tới pháp quyền hay hỗn loạn ». Trong tháng Giêng này, chủ tịch Tòa Bảo Hiến Nga, ông Valeri Zorkine, đã viết : « Những người lãnh đạo biểu tình (…) liệu họ có sẵn sàng tuyên bố rằng đất nước của họ hoàn toàn mất tính chính đáng về chính trị và luật pháp và do vậy mất cả chủ quyền ? Liệu họ có sẵn sàng kêu gọi những kẻ thù – đặc biệt là những đơn vị biệt động của các nước trong khối NATO - hỗ trợ thành lập một Nhà nước mới tại Nga theo mô hình Libya ? ».
Một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Nga ngày 04/03, phe đối lập lại kêu gọi biểu tình vào ngày 04/02, để phản đối ông Putin và đòi phải có « bầu cử trung thực ».
Chuyên gia Boris Dolgov, thuộc Trung tâm nghiên cứu các nước Ả Rập, Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng điện Kremlin đang đối mặt với một thách thức thật sự. Ông lưu ý : « Tất cả các cuộc cách mạng ở những nước Ả Rập đều mở đầu bằng các cuộc biểu tình và tại Nga thì có những vấn đề nghiêm trọng trong lĩnh vực xã hội, kinh tế và tội phạm. Liệu sẽ có một sự bùng nổ hay không ? Điều này phụ thuộc nhiều vào những việc mà chính quyền sẽ làm ». |
No comments:
Post a Comment