Trở Về Trang chính

Friday, January 27, 2012

Đầu năm 2012, chính quyền Cam Bốt gia tăng trưng dụng đất của dân nghèo

Tác Giả: Phạm Phan / Đức Tâm

Tình hình chiếm đoạt đất đai tại Cam Bốt có chung đặc điểm với Việt Nam, đó là sự phản kháng quyết liệt của người dân

Các nhà hoạt động nhân quyền chống lại việc trưng dụng đất đai của nông dân tại Cam Bốt
LICADHO

Vào tháng đầu tiên của năm 2012, công luận Cam Bốt lại bị khuấy động mạnh sau hàng mấy vụ hung hăng cưỡng chiếm đất của những công ty thế lực.

Trong khi đó, kinh tế toàn cầu đang trong khung cảnh ảm đạm, thị trường bất động sản ở khu vực và tại Cam Bốt đang chìm vào giấc ngủ đông.

Tại huyện Snuol tỉnh Kratie (người Việt gọi là Cần Ché, có chung đường biên giới dài 240km với tỉnh Bình Phước- Việt Nam), công ty phát triển nông nghiệp TTY vào năm 2008 được chính quyền ký một hợp đồng nhượng đất với tổng diện tích là 9.000 mẫu để trồng khoai mì.

Cuối tuần qua cuộc tranh chấp đất giữa dân làng và công ty lên đỉnh điểm khi nhân viên bảo vệ của công ty TTY dùng súng AK.47 bắn chết 4 dân làng.

Tại khu dân cư Borei Keila ngay trung tâm Phnom Penh, theo hợp đồng ký giữa công ty Phan Imex năm 2003 thì công ty này lấy khu đất rộng lớn để xây dựng khu đô thị mới bao gồm chung cư, trường đại học, các cửa hàng mua sắm, đổi lại họ phải xây dựng 10 chung cư để đền bù cho cư dân địa phương có nơi trú ngụ.

Tuy nhiên, khi đã xây được 8 chung cư thì họ trở mặt nói rằng không có điều kiện để xây tiếp khiến cho số gia đình còn lại đã mất đất, mất nhà lại không có đền bù tương xứng.

Theo bà dân biểu đối lập Mu Sochua thì công ty Phan Imex có một kẻ quyền lực đứng sau hỗ trợ.

Còn theo cư dân địa phương nói thì Phan Imex nằm trong tay một người đàn bà giàu có hiện là vợ kế của thân phụ Thủ tướng Hun Sen, người đàn bà này được gọi là “dì Phan”. Đây là một công ty kinh doanh bất động sản đầy thế lực, Phan Imex phát triển đến đâu thì dân ở vùng đó phải bị mất đất.

Sự kiện tranh chấp đất nổi bật vào đầu năm cũng xảy ra tại tỉnh Pursat. Dân làng Tnort Chum huyện Krakor tỉnh Pursat đang đối mặt với một công ty khác cũng kinh doanh bất động sản và giàu tiền lắm bạc tại xứ Chùa Tháp, đó là tập đoàn Pheapimex. Tập đoàn này do bà Choeng Sopheap người Khmer gốc Hoa, còn được gọi với cái tên Yeay Phu, vợ của Thượng nghị sĩ Lao Meng Khin thuộc đảng Nhân Dân Cam Bốt đang cầm quyền.

Ông Lao Meng Khin đứng đầu dự án khai thác hồ Boeung Kak gây nhiều tai tiếng chấn động mà cho đến nay âm vang tiếng khóc oán hận của dân nghèo vẫn chưa dứt.

Theo một báo cáo của Wikileaks ghi ngày Chủ Nhật 31/7/2011 http://editorials.cambodia.org/2011/07/cambodias-top-ten-tycoons-wikilea... thì Thủ tướng Hun Sen đã kiến tạo một nhịp cầu nối liền giữa chính quyền và khu vực tư nhân bằng cách khai thác mối quan hệ cùng có lợi với các triệu phú nổi cộm tại xứ Chùa Tháp.

Các công ty của những kẻ giàu có làm nhiệm vụ đóng góp tiền cho đảng Nhân Dân Cam Bốt đánh đổi lại họ nhận được sự ủng hộ của chính quyền.

Phản ứng của dân nghèo

Tại khu dân cư Borei Keila, vào ngày 3/1/2012, khi lực lượng cảnh sát và quân cảnh kéo đến Borei Keila để trục đuổi số dân nghèo đi nơi khác thì gặp phải chống đối mạnh. Hàng trăm người biểu tình phản đối thái độ lường lận của công ty Phan Imex.

Tám dân nghèo trong số người biểu tình vì quá phẫn uất nên cương quyết đánh lại cảnh sát, hai bên đều có người bị thương. Số người chống đối sau đó bị bắt giam.

Tuy nhiên những dân cư còn lại quyết định làm đơn khiếu nại đòi chính quyền phải thả những người bị bắt và bồi thường thiệt hại cho họ.

Tại tỉnh Pursat, cuộc tranh chấp đất tại Pursat tạm thời phần thắng nghiêng về phía dân, khi họ làm được một hàng rào che chắn khu đất mà tập đoàn Pheapimex định chiếm lấy để trồng khoai mì cung cấp cho các nhà máy chế biến nhiều sản phẩm như bột ngọt, rượu, sợi mì, miến…

Theo ý kiến của cư dân địa phương, đây chỉ là chiến thắng tạm thời vì thời điểm này sắp diễn ra bầu cử xã ấp nên chính quyền muốn lấy lòng dân, tuy nhiên sau bầu cử tình thế có thể đổi khác. Điểm lại các vụ cướp đất tại Cam Bốt trong gần một thập niên qua thì kẻ chiến thắng thường là đám quyền thế.

Hồi đầu tháng 1/2012, tại huyện Krakor tỉnh Pursat cách Phnom Penh khoảng 200 km về hướng Tây Bắc, một viên quản lý của nông trường khoai mì Pheapimex khi trên đường lái xe đi làm đã bị bắn gục chết.

Chính quyền địa phương chưa tìm ra thủ phạm. Sự thiệt hại nhân mạng ở hai bên xảy ra thường xuyên thời gian gần đây trong các cuộc tranh chấp. Sự kiện này chứng tỏ dân nghèo bị mất đất tại Cam Bốt đã không thụ động ngồi yên để tài sản có được bằng bao mồ hôi công sức và kể cả máu thịt của gia đình mình bị kẻ quyền thế cướp đoạt một cách bất công.

Họ không thể chấp nhận một quy luật phát triển xã hội - kinh tế hiện nay, đó là: Kẻ giàu thì cứ giàu lên, còn dân nghèo thì bị hăm dọa, đánh đập, bắt giam, mất tài sản và thành kẻ lang thang không nhà. Đây có phải là tiền đề cho các cuộc nổi dậy tự phát của nông dân?

Báo chí Cam Bốt không đăng tải về vụ án Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng, Việt Nam. Tuy nhiên tình hình chiếm đoạt đất đai tại Cam Bốt có chung đặc điểm với Việt Nam, đó là sự phản kháng quyết liệt của người dân chống lại sự trưng thu đất của chính quyền địa phương.

Vụ khu “Đất Đỏ” Phnom Penh

Ngày 24/1/2012 khoảng 300 cư dân thuộc khu vực ”Đất Đỏ” với sự tham dự của nhiều cư dân ở Borei Keila và hồ Boeung Kak đã thực hiện một cuộc tưởng niệm ngày họ bị chính quyền trục đuổi để lấy đất xây dựng khu đô thị mới.

Số người này tập họp lại và dùng các đôi dép cao su sờn cũ xếp lại thành chữ “phát triển” theo tiếng Khmer, để chỉ trích hành vi của chính quyền cướp đất dân, sau đó họ đi đến tòa nhà Quốc hội để bày tỏ nỗi niềm bất mãn. Những người tập họp cho biết rằng hiện nay họ sống trong cảnh đói khổ, thiếu thực phẩm, trú ngụ trong những túp lều cao su tạm bợ.

Năm 2009, 800 gia đình sống tại khu “Đất Đỏ” có diện tích 3,7 mẫu thuộc phường Tonle Bassac quận Chamkarmon - Phnom Penh đã bị chính quyền chiếm đất bằng biện pháp vào giữa đêm, cho bọn người lạ mặt dùng lửa đốt cháy toàn bộ khu gia cư ổ chuột này, sáng ra mọi người trắng tay và phải rời khỏi nơi trú ngụ dưới sự thúc giục của lực lượng an ninh do chính quyền sai phái tới.

Phản ứng của giới bảo vệ nhân quyền quốc tế

Trong một phúc trình gần đây, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch đã chỉ trích tình trạng vi phạm nhân quyền ở Cam Bốt đang trong điều kiện yếu kém đến suy thoái tệ hại.

Báo cáo này trích dẫn vụ cưỡng đoạt mới nhất tại khu dân cư Borei Keila, trong đó có 30 phụ nữ và trẻ em bị bắt quăng lên xe quân sự và tạm giam tại Trung tâm tạm giam Prey Speu chỉ vì biểu tình một cách ôn hòa.

Và hồi đầu tuần năm tổ chức nhân quyền hàng đầu trên thế giới gởi một bức thư lên Thủ tướng Hun Sen kêu gọi chính quyền phải chấm dứt ngay các vụ trục đuổi để Cam Bốt tránh được sự tổn thương thể diện quốc gia khi giữ vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2012, một năm có sự kiện hệ trọng liên quan đến nhân quyền, đó là ASEAN sẽ cho ra đời Tuyên ngôn Nhân quyền của khối.

Có thể vì lo ngại điều này, nên mới đây trong cuộc tranh chấp đất tại tỉnh Kratie, chính quyền ra lịnh trả lại số đất của 380 gia đình.

Chưa biết rằng đây là hành vi hối cải để phục thiện hoặc ý tốt thật sự của chính quyền hay chỉ là “một bước lùi ba bước tiến

No comments:

Post a Comment