Các bạn hãy tưởng tượng một câu chuyện thuở xa xưa nào đó – có 100 người bạn nhưng chỉ có một cái bánh để chia nhau ăn. Một bạn cắt cho mình một phần bánh thật to, còn 99 bạn khác đành phải chia nhau phần còn lại, nên mỗi người chỉ được một miếng nhỏ, đủ để thưởng thức mùi hương chiếc bánh.
Đó là hình ảnh của xã hội Hoa Kỳ hiện nay. 1% người giàu có thu nhập tối thiểu là 520,000 USD một năm, trong khi 99% số người còn lại, đại đa số có thu nhập từ 17 ngàn đến 60 ngàn USD một năm.
Nếu tính theo giá trị ròng (bao gồm tài sản, chứng khoán v.v…) thì nhóm 1% có tài sản trung bình là 14 triệu USD (cho mỗi hộ) trong khi nhóm 99% thì chỉ có 60 ngàn USD. Cũng 1% số người giàu này đang làm chủ 34.6% tài sản tư trên toàn quốc.
Không có mấy người Mỹ biết về điều này.
Trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, chính phủ Mỹ cũng như chính phủ các nước tư bản phát triển đã bỏ ra hàng ngàn tỷ để hỗ trợ cho các ngân hàng, các công ty địa ốc khỏi sụp đổ. Nhưng cũng chính trong thời gian này, giá trị tài sản ròng của nhóm 1% vẫn cứ tăng lên.
Sự chênh lệch giàu nghèo càng ngày càng nới rộng và khoảng cách giữa hai nhóm người trong xã hội Mỹ ngày càng cách xa hơn.
Phong trào Chiếm Đóng Phố Wall (OWS) đã bùng nổ trong hoàn cảnh xã hội như thế với những công dân Mỹ đủ mọi thành phần, nhưng đặc biệt là những người trẻ, tự nhận mình ở trong nhóm 99%.
Bắt đầu vào giữa tháng 9 năm 2011, hơn một chục thanh niên đem lều ra cắm trại và ngủ đêm tại công viên Zuccotti ở thành phố New York để biểu tình phản đối các ngân hàng Mỹ làm ăn thiếu lương tâm. Chỉ vài tháng sau đó, phong trào này đã tác động mạnh đến các thành phố khác từ đông sang tây và lan tràn ra đến ít nhất 82 quốc gia.
Có thể nói phong trào OWS đã tự sinh ra, tự phát triển, nhưng không trở thành một tổ chức chính trị hay xã hội với một đường lối rõ ràng. Phong trào không đưa ra một khẩu hiệu nào chống hệ thống kinh tế tư bản hay một kiểu đấu tranh giai cấp mới, mà chỉ nêu lên những khát vọng mang tính ôn hòa về sự công bằng xã hội và kinh tế. Họ cũng không kêu gọi lật đổ chính phủ hay xóa bỏ chủ nghĩa tư bản. Họ quan tâm đến những bất công và mãnh liệt mong muốn giải quyết hố ngăn cách giàu nghèo trước mắt.
Chính vì thế mà phong trào OWS được sự ủng hộ của nhiều tầng lớp xã hội như giới điện ảnh, thể thao, chính trị… Ngay cả Tổng thống Barack Obama cũng lên tiếng đứng về phía của nhóm 99%. Warren Buffet, một trong những nhà đầu tư giàu nhất thế giới thì nói rằng: “Đừng nâng niu những người siêu giàu nữa!”
Gần đây, điều đáng ngạc nhiên là phong trào OWS còn được sự ủng hộ của những con cháu của nhóm 1%. Một trang blog trên hệ thống tumblr mang tên “Chúng tôi là nhóm 1%. Chúng tôi đứng cùng với nhóm 99%.” (http://westandwiththe99percent.tumblr.com/) được một số những người trẻ thuộc thành phần 1% lập ra để lên tiếng cho những bất công xã hội mà họ nhìn thấy trước mắt.
Tại đây chúng ta sẽ thấy hình của những con cháu các nhà tài phiệt thế giới cầm những tấm bảng bày tỏ tình đoàn kết với những người kém may mắn hơn mình.
“Tax me more – Hãy đánh thuế tôi cao hơn” hoặc “I have more money than I know what to do with – Tôi có quá nhiều tiền để biết phải tiêu thế nào” là một số trong những khẩu hiệu mà giới trẻ 1% đưa ra để bày tỏ sự ủng hộ của mình với phong trào OWS.
Dĩ nhiên, đây không phải là bản chất đặc thù của tuổi trẻ Mỹ, hay của con cái giới 1% tại Mỹ vì tuổi trẻ ở đâu cũng thế. Họ luôn luôn là những người không chấp nhận bất công và sẵn sàng dấn thân vì lợi ích chung.
Vào cuối thập niên 80 khi cách mạng Đông Âu bùng nổ, có không ít con cái các quan chức cộng sản cũng đã xuống đường hòa mình vào những đoàn biểu tình của quần chúng. Hay như tại Serbia trong những năm 90, con cháu của nhiều tướng lãnh công an có mặt trong các cuộc xuống đường đã khiến cho họ không thể ra lệnh bắn vào đoàn người biểu tình. Và gần đây tại Bắc Phi vào đầu năm 2011, chính một số con cháu của những người cầm quyền đã góp phần thuyết phục các đơn vị quân đội án binh bất động, không nổ súng vào dân chúng.
Điều này làm tôi nghĩ đến các “Con Cháu Các Cụ” (4C) ở Việt Nam. Khi nói tới thành phần 4C tại Việt Nam thì có lẽ người ta sẽ nghĩ ngay đến những quý tử ăn chơi quậy phá như con trai tướng công an Nguyễn Đức Nhanh, hay bất tài vô dụng như con ông Nông Đức Mạnh, hoặc giàu sang tột bậc như con gái ông Nguyễn Tấn Dũng, người mà tin đồn cho rằng đang nắm trong tay hàng trăm triệu đô la. Cũng có những 4C cha truyền con nối đang giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền. Nhưng đó chỉ là một thành phần nhỏ.
Phần lớn các 4C có cơ hội đi học nước ngoài, có dịp tiếp xúc với một thế giới khác hẳn với cái thế giới mà họ biết ở quê nhà. Từ đó, chắc chắn họ nhìn thấy được mức độ tụt hậu của nước mình càng ngày càng xa so với các nước láng giềng mà trước đây đã từng xếp hàng sau Việt Nam về mức phát triển như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.
Dù có nhiều khác biệt về tính cách và phong thái giữa các 4C ở Việt Nam và con cái của những người giàu có trong xã hội Tây phương đã có tinh thần trách nhiệm với xã hội một cách tự giác, nhưng lòng nhân ái vốn là thước đo để tạo nên phẩm chất này. Trong một thời đại mà mọi thông tin đều không thể giấu giếm, những người trẻ Việt Nam 4C này nghĩ gì về những bản tin hàng chục các cô gái quê Việt Nam phải trần truồng cho một vài người đàn ông ngoại quốc săm soi chọn lựa như chọn một món hàng? Chắc chắn họ cũng sẽ căm hận khi biết cảnh các cô dâu Việt Nam phải làm vợ cho cả gia đình nhà chồng, hoặc bị hành hạ, đánh đập thừa sống thiếu chết trên đất Đài. Chắc họ cũng biết đau khi thấy cảnh ngư dân Việt bị bắn chết trên ngư trường của chính mình mà thân nhân phải đóng tiền cho “người lạ” để chuộc xác về…
Hơn ai hết, những 4C này hẳn cũng đọc trên báo chí nhà nước đã bị bẻ cong ngòi bút sản xuất và thừa biết đâu là những bài báo sai sự thật và đâu là những “quỉ biện” như kiểu nói: tàu Trung Quốc bắn giết ngư dân Việt Nam là “yêu cho roi cho vọt!”
Ngày nay, những trái tim Việt Nam trẻ này đều biết rất rõ là nếu họ không làm gì hết thì lòng danh dự, sự tự trọng, tình yêu đất nước trong họ sẽ chai đá và chết dần mòn để rồi chết hẳn khi họ lên ngồi trên chiếc ghế quyền lực do cha mẹ họ để lại.
Liệu những người bạn trẻ 4C Việt Nam có muốn góp một bàn tay cứu vãn sinh mệnh dân tộc, hay quan trọng hơn, cứu chính phần nhân bản đáng quý còn đang sống trong lòng họ không?
© Hồng Thuận
1/10/2011
————————————————————–
Tài liệu nghiên cứu:
http://money.cnn.com/2011/10/20/news/economy/occupy_wall_street_income/index.htm
http://www2.ucsc.edu/whorulesamerica/power/wealth.html
http://www.census.gov/hhes/www/income/income.html
* Bài viết này là một trong những bài dự thi của cuộc thi Tuổi Trẻ Việt Nam và Đất Nước kỳ ba năm 2011. Cuộc thi nhằm mục đích tạo môi trường để giới thiệu các sinh hoạt của tuổi trẻ gắn bó với hạnh phúc hoặc tương lai dân tộc. Để biết thêm chi tiết, các bạn có thể vào trang www.tuoitrevnvadatnuoc.multiply.com
Nguồn: Diễn Đàn CTM
No comments:
Post a Comment