Trở Về Trang chính

Tuesday, December 27, 2011

Thăng Long, những ngày cuối năm 1788 - Rợp cờ đại Thanh ô nhục

Hết bị Trịnh Khải o ép, được Nguyễn Huệ đặt lên ngai vàng, lại gặp nạn Nguyễn Hữu Chỉnh lộng quyền qua mặt, để rồi Vũ Văn Nhậm ra Thăng Long xua đuổi, vua bất tài Lê Chiêu Thống cùng triều đình yếu kém tan tác như ong vỡ tổ, phải chịu những năm tháng đắng cay khi rời khỏi kinh thành Thăng Long, lúng ta lúng túng, khốn tới khôn lui…


May mà nhân dân Bắc Hà còn ân sâu nghĩa nặng với 300 năm nhà Lê nên nhà vua lưu vong còn có chỗ dựa.

Năm Mậu Thân(1788) vua Lê Chiêu Thống, sau một vòng đường biển về Thanh Hóa lánh nạn, giả thường dân trốn ra nương náu ở Phượng Nhãn, Kinh Bắc, bí mật tìm các vị tiến sĩ triều Lê nhờ giúp rập.

Công bằng mà nói, việc cầu viện nhà Thanh đâu chỉ là tự quân “ngây thơ chính trị” mà phải còn do một số tiến sĩ triều Lê, quá mơ hồ về dã tâm của thiên triều Thanh, đã tư vấn cho vua Lê Chiêu Thống! Thật vậy, những ngày trốn ở Kinh Bắc, vua Lê có các vị tiến sĩ, từng là đại quan, như Lê Quýnh, Lê Duy Đàn, Trần Danh Án,… tham mưu trong “màn trướng”.

Nhà vua đã có một quyết định cực kỳ sai lầm, để rồi ôm hận thiên thu, lưu tiếng xấu muôn đời, tên mình thành danh từ riêng “Lê Chiêu Thống”, biểu tượng “mãi quốc cầu vinh” hay “cõng rắn cắn gà nhà” hay “rước voi về giày mã tổ”, đó là cầu viện thiên triều Thanh.

Một số tiến sĩ làu thông Bắc sử, tinh thông triết học Tống Nho, sùng chính đạo, muốn làm bậc quân tử với lý tưởng ngu trung, tin vào Thiên triều Thanh thực lòng bảo vệ chư hầu Đại Việt,… đã phò nhà vua hèn yếu họ Lê.

Học Bắc sử quá nhiều nên sớm quên sử Việt, với học phí phải trả bằng máu, xương, mồ hôi, nước mắt, chủ trương nội phụ hoặc cầu viện thiên triều phương Bắc, phục hồi nhà Lê để cùng hưởng đỉnh chung.

Vị tiến sĩ hăng hái nhất phải kể Lê Quýnh. Ông ta hăng hái nhận lệnh vua Lê Chiêu Thống bí mật đưa Thái Hậu và hoàng tử sang Đại Thanh cầu viện.

Vị thứ hai cũng nhiệt tình không kém là Trần Danh Án, cũng làm sứ giả “đội lốt con buôn”, luồn lách đường rừng qua chầu hầu các quan hàng tỉnh, mong được giúp đỡ ra tay cứu vớt…

Tay cáo già Tôn Sĩ Nghị, bấy lâu rình rập Thăng Long khi hắn ta đương nhiệm tổng đốc Lưỡng Quảng. Máu bành trướng sục sôi trong tim đen của hắn, bỗng trào dâng khi những giọt nước mắt đớn hèn lăn dài trên má mẹ vua Lê, đang quì mọp trước sãnh viện của quan tổng đốc họ Tôn.

Thế rồi ngòi bút lông của tiến sĩ hoang tưởng Lê Quýnh tha hồ vẫy vùng những câu nịnh hót hoàng đế Càn Long, viết thay vua Lê cầu xin hoàng đế thiên triều ra tay cứu vua Lê, trừ Tây Sơn. Tôn Sĩ Nghị vớ được cơ hội, đây là dịp có cớ đưa nước Việt vào ách Bắc thuộc ngàn xưa, viết bản tâu, thúc ngựa trạm tức tốc về kinh đô dâng tấu biểu lên Càn Long hoàng đế.

Đại cáo già Tôn Sĩ Nghị thâm hiểm chưa bằng Siêu cáo già Tôn Vĩnh Thanh, gã này còn tàn độc hơn khi cùng tâu lên vua Càn Long kế sách thâm độc; rằng khoan giúp Lê Chiêu Thống, tọa san quan hổ đấu thêm một thời gian nữa, để mấy tay An nam tranh bá đồ vương, nồi da xáo thịt, hao của tốn người, dân chúng điêu linh, …rồi đem quân qua dựng một An Nam quốc vương Lê bù nhìn và An Nam thành một tỉnh của Đại Thanh vậy.


Càn Long, máu siêu bành trướng còn hơn đại bành trướng Hán tộc, phối hợp hai mưu kế của hai gã họ Tôn, liền lệnh ngay Tôn Sĩ Nghị đưa mấy vạn quân qua “giúp nhà Lê”, không quên dặn dò Tôn Sĩ Nghị bằng một mật dụ vô cùng nham hiểm; rằng qua An Nam nên tiến quân thận trọng, lập được đầu cầu, dừng binh để bảo toàn lực lượng, dùng ngay người Việt đánh người Việt, cụ thể cho họ Lê đánh họ Nguyễn để An Nam tả tơi. Khi ấy mới thu phục An Nam vào đồ bản.

Thực ra Càn Long cũng có nghe mưu kế của Tôn Vĩnh Thanh khi dặn dò Tôn Sĩ Nghị; mưu đó là gì? Chia đôi An Nam, Thuận Hóa về nam giao cho Tây sơn, Hoan Ái về bắc giao cho họ Lê, phong An Nam quốc vương “bù nhìn”cho hai họ, cùng làm chư hầu của Đại Thanh, còn quân Thanh ở lại An Nam để kềm chế.
Quá ư tham ác, tàn độc! Đáng buồn là một số đại trí thức triều Lê như Lê Quýnh, Nguyễn Huy Túc, Trần Danh Án… đã “mơ màng” trong những dòng “trá mị” của bài hịch “giúp Lê trị Tây Sơn” của cáo già Tôn Sĩ Nghị.

Các vị khoa bảng đầy phấn khích, trong những tháng cuối năm Mậu Thân 1788, chuốc lời văn để viết hịch Cần Vương, vận động dân chúng Bắc Hà hưởng ứng cuộc khôi phục nhà Lê, có sự hỗ trợ của đại quân Thanh triều, để huynh đệ tương tàn, và Đại Thanh cứ lấn dần đất đai sông biển.

Trên đống hoang tàn của hoàng thành Thăng Long, ngày 21 tháng 11 năm Mậu Thân[1788], tự quân Lê Chiêu Thống đã quì mọp lạy về Bắc quốc, nâng hai tay nhận ấn An Nam Quốc Vương, trông ô nhục như Trần Ích Tắc tái sinh!


Vua sáng thì tôi hiền, vua ngu thì tôi dốt, có tiến sĩ lão thần thúc giục vua Lê xin Tôn Sĩ Nghị sớm ra quân để thanh toán giặc Tây Sơn.
An Nam Quốc Vương Lê Chiêu Thống cử ngay Lê Quýnh sang bản doanh họ Tôn đệ đạt nguyện vọng của vua Lê, gã họ Tôn từ chối. Hắn phải từ chối vì đã có mật dụ của hoàng đế Càn Long, hắn ta đang củng cố những phòng tuyến, những đại đồn quanh Thăng Long, giao trọng trách cho những hỗ tướng dày dạn chiến trường như Hứa Thế Hanh, Sầm Nghi Đống… nghĩa là cáo già họ Tôn đâu có khinh địch?

Chẳng qua hắn ta đang tiến hành mưu độc, đứng chân để vua Lê truyền hịch, có thể trang bị quân trang quân dụng cho quân nhà Lê vào đánh quân Tây Sơn, còn hắn “tọa sơn quan hỗ đấu”, tha hồ “ngư ông đắc lợi” theo diệu kế Tôn Vĩnh Thanh, dù siêu cáo già này bị hắn “cướp công cách mạng”…

Trong trái tim đen của Càn Long, Tôn Sĩ Nghị, Tôn Vĩnh Thanh, … thừa biết nội bộ của Tây Sơn đang có sự kiện mất đoàn kết: Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ và Thái Đức hoàng đế Nguyễn Nhạc mới “nồi da xáo thịt” một trận hao binh tổn tướng, vì thế bọn họ còn chờ Nguyễn Huệ bị vua anh đánh sau lưng…

Nhưng đại phúc cho Đại Việt, vẫn còn tiến sĩ Ngô Thời Nhậm, tiến sĩ Phan Huy Ích của triều Lê, có ẩn sĩ thánh Nguyễn Thiếp,… có thực tài và thức thời đã giúp vua Quang Trung, phá vỡ ván cờ tưởng chừng như “dở cuộc không còn nước” của Đại Việt.

Hơn nữa vua hèn Lê Chiêu Thống dỡ trò ân oán quá quắt làm thất nhân tâm, quân xâm lược Thanh đang đóng quân thì “nhàn cư vi bất thiện”, các ngài đại tướng chinh Nam bắt dầu hống hách, yêu sách đủ điều.

Bao nhiêu vàng bạc, châu báu, tiềng đồng mà vua hèn Lê Chiêu Thống đổi gạo cơm rượu thịt để cung ứng cho hằng vạn quân Thanh, phút chốc tiêu tan. Thế là nhà vua ra lệnh trưng thu, trưng dụng và đè cổ dân chúng Bắc Hà ra mà thu thuế… dân chúng Bắc Hà đã vỡ mộng, bắt đầu thấy mình bị lừa…


Còn ở Phú Xuân, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, được bầy tôi dâng sớ, cầu Bắc Bình Vương sớm lên ngôi hoàng để để chính danh. Và đúng 5 ngày sau khi Lê Chiêu Thống lên ngôi ở điện Kính Thiên làm vua “mãi quốc cầu vinh”, da Lê Duy Kỳ hồn Trần Ích Tắc, thì tại Bân Sơn, bên trái Ngự Bình Sơn, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế Đại Việt vào ngày 25 tháng 11, Mậu Thân (1788), huy động toàn dân ra Bắc diệt quân xâm lược cùng bè lũ “Thanh nô” Lê Chiêu Thống.

Thế là ván cờ chung cuộc diễn ngay kinh thành Thăng Long, bọn ác cùng với bọn ngu, vạn đứa thì ôm hận dưới gò Đông Đa, ngàn đứa thì làm ma rà, có đứa làm ma vòng trên cây, ngàn đứa làm hàng binh, ngàn đứa chạy thục mạng qua Tàu chết mòn đất khách.

Còn quân dân Đại Việt oanh liệt viết tiếp trang sử anh hùng bất khuất, lấp lánh ngàn sao trên bầu trời Thăng Long năm Kỷ Dậu 1789, ôi vì sao sáng nhất là anh hùng dân tộc, đại phá quân Thanh, Quang Trung Nguyễn Huệ.


No comments:

Post a Comment