Trở Về Trang chính

Tuesday, December 27, 2011

Phân tích tình hình Việt Nam – Trung cộng

Nhiều người cứ sợ rằng Trung cộng sẽ tiến hành một cuộc chiến đại quy mô với VN, thiết tưởng Trung cộng không cần phải huy động một lực lượng quân sự vĩ đại như thế để trấn áp VN.

Tôi xin phép phân tích cho các bạn rõ, chúng ta hãy giở tấm bản đồ Việt Nam ra quan sát kỹ sẽ thấy ngay một chiến lược bao vây “Thiên La Địa Võng“, “Thập Diện Mai Phục” vô hình nhưng rất nguy hiểm cho VN:

1)- Trước hết vị trí đảo Hải Nam to lớn nằm ngang vĩ tuyến với vùng đất hẹp nhất của VN (Vinh, Thanh Hoá) tôi tạm gọi đó là yết hầu (cổ họng) VN. Chỗ này từ bờ biển đến biên giới Lào VN chỉ có khoảng vài chục km. Hải Nam là vị trí chiến lược quan trọng của Trung cộng, chỗ mà Trung cộng đã xây một căn cứ hải quân hùng hậu, bãi chứa hiện đại cho hàng chục chiếc tàu ngầm nguyên tử và hơn thế nữa là một phi trường quân sự tối tân. Thời ông G. Bush (con) mới lên ngôi tt HK (2000) ông đã âm thầm phái một chiếc phi cơ do thám bay sát căn cứ này để chụp hình và gây ra đụng chạm quân sự mãnh liệt, kết quả: 1 chiếc phản lực cơ Trung cộng bị rơi, để cho thấy rằng HK đặc biệt để ý theo dõi mọi hành động của Trung cộng từ lâu.

Từ Hải Nam Trung cộng xây dựng hàng trăm dàn hoả tiễn tầm ngắn chỉa vào “yết hầu VN“. Chỉ cần vài chục chiếc hoả tiễn này bắn vào là đủ để cắt ngang yết hầu VN, đe doạ tất cả mọi giao thông liên lạc giữa phần trên (miền Bắc và đầu não chính trị) và phần dưới (miền Nam, nơi có đông lúa trù phú đủ nuôi cả nước trong thời chiến).

Có ai đã lường trước được hiểm họa này chưa?

2)- Tất cả những giòng sông cung cấp nước ngọt cho hai vựa lúa miền Bắc và miền Nam, đều xuất phát từ thượng nguồn Trung cộng (sông Hồng) hay chảy qua Trung cộng (sông Mê Kông). Và mọi người đã rõ rằng từ 20 năm qua, Trung cộng đã cho xây hàng chục đập thuỷ điện cỡ lớn để ngăn chặn giòng nước màu mỡ này. Đương nhiên VN là vùng hạ lưu tiếp nhận nước ngọt và phù sa màu mỡ cho hàng triệu hecta đồng lúa, VN sẽ bị khống chế nước ngọt. Trong mùa khô Trung cộng chỉ cần khoá hết mọi cửa đập là đồng lúa VN bị khô hạn, chết cháy. Vào mùa mưa, Trung cộng ra lệnh cho mở hết mọi cửa đập, nước mưa thượng nguồn hợp với trữ lượng có sẵn sẽ là chiến lược thuỷ công khổng lồ đe doạ nhấn chìm thủ đô Hà Nội và một số tỉnh VN. Cảnh tượng này dân chúng miền Trung đã từng gánh chịu hàng năm mỗi khi các đập thuỷ điện cỡ nhỏ thi nhau xả nước.

Có ai đã lường trước được hiểm họa này chưa?

3)- Hàng triệu người Trung cộng (lái buôn, nhà thầu xây dựng, công nhân, gián điệp, quân đội trá hình) đã và đang xâm nhập tràn lan khắp ngõ ngách VN. Họ còn dùng sức mạnh đồng tiền để mua hầu hết những cơ sở làm ăn, thao túng thị trường nông lâm sản. Chỉ cần họ thu mua tích trữ hết sạch nhu yếu phẩm và gây khan hiếm trong lúc khẩn trương (chiến sự nổ bùng) là tạo ra cảnh hỗn loạn trong xã hội VN ngay. Nhà cầm quyền Hà Nội có ba đầu sáu tay cũng không thể nào xoay sở kịp. Lấy đâu ra lương thực đủ để nuôi cả nước trong thời gian dài?

Có ai đã lường trước được tình thế này chưa?

4)- Chính sách tuyên truyền “ngu dân và mỵ dân” của tập đoàn lãnh đạo ĐCS VN từ 60 năm qua đã làm lu mờ dân trí VN, biến họ thành những bộ óc khô cằn sợ sệt, thụ động trước tình hình. Nhưng khi xảy ra chiến sự với Trung cộng, lẽ đương nhiên nhà cầm quyền Hà Nội sẽ không thể giải thích được tại sao phải động viên thanh niên ra chiến trường hy sinh xương máu cho chính sách “16 chữ tốt, 4 điều vàng“, cùng lúc đó hàng ngàn “con ông cháu cha”, cán lớn, cán bé thu xếp hành lý bỏ chạy vắt giò lên cổ, tiền bạc trong ngân hàng bị thu vén sạch để gửi gấp ra ngoại quốc …và đó chính là thời điểm toàn dân VN thức tỉnh xuống đường biểu tình phản đối đòi lật đổ chính quyền, bạo loạn nổ ra. Màn kịch Cách Mạng Hoa Nhài bắt đầu lan truyền đến VN.

Vậy thì kẻ nào sẽ đầu cơ trục lợi nhiều nhất trong bối cảnh nhiễu nhương này, nếu không phải là ông láng giềng phương Bắc từng kiên nhẫn cắm câu từ 60 năm qua?

Câu hỏi được đặt ra: Chúng ta sẽ hành động ra sao trước những nguy cơ đe doạ nòi giống Lạc Việt? Bây giờ còn kịp để cảnh báo không?

Xin mời các bác, các anh chị cùng góp ý.

Lê Quốc Trinh, Canada

No comments:

Post a Comment