Dạo này tôi cũng chịu khó đọc báo, thông tin tạm gọi là lề trái (không có nghĩa là sai, không tiến bộ) xin kể 2 câu chuyện sau gọi là góp nhặt, phản ánh 1 vài tình huống trong cuộc sống.
Bệnh viện tâm thần Hà Nội. Ảnh : Internet
CÂU CHUYỆN 1
Đối với tôi, người đầu tiên reo rắc và gây ấn tượng cho tôi về NHÂN QUYỀN (*) chính là 1 người tâm thần.
Không rõ chính xác vào năm nào, nhưng chắc chắn chưa đến 1988 khi tôi còn học cấp 2. Một ngày nọ, một người bạn của cha tôi đến chơi nhà và cho xem 1 tập tài liệu đánh máy có những hình vẽ chú thích nguệch ngoạc. Ở tuổi học sinh làm gì tôi đã hiểu được chuyện của người lớn, tôi tò mò tập tài liệu đó chính nhờ những hình vẽ, bởi thuở học trò tôi cũng đã từng đi học vẽ ở CLB thiếu nhi vào các kỳ nghỉ hè. Tôi vẫn còn nhớ trong tập tài liệu đó có vẽ một số hình theo tuần tự từ vượn (khỉ ?) => người vượn => con người phong kiến (hình ảnh giáo mác, xiêm y vua chúa) => người hiện đại.
Câu chuyện không có gì đặc biệt cho đến khi tôi lớn lên trong đời, có ý thức hơn về chính trị, tham gia sinh hoạt chính trị (ĐCSVN), đi biểu tình, qua Internet biết những thông trái chiều và cả những thông tin mà bậc cha chú tôi không được biết lúc tuổi trẻ ví dụ như về miền Nam trước 1975, thế giới, khối Đông Âu-Tây Âu, Cộng Sản-Tư Bản… Tất cả bị bao phủ một cách có hệ thống bởi một bức màn tre hàng chục năm, vả lại hoàn cảnh kinh tế thiếu thốn nên phương tiện truyền thông cũng rất hạn chế.
Có 1 lần tôi hỏi cha tôi “cái bác hồi xưa đến nhà mình đưa cho bố tập tài liệu có vẽ những hình người bây giờ ra sao rồi bố ?“
Cha tôi nói “Sau khi bác phân phát tài liệu tới một số bạn hữu, cuối cùng người ta cưỡng bức bác đi khám tâm thần“
Viết đến đây chắc các chú-bác lớn tuổi đọc bài này sẽ nhận xét “cũng bình thường thôi” hoặc giả “cũng nghe nói chuyện này chuyện kia tương tự”
Nhưng khi cha tôi nhấn mạnh vào câu này mới thực sự làm tôi ấn tượng:
“Một thời gian sau, bác bị người ta làm cho tâm thần thật“
Là sao hả bố ?
Là thần kinh Trâu Quỳ ! (**)
CÂU CHUYỆN 2
Một lần khác vào khoảng năm 2000-2001, tôi và một người bạn học cùng đại học đi lang thang ở Hà Nội, tạt vào một quán nước ven đường, làm cốc trá đá nói những câu chuyện tếu táo. Tôi lại gặp một người tâm thần, đó chính là bà bán nước. Thấy bác gái có thái độ bất mãn chế độ, chỉ trích ông này ông kia, thỉnh thoảng lại pha trộn lộn xộn chuyện gia đình, đời thường khiến tôi cũng tò mò nhưng cảm nhận có cái gì không bình thường trong đầu óc của bác gái. Ban đầu tôi còn có ý nghĩa “bà này bị hâm”
Tôi và thằng bạn thay nhau đưa đẩy, bác gái nói miên man. Chỉ đến khi Bác đưa ra những huân chương, giấy tờ chứng nhận, hình ảnh hoạt động và cả những đơn thư nhàu nát về việc tố cáo thì tôi mới nhận ra rằng đây không phải là một người bình thường nhưng không phải theo nghĩa thông thường. Chuyện cũng đã cũ, tôi không còn nhớ rõ những nội dung trong tờ giấy tố cáo là gì chỉ biết Bác đã từng làm trong ngành công an.
Một câu nói của bác gái khiến tôi không thể quên : “Cô bị chúng nó tiêm thuốc lúc tỉnh lúc mê, có lúc nữa đêm cởi quần áo đi ra ngoài bãi ở sông Hồng“
Ảnh chỉ có tính minh họa: Cô Chen Ying trình diễn lại thủ đoạn cưỡng bức tiêm thuốc tại trại cưỡng bức lao động. Ảnh : www.falunhr.org
LIÊN HỆ BẢN THÂN
Câu chuyện về 2 người tâm thần đã đi sâu vào tâm trí tôi, được dội lại mãnh liệt vào gần cuối tháng 7/2011 khi một phái đoàn đông đảo của CA, Viện kiểm sát đến cơ quan và qua đó áp lực với lãnh đạo để tôi viết lời khai (tường trình) về sự cố biểu tình bị đạp vào mặt. Mọi chuyện ban đầu cũng rất căng thẳng vì tôi nhất định từ chối làm việc cuối cùng 1 anh trong phòng tổ chức cán bộ của cơ quan “tâm lý chiến” khiến tôi cũng ôn tồn hợp tác nhưng đến tiết mục “khám bệnh đêm khuya” thì tôi quyết tâm cự tuyệt. Nếu là ban ngày và khám ngay tại bệnh viện của cơ quan thì tôi cũng vui vẻ thôi
Có thể về phía CA và cơ quan đánh giá tôi là không hợp tác đến cùng, gây rắc rối, câu giờ ?
Cũng có thể phía những người đã từng đi biểu tình, dư luận khách quan có ai đó nhận xét tôi là bản lãnh, can đảm nói ra sự thật ? Hoặc ngược lại ?
Thú thật lúc đó tôi chợt nhớ đến câu chuyện 2 người tâm thần và một vài chuyện cũ cha tôi kể lại thời hoạt động cách mạng bí mật của các bậc đáng tuổi ông-bà, trong lúc đang căng thẳng tôi bỗng chột dạ và không thể không cảnh giác.
KẾT LUẬN
Ở đâu đó trên đất nước này, trong các thời kỳ chắc chắn nhiều người từng chứng kiến, nghe những câu chuyện tương tự hoặc ly kỳ, tầm cỡ hơn câu chuyện của tôi. Đương nhiên!
Nhưng không thể là những câu chuyện đời kiểu nuôi con gì ? trông cây gì ? Những sinh hoạt thường nhật trong cuộc sống.
Sự hy sinh của những con người đấu tranh vì bất công trong xã hội, những ưu tư về thời cuộc, tìm một con đường tiến cho dân tộc … vân vân.. . trong thời buổi loạn lạc, đói rách và mông muội thông tin phải trả giá đắt, đẫm máu và nước mắt hơn nhiều những cái mà chúng ta nghe đọc về bề nổi một vài năm gần đây liên quan đến biểu tình, sinh hoạt tự do ngôn luận A, B, C nào đó. Với cá nhân tôi đó là những người can đảm nhất và trớ trêu thay lại vô danh nhất đến mức tâm thần-điên khùng không ai buồn nhắc đến, có thể ở đâu đó trên đất nước này còn rất nhiều người trong số họ bị lãng quên huặc giả bị triệt tiêu/khống chế ngay khi mới chớm cất lên tiếng nói?
Mỗi người rất dễ tìm ví dụ chung quanh mình và hỏi người thân, các bậc tiền bối về câu chuyện của quá khứ để rút ra những bài học cho đường hướng của mình trong tương lai. Qua đó cũng đo lường chúng ta có khả năng gì ? Đã hành động thực tế và hiệu quả đến đâu ? Hy sinh ở mức độ nào ?
Anh Lê Chí Quang (1970) ngoài cùng bên phải, cùng gia đình. Người nổi tiếng với bài “Hãy cảnh giác với Bắc Triều” năm 2001. Ảnh : Internet
—–*—–*—–*—–*—–*—–*—–
(*) NHÂN QUYỀN : Mời các bạn tham khảo 1 website trong nước phổ biến kiến thức về nhân quyền http://www.nhanquyen.vn/
(**) Trâu Quỳ : là một thị trấn của huyện Gia Lâm – Hà Nội. Địa danh này nổi tiếng và nhiều người biết đến vì ở đây có một bệnh viện tâm thần. Dân gian khi ám chỉ ai đó liên quan đến Trâu Quỳ ý muốn nói về sức khỏe tinh thần của người đó có vấn đề, không bình thường hoặc có khi một hành động kỳ quái cũng dễ bị gán ghép đến địa danh Trâu Quỳ.
Đông Hải Long Vương
No comments:
Post a Comment