Trở Về Trang chính

Sunday, December 25, 2011

Bất động sản châu Á bắt đầu làn sóng ‘xì hơi’?

(ĐVO) Thị trường bất động sản châu Á từ Bắc Kinh, Hong Kong đến Singapore, Sydney đều chứng kiến tình trạng lao dốc trầm trọng.

Mất giá trên toàn khu vực

Theo tờ Wall Street Journal, giá nhà đất đang trên đà suy giảm ở nhiều nơi tại châu Á, kết thúc chuỗi thời gian gần ba năm liên tục địa ốc tăng giá ở khu vực này.

Tờ China Daily từng dẫn lời các chuyên gia cảnh báo, nếu Trung Quốc “vỡ bong bóng” bất động sản thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp đối với kinh tế, chính trị - xã hội nước này. Và quả thực, nhiều dấu hiệu gần đây cho thấy nguy cơ này đang hiển hiện khi thị trường bất động sản bắt đầu tụt dốc.

Mức giá nhà trung bình tại 70 thành phố ở Trung Quốc tháng 11 vừa qua giảm mạnh. Cũng trong tháng này, giá nhà mới tại 49 thành phố lớn nhất của Trung Quốc đều giảm, trong khi đó con số này vào tháng 10 chỉ ở mức 33.
Giá nhà mới xây tại bốn thành phố lớn bao gồm Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến và Quảng Châu giảm 0,3% so với tháng 10 và như vậy ghi nhận mức hạ theo tháng sâu nhất so với các khu vực đô thị khác.

Giá bất động sản tại thành phố Ningbo và Shenyang ở khu vực phía Bắc gần Triều Tiên cũng hạ 0,6%.

Giá nhà đất trên khắp châu Á đều sụt giảm. Ảnh: foreclosure-support.com.
Hong Kong, nơi giá nhà đất tăng gần 75% kể từ năm 2009, tháng 7 vừa qua cũng bắt đầu chứng kiến sự giảm giá lần đầu tiên trong ba năm. Từ tháng 7 đến tháng 11, giá bất động sản tại đây giảm thêm 4%. Trong tháng 12, các giao dịch nhà ở Hong Kong dự kiến giảm tới 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy cho thấy nhu cầu mua nhà đang sụt giảm đáng kể.

Trong khi đó, Công ty tư vấn bất động sản CBRE Group Inc cho biết, giá nhà ở cao cấp tại Singapore trong quý 3/2011 giảm 2% so với quý trước đó. Số liệu từ Cơ quan tái phát triển đô thị Singapore cũng cho thấy số căn hộ chưa bán được đang tăng lên đáng kể.

Tại Australia, giá nhà đất liên tục giảm từ đầu năm nay, cắt đứt mạch tăng giá kéo dài nhiều thập kỷ. Theo các số liệu thống kê, giá nhà ở trong tháng 10 giảm 0,5% so với tháng 9. Giá nhà ở cũng sụt giảm khá mạnh ở thành phố Brisbane, nơi bị lũ lụt tàn phá hồi đầu năm.

Tình hình tại khu vực Đông Nam Á cũng không khả quan hơn. Giá nhà đất tại Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia đang có những dấu hiệu giảm theo giá nhà đất ở Singapore. Còn thị trường nhà đất Thái Lan vốn đã yếu, nay lại càng đi xuống do ảnh hưởng của trận lụt tồi tệ nhất trong 50 năm qua.

Viễn cảnh ảm đạm
Andy Xie, nhà kinh tế từng làm cho Morgan Stanley ở khu vực châu Á Thái Bình Dương nhận định: “Các Chính phủ đã để bong bóng bất động sản phình quá lớn, giờ đang dùng các chính sách thắt chặt tiền tệ, hạn chế đầu cơ để ngăn chặn các nhà đầu cơ. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lao dốc của thị trường bất động sản châu Á”.

Vì vậy, tại một số quốc gia, các công ty và giới đầu tư bất động sản bắt đầu hy vọng nhà chức trách sẽ nhanh chóng kết thúc hoặc nới lỏng các biện pháp kiểm soát giá nhà để mang lại đà tăng trưởng cho thị trường nhà đất.

Thị trường bất động sản châu Á năm 2012 nhiều khả năng còn tiếp tục sụt giảm. Ảnh: theaustralian.
Tuy nhiên, nguy cơ hình thành trở lại của bong bóng địa ốc dường như buộc Chính phủ phải duy trì các biện pháp hạn chế này. “Hiện tại, đối với nhiều nước như Trung Quốc và Singapore, rủi ro hình thành bong bóng bất động sản còn đáng sợ hơn là giá nhà giảm mạnh”, nhà phân tích Jinsong Du thuộc Credit Suisse nhận định.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Shen Jian-guang, chuyên gia kinh tế tại công ty chứng khoán Mizuho Securities nhận xét: “Chính phủ các nước châu Á không muốn phát đi bất kỳ tín hiệu nào về sự nới lỏng chính sách nếu không sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường”.

Quả thực, Đặc khu trưởng Hong Kong Donald Tsang mới đây khẳng định tiếp tục duy trì các biện pháp khống chế hoạt động đầu cơ, bao gồm đánh thuế đối với những người mua nhà bán nhà sau hai năm.
Trong khi đó, ngày 13/12, Hội nghị kinh tế trung ương hàng năm ở Trung Quốc cũng ra tuyên bố kiên quyết duy trì các chính sách kìm giá bất động sản bao gồm hạn chế số lượng nhà được sở hữu, áp dụng thuế bất động sản ở một số thành phố và tăng cường xây dựng nhà ở giá thấp.

Do đó, một loạt dự đoán tiêu cực cho viễn cảnh của thị trường bất động sản năm 2012 đã được đưa ra. Tổ chức xếp hạng tín dụng Moody nhận định, các công ty bất động sản Trung Quốc sẽ đối đầu với nhiều khó khăn trong khoảng thời gian từ 12 đến 18 tháng tới, cụ thể doanh số giảm, tín dụng ngân hàng thắt chặt và áp lực lên lợi nhuận rất lớn.

Cụ thể hơn, ông Shen Jian-guang dự báo, giá nhà đất Trung Quốc còn giảm thêm không dưới 25% và có thể cán mức 30% trong hai năm tới.

Khi đó, thị trường bất động sản Trung Quốc đứng trước nguy cơ đổ vỡ và sẽ kéo theo các ngành thép và vật liệu xây dựng đi xuống. Vì thế, tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sẽ thấp hơn mức 8% vào quý 1 năm sau. Điều này có thể khiến Bắc Kinh tiến thoái lưỡng nan vì tiếp tục thắt chặt sẽ tác động xấu đến kinh tế, ngược lại thì “bong bóng” bất động sản càng căng.

Trong khi đó, nhà phân tích David Lum thuộc công ty Daiwa Capital Markets cho rằng, thị trường bất động sản ở Singapore sẽ giảm 30% trong ba năm tới.

“Chúng tôi cho rằng, từ cuối năm 2012 trở đi, nguồn cung nhà tăng cao ở Singapore sẽ tiếp tục gây ra áp lực giảm giá nhà đất”, ông David nhấn mạnh. Theo thống kê, hơn 100.000 căn nhà ở mới ở Singapore dự kiến sẽ hoàn thành trong ba năm tới.

Còn theo những dự báo được công bố của Knight Frank về viễn cảnh thị trường bất động sản thế giới, sau hai năm tăng trưởng thì thị trường sơ cấp sẽ có xu hướng giảm trong thời gian tới, đặc biệt là ở châu Á.

Dự báo này nêu rõ, sẽ có 60% các thành phố châu Á chứng kiến sự sụt giảm về giá bất động sản, trong đó, Hong Kong và Thượng Hải, hai thị trường lớn bậc nhất tại châu Á có giá nhà tăng lần lượt là 7,8% và 3,8% trong 12 tháng qua sẽ có khả năng chứng kiến mức giảm lần lượt là 19,7% và 29,7% trong năm tới.

Liam Bailey người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Knight Frank còn nhận định: “Các nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn với đồng vốn của họ trong bối cảnh hiện nay và khái niệm ‘thị trường an tòan’ sẽ lên ngôi trong năm 2012 tới đây”.

No comments:

Post a Comment