Trở Về Trang chính

Wednesday, November 16, 2011

“Vô cảm”: căn bệnh nan y của xã hội Việt Nam ngày nay

- Trần Việt Trình -

Đã 2 năm qua rồi, người Sài Gòn vẫn chưa hết ám ảnh về một tai nạn kinh hoàng xảy ra ở Thủ Đức. Nạn nhân tên là Nguyễn Thành Trung, bị xe tải cán đứt làm đôi. Đoạn video clip do một người đi đường quay lại hiện trường cho thấy anh bị xe cán ngang hông, dập nát nửa thân dưới. Dầu vậy, anh vẫn còn tỉnh táo, thậm chí còn nhờ người đi đường gọi điện về báo cho gia đình. Sau đó nạn nhân qua đời, trước khi xe cấp cứu đến. Đoạn video clip dài 5 phút này được phát tán trên Internet đã dấy nên một làn sóng dư luận kịch liệt lên án những người đi đường lúc đó chỉ đứng nhìn mà không ra tay cứu giúp nạn nhân.

Ngày 14 tháng 4 năm nay, Quốc lộ 1A bị tắc nghẽn đến 7 tiếng đồng hồ vì một xe dưa hấu bị lật, hàng trăm người đổ xô tranh nhau “hôi” dưa. Từ già đến trẻ, từ học sinh đến người đi làm, ai đi ngang qua cũng ráng dừng lại ôm về cho mình một vài trái. Những người có ý thức có mặt lúc đó lên tiếng thì được trả lời là “Không nhặt thì trước sau người ta cũng phải thuê xe khác đến chở”. Người hôi được dưa thì vui vẻ cười đùa, chủ xe thì méo xệch mặt xót xa.


Mới đây, tại thành phố HCM xảy ra vụ một chiếc xe tài xế nổi điên gây tai nạn liên tiếp làm cho 2 người chết và 17 người bị thương. Người đi đường không những không ra tay cứu giúp mà còn xông vào hôi của lấy hết tài sản của nạn nhân. Chị Hồng Hà, người bị thương nặng nhất trong số nạn nhân còn sống đã bị mất toàn bộ số tài sản để trong cốp xe. Một phụ nữ khác tử vong do vết thương quá nặng, mãi đến 3 ngày sau gia đình mới hay tin vì toàn bộ túi xách đựng giấy tờ tùy thân đã bị lấy mất.


Trên đây chỉ là một vài hình ảnh tiêu biểu của bệnh vô cảm đang xảy ra ở Việt Nam. Bệnh vô cảm không có trong tự điển y khoa nhưng nó lại là một căn bệnh hiểm nghèo đang hoành hành khắp nơi trong nước. Hiện nay, nhiều người dân trong nước mắc bệnh này. Triệu chứng của bệnh là nạn nhân không hề động lòng trước những nỗi đau của người khác cũng như không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xảy ra hàng ngày. Bệnh này có sức tác hại ghê gớm. Nó không những huỷ hoại người mắc bệnh mà còn gây nguy hiểm cho người chung quanh. Ngày nay nhân loại đang bó tay trước những căn bệnh nan y của thế kỷ như ung thư và HIV/AIDS, bệnh vô cảm hiện nay ở VN cũng nan y không kém.


Trên đường phố VN ngày nay, nhan nhản những cách hành xử vô tình, vô tâm và vô cảm tương tự như vậy. Tình trạng thấy người bị tai nạn mà không một ai gọi cấp cứu, kiếm cách chở nạn nhân đi hay vẫy một chiếc taxi đưa nạn nhân đến bệnh viện mà chỉ chực lao vào hôi của xảy ra như cơm bữa. Chỉ cần lướt qua một vài tờ báo online, lướt qua một vài tin tức trên các trang web trong nước là ai cũng sẽ dễ dàng bắt gặp vô số những tin tức tệ hại về nạn vô cảm này. Nó đang lây lan khắp nước, từ xã hội đến cả học đường.


Theo một khảo sát hồi tháng 3 năm rồi của VnExpress.net với trên hơn 17 ngàn người tham gia, khi được hỏi “Bạn sẽ làm gì khi chứng kiến học sinh đánh nhau”, hơn 40% cho biết họ sẽ chỉ đứng nhìn, bỏ đi, hoặc coi như không biết. Chỉ có gần 25% cho biết sẽ can ngăn.


Bạn sẽ làm gì khi chứng kiến học sinh đánh nhau?

Source: VnExpress.net

Để bào chữa cho căn bịnh vô cảm hiểm độc này hiện nay của đất nước, các nhà “học cao thấy rộng” của chế độ ra sức lý giải nó là “căn bịnh của thời đại”.


Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng, chẳng qua vì VN đang chuyển mình giữa một bên là nền văn minh nông nghiệp và một bên là văn minh công nghiệp, vì thế cho nên xã hội đang có sự huỷ hoại về hệ thống giá trị sống, tính huyết thống, trong khi trình độ văn minh tiến bộ vẫn chưa định hình rõ ràng.


Ông Vũ Toản, Thạc sĩ xã hội học, giảng viên trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân Văn TP HCM thì cho rằng sự vô cảm là “Sản phẩm của quá trình đô thị hóa”, “Nó trở nên phổ biến và không thể cưỡng lại trong thời kỳ công nghiệp như Việt Nam giai đoạn này”.


Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Minh, giảng viên học viện Hành chính TP HCM nhìn nhận căn bệnh vô cảm đang ngày càng lây lan rộng rãi trong xã hội VN. So sánh sự khác biệt của xã hội VN xưa và nay, nhà tâm lý học này cho rằng thời nào cũng có sự hiện diện của cái thiện và cái ác, người tốt và kẻ xấu, tuy nhiên nó khác nhau về mức độ và sự thể hiện ở từng thời điểm. Đúng. Vậy thì căn bịnh vô cảm này do đâu mà có?


1. Xét về mặt trật tự an ninh, trước hết, trách nhiệm phải quy cho các lực lượng chức năng. Lực lượng công an cảnh sát yếu kém, họ xuất hiện không kịp lúc để dẹp yên tình trạng hỗn loạn. Từ đó, những người chứng kiến không dám giúp đỡ nạn nhân và không tố cáo kẻ xấu vì sợ dây dưa, sợ bị tra hỏi, sợ bị liên đới trách nhiệm, sợ bị vướng vào vòng lao lý, mất thời gian.


2. Xét về mặt sinh hoạt đời sống, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thái độ thờ ơ lãnh đạm của người dân khi chứng kiến bi kịch của đồng loại. Do phải bon chen mưu sinh, do quá bận rộn với công việc và nhịp sống hối hả nên người ta buộc phải chọn cách sống “Đèn nhà ai nấy sáng”.


3. Xét về mặt xã hội, xã hội VN bây giờ quá phức tạp, lừa gạt và tranh ăn quá phổ biến, và cũng do chứng kiến quá nhiều vụ lừa đảo cố tình dàn cảnh tai nạn để lừa người qua đường nên người dân đâm ra nghi ngờ và dửng dưng. Do đó, mọi người chọn cách phòng thủ, tốt nhất là không dây dưa vào chuyện người khác để khỏi chuốc họa vào thân.


4. Những vụ tham nhũng và hối lộ của các quan chức ở mọi lãnh vực, mọi cấp và tràn lan khắp nơi khiến cho người dân mất lòng tin vào nhà cầm quyền, người dân không còn biết đặt niềm tin vào đâu.


5. Khủng hoảng niềm tin và suy đồi đạo đức trong xã hội hiện tại. Đặc biệt, đó là sự suy đồi về đạo đức, nhân phẩm của những thế hệ trẻ ngày nay, mà biểu hiện rõ nhất đó chính là thái độ thờ ơ, vô cảm đối với mọi sự vật, mọi sự việc diễn ra xung quanh. Thái độ này đang dần lan tỏa trong xã hội VN, không chỉ trong giới trẻ mà đã len lỏi vào khắp mọi giới, không chỉ địa phương hay vùng miền nào mà lây lan khắp nước.


6. Xét về mặt giáo dục, căn bệnh vô cảm này là sản phẩm của một nền giáo dục yếu kém, thất bại hoàn toàn. Nền giáo dục của người CS giáo điều với lý thuyết khô khan và nặng nề, không chú trọng đến việc đào tạo nên “nhân cách” mà chỉ chú trọng đến việc đào tạo ra “nhân lực”. Nó thể hiện qua các chính sách, pháp lệnh cũng như chương trình học nặng nề của nhà nước. Các môn quan trọng góp phần hình thành nên “nhân cách” con người là Giáo dục công dân từ lâu đã trở thành những môn phụ không đáng quan tâm, thời lượng tiết học vô cùng ít ỏi và nội dung học thì quá nặng nề, giáo điều thì làm sao có thể đào tạo nên những nhân tố tốt được. Sự sai lầm của giáo dục đã kéo theo một thế hệ không hoàn chỉnh, một thế hệ không thể nào miễn nhiễm được với những căn bệnh như vô cảm.


Tựu trung, căn bệnh vô cảm là kết quả của một lối sống chụp giựt, bon chen và tranh giành ngày nay, ngày ngày ăn sâu vào tinh thần văn hóa của xã hội VN khi mà các giá trị sống, giá trị đạo đức tinh thần, lòng bao dung nhân ái, tình thương yêu đồng loại, và sự hy sinh đang dần bị thế chỗ bởi chủ nghĩa vật chất và lợi ích cá nhân ... làm cho con người không còn cảm giác trước nỗi đau của đồng loại.


Người Việt mình xưa nay có truyền thống vô cùng tốt đẹp là “thương người như thể thương thân”, ấy vậy mà ngày nay có những cách sống đang đạp đổ truyền thống tốt đẹp này. Chữ “nghĩa” trong xã hội VN dường như đang dần mất đi nên con người hiện chỉ biết sống vì mình, sống ích kỷ, không còn dám hy sinh và sống không có trách nhiệm với đồng loại. Ngày xưa con người sống trọng “nghĩa, luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh, sẵn sàng xả thân vì cái thiện, cho gia đình, cho đồng loại và cho đất nước. Vì thế mà ở thời ông cha ta những giá trị căn bản của tình nghĩa gia đình, thầy trò, tình yêu quê hương đất nước luôn được đặt lên cái tôi cá nhân. Bức tranh xã hội đang có sự đảo lộn giá trị, cái ác lên ngôi, trong khi giá trị nhân bản đang bị chìm lấp. Ngày nay, đang có sự thay đổi lớn trong hệ thống giá trị sống của con người. Khi một xã hội, một đất nước mà những người sống trong đó vô cảm, không hợp quần, không tương thân tương trợ lẫn nhau, không giúp đỡ nhau thì tất yếu cái xã hội đó sẽ què quặt, đất nước đó sẽ sụp đổ và bị tiêu hủy.


Ngày nay, hàng ngày, trên các mặt báo hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng ở VN, người ta dễ dàng bắt gặp những mẫu tin về bạo lực học đường, cảnh sáu bảy học sinh xúm lại đánh hội đồng một nữ sinh mà các học sinh xung quanh chứng kiến rất vô cảm, cảnh học trò đánh thầy cô ngay trong trường học, cảnh học trò chia băng phái thanh toán nhau ngay trước cổng trường. Dễ dàng bắt gặp hơn là thái độ lạnh lùng, vô cảm của mọi người trên đường phố khi gặp một người bị nạn.


Nước VN của tôi ngày nay là thế đó. Dân tình của nước VN của tôi ngày nay là thế đó. Đó là kết quả của 36 năm xây dựng đất nước của những người vô thần, vô trách nhiệm, vô tri vô giác và vô lương đã đưa người dân cả nước đến chỗ vô tình, vô tâm và vô cảm ngày nay.


Trần Việt Trình

16 tháng 11 năm 2011

No comments:

Post a Comment