Trở Về Trang chính

Tuesday, November 15, 2011

Vài nhận xét về clip "Tàu Việt Nam Đuổi Chó !?!?"

Hành Khất (danlambao) - Sau khoảng một tuần từ lúc đoạn clip về "Tàu Việt Nam Đuổi Chó" được tung lên youtube ngày 6/11/2011, có nhiều người sao chép lại rồi cũng đăng lên đó, và nhiều trang mạng cá nhân, diễn đàn trong và ngoài nước không ngớt bàn cãi. Tuy nhiên, cả hai phía nhà cầm quyền, Việt Nam (VN) và Trung Quốc (TQ), không có một lời nhìn nhận hay phản đối; thậm chí không có một bài viết nào của báo đảng nói về sự kiện trên. Đối với dư luận, dường như số đông người ở VN tin rằng đó là "tàu VN đuổi tàu Hải giám TQ"; ngược lại dân hải ngoại và một số người trong nước thì cho là đoạn clip được dàn dựng quay giả tạo. Vậy đâu là sự thật trong khi đó chỉ là đoạn clip không ngày tháng, ngay cả lời dẫn để giới thiệu sự kiện hay nguồn gốc ?

A- Nhận xét về bài viết "đuổi chó":

Trước hết, chúng ta thử xem qua vài bài viết tiêu biểu, nói lên nhận xét, ý kiến của tác giả. Như trong "Thông tin vụ “Tàu em vừa đuổi tàu nó chạy như chó”", 10/11/2011, ttxva.org, tác giả Rồng Đất kể lại cuộc điện thoại với người em họ đang phục vụ trong Hải quân nhân dân VN, có đoạn như sau :

"Mình đem chuyện “tàu ta hùng dũng đuổi tàu nó” trên mạng kể với thằng em, nó bảo luôn: “Tàu em đấy, vừa đuổi tàu nó chạy như chó mấy hôm trước!”. Mình lạnh cả người vì xúc động, tự hào vì có thằng em trực tiếp tham (gia) sự kiện đang xôn xao dư luận này."

Theo như trên, tác giả khẳng định rằng chính người em họ của tác giả, cũng là lính Hải quân VN, tham gia trực tiếp trong việc "đuổi chó" nhưng không nói rõ số hiệu con tàu Hải quân VN. Và tiếp theo là lời kể lại của người em họ :

" “Tụi em đuổi nó từ sáng đến chiều ở khu vực Trường Sa, phải thúc vào sườn rồi ép nó ra khỏi vùng biển của mình” – thằng cu em tự hào. "

Cuộc rượt đuổi, theo lời người em họ, ở trong khoảng khu vực Trường Sa, nhưng cũng không có vị trí tọa độ xác định. Đối với một người lính phục vụ trong ngành Hải quân, trừ khi mù mờ vì mới ra trường, thường có nhận thức về vị trí toạ độ trên biển để biết con tàu đang đi về đâu. Nhất là một sự kiện sôi nổi như trên, người em họ, lính Hải quân, cũng biết được tọa độ qua bàn luận của đồng đội. Trong khoảng thời gian "từ sáng đến chiều", như vậy mất ít nhất là hơn 5 tiếng đồng hồ, hai con tàu phải di chuyển một khoảng khá xa từ Trường Sơn vì "ép nó ra khỏi vùng biển mình". Giả như "ép nó ra" ngược về hướng Bắc, có lẽ đã đến tận… Hoàng Sa; còn nếu "ép nó ra" ngoài biển Đông, chắc cũng đã xa hơn điểm trung độ (vị trí trên trung tuyến) của Hạm đội đệ Thất của Hoa Kỳ đang nằm trên vùng biển quốc tế. Dù là thế nào, con tàu Hải giám TQ cũng là một con tàu lạ, không số hiệu được nhắc đến !

Tuy nhiên, trong diễn đàn "Hải quân Nhân Dân Việt Nam(phần 6)" của trang mạng "Trái Tim Việt Nam Online", thành viên lanha92 gởi tin lúc 18:43, 07/11/11, cho biết như sau :

"Sự việc cách đây gần một tháng rồi ạ, tại vùng 2 CSB (cảnh sát biển) khu vực gần Lý Sơn. Đã có chỉ thị dằn mặt hải giám cho chừa , trước khi bác Trọng đi TQ. Đồng chí thuyền trưởng đã lên quân hàm trước thời hạn. Một lời chúc mừng cho anh( thông tin do người nhà cấp)."

Trong bài tường thuật về cuộc phỏng vấn của "Người Việt Online" với Ðại tá Phạm Thanh Hóa "Đuổi tàu hải giám Trung Quốc là ‘Cảnh Sát Biển’ ", 8/11/2011, của phóng viên Khôi Nguyên, Đại tá Hóa đã khẳng định đó là tàu cảnh sát biển, không phải của Hải quân VN như đứa em họ nào đó nói. Dù rằng Đại tá Hóa luôn tránh né vài câu hỏi rất bình thường, nhưng với chức vụ Chính ủy Hải quân vùng 4, người ta thừa biết là Đại tá có trách nhiệm bao gồm trong khu vực Trường Sa. Trong khi thành viên lanha92 cho là sự kiện trên xảy ra tại vùng 2 CSB, khu vực gần Lý Sơn, nhưng Lý Sơn thuộc về tỉnh Quảng Ngãi, gần khu vực Hoàng Sa hơn.

Thành viên lanha92 còn cẩn thận thêm một đoạn mở ngoặc "thông tin do người nhà cấp" để xác định tin tức đó là sự thật mà rất ít người biết đến. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng khu vực Hoàng Sa đã thuộc về TQ từ lâu rồi, nên khó có thể có một tàu CSBVN nào dám lai vãng quanh khu vực đó. Như vậy chuyện "đồng chí thuyền trưởng đã lên quân hàm trước thời gian" lại là một câu hỏi khác !

Như vậy, tạm kết luận như sau : khu vực Trường Sa được là nơi xảy sự kiện, và con tàu phía nhà cầm quyền csvn là CSB

Trở lại với bài viết ở trên, dường như tác giả Rồng Đất chỉ viết về sự kiện gần như hoàn toàn qua lời nói của người em họ nào đó để người đọc không thể cho rằng đây là nhận định của tác giả, và đồng thời mượn vai trò em họ làm nhân chứng dù không có gì chứng nhận như tên, cấp bậc, thuộc đoàn tàu nào. Và qua lời người em họ, khẳng định như sau :

"Nó kể, đồng đội nó luôn xác định: Kể cả hy sinh cũng chơi đến cùng. Trên tàu, ai cũng sẵn sàng cho những gì xấu nhất có thể xảy ra. Trong vụ này, tàu của Hải quân ta lớn hơn tàu Hải giám của “bạn”, còn nhiều lần khác, tàu “bạn” lớn hơn, anh em vẫn kiên quyết đuổi đến cùng."

Những chuẩn bị "sẵn sàng" được nói đến nhưng trong đoạn clip, người ta dường như không nhìn thấy hình ảnh gì ngoài những chiếc áo phao màu đỏ đã được mặc vào trước đó. Không thấy một người lính Hải quân VN nào, tay lăm le khẩu súng, hay ụ súng máy trước mũi con tàu được tháo bỏ tấm phủ. Người ta còn ngạc nhiên hơn với hình ảnh chiếc quần cọc (đùi) mà người trên tàu VN mặc lúc bấy giờ. Đó là quân phục của lính Hải quân VN ? Ngay cả không nghe tiếng loa cảnh báo của tàu Hải quân VN trước khi "ép nó ra". Có phải chăng vì "tàu của Hải quân ta lớn hơn tàu Hải giám của 'bạn' " nên không cần theo qui ước hải tuần cảnh quốc tế ? Và cũng có lẽ vì tàu "Hải quân ta lớn hơn", nên :

"Thằng em nói chắc nịch: “Nó như thằng ăn trộm vào vườn nhà người khác bị đuổi chạy cong đít, làm gì dám phản ứng”".

Tuy nhiên, theo thành viên Evanna Lynch trong diễn đàn "Viet Nam coast guard vs Chinese coast guard at high sea" của trang mạng "militaryphotos.net", thì con tàu CSB đó là TT-200 (200 tấn)


Xét về con tàu Hải giám TQ trong clip, cho thấy rằng nó có 5 tầng phía sau, với hình dáng giống như con tàu CMS-84 (China Marine Surveillance = Hải giám), còn gọi là Haijian-84 theo Bắc Kinh. Trong diễn đàn "China Coast Guard and Patrol vessels" của trang mạng sinodefenceforum.com cho biết sơ về khả năng, trọng lượng của CMS-84 như sau :

"The 1500 ton class Haijian-84 has officially joined south sea branch of CMS. It has 1740 ton of displacement and has a range of 5000 nm travelling at 14 knots with endurance of 40 days."

Tạm dịch: "Loại 1.500 tấn Haijian-84 đã chính thức gia nhập bộ phận biển Nam của CMS. Nó có trọng lượng 1.740 tấn và phạm vi lệch chuyển là 5.000 nm ở mức 14 hải lý với độ bền của 40 ngày"

Và bài viết "China Maritime Surveillance", 1/10/2010, trên mạng China-pla.blogspot.com cho biết thêm :

"In the WuChang shipyard, Haijian-15 and Haijian-84 are currently launched and fitting out the electronics. They are the 2 1500 ton class cutter that are on order for WuChang. Each cutter is 88 m long, 12 m wide and has 5.6 m draft. The actual displacement of the ship is 1740 ton"

Tạm dịch: "Trong nhà máy đóng tàu Vũ Xương, Haijian-15 và Haijian-84 hiện đang được phóng thủy và có lắp các thiết bị điện tử. Chúng là hai loại tàu 1.500 tấn được đặt hàng cho Vũ Xương. Mỗi tàu dài 88 m, rộng 12 m và vạch nỗi 5,6 m. Trọng lượng thật của tàu là 1.740 tấn"

Như vậy, CMS-84 có trọng lượng 1.740 tấn với chiều dài 88 m, rộng 12 m, vạch nỗi 5,6 m, và vận tốc 14 hải lý (1.85 km x14 = 30 km/giờ). CMS-84 của TQ nặng, dài, và nhanh hơn CSB TT-200 của VN (khoảng 12 hải lý = 22 km/giờ). Hoàn toàn khác xa câu chuyện của người em họ nào đó đã nói ở trên, nên việc tàu Hải giám TQ "bị đuổi chạy cong đít, làm gì có phản ứng" dường như khó có thể xảy ra.


Trong clip cho thấy có sự va chạm giữa hai con tàu TQ và VN. Bao nhiêu đó cũng đủ tạo nên một cảm giác mà tác giả Rồng Đất viết như sau :

"Nếu thế thì mừng quá rồi còn gì, vì bấy lâu nay, tay “hàng xóm to xác xấu bụng” vẫn ngang nhiên vào nhà mình vừa ăn cướp vừa la làng, nay nó biết chạy là tốt rồi!

Quả thật, dư luận cũng khá bức xúc vì cảm thấy lực lượng chức năng trên biển của mình còn “yếu” quá, không dám phản ứng quyết liệt" .

Thật vậy, đó là sự vui mừng mà 90 triệu dân Việt đang chờ đợi mà trong khoảng hơn 10 năm nay anh " 'hàng xóm to xác xấu bụng' vẫn ngang nhiên vào nhà mình vừa ăn cướp vừa la làng" nhưng nhà cầm quyền csvn vẫn bình chân vại, kiên định trên tinh thần đồng chí anh em quốc tế cộng sản. Điều mà tác giả thành thật nhất là khi nhận xét về "lực lượng chức năng trên biển của mình còn “yếu” quá, không dám phản ứng quyết liệt". Như vậy, làm sao nhà cầm quyền csvn không lo sợ cho đảng mình bị đè bẹp bởi người anh em phương Bắc cũng phải. Dù đã hơn 60 năm qua sau ngày thống nhất, mà lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển như những biểu tượng hình rôm trên cánh đồng bị cắt xẻo, bầm xới, khiến dân đen như những côn trùng ngoi ngốp, hoang mang cố tìm cách sống nhưng cuối cùng cũng chỉ là miếng mồi ngon cho lũ quạ Bắc Kinh. Tất nhiên, đó không phải là lỗi của bộ đội, cảnh sát biển, và cũng không phải vì sự hèn nhát của quân đội, nhưng đảng muốn sống, cần sống lâu hơn nữa nên dù đó là chữ "hèn", đảng cũng có thể biến hóa thành ra dòng chữ đỏ "tình hữu nghị phát triển muôn đời".

Trở lại vấn đề va chạm giữa hai con tàu, theo bài viết "VC đóng kịch cho Tàu hải quân VN thúc hông tàu hải giám Trung quốc", 8/11/2011, của Long Phạm, trên vietlandnews.net, tác giả dùng định luật vật lý, bảo tồn năng lượng, để giải thích cho sự phi lý của cái va chạm quá nhẹ, nếu hai con tàu thật sự đụng vào nhau.

Chúng ta thử dùng lại công thức mà tác giả gợi lại như sau : M1*V1 = M2*V2
V2 = (V1*M1)/M2 = (200 tons)(22 km/giờ)/( 1740 tons) = 2,5 km/giờ

Vì chính con tàu CSB-TT200 chủ động va chạm, theo giả thuyết với tốc độ cao nhất là 22 km/giờ, nên sự va chạm với CMS-84 to lớn chỉ gần như với vận tốc 2,5 km/giờ. Điều nầy hữu lý hơn như qua vài lằn trầy do va chạm trong clip cho thấy, và có sự chấn động nhẹ nơi con tàu CSB-TT200 trên những nhân viên cảnh sát biển đó.

B- Những sự kiện trong 700 tấm ảnh chụp lại:

Và sau cùng chúng ta thử xét lại lần nữa đoạn clip với 700 tấm ảnh được chụp lại để cụ thể, và chi tiết hóa hơn. Qua đó, có một vài vấn đề cần đưa ra suy luận :

1. Vết đen dài từ CSB-TT200 đến CMS-84:


Có người đặt câu hỏi có phải đó là tên lửa, nhưng thành viên Pain, người đưa clip lên diễn đàn "Chủ quyền là thiêng liêng. Kẻ thù có mạnh nhưng quyết không sợ" trên mạng otofun.net, cũng đành im tiếng, không dám bàn luận mà trả lời : "… em hem nói đâu vì em ở hội Hèn".

Đó lại là một câu hỏi tự phát sinh khi người ta đọc dòng chữ đó. Tại sao "vì em ở hội Hèn" để thoái thác câu trả lời cho vệt đen dài đó ? Có điều gì gọi là "phản động" chăng khi nói ra sự thật của vết đen dài ? Trừ khi câu trả lời cho sự thật của vết đen đó ảnh hưởng đến nhà cầm quyền csvn như những lần qua những sự kiện khác họ cố tình che đậy, bưng bít, nghiêm cấm và xem đó là sự "phản lại tuyên truyền" của đảng.

Qua vài hình ảnh tiêu biểu được chọn lọc trên, trong số những hình ảnh được chụp lại, cũng cho thấy rằng đó là một sợi dây nối dài từ tầng hai của CSB-TT200 đến khoảng độ cao của tầng hai trên CMS-84, mà có thể xem là từ chiếc cần cẩu ở tầng một. Từ lúc bắt đầu đoạn clip, cho thấy sợi dây hơi chùng xuống, nhưng điểm nối vẫn trên con tàu CMS-84. Đi xa hơn một đoạn, nhưng khoảng cách giữa hai con tàu vẫn gần như giống nhau; có nghĩa hai con tàu đi cùng một vận tốc; chỉ có sợi dây càng lúc căng thẳng ra chút. Trong hình thứ ba là khoảng cuối thời gian trước khi mất vết đen dài vì hai con tàu sẽ đi trong khoảng gần như song song nhau. Ở trong hình nầy cho thấy rằng sợi dây rơi xuống biển, phía sau tàu CMS-84 nếu kéo dài vết đen.

Như vậy, vết đen không thể là vết khói của tên lửa vì khói không thể nào… hạ xuống biển, mà phải bay lên, và đường khói không thể tự nhiên chùng lại rồi căng ra, mà phải ngược lại vì khói sẽ tan biến, làm loãng vết đi của tên lửa. Và nếu là tên lửa, thì chỉ là tên lửa chết vì không có khói nỗ tung hay nước biển bắn lên. Chỉ có thể kết luận là CSB-TT200 VN chạy theo CMS-84 TQ qua sợi dây hướng định vận tốc ban đầu, trong một khoảng thời gian để bắt đầu vận tốc khác.

2. Thái độ bình thản trên tàu CMS-84 sau khi va chạm:


Trong lúc CSB-TT200 VN gia tăng tốc độ rượt theo, và chạy song song tại khoảng cách 1/3 chiều dài của CMS-84, không thấy có một phản ứng nào của người trên tàu CMS-84 TQ. CSB tiến sát vào CMS-84 ở khoảng 30 độ theo mũi tàu của cảnh sát biển với sự chấn động va chạm nhẹ. Sau đó, hai con tàu vẫn chạy dính vào nhau bằng mũi tàu CSB, nhưng người trên tàu CMS-84 TQ chỉ đứng bình thản ngắm nhìn lại CSB, không có một vẻ gì nôn nóng, lo âu, giận dữ, hay vung tay vung chân. Có phải chăng họ đang lo sợ điếng hồn con tàu bé nhỏ của CSB vì bị bắt quả tang tội xâm phạm lảnh hải VN ? Hay họ đang ngạc nhiên tại sao một con tàu bé nhỏ chạy chậm như vậy có thể bắt kịp tuần dương hạm CMS-84 TQ to lớn và mới nhất trong vùng biển Nam nầy ?

Dĩ nhiên là không ! Với sức mạnh của CMS-84 dư sức bỏ xa CSB-TT200 VN nếu nó muốn chạy thoát hay đâm xuyên qua tàu CSB một cách dễ dàng. CMS-84 có trang bị vũ khí tự bảo vệ và đối kháng khi cần. Sự ngắm nhìn bình thản của người trên tàu CMS-84 có vẽ "thân thiện" trong tình hữu nghị đồng chí hơn là sự lo sợ điếng người.

3. Con số bên hông trên tàu CSB:


Con số bên hông trên tầng chỉ huy, ngay trên 2 khung cửa hình chữ nhật từ phía trước, có thể đọc là 258-20 (?). Có phải đây là con số tàu CSB thuộc loại TT200 ? Vì nó cũng có sàn màu xanh như trong đoạn clip, hành lang nhỏ bao bên hông tầng chỉ huy, và ụ súng phía trước.

CSB loại nầy có 3 loa phóng thanh phía trước, hai đèn rọi, và ống ngắm xa (như hình bên trên), nhưng không nghe thấy người trên CSB sử dụng loa phóng thanh để khuyến cáo, hay hụ còi trong lúc theo đuổi và trước khi cặp mũi vào hông tàu CMS-84.

4. Quân phục của cảnh sát biển:


Theo quân phục của CSB là áo trắng ngắn tay, quần dài xanh dương đậm, và mang giầy đen. Tất cả CSB đều phải mặc quân phục chỉnh tề, nhất là khi thi hành nhiệm vụ, đối mặt với tàu lạ. Đó là thể hiện sĩ diện của một nước mà mỗi quân nhân cần phải tuân hành. Không lẽ nào cấp chỉ huy của CSB-TT200 VN không biết điều nầy ? Trong khi người cầm lái mặc quần đùi, mang dép cao su; ngay cả người đứng bên cạnh kế đó. Trong không có vẽ chút nào là họ thực sự đang thi hành nhiệm vụ với cách mặc không theo quy củ quân đội, trừ khi trong lúc giải lao trên biển hoang vắng qua sự cho phép của cấp trên.

5. Xuất hiện thêm một nhân viên áo trắng trên CMS-84:

Có sự xuất hiện thêm một nhân viên áo trắng trên CMS-84, dường như là cấp chỉ huy, sau khi trò chuyện cùng hai người vẫn đứng quanh đó, rồi bước vào trong. Trong khi tàu CSB-TT200 VN vẫn cặp mũi bên hông duy trì với độ góc khoảng 30-45 với chiều cao của thềm tàu hơn thềm tầng 1 của CMS-84 khoảng nửa thước. Ngoài ra, trong hình cho thấy rõ, ụ súng vẫn được bao phủ.

Với sức của CSB xô đẩy CMS-84 dù dưới góc độ 30-45 dường như không tạo nên tác dụng gì, mà ngược lại dường như bị lôi kéo theo (?). Với sự điềm tỉnh phớt lờ của nhân viên áo trắng trên tàu CMS-84 cho thấy rằng đó là chuyện không quan trọng.

6. Vết đen sợi dây lại xuất hiện:


Vết đen sợi dây lại xuất hiện hơi mờ ở phía trước tàu CSB-TT200 VN, được nối từ tầng chỉ huy đến tàu CMS-84, sau khi hai tàu cặp vào nhau (hình 159, và 170). Những vết trầy do mũi tàu CSB va chạm bên hông tàu CMS-84 (hình 239, 245), sau đó trượt dài lên phía trên, vượt qua chữ "China" (hình 275) đến chữ "Marine" (hình 293)

Vết đen sợi dây được thấy rõ, căng thẳng hơn, và mũi tàu của CSB cặp vào hông tàu CMS khoảng mẫu tự "C" của "China" (hình 585, 600, 602). Dường như tàu CSB được giữ lại bằng sợi dây để tránh trượt làm va chạm vào hông tàu CMS-84 (hình 629, 649, 698).


Qua những hình ảnh, chúng có thể đưa đến những nhận xét như sau :

a. Đúng là con tàu CSBVN với chữ Đ trong vòng tròn (hình 159).
b. Con tàu CSB trong clip có hình dáng như CSB-TT200, và cả số tàu hiệu.
c. Tàu CSB theo sau tàu CMS-84 với sợi dây nối dài trên tầng chỉ huy từ lúc bắt đầu đoạn clip.
d. Sợi dây càng lúc chùng thấp xuống biển, như bị cắt đi từ tàu CMS-84.
e. Tàu CSB gia tăng tốc độ, đuổi kịp tàu CMS-84.
f. Không nghe tiếng loa phát thanh hay hụ còi cảnh bảo.
g. Cách mặc quân phục của người trên CSB không nghiêm chỉnh như đang thi hành nhiệm vụ.
h. Có khoảng 4 người trên tàu CMS-84 chứng kiến sự kiện nầy, nhưng không có phản ứng gì.
i. Sau khi cặp mũi tàu vào, có vài sự va chạm nhẹ làm trầy thân tàu CMS-84, và bị sóng nhòi làm trượt lên xuống bên dòng chữ "China Marine".
j. Sau khi sợi dây được kéo căng hơn, con tàu CSB gần như được giữ yên, với mũi tàu chấm đến khoảng mẫu tự "C".
k. Tàu CSB vẫn cặp mũi và giữ đều tốc độ với tàu CMS-84.

C. Vài giả thuyết qua đoạn clip:

a. Cuộc thao tập:

Chúng ta có thể nghĩ đến một giả thuyết là đoạn clip nầy được quay lại trong một cuộc thao tập_ rượt đuổi, bám sát, cặp tàu_ chung giữa TQ và VN trong nhiệm vụ bảo vệ vùng biển VN vốn được xem như "chung" trên tinh thần "hợp tác hữu nghị". Đoạn clip bắt đầu với sợi dây nối dài giữa hai con tàu có thể dùng như thước đo để tạo một khoảng cách cố định cho vận tốc ban đầu trước khi tàu CSB-TT200 VN gia tăng hết tốc độ trong cuộc rượt đuổi nhằm tính xem mất bao nhiêu thời gian bắt kịp, khả năng vận hành của tay lái CSB, và khả năng hoạt động hữu hiệu của con tàu CSB-TT200.

Trước khi tàu CSB cặp vào bên hông tàu CMS-84, người ta chỉ nghe vài mệnh lệnh rất đơn giản, nhẹ nhàng, không hối hả hơn là khi đang xảy ra biến cố nóng bỏng thực sự như : "Bám chặc vào", "Mặc áo phao vào"; thậm chí nghe được câu hỏi cũng nhẹ nhàng pha lẫn hài hước của người nào đó : "Có phải con gái không ạ ?"; và sự hứng thú được biểu lộ trong câu nói tiếp theo : "Mình quay nó. Nó quay mình !". Nếu đứng trước tình hình căng thẳng và khẩn trương như vậy sau cuộc truy đuổi với vận tốc cao, người ta khó có thể kiềm giữ được sự bình thường trong âm thanh của lời nói qua mệnh lệnh. Và cách quân phục không nghiêm chỉnh (không nón, mặc quần đùi, mang dép cao su) được thấy nơi vài người trên tàu CSB (ngay cả anh chàng đang quay video bằng điện thoại cũng không đội nón) cho thấy rằng họ dường như không đang thi hành nhiệm vụ.

Khoảng cuối đoạn clip cho thấy rõ là có một sợi dây lại được kết nối giữa hai con tàu lần nữa như để giữ chúng sát vào nhau hơn nhằm tránh bị trượt lên xuống, va chạm làm trầy hông tàu CMS-84. Trong suốt đoạn clip, người ta không thấy bất ký phản ứng khác thường nào của người trên tàu CMS-84, mà ngược lại họ chỉ đứng nhìn từ khoảng cách bên kia sàn tàu của họ; thậm chí cô gái áo đỏ dường như e thẹn, vội biến mất sau khoảng cửa kế bên khi biết có người đang quay hình mình.

b. Dựng phim:

Có số người cho rằng đoạn clip chỉ là một cuộc dàn dựng phim giữa VN và TQ để xoa dịu dư luận và lòng dân Việt qua những cuộc biểu tình chống đối sự bắt bớ, đàn áp ngư nhân VN của TQ. Cũng là cách để nhà cầm quyền VN xem những người biểu tình vừa qua là vi phạm trật tự an ninh xã hội hay nói cách khác là bị bọn phản động trong và ngoài nước xúi giục hơn là ý nghĩa của những cuộc biểu tình tự phát trong dân. Và đảng dùng nó như một chứng minh quyết sách bảo vệ vùng biển trong tinh thần đồng chí tốt với TQ để đánh tan những cuộc bàn luận sôi nỗi có nhiều chiều hướng xuyên tạc, không tốt cho đảng trong dân chúng sau khi Nguyễn Phú Trọng triều kiến Bắc Kinh, trở về.

Nhưng liệu TQ có chấp nhận sự thiệt thòi trong hình ảnh con tàu CMS-84 bị đâm vào hông bởi CSB-TT200 VN không ? Điều nầy chắc khó chấp nhận được với bản chất kiêu căng, ngạo mạn, và hiếu thắng của Bắc Kinh. Hơn nữa, những người trong đoạn clip không có những biểu hiện trong hành động tích cực, hay lời đàm thoại sắc xảo trong vai diễn.

Buồn cười hơn nữa là có người văng tục, chửi rủa bọn phản động Việt kiều ngoài nước cố tình dàn dựng phim để "kích động" TQ tấn công VN. Nhưng với con tàu CMS-84 của TQ, những ai muốn bỏ tiền ra thuê để dựng "phim phản động" không phải là chuyện đơn giản, vì đó là niềm tự hào của TQ trong vùng biển Nam của họ. Có lẽ họ quá lo lắng cho đảng bị sụp đỗ hơn là cho những thảm họa mà dân chúng sẽ phải gánh chịu chung, nên quá bực tức để nhìn thấy sự sai lầm đến nực cười.

c. Bị bắt giữ:

Có nhận xét cho rằng, con tàu CSB-TT200 VN bị kéo theo CMS-84 TQ với sợi dây nối dài từ tầng chỉ huy của tàu CSB, và bắt buộc tăng vận tốc để tránh đài chỉ huy bị hư hỏng. Sau khi cặp vào hông tàu CMS-84, sợi dây được nhìn thấy lần nữa trước mũi tàu CSB, như đang giữ nó lại, và dường như cũng được nối dài từ tầng chỉ huy (hình 629, 649). Con tàu CSB cứ thế, kè nép mũi theo CMS-84 với tốc độ điều hòa nhau, đến hết đoạn clip. Con tàu CSB dường như ngoan ngoãn đến độ không thấy một phản ứng nào : ụ súng vẫn bị phủ kín, nhân viên chỉ đứng nép bên cửa quay hình, không một lời bày tỏ sự bực tức, lo lắng. Và người bên kia con tàu CMS-84 vẫn bình thản đứng nhìn, không có một động thái cưởng bức nhân viên CSB qua tàu họ hay qua trao đổi vài dấu hiệu bằng tay, điện đàm, hay loa phát thanh. Dường như họ chỉ theo dõi mà không cần tham gia chỉ dẫn, hay truyền lệnh.

d. Thành tích của CSB:

Trong khi đó số đông người ở VN cho rằng đó là một thành tích anh hùng của CSB, đã dám tấn công bằng cú đâm vào hông tàu CMS-84 làm thành nhiều vết trầy trên đó. Và đây là đoạn clip đầu tiên được tung lên youtube để chứng minh một trong những thành tích va chạm tàu trước đó của CSB, như một vài người đã nói. Vấn đề là báo mạng hay ngoài của đảng không nhắc đến sự kiện nầy hay những thành tích khác, vì (theo ý kiến của vài đọc giả) "báo của ta" ít khi nào nói về thành tích như vầy, nhưng không phải là không có.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những lời nói không chứng cứ, một hình thức tuyên truyền cổ vỏ dựa vào niềm tin ngu ngơ vì thiếu thông tin hay sợ bị nghiêm cấm bởi đảng, nên mặc sức bày vẽ thêm câu chuyện mà không ai có thể dẫn chứng. Nếu đã gọi là thành tích thì tại sao lại e dè rỉ tai nhau, mà cũng chẳng có cấp lãnh đạo nào lên tiếng khẳng định.

Chúng ta thử đọc lại một câu trả lời của Đại tá Dương Đề Dũng, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP Tp Đà Nẵng, trong cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên của báo Giáo Dục Việt Nam, trong bài viết "Tàu TQ ngang nhiên xâm phạm lãnh hải cách Đà Nẵng 30 hải lý", 7/06/2011, như sau :

"Nếu các tàu lạ tiếp tục hành vi trắng trợn này, chúng tôi sẽ không nhân nhượng bằng thương thuyết hay gửi công hàm, hay đấu tranh bằng con đường ngoại giao như trước đây nữa mà phải tạm giữ phương tiện."

Dường như từ 7/06/2011 đến nay không có sự xâm phạm "đáng tiếc" nào của người anh em phương Bắc xảy ra trong vùng 3, ngoại trừ đoạn clip trên youtube mà nick lanha92 cho rằng nó xảy ra khoảng tháng 10/2011 (xin xem đoạn kế tiếp). Nhưng người ta vẫn không nghe bất kỳ thông tin nào về "phải tạm giữ phương tiện" tàu lạ qua thành tích đó của CSB. Không như "Nhật bắt giữ thuyền trưởng Trung Quốc", hay "Phòng vệ bờ biển Hàn Quốc bắn thủy thủ tàu Trung Quốc", hay "Nhật Bản bắt tàu cá Trung Quốc" v.v. với đầy đủ hình ảnh và bài tường thuật trong nước họ. Không biết Đại tá Dũng có thường đọc tin tức không và sẽ nghĩ gì qua những lời đã trót nói đó nếu nhìn thấy vài hình ảnh sau ?


D- Xét về thời gian, vị trí xảy ra:

Sự kiện nầy dường như xảy ra sau vụ cắt cáp tàu Bình Minh 02, vì không nghe nói gì đến sự có mặt của CSB, ngoài 3 con tàu bảo vệ là Vạn Hoa 739, Đông Nam 01, và Bình An 01 để đối kháng bằng cách án ngữ, chịu bị đâm vào để bảo vệ tàu Bình Minh 02 đối với ba con tàu Hải giám CMS 84, 72, và 17 to lớn (như trong hình trên).

Xét về khoảng vị trí, và thời gian xảy ra sự kiện nầy, chúng ta thử nghe thành viên lanha92 trên diễn đàn "Hải quân Nhân Dân Việt Nam(phần 6)" của trang mạng "Trái Tim Việt Nam Online" gởi thêm một thông tin khác, lúc 00:48, ngày 8/11/2011, về đoạn clip như sau :

"Đồng chí thuyền trưởng thăng quân hàm từ đại úy lên thiếu tá các bác nhé. Anh này cũng là một người nổi tiếng trong lực lượng đấy. Nhưng được nêu làm gương về lòng dũng cảm, trong Phú Quốc thì các thuyền trường chiến đấu với cướp biển, miền Bắc đụng nhau với lũ tàu cá côn đồ từ nước 'cẩu' có bảo kê. còn miền trung chiến đấu với Ngư chính, Hải giám. ba miền đều có những người thuyền trưởng như trong clip cả.

Tuy CSB phương tiện còn thiếu, nhưng lòng quả cảm không thiếu đâu. ...Xin cảm ơn các anh.

lý do an toàn em xin cung cấp:
- Tàu CSB trong clip là tàu 2XX T ký hiệu 20xx, thuộc quyền quản lý của vùng 2 CSB
- Vùng đụng độ Tây Bắc đảo Lý Sơn, tháng 10/2011

Như vậy nó đã liều mạng hơn để vào sâu lãnh hải ta rồi. ... Các bác nào bảo là vụ Bình Minh Hoàng hôn thì không phải nhé. Vì CSB không tham gia cùng Petro VN. Và vụ này thì tháng 10 mới xảy ra nên không có dính dáng gì đến vụ trước đâu. Tàu Hải giám tuy không rõ số hiệu nhưng rất có thể vẫn là tàu 84 vì có phát ngôn là nữ giống như vụ cắt cáp. Qua việc trên cho thấy Hải giám lượn lờ xung quanh vùng biển của ta cũng hạn chế số lượng thôi"

Qua những tin tức trên mạng, tàu CMS-84 vẫn hay hoạt động trong vùng Hoàng Sa hơn là đi sâu xuống hướng Nam của Trường Sa. Cũng như đã nói ở trên, tàu CSB không có mặt trong sự kiện Bình Minh 02, như lanha92 cho biết. Và "trong clip là tàu 2XX T ký hiệu 20xx, thuộc quyền quản lý của vùng 2 CSB".

Con số tàu hiệu trong clip (như trong hình trên) là 258-20XX, gần như con số mà lanha92 đã nói. Như vậy, có thể xem là sự kiện xảy ra vào khoảng tháng 10/2011, thuộc vùng 2, độ Tây Bắc đảo Lý Sơn, trong khu vực Hoàng Sa.

"Đồng chí thuyền trưởng được thăng quân hàm" cũng là tất nhiên, vì sau khi tàu CMS-84 TQ kéo giữ tàu CSB-TT200 một lúc nào đó cũng phải trả về để tránh những đụng chạm mạnh chưa cần thiết đối với Hải quân VN, như một sự ban thưởng cho tù binh chiến tranh, hay vì hoàn tất cuộc thao tập trên biển với người anh em phương Bắc.

E- Lời Bình Kết:

Điều buồn cười pha lẩn nhức nhối cho dân Việt hôm nay là họ đang mong chờ nhà cầm quyền csvn có một thái độ minh bạch đối với vấn đề biển Đông, nên có những sự kiện hư cấu được người nào đó hay đảng lợi dụng tung ra để tuyên truyền cách hành xử không yếu hèn của đảng trước sự đàn áp vùng biển VN một cách thô bạo của Bắc Kinh. Dù rằng chỉ một đoạn clip không có gì hào hứng cho lắm, ngoài mấy cái va chạm làm trầy lớp sơn bên hông tàu TQ; ấy thế mà cũng làm rộ lòng người như sa mạc đang chờ hạt mưa sa.

Và nếu đó là một cú "đâm" tàu anh hùng của CSB, thì tại sao lại lén lút đưa tin như nick lanha92, hay nick Pain không dám bàn luận trên diễn đàn; ngay cả những trang mạng đảng cũng không hề nói đến. Thậm chí Đại tá Hải quân, Phạm Thanh Hóa cũng không dám hé môi mà phải chờ mệnh lệnh cấp trên cho phép mới được nói. Điều nầy có thể ngắn gọn trong câu : hèn nhát và ngụy biện. Cũng như đảng đã từng hành động như thế trong công cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc năm nào, và luôn tuyên truyền rằng quân đội miền Nam VN là ngụy quân bám theo đế quốc Mỹ, trong khi chính quân đội miền Bắc của đảng csvn theo mọi chỉ thị của Trung cộng và Liên Xô trong kế hoạch quốc tế cộng sản hóa vùng Đông Nam Á. Cho đến mãi hôm nay, năm 2011, với những thông tin chứng minh cho sự thật trên nhiều mạng khác nhau, nhưng vẫn còn số đông người cố bám lấy hư tưởng cs, không phân biệt được hay không muốn tự "phản động" chính tư tưởng mình trước danh từ "ngụy quyền" nên đặt để cho ai. Vâng, họ lo sợ sự tan rã, sụp đổ ánh hào nhoáng huy hoàng mà đảng luôn nhồi nhét vào họ từ bao nhiêu năm qua. Sự lạc lỏng đó dù chính họ cũng nhìn thấy qua những sự kiện thay đổi trên thế giới đối với chủ nghĩa cộng sản, nhưng họ không muốn làm kẻ chết chìm đơn độc, nên kéo theo cả những thế hệ của chính con cháu họ qua sự tuyên truyền giả dối theo ý đảng. Từ sai lầm nầy, thế hệ sau càng đi sâu vào sai lầm khác vì họ luôn ngưỡng mộ và đặt niềm tin vào những người cha, chú, bác đã đi trước.

Qua những phân tích trên hình ảnh chụp lại của đoạn clip và những giả thuyết nêu trên, chỉ có giả thuyết "Cuộc thao tập" dường như có nhiều hữu lý và thích hợp hơn nhất. Và nhất là nó phản ảnh "tình hữu nghị hợp tác để phát triển" vùng biển Nam đối với TQ, mà Nguyễn Phú Trọng chắc chắn sẽ rất hảnh diện khi trình lên Bắc Kinh xem xét.

Trách nhiệm của mỗi chúng ta hôm nay là cần nói lên sự thật để có thể thay đổi một phần nào đó những tư tưởng sai lầm, oan nghiệt, giả dối đã chôn sâu từ lúc mới lớn và qua nhiều thế hệ nối tiếp. Đó là kết quả của đoạn clip "đuổi chó" trơ trẻn, lố bịch, giả dối theo cách tuyên truyền của đảng bao nhiêu năm nay, cũng đã khiến biết bao lòng người phải hụt hẩng vì quá mong chờ nơi đảng csvn không còn ôm lấy chữ "Hèn".


No comments:

Post a Comment