Trở Về Trang chính

Wednesday, November 16, 2011

Số vụ bắt giữ ngư dân vẫn không giảm



Đăng Thư
- Từ đầu năm đến nay, có ít nhất 106 vụ ngư dân Việt Nam đánh bắt tại biển Đông bị nước ngoài bắt giữ, hiện vẫn còn 102 tàu chưa được trả về.


Theo số liệu của Cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tình hình ngư dân bị bắt giữ đang có chiều hướng gia tăng khi ngư trường ngày càng thu hẹp.
Ngư trường hẹp dần
Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Tổng cục thủy sản, lo ngại, tình hình tàu thuyền của ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt, tịch thu tài sản ngày càng tăng, một số vụ việc nghiêm trọng đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và đời sống ngư dân, ảnh hưởng xấu đến quan hệ ngoại giao giữa VN với các nước trong khu vực.
Vụ gần đây nhất, theo ông Hoàng Đình Yên, Phó Cục trưởng Cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, là ngày 20/8, một tàu cá Bình Thuận bị Indonesia bắt, 6 ngư dân được thả về nhưng toàn bộ tàu bị đốt cháy ngay trên biển. Trong số 110 vụ năm 2010 với 214 tàu cá và hơn 1.815 ngư dân bị bắt giữ, phía Indonesia bắt giữ tàu thuyền và ngư dân Việt Nam nhiều nhất với hơn 20 vụ, 76 tàu và trên 700 ngư dân. Còn Trung Quốc tăng cường lực lượng ngư chính cũng gây khó khăn không nhỏ tới hoạt động đánh bắt của ngư dân Việt Nam.

Ông Yên cho biết thêm, gần đây, Indonesia đã thông báo cho Ủy ban châu Âu (EU) thông tin thiếu chính xác là họ nghi ngờ hơn 100 tàu cá của Việt Nam thường ra vào đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển Indonesia. “Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU…”, ông Yên cảnh báo.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, ngành khai thác hải sản Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn, như sự mất cân đối giữa tàu thuyền ngày một tăng (gần 130.000 tàu cá các loại) nhưng ngư trường chưa được mở rộng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và tàu.
Chưa hiểu luật nước ngoài
Hiện có khá nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực khai thác thủy sản song phương (với Trung Quốc, Philippines, Myamar, Indonesia…), hay những hợp tác đa phương… nhưng kết quả rất hạn chế. Trong đó, nổi bật là chương trình hợp tác với Indonesia bằng biên bản ghi nhớ thỏa thuận về khai thác nghề cá được 2 nước ký kết năm 2010. Indonesia đang có nhu cầu hợp tác về đánh bắt hải sản và đã phân vùng ra 11 ngư trường, hiện rất mong muốn đẩy nhanh chương trình hợp tác này. Nhưng theo đại diện Công ty CP đầu tư Đại Dương (Bình Định), đơn vị được cấp phép đưa tàu cá ra nước ngoài khai thác hải sản - từng đưa 4 tàu cá hoạt động tại ngư trường Indonesia - ngư trường tại Indonesia nhiều tiềm năng, các nhà máy chế biến thủy hải sản được quy hoạch gần cảng cá, thuận tiện cho cả doanh nghiệp và đội tàu đánh bắt. Tuy nhiên, dù đã có biên bản hợp tác, nhưng khi đưa tàu sang Indonesia gặp không ít khó khăn, nhất là phải vượt qua “rừng” quy định, thủ tục.
Thêm vào đó, từ cuối năm 2010, khi tàu cập cảng, phía nước bạn yêu cầu doanh nghiệp phải đóng thuế nhập khẩu 5% giá trị con tàu. Đây là yêu sức vô lý vì tàu chỉ được đưa sang để khai thác hải sản một thời gian trong chương trình hợp tác, sau đó lại trở về VN chứ không phải là mang sang bán cho nước bạn. Một khó khăn nữa là sau khi được hoạt động đánh bắt tại Indonesia, các tàu Việt Nam lại tiếp tục vấp phải việc không hợp tác của thuyền trưởng và ngư dân, khiến tàu hoạt động sai vùng biển khai thác; thuyền trưởng và ngư dân không tuân luật pháp phía bạn, cản trở, không cho lắp đặt thiết bị định vị tàu, hoặc khi đã có định vị lại tắt máy đi…
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, những trở ngại trong các chương trình hợp tác chủ yếu do doanh nghiệp Việt Nam thiếu hiểu biết luật pháp, quy định của Indonesia, không có nhà máy chế biến, thiếu kinh nghiệm trong quản lý lao động… do chúng ta quen khai thác nhỏ nên đã hình thành đội ngũ ở giữa nhà máy chế biến và tàu khai thác, đó là các nậu vựa. Ông Tám khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu luật pháp và tôn trọng luật pháp của nước bạn, bởi đây là khai thác có điều kiện, có đầu tư chế biến trên bờ; thuyền trưởng và người lao động phải là của Indonesia…
Đ. T.
Nguồn: baodatviet.vn

No comments:

Post a Comment