Người dân có nhiều trận cười vỡ bụng, với các câu phát ngôn thuộc loại đỉnh cao “đường sắt cao tốc tiện lợi cho các trẻ em đi học, cho các bà mẹ đi chợ đi làm. Các nước có IQ cao đều xây đường sắt cao tốc... Tôi đi nước ngoài nhiều, thấy giá rau muống cao gấp nhiều lần Việt Nam. Cần xem lại đánh giá chỉ tiêu lạm phát này có đúng không?...” của các đại biểu quốc hội ở cơ quan quyền lực cao nhất và vô số các câu tương tự của các quan chức nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam!
Gần đây, lại được ông nhà văn đại tá quân đội, tờ sờ (TS) Nguyễn Văn Quang định nghĩa hai chữ nhân dân “hơi bị” ấn tượng: “Nhân dân không chỉ được hiểu một cách phổ thông, đơn thuần... nhân dân là những người dân đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa.”(1) Ông Quang lại giúp cho người dân có thêm trận cười thoải mái và một số người không cười nỗi với định nghĩa nhân dân kiểu tờ sờ của ông đại tá thì cũng phải buột miệng chửi thề cho hả tức, ông đại tá nhà văn này xứng đáng là một diễn viên hài có hạng.
Chuyện ông đại tá tờ sờ Quang chưa có hồi kết trên dư luận cộng đồng mạng thì lại nghe bà tờ sờ, phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu, so sánh dân chủ ta, địch rất hồ hởi: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, biết kế thừa những tinh hoa dân chủ của các nhà nước pháp quyền trong lịch sử và đã, đang phát triển lên tầm cao mới, khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản...” (2)
Người dân lại có dịp cười toét miệng cũng như không ngăn được bức xúc vì chuyện nói dối “dân chủ của chúng ta, dân chủ gấp vạn lần so với dân chủ tư sản” không ngượng mồm của bà Doan và trong số đông bức xúc đó, có bà Trần Thị Hường, dân Đức gốc Việt người đã bay nửa vòng trái đất về Hà Nội hòa vào giòng người yêu nước xuống đường chống bành trướng phương Bắc, gởi thư ngỏ cho bà tờ sờ, phó chủ tịch nước có đính kèm lá thư của chính quyền sở tại gởi đến người dân sống trong vùng dự án đường sắt cao tốc xin ý kiến, để bà Doan tham khảo dân chủ vạn lần hơn của Việt Nam. Bà viết như sau: “Ở nước Đức muốn làm một đường cho tàu cao tốc, từ Stuttgart đến Ulm, thuộc tiểu bang Baden - Württemberg, nhưng bị nhân dân phản đối, chính quyền đã phải gửi giấy đến từng công dân thuộc tiểu bang Baden - Württemberg để công dân bỏ phiếu đồng ý hay không đồng ý.”(3).Không biết sau khi đọc thư của bà Trần Thị Hường, bà Doan Nghĩ gì, có còn giữ quan điểm, lập trường nước ta là nước dân chủ vạn lần hơn?
Câu chuyện dài xã hội chủ nghĩa lại tiếp diễn qua tầng số khác với bài viết của ông Nguyễn Văn Minh, không thấy ghi gờ sờ (GS) tờ sờ (TS), đăng trên báo quân đội nhân dân: “Cách Mạng Hoa Nhài, Hoa Sen-Chiêu Bài và Ảo Vọng” làm xôn xao cộng đồng mạng, dù có nhiều bạn đọc kiềm chế trong phản biện nhưng vẫn không dấu được nỗi bức xúc qua nhiều trích đoạn của bài viết.
Thế ông Nguyễn Văn Minh đã viết gì mà gặp phải phản ứng mạnh của cư dân báo mạng?
Theo người viết, nội dung bài báo không có gì lạ, vẫn là một đống chữ đã qua sử dụng nhiều chục năm nay, được Nguyễn Văn Minh lọc lựa, xốc cho văng ra, ghép vào ô chữ theo đơn đặt hàng cho đúng quan điểm, chủ trương của đảng, với các con chữ “ nhận diện một âm mưu... kích động...diễn biến hòa bình... thế lực thù địch âm mưu lật đổ... lợi dụng dân chủ... đẩy lùi, ngăn chận và làm thất bại... định hướng dư luận xã hội... xã hội chủ nghĩa là do đảng, bác hồ và nhân dân lựa chọn..v.v..”
Có lẽ, đọc tới đọc lui một nhúm chữ “nhảm” giống nhau rất dễ bị “nhàm”. Để làm mới bài viết, người viết sẽ lược bỏ một đống chữ đã qua sử dụng, những chữ thừa và chỉnh sửa chữ “chúng” thành lực lượng yêu nước, lực lượng đấu tranh trong đoạn văn của ông Nguyễn Văn Minh cho bớt nhức đầu, mời bạn đọc thưởng lãm bài báo đã qua lược diễn của Nguyễn Văn Minh xem sao:
“Thời gian qua, sau những biến động chính trị, cách mạng hoa nhài ở Tunisia, Egypt, Libya những người yêu nước trong ngoài nước cho rằng các cuộc cách mạng ấy chẳng bao lâu sẽ lan tới Việt Nam nên kêu gọi tập dợt biểu tình cho cuộc cách mạng hoa sen nhằm lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Trước hết, có thể thấy ngay đây là các trào lưu xã hội trên thế giới, phát động phong trào chống đối, đi tới lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trên thực tế những cuộc cách mạng nhung, cách mạng cam, cách mạng hoa nhài tạo ra sự biến đổi xã hội mang tính sâu sắc, toàn diện, tạo bước ngoặt thay đổi về chất trong mọi lãnh vực xã hội, thay thế các hình thái kinh tế-xã hội lạc hậu, lỗi thời bằng hình thái xã hội cao hơn. Cuộc lật đổ chế độ độc tài, bất công bằng phương thức phi bạo lực kết hợp với bạo lực ở mức độ khác nhau, máu đổ ít hơn để nghèo đói ít hơn, bất ổn ít hơn. Một cuộc cách mạng mang tên loài hoa đẹp, đặc biệt hoa sen, một loài hoa với vẻ đẹp Việt Nam và mang nhiều triết lý nhân sinh Việt Nam.
Tại nhiều diễn đàn, mạng xã hội trên internet hiện nay, lực lượng yêu nước hải ngoại có khá nhiều bài viết, thậm chí có cả các chương trình truyền hình, đối thoại, bàn luận khá rầm rộ về cách mạng hoa nhài và tình hình Việt Nam. Một số nhân vật đấu tranh say sưa phân tích thời sự từ đông sang tây, từ chuyện Tunisia, Egypt, Libya... để soi rọi, cảnh báo cho quốc dân đồng bào trong nước. Những người đấu tranh cho dân chủ cho rằng, một cuộc cách mạng dân chủ theo kiểu mẫu phương tây, có thể tạo ra cuộc chuyển giao quyền lực êm đềm không đổ máu ở Việt Nam. Lực lượng đấu tranh lý luận, lập luận về cách mạng xã hội là, cách mạng hoa nhài mang tính tự phát của quần chúng, không cần gắn liền với ý thức hệ, cương lĩnh hay tổ chức nào cả và đây là một yếu tố quan trọng góp phần thành công mà những cuộc cách mạng trước kia không có.
Lực lượng yêu nước cũng chỉ rõ những cách làm rất cụ thể, tỉ mỉ cho từng giai tầng, lực lượng xã hội ở Việt Nam. Những người đấu tranh luôn đề cao vai trò của các mạng xã hội, công cụ internet, Facebook, You tube, twitter, điện thoại di động là vũ khí hữu hiệu tập hợp lực lượng xuống đường làm cách mạng ở nhiều nước. Từ đó, vận động giới trẻ tận dụng lợi thế internet để hành động và cho rằng cách mạng hoa sen thuận lợi hơn vì dân số trẻ, sẽ đi theo từng nấc thang để chính quyền khó đàn áp. Lực lượng đấu tranh cũng đưa ra các bước hành động, ban đầu chỉ kêu gọi nhau mặc áo trắng ở chỗ đông người rồi dần dần tiến tới tụ tập vì biển, đảo vì kinh tế khó khăn. Hương hoa nhài, hoa sen sẽ khích lệ tiếng nói đối kháng qua các phong trào cùng ký tên vào tâm thư, thỉnh nguyện các bản tuyên cáo, kiến nghị nào đó để tạo dư luận xã hội.
Ở nấc thang cao hơn sẽ phát động biểu tình, hướng tới phản đối những yếu kém trong điều hành, quản lý kinh tế, những tiêu cực xã hội rồi tiến tới kêu gọi lật đổ chính quyền, phát động phong trào toàn dân xuống đường cứu nước. Những người đấu tranh lại đưa ra lời kêu gọi, Quân đội nhân dân sẽ thực sự là của nhân dân nên sẽ không bắn vào người biểu tình. Lực lượng công an và quân đội hãy trở về với nghĩa vụ giúp đỡ và bảo vệ nhân dân, vốn đã sinh ra và nuôi nấng mình. Khi các cuộc biểu tình đã được đẩy lên ở mức cao tại các thành phố lớn, sẽ có sự tiếp sức của các tổ chức đấu tranh trong và ngoài nước, kêu gọi sự can thiệp của nước ngoài...”(4).
Thiết nghĩ, lược diễn đoạn văn trên như thế là tạm đủ, tạm “phản động cực kỳ”, tạm để cho chúng ta thấy Nguyễn Văn Minh đã làm khá tốt, khá tròn vai theo đơn đặt hàng, theo đúng quan điểm lập trường ở trên giao nếu chỉ đọc sơ qua với tâm lý khinh thường những tên báo nô, bồi bút. Bằng ngược lại, đọc với thái độ khách quan, muốn tìm hiểu xem Nguyễn Văn Minh nghĩ gì, viết gì sẽ thấy hành động kép (double action)lá trái lá phải trong hành động của Nguyễn Văn Minh: hành động thứ nhất là viết theo chỉ đạo vu khống, mạ lỵ những người đấu tranh cho dân chủ đúng bài bản với những con chữ đã qua sử dụng; hành động thứ hai là vạch ra những bước đấu tranh cụ thể của các lực lượng đấu tranh trong ngoài nước với những phương tiện kỹ thuật hiện đại giúp cách mạng hoa nhài thành công, chưa có bài báo lề phải nào chỉ dẫn phương pháp đấu tranh lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa rõ ràng, mạch lạc hơn Nguyễn Văn Minh.
Xét đến hành động thứ nhất, không có gì lạ, nó chỉ là bản văn đã qua sử dụng nhiều chục năm được nhào nắn, xáo trộn của nhiều thế hệ văn nô, bồi bút. Dường như, mọi người Việt Nam biết đọc chữ, ai cũng đã nhiều lần đọc qua, thậm chí thuộc lòng những con chữ đã qua sử dụng đó! Xét đến hành động thứ hai là bài báo được phổ biến công khai hợp pháp, phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân tình hình cách mạng thế giới liên quan đến Việt Nam và chưa có tổ chức đấu tranh nào có cơ hội, có đủ điều kiện phổ biến phương thức đấu tranh mới đến những người đấu tranh cho dân chủ lẫn những người chưa tham gia đấu tranh, Nguyễn Văn Minh đã làm được những việc mà các tổ chức đấu tranh chưa làm được là quảng bá phương thức đấu tranh mới đến mọi tầng lớp nhân dân, thật đáng khen!
Thế thì đọc nguyên bản và bản lược diễn bài báo của ông Nguyễn Văn Minh bạn đọc thấy như thế nào, có giảm bức xúc, bực bội hay tăng lên mức trầm trọng hơn? Dù thế nào đi nữa, dù tăng hay giảm bức xúc, bực bội trong lòng của mỗi người, vẫn không xoay chuyển được thời cuộc. Thôi thì, hãy cùng nhau góp ý, thảo luận, mổ xẻ nội dung bài viết, biết đâu ông Nguyễn Văn Minh cùng với các ông cùng nghề viết như ông Minh nghe được hay đọc được cảm nghĩ của các bạn đọc, rồi chuyển biến tư duy, nhận thức theo hướng tích cực hơn, tốt hơn. Cứ hành động để hy vọng, xin mời...
Chú thích:
1) Đừng Nhầm Lẫn Từ “Nhân Dân” Trong Hiến Pháp của Nguyễn Văn Quang.
2) Lời phát biểu của phó chủ tịch nước XHCNVN, bà Nguyễn Thị Doan.
3) Thư Gởi Chị Doan của Trần Thị Hường.
4) Lược diễn từ bài báo “ Cách Mạng Hoa Nhài, Hoa Sen- Chiêu Bài Và Ảo Vọng”của Nguyễn Văn Minh.
No comments:
Post a Comment