Trở Về Trang chính

Wednesday, November 23, 2011

Lễ Tạ Ơn Năm Nay 2011


Tác giả : Vi Anh
Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) năm nay 2011 là lễ Tạ Ơn thứ 36 của người Mỹ gốc Việt. Tạ Ơn năm nay người Mỹ gốc Việt vô cùng cảm động nhớ công ơn nhân dân và chánh quyền Mỹ tạo cơ hội cho người Mỹ gốc Việt phát triễn thành một cộng đồng vững mạnh, năng động, thăng tiến cần lao đồng tiến xã hội trong xã hội đa văn hóa, đa chủng tộc của Hiệp Chủng Quốc Hoa kỳ.
Thực vậy 36 năm nói thì nghe lâu nhưng chỉ là thời gian của hơn một thế hệ xã hội học một chút mà thôi. Nhưng nhờ chánh quyền Mỹ tự do, dân chủ, vì dân, do dân, của dân và nhân dân Mỹ với tinh thần xã hội cởi mở đa văn hóa, đa sắc tộc, người Mỹ gốc Việt đã lập được một kỳ tích; đó là cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Về dân số học, theo kết quả điều tra dân số năm 2010 của US Census Bureau, Cộng Đồng Người Mỹ Gốc Việt có 1,548,449 người, là một cộng đồng lớn hàng thứ tư trong khối người Mỹ gốc Á châu trong xã hội Mỹ. Tỷ lệ tăng dân số khá cao, trong 10 năm tăng khỏan nửa triệu người, cụ thể là 425,921 người, tức 38% dân số của người Mỹ gốc Việt. Cộng đồng Mỹ gốc Việt là một tập thể năng động, một cộng đồng trẻ hơn so tuổi trung bình toàn quốc. Người Mỹ gốc Việt là sắc dân nói tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ ở nhà nhiều hơn các sắc dân khác, kế cả người gốc Mễ. 68% là sinh ra ở ngoài Mỹ nhưng 73% đã vào quốc tịch Mỹ. Người Mỹ gốc Việt quần cư nhiều nhứt tại 10 quận mà ba quận đông người gốc Việt nhứt là ở TB California. Cali là tiểu bang có nhiều người Mỹ gốc Việt nhứt, nhì Texas, ba Washington State.

Lợi tức trung bình đồng niên là $59,000 so với $62,000 toàn quốc. Chỉ có 12% người Mỹ gốc Việt sống dưới mức nghèo khó của liên bang (năm 2011, mức đó là $22,350 dành cho một gia đình 4 ngưới).

65% gia đình Mỹ gốc Việt làm chủ căn nhà mình đang ở, so với 66% của toàn quốc. Cộng đồng Mỹ gốc Việt có trên 229,000 cơ sở thương mại, kinh doanh, doanh thu $28.8 tỷ một năm. Người Mỹ gốc Việt rất năng động chánh trị, ghi danh đi bầu đông và cao nhứt so với các sắc tộc Á châu khác.

Về tiến trình hình thành, cộng đồng người Mỹ gốc Việt là một cộng đồng chánh yếu tỵ nạn chánh trị, qua một cuộc di tản vô tiển khóang hậu, kéo dài nhiều năm, vượt biên bằng nhiều cách, làm rúng động lương tâm nhân lọai, được định cư tại nhiều quốc gia tự do, dân chủ. Cộng đồng người Việt ở nhiều nước cảm thấy thuộc về nhau, cùng chung nguồn gốc, lý tưởng dân tộc, nhân bản và , di sản là tự do, dân chủ, nhân quyền, liên lạc, nối kết nhau thành như một Việt Nam Hải ngọai.

Cộng đồng người Việt ở Mỹ là cộng đồng lớn nhứt ở hải ngọai, chiếm phân nửa dân số người Việt hải ngọai. Cộng đồng ở Mỹ lớn mạnh là do công lao của cả ba lớp người nhập lại, già, trung, trẻ chụm. Thế hệ thứ nhứt và một rưởi gạt nước mắt rời đất nước ra đi, mất tất cả, sự nghiệp, quê cha, đất tổ, họ hàng, bè bạn. Và thế hệ thứ hai may mắn hơn, đến Mỹ còn tuổi học học trò hay sanh trên đất Mỹ được hưởng nhiều cơ hội tiến thân. Nhưng cả ba lớp người ấy người Mỹ gọi là Vietnamese Americans, người Mỹ gốc Việt, và xếp vào trong khối sắc tộc thiểu số Asian Amereicans (người Mỹ gốc Á châu) đã đến Mỹ trước đó rất lâu.

Chữ Vietnamese Americans nhắc nhớ nguồn gốc VN, hồn quê nước nhà Việt Nam và căn cước tỵ nạn CS của người Mỹ gốc Việt. Một nước nhà xa nửa vòng Trái Đất, đang nằm dưới gông cùm CS. Một lý do chánh trị và chánh yếu để tỵ nạn CS.

Cái giá của tự do mà người Việt di tản ra đi để tìm tự do và phải trả – rất cao, cao lắm. Mắc hơn cái giá mà dân Pilgrims đã phải trả khi xuống tàu Mayfolowers vượt Đại Tây Dương đi tìm tự do tín ngưỡng. Vì trước khi ra đi người Pilgrims chỉ bị mất quyền tự do tín ngưỡng, vẫn còn có quyền sống, đi không cần trốn; còn người Việt mất tất cả : quyền tự do tín ngưỡng, quyền sống như một Con Người, mất quê cha đất tổ ngay trên quê hương, xứ sở của mình.

Ra đi phải trốn như người tội đồ của chế độ CS. Quân, dân, cán chánh bị CS gán cho cái án “Ngụy quân, Ngụy quyền” đi tù cải tạo không biết ngày về nhưng không hề xét xử. Miền Nam về kinh tế bị “cào bằng” cho ngang hàng với Miền Bắc xã hội chủ nghĩa qua bao nhieu đợt đổi tiền, đánh tư sản. Vì lẽ đó phải tìm đường sống trong cái chết: vượt biên tỵ nạn CS. Phong trào Thuyền Nhân VN chấn động lương tâm Nhân loại và bàng hoàng Thế giới Tự do. Không có tắm máu nhưng quá nhiều lệ rơi, căm hận, chết dần chết mòn vì CS Hà nội.

Mỹ là nước nhận cho người Việt tỵ nạn CS định cư nhiều nhứt. Do vậy đối với người Mỹ gốc Việt, ơn nghĩa của nước Mỹ dang tay ra cứu khổn phó nguy lớn lắm. Ơn của nhân dân, chánh quyền Mỹ đối với người Mỹ gốc Việt lớn lắm. Và người Việt, do bản chất trọng nghĩa nặng tình, cảm thấy bổn phận ơn đền nghĩa trả rất lớn.

Người Mỹ gốc Việt “Tạ Ơn Mỹ” đã cứu khổn phò nguy người Việt khi sa cơ thất thế. Trên thế giới này ít có nước nào sau gần 30 năm chiến tranh mà còn đưa những người con em của những quân dân cán chính VN Cộng Hoà đồng minh đến để giúp đỡ và tiếp tục đều đều cho những người định cư ở Mỹ bảo lãnh con cái qua để đoàn tụ gia đình.

Người Mỹ gốc Việt “Tạ Ơn Mỹ” đã giúp đỡ cho người Việt hoà nhập nhanh chóng vào cuộc sống của xã hội Mỹ nhưng không gò ép, đồng hoá người Việt thành “Mỹ Da Vàng”.

Người Mỹ gốc Việt “Tạ Ơn Mỹ” đã giúp người Việt ăn nên làm ra, an cư lạc nghiệp, tự do theo đuổi hạnh phúc của mình theo ý mình.

Người Việt gốc Mỹ “Tạ Ơn Mỹ” đã giúp giương cao ngọn cờ nền Vàng Ba Sọc Đỏ phất phới tung bay khắp cả chục tiểu bang, cả trăm thành phố, quân hạt và đang trên đà lan rộng ra ở nước Mỹ. Một sự thừa nhận về pháp lý cũng như thực tại như biểu tượng, chánh nghĩa, khát vọng tự do, dân chủ của người Mỹ gốc Việt.

Người Mỹ gốc Việt “Tạ Ơn Mỹ” đã đưa vấn đề Nhân Quyền VN vào chánh quyền liên bang. Biền Nhân quyền VN thành trở ngại trung tâm trong bang giao giữa Hà nội và Washington DC. Mỹ luôn luôn đối thọai nhân quyền và lên tiếng bảo vể nhân quyền VN, làm CS Hà nội rất bối rối.

Sau cùng, người Mỹ gốc Việt cũng như người Mỹ nói chung còn một Đại Trọng Ơn phải trả, một chánh nghĩa phải hoàn thành. Đó là ơn hai quốc gia dân tộc Mỹ-Việt đồng minh từng chiến đấu sát cánh bên nhau trong một chiến trường, trong Chiến tranh VN. Một cuộc chiến chưa thực sự chấm dứt; một kỳ vọng chưa đạt; một chánh nghĩa chung chưa thành; tự do, dân chủ, nhân quyền VN chưa có.

58,000 người quân nhân Mỹ, 300,000 quân nhân Việt và nhiều rất nhiều thường dân VN hy sinh và gấp ba lần số đó đã để lại một phần thân thể, chưa ngậm cười nơi chín suối. Ám ảnh Chiến tranh VN ngày xưa và đấu tranh cho chánh nghĩa tự do, dân chủ, nhân quyền VN ngày nay chưa giải tỏa.

Người Mỹ và người Việt chỉ thua một trận 30-4-1975, chớ chưa thua cuộc chiến tranh VN. Kể cả người Mỹ lẫn người Việt phải chiến thắng cho tự do, dân chủ, trong trận chiến sau cùng để Tạ Đại Ơn ấy, và để khép vĩnh viễn lại trang sử Chiến tranh VN và xoá đi ám ảnh hội chứng VN.

Đại Ơn ấy chỉ có thể trả xong khi người Mỹ lẫn người Việt cùng đấu tranh thành công cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN. Những giá trị đó cũng là lý tường lập quốc và chuẩn mực sinh hoạt dân chủ của Mỹ. Ngày đền đại ơn đó là ngày chế độ CS Hà nội độc tài, đảng trị không còn nữa và chánh quyền VN mới sau một cuộc bầu cử trong sạch, dân chủ, tự do – sẽ đại diện cho nhân dân và chánh quyền VN đích thân đến Quốc Hội Mỹ cám ơn nhân dân và chánh quyền Mỹ đã giúp cho VN có dân chủ tự do và nhân quyền.

Ngày đáp đại nghĩa đó là ngày lãnh đạo quốc gia Mỹ, đại diện nhân dân và chánh quyền Mỹ đích thân đến Quốc hội VN mới cám ơn nhân dân và chánh quyền vì dân, do dân, của quốc gia dân tộc dân VN đã giúp cho Mỹ xoá đi vĩnh viễn ám ảnh, hội chứng Chiến tranh VN và hoàn thành sứ mạng tự do, dân chủ có tính lịch sử lập quốc và truyền thống xã hội của Mỹ. Đó cũng là ngày Tết lớn nhứt của người Việt trong ngoài nước đoàn tụ nhau sau bao nhiêu năm xa cách dưới máy nhà VN, trong vòng tay trìu mến của Mẹ VN./.

No comments:

Post a Comment