Từ trước đến nay có nhiều ý kiến, nhận định, phản ứng đối với sự can thiệp trực tiếp về quân sự của Mỹ vào nam Việt Nam như sau:
-Năm 1965 Hoa Kỳ đưa 184.000 quân vào Việt Nam, năm 1966 tăng lên 385.000, năm 1967 lên 485.600…. tại Sài gòn có nhiều dư luận, bài báo chỉ trích chính phủ Thiệu Kỳ làm ngơ cho Mỹ đổ quân vào Việt Nam gây xáo trộn về kinh tế xã hội, lạm phát trầm trọng, chiến tranh leo thang… Báo chí và dư luận cũng chỉ trích các Tướng lãnh ươn hèn sợ Mỹ, làm ngơ cho họ xâm nhập trái phép vào nước ta.
-Miền Trung có phong trào nổi dậy lớn chống chính phủ, chống Mỹ năm 1966, đòi Mỹ rút quân, Sài gòn có nhiều cuộc biểu tình chống Mỹ, cho rằng họ đem chiến tranh tới miền Nam Việt Nam.
-Vài ngày sau 30-4-1975, một anh trung úy quân đội nhân dân anh hùng có ghé nhà tôi nói: Mỹ nó đem quân vào miền Nam, mới đầu nó cho ta hàng hóa, ti vi tủ lạnh, xe hơi… nhưng rồi nó sẽ khai thác lấy của cải vật chất của ta nó đem về. Môn Địa lý cho biết ta có nhiều mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ đồng, mỏ kẽm, mỏ dầu…
-Nhiều nhà sử gia Việt Nam cho rằng người Mỹ giết ông Diệm để đổ quân vào miền Nam vì ông chống không cho Mỹ đưa quân sang nước ta.
-Nhiều nhà chính trị gia cũng như các vị lý thuyết gia chính trị của Việt Nam chỉ trích Hoa Kỳ đem quân vào nước ta là thất sách, làm mất chính nghĩa. CS có cớ gia tăng xâm nhập miền Nam, vô tình Mỹ tạo chính nghĩa cho Bắc Việt đưa tới thất bại sụp đổ VNCH.
-Nhiều nhà chính trị gia, nhà báo… cho rằng Mỹ gây chiến tranh tại Việt Nam để bán vũ khí, có người cho họ tiêu thụ kho vũ khí tồn đọng từ Thế chiến thứ hai. Các nhà tư bản đã đầu tư hằng trăm tỷ đô la vào kỹ nghệ quốc phòng chế tạo súng đạn, tầu bay, tầu bò, tầu ngầm, tầu thủy…nay phải gây chiến tranh để bán vũ khí.
-Năm 1966, 1967… nhiều người nhận định Mỹ cố tình kéo dài chiến tranh để các nhà tài phiệt quốc phòng bán vũ khí, có nhiều người nói Mỹ giả vờ cù cưa chiến tranh để tìm cách bắt tay với Trung Cộng.
Nói chung các nguồn dư luận, những nhận định, phản ứng… kể trên đều vô căn cứ chỉ là những suy diễn như Tam quốc chí diễn nghĩa hay những lời bàn Mao Tôn Cương.
Thật ra năm 1965 Hoa Kỳ phải đem đại binh vào miền Nam vì tình hình khẩn trương về an ninh quân sự của ta thời ấy, nếu không đổ quân kịp thời VNCH đã bị mất về tay BV.
Năm 1964 tình hình chính trị miền Nam Việt Nam nhiễu nhương có khi gần như hỗn loạn vì khủng hoảng chính trị, các vị Tướng lãnh tranh quyền, hai tôn giao lớn tranh giành ảnh hưởng. CSBV thừa cơ nước đục thả câu, gia tăng xâm nhập miền Nam. Đầu năm 1965 những đơn vị chính qui, tổ chức qui mô đã được đưa vào Nam mở những cuộc hành quân xâm lược. Trung đoàn 95 BV đầu tiên xâm nhập tiến sát Kontum khoảng tháng 12-1964. Sau đó hai Trung doàn 32 và 101 cũng hiện diện tại đây khoảng tháng 2-1965. Mục tiêu của BV cô lập Quốc Lộ 19 rồi mở rộng cuộc tấn công cuối cùng của cuộc chiến như họ dự tính.
“Theo một bản thống kê cho thấy, đến giữa năm 1965, mỗi tuần lễ quân đội miền Nam mất đi một tiểu đoàn và một quận lỵ. Tình trạng quân sự ngày càng tồi tệ đến độ báo động. Đã đến lúc người Mỹ nghĩ rằng họ phải gửi những toán quân chiến đấu trên bộ để ngăn ngừa một cuộc sụp đổ của miền Nam VN. Tiếp theo đó là những lực lượng chiến đấu của các quốc gia trong khối tự do. Quân đội Mỹ bắt đầu mở những cuộc hành quân tìm và diệt vào tháng 8-1965. Quân đội miền Nam cũng chịu một thất bại vào cuối năm đó, khi SĐ 9 VC tái xuất hiện và đánh tan Tr/đoàn 7 thuộc SĐ5 tại đồn điền Michelin ở phía Bắc của Sài Gòn.
Kết quả của việc đưa quân và góp phần chiến đấu trực tiếp của quân đội Mỹ và các lực lượng Đồng minh, quân đội miến Nam đã lần lần lấy được thế cân bằng.
Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Trận Chiến Trong Mùa Lễ Phục Sinh 1972 trang 16, 17
Về điểm này Tướng bốn sao Wesmoreland, khi thôi giữ chực vụ Tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam năm 1969 đã nói trong một bản báo cáo dài.
“Ngày 6-4-1969 Tướng Wesmoreland, cựu Tổng Tư lênh quân đội Mỹ tại VN và Đô đốc Sharp cựu tổng tư lệnh Mỹ tại Thái bình dương công bố bản phúc trình 347 trang về chiến cuộc tại Việt Nam trong 4 năm chỉ huy. Theo các Tướng nếu Hoa Kỳ không đưa quân sang VN năm 1965 thì VNCH chắc đã mất trong thời gian 6 tháng; ngoài ra các Tướng nhấn mạnh sự bó tay của Bộ tư lệnh Mỹ trước chính sách chiến tranh hạn chế của TT Johnson và sự cấm đánh qua Mên và Lào” .
Đoàn Thêm, 1969 Việc Từng Ngày trang 117-118.
Suốt cuộc chiến tranh Quốc-Cộng từ đầu thập niên 60 cho tới 1975, quân đội CS miền Bắc luôn được viện trợ quân sự dối dào hơn miền Nam. Khối Cộng sản quốc tế Nga, Trung Cộng, Đông Âu đã viện trợ hết mình cho CSBV các loại vũ khí hiện đại. Bộ chính trị các nước CS muốn viện trợ cho đàn em bao nhiêu cũng được không cần phải đưa ra quốc hội. Viện trợ của chính phủ Mỹ cho miền Nam yếu hơn miền Bắc vì họ phải đưa ra Quốc hội, thường là bị cắt xén, có khi tới hơn 50% như sau Hiệp định Paris tháng 3-1973. Nhờ hỏa lực dồi dào năm 1965 họ đã chiếm được nhiều đất và thắng nhiều trận lớn tại miền Nam VN.
Năm 1965, thời kỳ cao điểm của thuyết Domino, chủ trương nếu mất Việt Nam, các nước lân bang và trong vùng Mên, Lào, Thái Lan, Miến Điện, Mã Lai, Nam Dương … sẽ mất theo như trong ván cờ domino. Thập niên 60 thuyết Dominbo được nhiều người tin tưởng, các Dân biểu, Thượng nghị sĩ có thế lực đều tin tưởng thuyết này. Theo thăm dò của viện Harris tháng 2-1965 đại đa số, 78% những người được hỏi nghĩ rằng nếu Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam sẽ khiến Đông Nam Á mất về tay CS, chỉ có 10% là không tin.
Thuyết Domino đã kêu gọi hành động. Tổng thống Johnson buộc phải đem đại binh sang Việt Nam năm 1965, không còn đường nào khác, và như thế lý thuyết này đã là động cơ thúc đẩy chính phủ Mỹ đổ quân vào miền Nam Việt Nam hồi đó (nguồn answer.com).
(Belief in the theory was also widespread outside the administration. Influential members of both houses of Congress made very strong statements about it. ….
…In a February 1965 Harris poll, an overwhelming majority (78 percent to 10 percent) said they believed that if the United States withdrew from South Vietnam, “the Communists would take over all of Southeast Asia.”The domino theory had always been a call to action. Lyndon Johnson felt in 1965 that he had no choice but to make an actual commitment of large-scale combat forces to Vietnam, and the fact that the domino theory said this commitment was necessary was an important part of his motive - answer.com).
Hoa Kỳ đưa quân sang Việt Nam tham chiến dĩ nhiên vì quyền của họ trước nhất, mất Việt Nam sẽ mất Đông Nam Á, an ninh của Hoa Kỳ bị đe dọa, họ chủ trương đẩy lùi biên giới nước Mỹ với CS xa hơn. Ta thường gọi nôm na môi hở răng lạnh, mất Việt Nam Hoa Kỳ sẽ phải đương đầu với những thử thách khác lơn hơn thế.
Những phong trào chống Mỹ, chống chính phủ Thiệu Kỳ năm 1966 tin rằng nếu Mỹ rút quân thì CS sẽ rút về Bắc là hoàn toàn ngây thơ không hiểu gì về CS. Ngay từ hồi cướp chính quyền tại Hà Nội, Hồ chí Minh đã nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Sau này Lê Duẫn đã tiết lộ y sẵn sàng nướng thếm vài triệu cán binh để giải phóng miền Nam. Sống chết họ cũng phải chiếm cho được vựa lúa miền Nam.
Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Việt Nam (536 ngàn người năm 1968) khiến chúng ta bị mất chủ quyền, nhưng đó là việc chẳng đặng đừng, mất chủ quyền vẫn còn hơn mất nước. Khi Mỹ vào Việt Nam người ta than bị mất chủ quyền, nhưng khi họ rút đi lại nói “Đồng minh tháo chạy” !
Nhiều người kết án Mỹ gây chiến tranh để tư bản bán vũ khí nhưng bán cho ai? Bán cho nước nghèo Việt Nam Cộng Hòa những hàng quân sự, đáng giá hàng chục, trăm tỷ Mỹ kim? Bán cho chính phủ Mỹ? hành pháp Mỹ muốn mua bao nhiêu vũ khí cũng được? không phải xin phép Quốc hội? đó chỉ là chuyện diễu!
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng Mỹ gấy chiến để tiêu thụ kho vũ khí khổng lồ còn tồn đọng từ Thế chiến thứ hai! Trên thực tế kho vũ khí ấy đã được Mỹ viện trợ cho Pháp xử dụng trong cuộc chiến tranh 1946-54 để đánh Việt Minh nhưng đối với cuộc chiến Việt Nam những năm 1965, 66, 67…nó đã lỗi thời chỉ để trang bị cho nhân dân tự vệ.
Nhiều dư luận cho rằng người Mỹ không cần đem quân sang Việt nam cho mất chính nghĩa, chỉ cần họ viện trợ đầy đủ hỏa lực cho miền Nam chúng ta có thể thắng được CS. Thực tế cho thấy, qua những cuộc chiến tranh lớn từ Thế chiến thứ hai, chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam, Afghanistan, Iraq người Mỹ đã có truyền thống đích thân đem quân sang tham chiến, viện trợ chỉ là phụ. Họ có chủ trương đường lối riêng của họ, ta không thể yêu cầu họ làm khác hơn được.
Việc Mỹ kéo dài chiến tranh những năm giữa thập niên 60 không phải dể bán vũ khí hoặc để tìm cách bắt tay với Trung Cộng như nhiều lời bàn suy diễn mà thực ra có sự sai lầm về chiến thuật chiến lược của chính phủ Johnson. Chiến tranh kéo dài không phải do Mỹ cố tình cù cưa như nhiều người nghĩ, thực ra do sự lì lợm và liều lĩnh của CSBV
“Trong ba năm 66-67, CSBV đã thiệt mạng khoảng 344,000 người nhưng quân số của họ vẫn tiếp tục gia tăng từ 180,700 người trong năm 1964 lên đến 261,500 người trong năm 1967. Điền này có nghĩa là chẳng những CS đã thay thế được số thiệt hại mà lại còn gia tăng thêm quân số”
Nguyễn Đức Phương. Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 32.
Trước sự liều lĩnh, thí quân điên cuồng của CSBV, người Mỹ bắt đầu run sợ, BV sẵn sang chấp nhận tỷ lệ lấy 16 mạng cán binh để đánh đổi lấy một mạng Mỹ. Cho tới năm 1967, CSBV đã mất trên 300 ngàn người, Mỹ tổn thất khoảng 19 ngàn người. BV tiếp tục đánh thí quân như thế thì số tổn thất của Mỹ sẽ tăng lên 50 ngàn, 70 ngàn hoặc 100 ngàn người trong khi phong trào phản chiến tại Mỹ đang chống đối mạnh và biểu tình ầm ĩ.
Tháng 4-1969 Tướng Wesmoreland và Đô đốc Sharp tố cáo Bộ trưởng quốc phòng McNamara đã giới hạn các mục tiêu tấn công, oanh tạc miền Bắc, chỉ trích chính sách chiến tranh hạn chế của chính phủ Johnson không cho đánh vào hậu cần của địch bên kia biên giới Mên Lào…khiến ta không thể thắng được CS. Sau này TT Nixon chỉ trích chiến tranh giới hạn của Johnson khi vị Tổng thống này không xử dụng hết sức mạnh của quân lực Hoa kỳ đối với CS mà chỉ “đánh cho nó sợ”. Đường lối chính sách hù dọa này chỉ cho đối phương thấy cái giá phải trả phải để họ phải rút về Bắc từ, bỏ cuộc chiến xâm lược. Hậu quả là đối phương vẫn ngoan cố, không đếm xỉa gì tới lời kêu gọi đàm phán.
Trong No More Vietnams, Nixon chỉ trích Johnson-McNamara ngây thơ không hiểu nhiều về CS, theo ông ta phải dùng sức mạnh tối đa để lôi cổ bọn ngoan cố vào bàn hội nghị, buộc họ phải nghiêm chỉnh đàm phán chứ không năn nỉ mơn trớn họ một cách vô ích. Nixon cứng rắn và cương quyết nhưng không gặp thời như Johnson, khi ông lên nhậm chức năm 1969 thì gió đã đổi chiều, phong trào phản chiến lên cáo tột đỉnh, cử tri và Quốc hội thúc ép hành pháp phải tranh thủ rút quân bỏ Đông dương.
Nếu Nixon làm Tổng thống trong nhiệm kỳ 1965-1968, có thể sẽ sẩy ra hai trường hơp: chiến tranh Việt Nam sẽ bùng nổ lớn như tại Triều Tiên vì nó lôi cuốn Trung Cộng vào vòng khói lửa, hoặc CSBV sẽ từ bỏ cuộc chiến xâm lược khi đã nếm mùi sức mạnh của hỏa lực Mỹ.
Sai lầm lớn nhất của Johnson khi trao hết quyền hành quốc phòng cho McNamara, một con người độc đoán, chủ quan khiến các giới chức quân sự cao cấp Bộ Quốc phòng bất mãn ngay từ khi ông mới nhậm chức. Độc đoán lại không có kinh nghiệm và kiến thức quân sự, ông đã bị các Tướng lãnh khinh thường, họ cho rằng McNamara chỉ là tay mơ chẳng biết gì về quân sự, quốc phòng. Ông ta gốc gác là nhà quản trị thương mại, không biết gì về quân sự, quốc phòng.
Kế hoạch hạn chế của cặp McNamara -Johnson thất bại, nó chỉ khiến cho cuộc chiến kéo dài thêm và nuôi dưỡng phong trào phản chiến lên cao làm tiêu tan mọi nỗ lực đưa tới sụp đổ dần dần. Người Mỹ thua trận vì cuộc chiến tại đất nhà, war at home chứ không phải thua tại chiến trường Việt Nam. Sau trận Mậu Thân 1968 tỷ lệ ủng hộ cuộc chiến tụt thang nhanh chóng, phản chiến lên thật cao. BV thừa cơ nước đục thả câu tiếp tục đẩy thanh niên vào chỗ chết để hoàn thành giấc mộng xâm lăng.
Dần dần thuyết Domino không được người dân Mỹ tin tưởng như trước. Khi ủng hộ chính phủ đem quân cứu miền Nam Việt Nam người ta nghĩ nó sẽ được cứu với cái giá “vừa phải”, nay giá “vừa phải” đã bị vượt quá lên trên 500 ngàn quân thì số người ủng hộ tụt thang thê thảm . Năm 1968 vẫn còn có người tin vào thuyết Domino nhưng ít hơn thập niên 60 rất nhiều.
(But as the scale of the war expanded during the following years, belief in the theory faded. People endorsed the theory only if they were willing to endorse the commitment of enough resources to save South Vietnam, and as the definition of “enough” expanded to 500,000 men and beyond, the number of people willing to endorse the commitment shrank dramatically. There were still believers in the domino theory in 1968, but far fewer than there had been in the early 1960s — answer.com)
Sự thực thuyết Domino đúng từ giữa thập niên 60 trở về trước, đó là thời kỳ cao trào của thuyết Domino (High Tide of the Domino Theory). Năm 1965 Nixon (chưa làm Tổng thống) có nói nếu Việt Nam mất Đông nam Á cũng sẽ mất theo vì thấy VN mất họ nghĩ CS sẽ thắng thế, sẽ ngả theo CS trước khi CS chiếm họ.
(Richard Nixon, the future president, said in January 1965 that “if Vietnam is lost, all of Southeast Asia is lost.” If the people of Southeast Asia decided, because of events in Vietnam, that the wave of the future was communism, “they are going to go Communist before the wave engulfs them.”– answer.com)
Nhưng sau này từ 1967, 68… trở đi nó dần dần không còn giá trị, Nga -Tầu ngày càng chia rẽ, coi nhau như kẻ thù, CS Tầu không còn là mối đe dọa như trước nữa.
Khi thuyết Domino còn đúng thì cả nước Mỹ rét run lên vì sợ CS chiếm Đông nam Á, gần 80% dân Mỹ và lưỡng viện Quốc hội thúc dục chính phủ đổ quân vào Việt Nam năm 1965 để cứu nguy Đông nam Á. Nhưng khi CS không còn là mối đe dọa thì họ chế diễu thuyết Domino là sai, zổm (Also, the theory was openly derided by many, unlike several years before.). Đầu thập niên 70, người dân biểu tình chống phá chính phủ dữ dội, đòi rút quân về nước bỏ Việt Nam, bỏ Đông Dương.
Sinh mạng của cả Đông Dương đã nằm trong tay những cử tri phản chiến của nước Mỹ. Hậu quả như ta đã thấy Quốc Hội Hoa Kỳ bị thúc ép, đã cắt giảm quân viện tới xương tủy để bức tử VNCH năm 1975.
Có thể nói Johnson-McNamara là hai nhà lãnh đạo chịu trách nhiệm nặng nề nhất cho sự sụp đổ Đông Dương sau này vì đường lối chính sách sai lầm của họ. Johnson đã được cả thiên thời địa lợi, nhân hòa, được Quốc hội cho tăng quân đều đều từ 184 ngàn người năm 1965 lên 536 ngàn năm 1968 nhưng đã không thắng được cuộc chiến tại Việt nam.
Hoa Kỳ đổ quân vào Việt Nam 1965 vì sợ tình huống môi hở răng lạnh, họ vì quyền lợi của chính họ nhưng cũng nhờ đó mà mình lai rai sống thêm được mười năm nữa cho tới tháng tư năm 1975.
Trước sau thì cũng chết nhưng ta cứ lai rai sống thêm được ngày nào hay ngày nấy.
© Trọng Đạt
Nguồn : http://www.danchimviet.info/archives/46072
————————————————
Tham Khảo
answer.com/topic/domino-theory: Domino theory.
spartacus.schoolnet.co.uk/cold.domino.htm: Domino theory.
Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war.
Google: Research at the National Archives, Statistical information about casualties of the Vietnam war.
Thomas W. Lippman: McNamara, Architect of the Vietnam War, Dies at 93, Source: Washington Post, July 6, 2009, Wikipedia.
Richard Nixon: No More Vietnams, Arbor House, New York 1985.
The Word Almanac Of The Vietnam War: John S. Bowman – General Editor, A Bison-book 1985
Stanley Karnow: Vietnam, A History, A Penguin Books 1991.
Marilyn B. Yuong, John J. Fitzgerald, A. Tom Grunfeld: The Vietnam War, A history in documents, Oxford University Press 2002.
Ngô Quang Trưởng: Trận Chiến Trong Mùa Phục Sinh Năm 1972, Trung Tâm Quân Sử Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, bản dịch của Kiều Công Cự, xuất bản 2007
Đoàn Thêm: 1969 Việc Từng Ngày, Xuân Thu
Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.
Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hòa, Vietnambibliography, 2003.
Nguyễn Kỳ Phong: Vũng Lầy Của Bạch Ốc, Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam 1945-1975, Tiếng Quê Hương 2006
Nguyễn Tiến Hưng: Khi Ðồng Minh Tháo Chạy, Hứa Chấn Minh, 2005.
No comments:
Post a Comment