Trở Về Trang chính

Friday, November 18, 2011

Bà Aung San Suu Kyi cùng đối lập Miến Điện trở lại đấu trường chính trị

Bà Aung San Suu Kyi và các cảm tình viên Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ Quốc hôm 14 tháng 11 nhân kỷ niệm 1 năm bà được tự do.

Bà Aung San Suu Kyi và các cảm tình viên Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ Quốc hôm 14 tháng 11 nhân kỷ niệm 1 năm bà được tự do. REUTERS/Soe Zeya Tun

Tú Anh

Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, bị chính quyền Miến Điện giải thể hồi năm ngoái, đã quyết định trở lại chính trường. Đây là một biến chuyển vô cùng quan trọng,một sự lựa chọn cơ bản sẽ mang lại lợi ích cho lãnh đạo đối lập Aug San Suu Kyi, cho chính quyền và cho nhân dân quốc gia Đông Nam Á này trong niềm hy vọng dân chủ.

Phải chăng ngọn gió tự do đang thổi qua Miến Điện ? Cách nay 20 năm, vào năm 1990, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã làm cho toàn thế giới biết tiếng tâm khi giành được chiến thắng vẽ vang trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên với 80% ghế dân biểu.

Chiến thắng này không bao giờ được các tướng lãnh cầm quyền chấp nhận và đến năm 2010 vừa qua thì Liên đoàn bị giải thể sau khi quyết định tẩy chay bầu cử quốc hội cùng năm. Trong cuộc tranh đấu buộc chế độ phải công nhận tính chính đáng, đối lập Miến Điện phải trả giá bằng nhiều gian nan, bản thân lãnh đạo Aung San Suu Kyi ngồi tù hoặc bị quản chế hơn 15 năm.

Thế nhưng, giờ đây trước những « động lực bình thường hóa » đang diễn ra trong nội tình Miến Điện và tại khu vực, đối lập Miến Điện đã nhanh chóng thay đổi chiến thuật.

Trong cuộc họp ngày hôm nay, ban chấp hành trung ương của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ quyết định trở lại chính trường, đăng ký hợp thức hóa tổ chức và tham gia tranh cử 48 ghế dân biểu còn thiếu. Giải Nobel hòa bình 1991 kêu gọi các thành viên đối lập tranh cử tại mọi đơn vị và gián tiếp cho biết chính bà cũng sẽ tranh cử. Quyết định của đối lập rất có thể sẽ tạo ra một bước biến chuyển triệt để, một làn gió mới, trong sinh hoạt chính trị của Miến Điện.

Trong những tháng qua, nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền Miến Điện do Tổng thống Thein Sein lãnh đạo tiến vào con đường đổi mới, tôn trọng đối lập, biết lắng nghe nguyện vọng của dân và những lời khuyến khích của quốc tế để thoát khỏi tình trạng cô lập đã làm kinh tế kiệt quệ.

Theo giới phân tích, khi quyết định trở lại đấu trường chính trị , đối lập Miến Điện nắm bắt thời cơ có một không hai. Chuyên gia Renard Egreteau thuộc đại học Hongkong nhận định là bà Aung San Suu Kyi trở lại chính trường là do có sáng kiến chủ động mời gọi của tổng thống Thein Sein khi tiếp kiến bà, để cho bà tự do đi lại và phát biểu. Đổi lại, lãnh đạo đối lập cũng tỏ ra quyền biến sẵn sàng nắm bàn tay hòa giải của chế độ.

Chuyên gia Pavin Chachavalpongpun thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nhận định một cách dứt khoát : « Aung San Suu Kyi phục hồi vai trò chủ yếu và đây chính là điều quan trọng ». Theo chuyên gia này, thì người Miến Điện đã thụ đắc được ít nhiều ý thức chính trị. Họ hiểu ra rằng ngoài bà Aung San Suu Kyi, không một đảng nào khác đại diện tiếng nói của họ.

Vấn đề đặt ra là chính quyền dân sự, vẫn bị các tướng lãnh già nua canh chừng, sẽ chấp nhận cởi mở đến giới hạn nào trong trường hợp lãnh đạo đối lập thu hút được đại đa số dân chúng ?

Dù sao thì « chiến dịch đổi mới » này đã mang lại thành quả cho cả đôi bên. Tổng thống Obama, trên chuyến bay của Air Force One, đưa ông từ Úc sang Bali dự hội nghị Thượng đỉnh Đông Á đã điện đàm với bà Aung San Suu Kyi và ngay sau đó thông báo gởi ngoại trưởng Hillary Clinton đến Miến Điện vào tháng tới.

Tại Bali, Asean cũng thông báo trao cho Miến Điện vai trò chủ tịch luân lưu nhiệm kỳ 2014. Giai đọan kế tiếp là Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận nhưng Tổng thống Mỹ đặt điều kiện tiên quyết là Miến Điện phải trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị.

No comments:

Post a Comment